Phỉ Báng, Mạ Lị Kéo Dài Hơn Nửa Thế Kỷ

0
2511

Phan Quang Tuệ

(Một thân hữu chuyển đến tôi một bài đề ngày 19 tháng 6, 2023, ký tên Bằng Phong Đặng Văn Âu, trong đó có đề cập đến Bác sĩ Phan Quang Đán “ dù không bị Công an đánh đập, đã khóc sướt mướt” trong phiên xử của Toà Quân Sự Đặc Biệt tháng 7, 1963. Theo bài viết, sự việc này đã được thâu băng nhưng bị Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Cố Vấn Ngô Đình Nhu gạt đi không cho sử dụng vì “không muốn hạ nhục giới trí thức” như những người Cộng sản. Bài viết còn thêm là Bác sĩ Phan Quang Đán từng là “chủ tịch của Hội sinh viên công giáo Việt Nam thời học ở Mỹ.” Nhận thấy sự phỉ báng bỉ ổi này kéo dài đã quá lâu nên tôi buộc lòng viết vài dòng để tránh rơi vào tình trạng rằng im lặng là công nhận và đồng tình với sự bịa đặt.)Tôi là trưởng nam của Bác sĩ Phan Quang Đán. Kế tôi là một người em, cố Đại Uý Không Quân Phan Quang Tuấn đã bỏ mình trên không phận Cam Lộ, Quảng Trị trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Đây là một mất mát đau đớn cho gia đình họ Phan chúng tôi. Thân phụ của hai anh em tôi đã qua đời gần 20 năm. Năm nay 81 tuổi, tôi là một thẩm phán về hưu thuộc Toà Án Di Trú Liên Bang tại San Francisco. Tuy đối tượng trực tiếp của sự phỉ báng ở đây là thân phụ tôi, thanh danh của anh em chúng tôi, và con cháu, lại là nạn nhân gián tiếp.Hệ thống luật pháp Anh-Mỹ La Tinh có một thủ tục tố tụng thông dụng gọi là “Voir Dire”. Tạm dịch là phối kiểm tư cách nhân chứng. Thủ tục này giúp toà án phối kiểm tính cách vô tư và khách quan của những người được đề cử vào bồi thẩm đoàn. Toà án cũng xử dụng thủ tục này như một cán cân hay thước đo mức độ khả tín của các nhân chứng. Đặc biệt trong lãnh vực lượng giá một nhân chứng chuyên môn, toà sẽ dựa vào tiểu sử, lời khai, trước khi quyết định mức độ khả tín, thẩm quyền về nội dung, và tư cách của một nhân chứng chuyên môn (expert witness). Một cách tổng quát, một nhân chứng có lời khai dựa trên những điều trực tiếp tai nghe, mắt thấy, sẽ được đánh giá cao hơn một nhân chứng chỉ dựa theo những gì được nghe kể lại (hearsay evidence). Một thí dụ khác là trường hợp một người thất nghiệp lâu năm lại được gọi làm nhân chứng để khai về tính cách siêng năng cần có trong công ăn việc làm. Lời khai của nhân chứng này hẳn nhiên sẽ không được xem là khả tín.“Voir Dire” đã là đề tài của phim “My Cousin Vinny”, một phim ra đời từ năm 1992 với tài tử nổi tiếng Joe Pesci. Vai chính trong phim, Luật sư mới hành nghề Vinny Gambini, đã lần lượt loại bỏ 4 nhân chứng với kỹ thuật cross-exam từ thủ tục voir dire và thắng một vụ án hình tại một toà án nhỏ ở tiểu bang Alabama.Toà Án Quân Sự Đặc Biệt xử vụ 11-11-60 từ ngày 9 đến ngày 11 tháng 7, 1963. Tổng cộng 35 bị can dân sự bị truy tố. Nhưng vì Nhà Văn Nguyễn Tường Tam đã tự sát nên số bị can dân sự còn lại 34 người. Sau hơn 2 ngày xét xử, Toà tuyên án 8 năm cấm cố cho Ông Phan Khắc Sửu, 7 năm cấm cố với Ông Phan Quang Đán. Hai ông Vũ Hồng Khanh và Bùi Lượng mỗi người bị 6 năm. Số còn lại bị án từ 5 năm cấm cố trở xuống và 14 người được trả tự do. Trước đó 19 sĩ quan và binh sĩ đã bị xét xử trong một phiên toà riêng biệt.Phiên toà xử các bị can dân sự được nhóm công khai mặc dù sự ra vào được kiểm soát an ninh gắt gao hơn ngày thường. Lúc ấy tôi là sinh viên Luật năm thứ hai và tham dự ngay từ đầu.Phòng xử luôn luôn chật ních. Ngoài 34 bị can còn có gia đình thân nhân. Thêm vào đó, hầu như tất cả luật sư chính thức, tập sự thuộc Luật Sư Đoàn Sài Gòn đều có mặt. Nhân viên Toà Thượng Thẩm, Sơ Thẩm trong Pháp Đình đều tìm cách có mặt để quan sát vì tò mò và vì tính cách đặc biệt cùa phiên toà. Và quan trọng hơn cả là sự có mặt của rất đông phóng viên báo chí trong nước và quốc tế. Hầu như tất cả mọi người đều phải đứng. Và theo như quan sát và tường thuật cùa tất cả mọi người hiện diện, không có ai trong các bị can đã “khóc lóc sướt mướt” trong suốt phiên toà hơn hai ngày. Trước khi Toà tuyên án, các bị can được phép nói lời cuối. Chỉ có 4 bị can nói lời cuối cùng và xin khoan hồng. Trong số 4 người này không có Bác sĩ Phan Quang Đán.Sự việc chỉ có như vậy, và đã xẩy ra vào tháng 7 năm 1963, gần như đúng 60 năm. Đi vào thêm chi tiết về việc có khóc hay không có khóc trở thành câu chuyện buồn cười , vốn đã không đúng đắn ngay từ đầu. Nhưng thản nhiên ghi lại và phổ biến một cách tuỳ tiện một sự việc bịa đặt trong khi chính bản thân mình không có mặt rõ ràng là hành vi ác ý, bất xứng, đáng phỉ nhổ. Ở phần trên tôi có nhắc đến đoạn người viết ghi thêm là Bác sĩ Phan Quang Đán là “chủ tịch Hội sinh viên công giáo Việt Nam thời học ở Mỹ”. Thân phụ tôi theo Phật giáo và không hề làm chủ tịch hội sinh viên công giáo nào cả.Tôi viết bài này không phải để biện hộ cho lý lịch hay biện minh cho khí tiết của thân sinh. Cuộc đời của ông là bản tự truyện hùng hồn nhất. Tốt nghiệp y khoa tại Hà Nội, Sorbonne, Harvard, ông có thể hành nghề tại Pháp, Hoa Kỳ, Phần Lan, và nhiều nơi khác. Ông đã chọn Khánh Hội, và Bà Chiểu để mở phòng mạch. Từ thuở còn là sinh viên y khoa, ông đã tổ chức Đoàn Khất Thực thời nạn đói Ất Dậu, lãnh đạo Phong Trào Ngũ Xã chống cộng sản Việt Minh, chủ biên báo Thiết Thực, Bình Minh. Ông từng là Cố Vấn cho Cựu Hoàng Bảo Đại, Bộ Trưởng Thông Tin thời Chính Phủ Nguyễn Văn Xuân. Ứng cử Dân Biểu, Hội Đồng Tỉnh, Phó Tồng Thống liên danh Phan Khắc Sưũ. Quốc Vụ Khanh, Tổng Trưởng Xã Hội, Phó Thủ Tướng Khẩn Hoang Lập Ấp kiêm Tổng Trưởng Xã Hội. Thời Đệ Nhất Cộng Hoà, đắc cử dân biểu với số phiếu cao nhất trên toàn quốc nhưng bị huỷ bỏ. Viết báo đối lập, nhà cửa và phòng mạch bị đập phá. Bị bắt, tra tấn và giam cầm, tuyên án 7 năm cấm cố. Từ Đoàn Khất Thực năm 1945 đến năm 1975, Ông đã điều khiển các chương trình cứu trợ tỵ nạn trong nước cũng như hồi hương từ Cam Bốt. Chức vụ sau cùng của Ông sau 1975 là Giám Đốc Bệnh Viện tại St. Thomas, Virgin Islands.

Có 3 lý do khiến tôi gióng lên tiếng chuông này. Trước tiên, như đã nói, im lặng có thể bị xem là chấp nhận. Thứ hai, nếu tôi không nói thì ai nói. Và sau cùng, nếu không nói bây giờ, biết đến bao giờ.

Phan Quang Tuệ

Danville, California

Ngày 22 tháng 6, 2023.