Ai Là Phó Tổng Thống Sau Cùng Ra Tranh Cử Tổng Thống Chống Lại Sếp Cũ Của Mình?

0
762

CaliToday NewsTrong cuộc vận động tranh cử Tổng thống năm 2024, người ta thấy rất nhiều điều lạ: Lần đầu tiên một cựu Tổng thống Hoa Kỳ bị truy tố về tội hình, còn nhiều điều lạ không ngờ khác nữa. Ngày 5 tháng Sáu, Phó Tổng thống Mike Pence chính thức nộp đơn ra tranh cử Tổng thống. Điều này khiến ông trở thành cựu Phó Tổng thống đầu tiên kể từ 80 năm trở lại đây, ra tranh cử chống lại vị Tổng thống mà ông từng phục vụ. Ông là vị Phó tổng thống thứ ba làm việc này.

Giáo sư Joel Goldstein, chuyên gia về lịch sử các vị Phó tổng thống Mỹ, hiện đang dạy Luật ở trường đại học St, Louis, nói: “Chúng ta chưa hề thấy điều này xảy ra trong lịch sử.”.

Lịch sử có phần nào hơi lộn xộn, không được rõ ràng về điều này. Trong cuộc bầu cử năm 1800, vị Phó Tổng Thống đương nhiệm là ông Thomas Jefferson đã ra tranh cử chống lại chính ông tổng thống đang tại chức là ông John Adams để dành chức tổng thống của sếp mình. Nhưng hai ông là lãnh tụ của hai đảng đối lập. Hệ thống tranh cử hồi đó khác với bây giờ. Ứng cử viên nào được nhiều phiếu nhất đắc cử Tổng thống, và ai có số phiếu đứng hàng thứ nhì được làm Phó Tổng Thống. Năm 1804, tu chính án thứ 12 đã loại bỏ hệ thống tranh cử tổng thống kiểu này. 

Có lẽ trường hợp tương đối giống vụ tranh cử giữa Trump-Pence hiện nay là trường hợp xảy ra cho Tổng thống Franklin D. Roosevelt, khi ông ra tranh cử nhiệm kỳ ba vào năm 1940, và Phó Tổng thống của ông là John Nance Garner đã ra tranh cử chống lại ông trong vòng sơ bộ của Đảng Dân Chủ, để mong được Đảng Dân Chủ đề cử. Sau sáu năm làm Phó Tổng thống, ông Garner trở thành đại diện của nhóm Dân Chủ Bảo Thủ. Ông tin rằng chính sách New Deal của Tổng thống Roosevelt không đúng vì để cho chính quyền liên bang vượt quá thẩm quyền của mình. Theo giáo sư Nancy Beck Young dạy về lịch sử Hoa Kỳ tại trường đại học University of Houston, bà làm cố vấn cho chương trình tài liệu lịch sử về ông Garner trên đài PBS. Bà nói với báo TIME rằng mối lo ngại lớn nhất của ông Garner là sự thâm hụt ngân sách do chi tiêu quá nhiều. Ngoài ra, chính quyền liên bang còn ủng hộ việc công nhân hãng sản xuất xe hơi chống lại hãng General Motor ở Michigan. Ông Garner cũng chống lại việc Tổng thống Roosevelt tìm cách tăng số Chánh Án trong Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. 

Trong số báo ra ngày 20 tháng ba năm 1939, báo TIME tóm lược câu chuyện ông Garner chống lại Tổng thống sếp của mình trong bài báo mang tựa đề: UNDECLARED WAR: MỘT CUỘC CHIẾN TRANH KHÔNG TUYÊN CHIẾN. “ Hiện tượng nổi loạn trong nội bộ đảng không có gì mới lạ trong lịch sử Hoa Kỳ… Nổi loạn do một lãnh tụ có uy tín trong đảng chống lại vị tổng tư lệnh quân đội là điều hiếm khi nào xảy ra. Và cuộc nổi loạn do ông John Nance Garner chủ xướng hiện nay lại còn hiếm hoi hơn. Ông chỉ muốn cứu vãn những điều nhỏ nhặt, không rõ ràng- có lẽ đây không phải là một cuộc nổi dậy mà chỉ là một sự đề kháng mà thôi. Tuy nhiên, việc này vẫn là cuộc đấu tranh chính trị lớn nhất đang diễn ra ở Hoa Thịnh Đốn.”.

Sau đó, bà Young kết luận: “Cuối cùng thì việc ông Garner chống lại Tổng thống Roosevelt không đi đến đâu cả.”. Tại đại hội toàn quốc Đảng Dân Chủ, Tổng thống Roosevelt được 946 phiếu của cử tri đoàn, và ông garner chỉ nhận được 61 phiếu. Phe Đức Quốc Xã bắt đầu xâm lăng Ba Lan vào tháng Chín năm 1939. Thế Chiến Thứ Hai bùng nổ, và với hai nhiệm kỳ làm Tổng thống trước đó, ông Roosevelt FDR rõ rệt trở thành người dẫn đầu trong cuộc tranh cử. Ông Roosevelt đắc cử nhiệm kỳ thứ ba, với ông Henry Wallace đứng làm Phó Tổng thống. Và cuối cùng ông Garner rút lui, không hoạt động chính trị nữa.

Ông Mike Pence trước đây làm Thống đốc tiểu bang Indiana được ông Trump mời đứng làm Phó Tổng thống khi ông ra tranh cử năm 2016. Công luận Mỹ về hai ông chia rẽ làm hai vào lúc cuối nhiệm kỳ đầu của ông Trump, khi ông Trump tìm cách lật ngược kết quả bầu cử vì ứng viên Biden thắng trong cuộc bầu cử này. Ông Trump đổ lỗi là có gian lận trong cuộc bầu cử. Ông Trump yêu cầu ông Pence không làm nhiệm vụ do Hiến Pháp chỉ định là phải xác nhận kết quả bầu cử năm 2020 vào ngày 6 tháng Giêng năm 2021. Ông Pence quả quyết rằng ông không có quyền hợp pháp làm theo yêu cầu của ông Trump. Và những người ủng hộ ông Trump nổi loạn xông vào đập phá trụ sở Quốc Hội, hô to khẩu hiệu: “Phải treo cổ Mike Pence”.

Một số nhà phân tích chính trị cho rằng việc ông Pence ra tranh cử Tổng thống sẽ khó khăn vô cùng, không hy vọng gì thắng cử. Giáo sư Goldstein nhận xét: “Đa số những ông làm Phó Tổng thống đều có những nhược điểm nên không thể ra tranh cử tổng thống được. Ông ta thừa hưởng những di lụy của chính quyền ông phục vụ. Ông ta được công chúng coi như là kẻ “theo đuôi” làm theo lệnh của sếp, không phải là người lãnh đạo. Nhưng ông ta cũng hưởng điều lợi là ông nhận được sự ủng hộ của những người từng ủng hộ chính quyền, và vị Tổng thống tiền nhiệm.”.

Tuy nhiên, trường hợp của ông Mike Pence không  giống như vậy vì có sự chia rẽ, xung đột giữa hai ông Trump và Pence. Việc tranh đua giữa hai ông sẽ dựa trên những chủ đề khác. Khi ông Garner ra mặt tranh cử chống lại ông Roosevelt là lúc ông Roosevelt ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba. Tu chính án thứ 22 của Hiến Pháp giới hạn mỗi người chỉ được làm Tổng thống hai nhiệm kỳ thôi, kể từ năm 1951. Ông Trump vẫn còn được phép ra tranh cử nhiệm kỳ hai.

Nguyễn Minh Tâm  dịch theo báo TIME