Đại án “chuyến bay giải cứu”: “Thí tốt” Hoàng Văn Hưng để “cứu tướng” Nguyễn Anh Tuấn (Kỳ 1)

0
308

Dẫn nhập

Để thực hiện được các “chuyến bay giải cứu”, Tổng giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh Lê Hồng Sơn và phó Tổng giám đốc Nguyễn Thị Thanh Hằng đã hối lộ cho nhiều quan chức Nhà nước để được cấp phép bay. Khi vụ việc bị Cơ quan an ninh điều tra – Bộ Công an phát hiện trong khuôn khổ đại án “chuyến bay giải cứu”, Hằng đã nhờ Thiếu tướng, phó Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn tìm “cửa” để cứu Sơn và Hằng khỏi bị xử lý hình sự. Tuấn đã nhờ Hoàng Văn Hưng, điều tra viên chính của vụ án này giúp đỡ. Vụ “chạy án” đến lượt nó bị chính cơ quan của Hưng phát hiện. Cả 4 người này lần lượt bị truy tố về “tội hối lộ” (Sơn, Hằng), “tội môi giới hối lộ” (Tuấn) và “tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Hưng) và bị Tòa án Hà Nội đưa ra xét xử cùng 50 bị cáo khác trong đại án “chuyến bay giải cứu”.

Theo cáo trạng, Hằng và Sơn đã nhờ Tuấn chuyển cho Hưng 2,65 triệu USD để Hưng “chạy án”. Tuấn khai rằng ông ta đã chuyển cho Hưng toàn bộ số tiền hối lộ mà Hằng đưa. Thế nhưng Cơ quan an ninh điều tra và Viện Kiểm sát chỉ cho rằng Tuấn chỉ chuyển 800 nghìn USD cho Hưng. Mặc dầu vậy, tại tòa, cựu điều tra viên cao cấp của Bộ Công an đã bác bỏ toàn bộ lời khai của cựu Thiếu tướng Công an. Bởi hành động này, Hoàng Văn Hưng là bị cáo duy nhất không nhận tội trong số 54 bị cáo trong đại án “chuyến bay giải cứu”.

clip_image002_thumb[1]

Xét xử đại án “chuyến bay giải cứu” tại Tòa án Hà Nội, 7/2023. Ảnh: VNExpress

Là người được đào tạo khá bài bản về luật, đã cùng Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, Trưởng Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ và là người vợ thân yêu của tôi, bảo vệ thành công hai Tướng Công an chống tham nhũng là Phạm Xuân Quắc và Trần Văn Thanh và nhiều bị cáo khác, đặc biệt bản thân đã bị bỏ tù về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, tội danh mà tôi luôn bác bỏ vì vi hiến (xâm phạm quyền tự do ngôn luận), tôi tin rằng tôi có đủ kiến thức pháp luật và kinh nghiệm để nhận biết những oan sai gây ra bởi các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam.

Trong trường hợp Hoàng Văn Hưng, tôi cho rằng ông này đã bị Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát truy tố oan nhằm gỡ tội cho Nguyễn Anh Tuấn, theo kiểu “thí tốt” để “cứu tướng”. Việc này rất có thể là một hành động “cứu bồ” của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp cao mà cựu Tướng Công an có quan hệ.

Tham nhũng ở Việt Nam không chỉ là quốc nạn mà là siêu quốc nạn và “chạy án” đã trở thành từ cửa miệng, một hoạt động tư pháp phi chính thức, thậm chí một phạm trù xã hội. Bộ phim truyền hình Chạy án – 49 tập của Đài truyền hình Việt Nam là bằng chứng. Trong bối cảnh cực kỳ tiêu cực đó, những sĩ quan, viên chức làm việc trong các cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, viện kiểm sát, tòa án, thanh tra, trong mắt tuyệt đại đa số người dân là siêu tham nhũng. Thực vậy, rất nhiều trong số này không những nhận tiền để chạy tội cho những tội phạm thông thường mà cho chính những kẻ tham nhũng. Thành thử khi tôi tìm cách chứng minh cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng bị truy cứu hình sự oan, tôi biết rằng điều này sẽ gây sốc, thậm chí phẫn nộ cho khá nhiều công dân lương thiện. Bởi trong mắt họ, công an nào cũng thối nát, tham nhũng, chỉ khác nhau về mức độ. Biết vậy nhưng tôi vẫn làm, bởi tôi theo nguyên tắc “thà bỏ lọt tội phạm hơn làm oan người vô tội”. Vả lại, chỉ có tuân thủ nguyên tắc này thì xã hội, người dân mới có được công lý. Hơn thế nữa, tôi vẫn tin rằng không phải mọi sĩ quan, viên chức, trong các cơ quan tiến hành tố tụng ở Việt Nam đều hư hỏng, đều tham nhũng với các cuộc “chạy án”.

Với tinh thần nêu trên, tôi sẽ lần lượt nêu ra một số chứng cứ chứng minh các cơ quan tiến hành tố tụng cố ý làm oan Hoàng Văn Hưng. Tầm quan trọng của các chứng cứ này không phụ thuộc vào thứ tự của chúng trong bài viết của tôi.

Chứng cứ 1 – Cáo buộc của cựu Thiếu tướng Công an không phù hợp tâm lý tội phạm

Về mặt cấu trúc, tội phạm có đặc điểm chung là đều được hợp thành bởi những yếu tố nhất định, tồn tại không tách rời nhau nhưng có thể cho phép nghiên cứu độc lập với nhau. Những yếu tố đó, theo khoa học luật hình sự Việt Nam là: 1/Chủ thể của tội phạm; 2/Mặt khách quan của tội phạm; 3/Mặt chủ quan của tội phạm và 4/Khách thể của tội phạm.

Hành vi phạm tội do chủ thể của tội phạm thực hiện luôn là thể thống nhất giữa biểu hiện bên ngoài và diễn biến bên trong của chủ thể (tâm lí). Đó là yếu tố mặt khách quan và yếu tố mặt chủ quan của tội phạm. Hành vi phạm tội do chủ thể của tội phạm thực hiện luôn có đối tượng hướng tới để gây thiệt hại. Đó là yếu tố khách thể của tội phạm.

Mặt chủ quan của tội phạm là những biểu hiện tâm lí (diễn biến bên trong) của tội phạm. Trong đó, biểu hiện có tính cơ bản là lỗi của chủ thể. Chủ thể của tội phạm phải có lỗi khi thực hiện hành vi khách quan có tính gây thiệt hại. Lỗi đó có thể là cố ý hoặc vô ý. Việc thực hiện hành vi khách quan có tính gây thiệt hại có thể do những động cơ khác nhau thúc đẩy và nhằm những mục đích nhất định. Các động cơ, mục đích này được gọi ở các tội cố ý là động cơ phạm tội, mục đích phạm tội.

Vậy hành vi của Hoàng Văn Hưng theo lời khai của Nguyễn Anh Tuấn có phù hợp với tâm lý tội phạm?

Tuấn khai rằng sau khi Tuấn giới thiệu Hưng với Hằng, bà này nói với Tuấn bà ta muốn bồi dưỡng Hưng chút kinh phí. Tuấn nói lại chuyện này với Hưng và Hưng đồng ý. Sau lần đầu nhận từ Tuấn 100 nghìn USD do Hằng đưa để “lo việc”, Hưng đã thông qua Tuấn liên tục hối thúc Hằng đưa tiền để “chạy án”.

Như vậy, theo lời khai của Tuấn, Hưng không phải là người chủ động đòi hối lộ. Trong khi đó, hành vi hối thúc hối lộ là hành vi của người chủ động đòi hối lộ. Suy cho cùng, người không làm việc trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, tức những người có thể tự mình quyết định vụ việc, có thể từ chỗ không chủ động đòi hối lộ, thậm chí từ chối nhận hối lộ, đi đến chỗ hối thúc hối lộ. Điều này là bởi lòng tham ngày càng gia tăng.

clip_image004_thumb[1]

Bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu điều tra viên cao cấp – Bộ Công an. Ảnh: Tiền Phong

Thế nhưng “chạy án” là một công việc có tính “tập thể”, phải được sự đồng thuận của tất cả các cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan thì mới trót lọt. Ví dụ, ở giai đoạn điều tra, điều tra viên chẳng những phải có được sự đồng thuận từ đồng nghiệp mà còn phải từ kiểm sát viên và ngược lại. Khi truy tố bị can ra tòa, điều tra viên và kiểm sát viên phải được hội đồng xét xử “gật đầu”. Tóm lại, không có “chạy án” miễn phí. Do đó, một khi nhận giúp “chạy án”, những người thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng thường chủ động “ra giá”.

Để nói, nếu thực sự Hưng nhận lời Tuấn để giúp Hằng và Sơn thoát khỏi bị xử lý hình sự thì ngay từ đầu Hưng đã phải chủ động đòi Hằng hối lộ thông qua Tuấn, chứ không đợi Hằng gợi ý hối lộ. Hối thúc đưa tiền “chạy án” chỉ là hệ quả của việc chủ động đòi hối lộ. Do đó, lời khai của Tuấn theo đó Hưng không chủ động đòi hối lộ nhưng sau đó lại hối thúc Hằng đưa tiền “chạy án” là không phù hợp với tâm lý tội phạm. Điều này có nghĩa lời khai của Tuấn là giả tạo. Do đó, việc Viện Kiểm sát căn cứ vào lời khai giả tạo này để buộc tội Hưng là “làm oan” Hưng.

Chứng cứ 2 – Viện Kiểm sát bóp chết nguyên tắc “suy đoán vô tội”

Hoạt động tố tụng hình sự có hai chức năng: bảo vệ xã hội chống lại hành vi xâm hại từ phía tội phạm và bảo vệ cá nhân người bị buộc tội chống lại sự xâm hại quyền con người từ phía công quyền. Chức năng thứ hai được thể hiện ở nhiều nguyên tắc, trong đó có “không làm oan người vô tội”. Nguyên tắc này đến lượt nó được đảm bảo bởi nhiều nguyên tắc khác, trong đó có “suy đoán vô tội” (presumption of innocence). Đây là những thành tựu vĩ đại của văn minh nhân loại trong việc bảo vệ quyền con người nói chung, người bị tình nghi, người bị buộc tội nói riêng, và vì vậy được coi là những nguyên tắc “vàng” trong tố tụng hình sự.

Pháp luật Việt Nam đã tiếp thu hai nguyên tắc nói trên khi quy định “không làm oan người vô tội” tại Điều 2 và “suy đoán vô tội” tại Điều 13, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS). Nguyên tắc thứ hai được quy định cụ thể như sau:

“Điều 13. Suy đoán vô tội – Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.”

Như vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng buộc phải áp dụng “suy đoán vô tội” trong tất cả các giai đoạn tố tụng, từ điều tra, truy tố cho đến xét xử, không được từ chối áp dụng nguyên tắc này trong bất cứ tình huống nào. Cũng như vậy, chừng nào các cơ quan tố tụng không loại trừ được (các) khả năng khác ngoài khả năng phạm tội hay mọi nghi ngờ hợp lý về khả năng không phạm tội của người bị buộc tội (reasonable doubt) thì phải kết luận người đó vô tội. Nói cách khác, một khi các cơ quan nhân danh Nhà nước này không loại trừ được mọi nghi ngờ hợp lý (beyond a reasonable doubt) thì đây chính là chứng cứ về sự vô tội của người bị buộc tội.

Nghi ngờ hợp lý không chỉ là sản phẩm của sự suy xét của các cơ quan tiến hành tố tụng mà trước hết đến từ lập luận của người bị buộc tội và luật sư bào chữa về sự vô tội của người này. Do đó, nguyên tắc “suy đoán vô tội” gắn liền với đảm bảo quyền bào chữa, quyền này được quy định trong Hiến pháp năm 2013, gồm quyền tự bào chữa hoặc nhờ luật sư. Mà đỉnh cao của bào chữa là bác bỏ toàn bộ cáo buộc từ các cơ quan tiến hành tố tụng.

clip_image006_thumb[1]

Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an Hà Nội. Ảnh: VNExpress

Nguyên tắc “suy đoán vô tội” còn được thể hiện ở quyền của người bị buộc tội không phải khai chống lại chính mình. Điểm d khoản 2 Điều 60 và Điểm h khoản 2 Điều 61 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, bị can, bị cáo “có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.

Cũng như vậy, nguyên tắc “suy đoán vô tội” loại trừ định kiến “có tội” từ các cơ quan tiến hành tố tụng. Điều này đồng nghĩa các cơ quan công quyền này không được đe dọa, gây áp lực đối với người bị buộc tội dưới bất cứ hình thức nào, dù đó là bức cung hay đề nghị hội đồng xét xử áp dụng hình phạt nghiêm khắc trong trường hợp người này không nhận tội.

Vậy, nguyên tắc “suy đoán vô tội” có được Viện Kiểm sát áp dụng cho cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng tại phiên tòa xét xử đại án “chuyến bay giải cứu” đang diễn ra tại Tòa án Hà Nội hay không?

Sáng 21/7, đối đáp lại quan điểm, luận cứ gỡ tội của Hoàng Văn Hưng và luật sư bào chữa, đại diện Viện kiểm sát khẳng định: “Là người am hiểu pháp luật hình sự nhất trong số các bị cáo ngồi đây, đáng lẽ, Hoàng Văn Hưng phải nhận thức được đầy đủ sai phạm của mình, ăn năn hối cải để sửa chữa, giải cứu lương tâm, đạo đức của mình. Nhưng bị cáo lại sử dụng kiến thức để đối phó nhằm trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Tại phiên tòa, bị cáo Hưng luôn quanh co, chối tội, có thái độ không phù hợp, xúc phạm cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, gây áp lực với bị cáo khác”. Và người giữ quyền công tố này kết luận: “Trường hợp này (Hoàng Văn Hưng), (Viện Kiểm sát) không thấy có căn cứ để áp dụng nguyên tắc “suy đoán vô tội!”.

Cũng bởi đánh giá rằng Hưng không thành khẩn khai báo và khắc phục hậu quả do mình gây ra nên đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với cựu điều tra viên này.

Như vậy, với các quan điểm nêu trên, đại diện Viện Kiểm sát không chỉ sổ toẹt quyền bào chữa cũng như quyền không phải khai chống lại chính mình của Hoàng Văn Hưng khi nói bị cáo này “quanh co”, “chối tội”, “đối phó nhằm trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật”… mà còn bóp chết luôn nguyên tắc “suy đoán vô tội” được quy định không gì rõ ràng hơn tại Điều 13 BLTTHS. Hành vi “cố sát pháp luật” này cho thấy Viện Kiểm sát đuối lý đến mức tuyệt vọng trước các lập luận chứng minh bản thân vô tội của Hoàng Văn Hưng. Chỉ riêng sự kiện này thôi cũng đủ để Hội đồng xét xử tuyên cựu điều tra viên này vô tội.

Mặc dù vậy, trong những lần tới tôi sẽ tiếp tục đưa ra các chứng cứ khác cho thấy có cả một âm mưu của Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát làm oan bằng được Hoàng Văn Hưng để cứu cựu Thiếu tướng, PGĐ Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn.

(Còn tiếp)

Garden Grove, California, Hoa Kỳ, 23-24/7/2023.

C.H.H.V.

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, nguyên là cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam trong 30 năm. Hiện ông sống cùng phu nhân, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, tại California, Hoa Kỳ (Tác giả ghi chú).