FED tiếp tục tăng lãi suất thêm 0.25%, đối phó lạm phát 

0
1191
(Fox Business) – Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ vào thứ Tư tăng lãi suất chuẩn lên 0.25%, tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát cứng đầu, bất chấp hàng loạt ngân hàng cỡ nhỏ và trung bị sụp đổ, và khủng hoảng gia tăng trong khu vực tài chánh. 
Quyết định nhận được sự đồng tình tuyệt đối đặt lãi suất quỹ liên bang ở mức 4,75% đến 5% – cao nhất kể từ 2007, từ mức gần như 0% mới chỉ cách đây 1 năm. Quyết định này đánh dấu 9 lần tăng lãi suất liên tiếp nhằm đối phó với lạm phát gia tăng. 

Các nhà lập chính sách tỏ dấu hiệu tăng lãi suất có thể sớm chấm dứt, cho rằng, các đợt tăng lãi suất trong tương lai cuối cùng sẽ phụ thuộc vào báo cáo dữ liệu sắp tới.

Các viên chức FED đang thực hiện chiến dịch thắt chặt mạnh mẽ nhất kể từ những năm 1980 khi họ tìm cách kìm hãm lạm phát vẫn đang cao hơn gấp khoản ba lần so với mức trung bình trước đại dịch COVID 19. 

Nhưng sự sụp đổ đáng kinh ngạc của Ngân hàng Silicon Valley vào đầu tháng đã làm phức tạp các nỗ lực của Cục Dự trữ liên bang, vì lãi suất tăng nhanh đóng vai trò trực tiếp trong sự thất bại của ngân hàng. Tăng lãi suất một lần nữa có thể làm trầm trọng thêm sự bất ổn trong hệ thống tài chánh.

Còn quá sớm để nói căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung như thế nào.

Các dự báo kinh tế mới được đưa ra cho thấy đa số các viên chức FED tham gia cuộc họp đều nghĩ lãi suất sẽ tăng lên 5,1% trong năm nay, nghĩa là chỉ tăng thêm một phần tư điểm nữa. Các dự báo tam cá nguyệt cho thấy ngân hàng trung ương Hoa Kỳ sẽ không cắt giảm lãi suất cho đến năm 2024, xuống mức khoảng 4,3%.

Các viên chức cũng dự báo, tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại đáng kể trong năm nay, và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng cao hơn với tỷ lệ 4,5% do việc tăng lãi suất đưa Hoa Kỳ đến bờ vực suy thoái – những dự đoán này hầu như không thay đổi so với tháng 12. FED dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng cao vào năm 2024 và 2025, khi lãi suất cao hơn tiếp tục gây thiệt hại bằng cách đẩy chi phí vay lên cao.

Hương Giang (Theo Fox Business)