Valeria Marquez, một người nổi tiếng trên TikTok chuyên về làm đẹp, đã bị bắn chết khi đang phát trực tiếp từ tiệm làm đẹp của cô tại Zapopan, Mexico. Khi đó, cô đang trò chuyện với người theo dõi thì có người đến cửa đưa một gói hàng nhỏ.
“Đó là một chú heo con dễ thương!” — cô gái 23 tuổi vui vẻ thốt lên khi quay lại với khán giả, mở hộp quà chứa một con thú nhồi bông, nở nụ cười tươi và hất mái tóc vàng dài ra sau vai.
Chỉ vài giây sau, cô bị sát hại, gục xuống trên ghế với vũng máu lan trên bàn, trong khi buổi livestream vẫn tiếp tục. Cảnh quay chỉ dừng lại khi có người khác nhặt điện thoại lên, gương mặt họ hiện thoáng qua trên màn hình.
Theo văn phòng Tổng chưởng lý bang Jalisco, Marquez bị một người đàn ông đột nhập vào tiệm và bắn chết. Vụ việc đang được điều tra như một trường hợp nữ quyền sát – tức là giết hại phụ nữ vì lý do liên quan đến giới tính.
Cái chết của Marquez — một nhân vật công chúng có hơn 100.000 người theo dõi trên Instagram — đã gây chấn động ở Mexico, nơi từ lâu đã phải đối mặt với tỷ lệ giết người và bạo lực giới cao.
Chỉ vài ngày trước đó, một nữ ứng cử viên thị trưởng tại bang Veracruz cũng bị bắn chết trong lúc đang livestream, cùng với ba người khác.
Dù không phải tất cả các vụ giết phụ nữ đều bị xếp vào loại “femicide”, nhưng một tỉ lệ lớn trong số đó là như vậy. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, vào năm 2020, cứ bốn vụ giết phụ nữ ở Mexico thì có một vụ được điều tra như một vụ nữ quyền sát, với các trường hợp được ghi nhận ở cả 32 bang trên toàn quốc.
Theo số liệu chính phủ Mexico, trong năm ngoái có 847 vụ femicide được báo cáo trên toàn quốc — và chỉ trong ba tháng đầu năm nay đã có 162 vụ.
Phản ứng của Mexico trước các vụ giết người, đặc biệt là với phụ nữ, bị đánh giá là thiếu quyết liệt. Các tổ chức nhân quyền cho rằng quá ít vụ án được điều tra dẫn đến truy tố hình sự.
“Vào năm 2022, khoảng 4.000 phụ nữ đã bị giết tại Mexico, chiếm 12% tổng số vụ giết người trong năm đó,” bà Juanita Goebertus, Giám đốc khu vực Châu Mỹ của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) nói với CNN. “Tỷ lệ các vụ án được đưa ra xét xử chỉ ở mức khoảng 67%.”
Theo bà Goebertus, thách thức lớn nhất hiện nay là tăng cường năng lực điều tra của cơ quan chức năng và bảo vệ nhân chứng cũng như các nạn nhân.
Nguồn cnn