Lần đầu tiên Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu đồng tình loại bỏ nhiên liệu hóa thạch 

0
390

(CaliToday) – Lần đầu tiên kể từ khi các quốc gia bắt đầu họp cách đây ba thập niên, với mục đích đối phó biến đổi khí hậu, các nhà ngoại giao từ gần 200 quốc gia đã phê chuẩn một hiệp ước toàn cầu, trong đó kêu gọi “chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch” như dầu, khí đốt và than đá đang làm nóng hành tinh một cách nguy hiểm.
Sau 2 tuần tranh luận gay gắt tại Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu của Liên hiệp quốc diễn ra ở Dubai, các quốc gia đạt được thỏa thuận sâu rộng vào thứ Tư, trong năm có khí hậu nóng đạt mức kỷ luật trong lịch sử. Các nhà lãnh đạo châu Âu và nhiều quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước các thảm họa do khí hậu gây ra hối thúc kêu gọi “loại bỏ hoàn toàn” nhiên liệu hóa thạch, nhưng đề nghị này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các quốc gia xuất khẩu dầu lớn như Ả Rập Saudi và Iraq, cũng như các nước đang phát triển nhanh như Ấn Độ và Nigeria.
Cuối cùng, các nhà đàm phán đã đạt được nhượng bộ: Thỏa thuận mới kêu gọi các nước đẩy nhanh quá trình chuyển đổi toàn cầu khỏi sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong thập niên này một cách “công bằng, có trật tự và bình đẳng,” và ngừng hoàn toàn việc bổ sung carbon dioxide vào khí quyển vào giữa thế kỷ này. Thoả thuận cũng kêu gọi các quốc gia tăng gấp ba lần lượng năng lượng tái tạo, như năng lượng gió và năng lượng mặt trời, được lắp đặt trên khắp thế giới vào năm 2030, và cắt giảm lượng khí thải mêtan, một loại khí nhà kính mạnh hơn carbon dioxide trong thời gian ngắn.
Trong khi các thỏa thuận về khí hậu trước đây của Liên Hợp Quốc kêu gọi các nước giảm lượng khí thải, họ lại tránh nhắc đến rõ ràng đến từ “nhiên liệu hóa thạch,” mặc dù việc đốt dầu, khí đốt và than đá là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Thỏa thuận mới không ràng buộc về mặt pháp lý, và không buộc bất cứ quốc gia nào phải hành động. Tuy nhiên, nhiều chính trị gia, nhà bảo vệ môi trường và lãnh đạo doanh nghiệp tập trung tại Dubai hy vọng sẽ gửi một thông điệp tới các nhà đầu tư và nhà lập chính sách rằng, việc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch không thể ngăn cản được. Trong hai năm tới, mỗi quốc gia có nhiệm vụ đưa ra một kế hoạch chính thức, chi tiết về dự tính sẽ hạn chế phát thải khí nhà kính cho đến năm 2035 như thế nào. Thỏa thuận hôm thứ Tư nhằm hướng dẫn các kế hoạch đó.
Thỏa thuận này là chiến thắng ngoại giao của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, quốc gia giàu dầu mỏ đã tổ chức các cuộc thương lượng tại một trung tâm triển lãm rực rỡ ở Dubai, chỉ cách nhà máy điện khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới 11 dặm.
Hương Giang (Theo New York Times)