Zelensky thúc đẩy Mỹ đạt được thỏa thuận an ninh dài hạn dựa trên ‘Mô hình Israel’

0
1131

Daniel Bush

Khi cuộc phản công của Ukraine tiếp tục diễn ra, các quan chức ngoại giao của cả Ukraine và Mỹ đang âm thầm đàm phán về một liên minh chính thức có thể định hình lại bối cảnh an ninh của châu Âu.

Các cuộc đàm phán đã bị lu mờ bởi nỗ lực của Kiev trong mùa thu này nhằm chiếm lại lãnh thổ do Nga nắm giữ ở miền nam Ukraine, nhưng các cuộc thảo luận gần đây đã thu hút sự chú ý mới khi Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky cho biết ông kỳ vọng Ukraine và Mỹ sẽ đồng ý với một hiệp ước an ninh tương tự như liên minh giữa Mỹ và Israel.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Hai nước không có hiệp ước phòng thủ nhưng Mỹ cung cấp cho Israel hàng tỷ USD viện trợ quân sự và từ lâu đã là đồng minh quan trọng nhất của nước này.

Tổng thống Zelensky nói trong một cuộc phỏng vấn hôm Chủ nhật với truyền thông Ukraine rằng: “Chúng tôi có thể sẽ có được mô hình chính xác này, mô hình của Israel bao gồm vũ khí, công nghệ, đào tạo và tài chính.”

Một thỏa thuận như vậy sẽ mang lại cho Ukraine ít an ninh hơn so với tư cách thành viên NATO, điều mà Tổng thống Biden đã nói rằng sẽ không xảy ra trước khi chiến tranh kết thúc. Nhưng nó sẽ biến Ukraine trở thành đối tác lâu dài quan trọng của Mỹ ở Đông Âu, đồng thời gửi cho Nga thông điệp rằng sự ủng hộ của phương Tây dành cho Kiev sẽ không từ bỏ.

Eric Ciaramella, chuyên gia về Nga và Ukraine tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie tại Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết rằng: “Vấn đề là cần đưa ra tín hiệu cho Nga thấy rằng, họ không thể chờ đợi phương Tây có được một cam kết an ninh chính thức với Ukraine. Đây thực sự chỉ là một thỏa thuận tạm thời đáng tin cậy cho đến khi vấn đề tư cách thành viên NATO được làm rõ”.

Một liên minh an ninh song phương theo đường lối hiệp ước giữa Mỹ và Israel có lẽ sẽ tạo ra một dòng hỗ trợ quân sự lâu dài cho Ukraine, cùng với đào tạo, hợp tác tình báo và các nguồn lực hỗ trợ khác. Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, Quốc hội Hoa Kỳ đã phê duyệt viện trợ quân sự cho Ukraine trên cơ sở đặc biệt, tạo ra sự không chắc chắn cho các nhà hoạch định quân sự của Kiev.

Sự bảo đảm an ninh lâu dài cũng có thể giúp bảo vệ Ukraine khỏi những thay đổi quyền lực ở Tòa Bạch Ốc và Quốc hội. Ngày càng có nhiều thành viên đảng Cộng hòa trong quốc hội và một số ứng cử viên tổng thống năm 2024 của đảng này phản đối việc cung cấp thêm viện trợ quân sự cho Ukraine.

Tuy nhiên, từ bình luận của Tổng thống Zelensky, không rõ liệu các nhà đàm phán đang sử dụng Israel làm hình mẫu cho Ukraine hay đó chỉ là hướng đi mà ông muốn các cuộc đàm phán thực hiện. Zelensky nổi tiếng là người khuyến khích và dụ dỗ các đồng minh phương Tây để cố gắng thuyết phục họ làm nhiều hơn để hỗ trợ Ukraine.

Những bình luận của Zelensky hôm Chủ nhật không phải là lần đầu tiên ông nêu Israel như một hình mẫu khả thi cho mối quan hệ Mỹ-Ukraine trong tương lai. Ông đã đề cập đến nó ít nhất hai lần vào năm ngoái và nó đã được đưa vào sách trắng năm 2022 được trợ lý hàng đầu của Zelensky xác nhận.

Chính quyền Biden ít nói công khai về các cuộc đàm phán an ninh với Ukraine kể từ khi thông báo vào đầu tháng 8 rằng các cuộc đàm phán đã bắt đầu.

Để đáp lại yêu cầu bình luận, một quan chức Tòa Bạch Ốc Trắng đã đưa ra tuyên bố chung ủng hộ Ukraine do Biden và các nhà lãnh đạo khác của Nhóm bảy quốc gia (G7) đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Lithuania vào tháng 7.

Tất cả các nước G7 cam kết chính thức hóa các cam kết an ninh song phương với Ukraine để giúp nước này xây dựng một “lực lượng quân sự có khả năng bảo vệ Ukraine hiện tại và ngăn chặn sự xâm lược của Nga trong tương lai“. Theo thông cáo chung, các cam kết sẽ bao gồm thiết bị quân sự, đào tạo, chia sẻ thông tin tình báo và hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ chối bình luận về bài viết này. Theo Bộ Ngoại giao, các quan chức từ Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Hội đồng An ninh Quốc gia đã tiến hành các cuộc đàm phán an ninh song phương với các quan chức Ukraine vào ngày 3 tháng 8.

Chính quyền Biden chưa đưa ra mốc thời gian cho các cuộc đàm phán Mỹ-Ukraine. Vẫn còn một số câu hỏi về việc một thỏa thuận sẽ như thế nào và nó sẽ được thực hiện như thế nào.

Trong trường hợp của Israel, luật pháp yêu cầu Quốc hội phải bảo đảm rằng viện trợ quân sự của Mỹ ở khu vực Trung Đông không làm tổn hại đến ưu thế quân sự của Israel so với các nước láng giềng. Yêu cầu đó nhận được sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng và được dùng làm chuẩn mực để bảo đảm Israel nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Mỹ.

Tòa Bạch Ốc có thể áp dụng cách tiếp cận tương tự với Ukraine, hoặc thử theo cách khác để hệ thống hóa sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine.

Nhưng dù thế nào đi nữa, các chuyên gia cho biết một thỏa thuận được Biden hậu thuẫn sẽ cần phải có sự chấp thuận của Quốc hội về nguồn tài trợ và các hỗ trợ khác. Jeremy Ben-Ami, chủ tịch của J Street, một nhóm vận động tự do phi lợi nhuận, cho biết, cũng không có gì chắc chắn rằng các nhà lập pháp Hoa Kỳ sẽ ủng hộ Ukraine như họ ủng hộ Israel.

Ben-Ami nói rằng: “Mối quan hệ Mỹ-Israel là ‘không thể lay chuyển’ vì Israel nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng. Tôi không biết liệu mô hình đó có thể được nhân rộng ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới hay không.”

Lời kết:

Zelensky đang hy vọng Ukraine sẽ là một ngoại lệ khác với lập luận rằng một thỏa thuận an ninh giữa Washington và Kiev sẽ có lợi cho cả hai bên. Đó sẽ là những cam kết tốt nhất, mạnh mẽ nhất vào thời điểm này.

Một thỏa thuận dài hạn Mỹ-Ukraine theo mô hình Israel “không phải là viên đạn bạc có thể kết thúc chiến tranh chỉ sau một đêm”. Nhưng với một cuộc xung đột kéo dài như cuộc xâm lược của Nga thì Mỹ và phương Tây cần phải chứng tỏ rằng họ sẽ cùng tham gia vào cuộc xung đột đó lâu dài nhất có thể nhưng không phải tham gia trực tiếp mà bằng một hình thức hỗ trợ Ukraine về nhiều lĩnh vực, và mô hình Israel là một ví dụ có thể thực hiện được.

Translated & Summarized

Việt Linh