Thỏa thuận của Meta nhằm hồi sinh một nhà máy điện hạt nhân ở Illinois là một cách để phát tín hiệu rằng công ty mẹ của Facebook và Instagram đang chuẩn bị cho một tương lai được xây dựng bằng trí tuệ nhân tạo (AI).
Thỏa thuận kéo dài 20 năm của Meta với Constellation Energy nối tiếp các động thái tương tự từ Amazon, Google và Microsoft, nhưng sẽ mất nhiều năm trước khi năng lượng hạt nhân có thể đáp ứng được nhu cầu khổng lồ về điện của ngành công nghệ.
AI tiêu tốn lượng năng lượng khổng lồ, phần lớn hiện nay vẫn đến từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch – nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Sự bùng nổ bất ngờ của các sản phẩm AI tạo sinh trong vài năm qua đã làm đảo lộn nhiều kế hoạch của các công ty công nghệ trong việc chuyển sang các nguồn năng lượng không gây ô nhiễm.
Ngay cả khi Meta hướng đến năng lượng hạt nhân trong tương lai, thì các kế hoạch gần nhất của họ lại dựa vào khí đốt tự nhiên. Công ty Entergy – một trong những nhà cung cấp điện lớn nhất nước Mỹ – đang đẩy nhanh kế hoạch xây dựng các nhà máy điện chạy bằng khí đốt ở Louisiana để phục vụ cho tổ hợp trung tâm dữ liệu khổng lồ của Meta.
Mỹ đã sẵn sàng cho một tương lai AI chạy bằng năng lượng hạt nhân chưa?
Pháp đã quảng bá nguồn điện hạt nhân dồi dào của họ – chiếm khoảng 75% lượng điện của cả nước, mức cao nhất thế giới – như một yếu tố then chốt để trở thành quốc gia dẫn đầu về AI. Khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh về AI ở Paris hồi đầu năm nay, Tổng thống Emmanuel Macron đã nhắc lại khẩu hiệu “khoan đi, khoan nữa” của ông Donald Trump, rồi nói thêm một câu mới: “Ở đây không cần khoan, chỉ cần cắm là chạy!”
Tuy nhiên, ở Mỹ, phần lớn điện năng tiêu thụ tại các trung tâm dữ liệu vẫn đến từ nhiên liệu hóa thạch – như khí đốt và thỉnh thoảng cả than đá – theo báo cáo tháng 4 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Khi nhu cầu AI tăng cao, nguồn cung điện chính trong những năm tới vẫn chủ yếu là các nhà máy chạy bằng khí đốt – một nguồn điện rẻ, ổn định nhưng lại phát thải khí nhà kính.
Các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió hiện chỉ chiếm khoảng 24% điện năng cho trung tâm dữ liệu tại Mỹ, còn năng lượng hạt nhân chiếm khoảng 15%, theo IEA. Sẽ mất nhiều năm nữa thì các nguồn điện thân thiện với khí hậu – kể cả điện hạt nhân – mới có thể giúp làm chậm lại sự mở rộng của các nhà máy điện nhiên liệu hóa thạch.
Một báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ cuối năm ngoái ước tính rằng nhu cầu điện cho các trung tâm dữ liệu ở Mỹ đã tăng gấp ba lần trong thập kỷ qua, và có thể tiếp tục tăng gấp đôi hoặc gấp ba lần nữa vào năm 2028 – khi đó, chúng có thể tiêu thụ tới 12% tổng điện năng của cả nước.
Vì sao AI cần nhiều điện đến vậy?
Để tạo ra một chatbot AI cùng với các hệ thống như Llama của Meta, cần một lượng lớn sức mạnh tính toán. Mọi chuyện bắt đầu với quá trình gọi là huấn luyện (training hoặc pretraining – chữ “P” trong ChatGPT), trong đó hệ thống AI “học” từ các mô hình dữ liệu khổng lồ. Để thực hiện điều đó, nó cần các chip máy tính chuyên dụng – thường là chip đồ họa (GPU) – có thể xử lý hàng loạt phép tính cùng lúc trong một mạng lưới máy móc được kết nối với nhau.
Sau khi đã được huấn luyện, một công cụ AI tạo sinh vẫn cần điện để hoạt động – ví dụ khi bạn yêu cầu chatbot soạn một văn bản hoặc tạo ra một hình ảnh. Quá trình này gọi là suy diễn (inferencing), nơi mô hình AI sử dụng kiến thức đã học để xử lý dữ liệu mới và đưa ra câu trả lời.
Tất cả những tính toán đó tiêu tốn rất nhiều điện và sinh ra nhiều nhiệt. Để giữ cho hệ thống hoạt động ổn định, các trung tâm dữ liệu cần dùng điều hòa – vốn cũng tiêu thụ thêm điện. Vì vậy, hầu hết các trung tâm hiện nay còn dùng thêm kỹ thuật làm mát bằng nước để giảm tải cho hệ thống điện.
Ny (Theo AP)