Vai trò của Trung Quốc trong cuộc chiến của Putin có thể phản tác dụng

0
1547

Kể từ năm 2019, các thông cáo chung của hội nghị thượng đỉnh NATO ngày càng sắc bén hơn khi đề cập đến Trung Quốc. Tuyên bố Vilnius tuần này bao gồm 15 đề cập đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC), lưu ý ý định của Bắc Kinh nhằm “tăng cường dấu ấn toàn cầu và khai triển sức mạnh” thông qua nhiều phương pháp bao gồm “các hoạt động kinh tế độc hại, tấn công không gian mạng cũng như truyền bá thông tin sai lệch và luận điệu đối đầu“.

Trung Quốc từ lâu đã phản đối bất kỳ ảnh hưởng hoặc hoạt động nào của NATO ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đại sứ Zhang Jun, đại diện của Bắc Kinh tại Liên Hiệp Quốc đã cáo buộc liên minh NATO tìm cách “vi phạm giới hạn địa lý và mở rộng chương trình nghị sự, gây chia rẽ và căng thẳng, tạo ra đối đầu và tăng cường quan hệ quân sự với các nước Châu Á Thái Bình Dương.”

Nhưng có vẻ như quyết định của Trung Quốc ủng hộ ngầm cho cuộc xâm lược Ukraine của Moscow lại đang thúc đẩy mối lo ngại ngày càng tăng của liên minh NATO đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Phương Tây vẫn chưa nắm rõ Trung Quốc đã đóng góp viện trợ quân sự gì cho Nga kể từ tháng 2 năm 2022 hay không, nhưng mối quan hệ kinh tế và chính trị ngày càng sâu sắc của nước này với Nga—cộng với việc nước này liên tục từ chối lên án cuộc xâm lược quy mô lớn mang tính tàn phá của Moscow—đã cho thấy rõ ưu tiên của Bắc Kinh.

Các thủ đô phương Tây ngày càng lo sợ rằng Bắc Kinh không thể được tin cậy với tư cách là một đối tác hợp pháp trong việc duy trì “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” sau Thế chiến II được thiết lập và kể từ đó được bảo vệ bởi khối NATO xuyên Đại Tây Dương.

Tuyên bố Vilnius nêu rõ NATO lo ngại về sự hợp tác ngày càng tăng giữa Bắc Kinh và Moscow đã nói khá mạnh mẽ rằng: “Mối quan hệ đối tác chiến lược ngày càng sâu sắc giữa Trung Quốc và Nga và những nỗ lực củng cố lẫn nhau của họ nhằm cắt xén trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đi ngược lại các giá trị và lợi ích của chúng tôi. Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc đóng vai trò xây dựng với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Nga chống lại Ukraine, không ủng hộ nỗ lực chiến tranh của Nga dưới bất kỳ hình thức nào, ngừng khuếch đại câu chuyện sai sự thật của Nga đổ lỗi cho Ukraine và NATO vì cuộc chiến tranh xâm lược của Nga chống lại Ukraine, đồng thời tuân thủ các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Chúng tôi đặc biệt kêu gọi CHND Trung Hoa hành động có trách nhiệm và kiềm chế không cung cấp bất kỳ viện trợ sát thương nào cho Nga.”

Mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa NATO và các nền dân chủ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã khiến Bắc Kinh khó chịu.

Trong khi đó, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết rằng: “Liên minh đang làm việc cùng nhau để tăng cường kết nối giữa các nền dân chủ ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, để họ có thể hợp tác tốt hơn với nhau khi hướng tới các giá trị chung mà tất cả chúng ta đều tìm kiếm. Những nguyên tắc như vậy bao gồm “tự do hàng hải và hàng không, giữ cho vùng biển và bầu trời chung của chúng ta rộng mở để mọi quốc gia đều có quyền tiếp cận bình đẳng với không gian chung toàn cầu của chúng ta. Nhưng, rất tiếc, tất cả những lĩnh vực này đã không được Trung QUốc tôn trọng và nhìn nhận”.

Các nhà lãnh đạo của bốn quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương—Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand—đã tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Vilnius, tổ chức một loạt các cuộc đàm phán và thảo luận song phương với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, khiến Bắc Kinh vô cùng kinh ngạc và tức giận với sự hợp tác gần gũi của họ. Sự hiện diện của họ và nội dung thảo luận của họ cho thấy mối lo ngại sâu sắc về sức mạnh của Trung Quốc.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu trước cuộc hội đàm rằng: “Trong môi trường an ninh quốc tế khắc nghiệt hiện nay, an ninh của Châu Âu và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là không thể tách rời. Vấn đề của Ukraine hôm nay có thể là vấn đề của các quốc gia Đông Á ngày mai. Tham vọng của Trung Quốc đối với Đài Loan, lập trường hiếu chiến của họ ở Biển Đông đang tranh chấp và sự kích động liên tục của Bắc Triều Tiên đang làm căng thẳng thần kinh của các nền dân chủ phương Đông. Lý do tại sao Nhật Bản ủng hộ các nỗ lực chiến tranh ở Ukraine và tham gia vào các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga không phải vì chúng tôi được yêu cầu tham gia, đó là vì lợi ích của chính chúng tôi.”

Lời kết:

Nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine chỉ có thể trụ vững và kéo dài thời gian nếu Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ Nga. Liên minh NATO quan tâm đến việc giám sát và – nếu cần, kiểm tra – hành vi của Trung Quốc vì lợi ích của NATO.

Tuy nhiên, tuyên bố Vilnius đã loại trừ bất kỳ đề cập bổ sung nào về một văn phòng NATO được đề xuất ở Tokyo, một đề xuất khiến Bắc Kinh phải cảnh báo về “đối đầu nhóm” và “đối đầu quân sự“. Kế hoạch đã bị trì hoãn trước sự phản đối của Pháp, với việc Paris được cho là lo ngại về việc làm loãng trọng tâm Euro-Atlantic của liên minh NATO.

Tuy nhiên, Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết một văn phòng của NATO được đặt ở Nhật Bản vẫn đang được cân nhắc nhưng ngay cả khi không có văn phòng mới, mối quan hệ của NATO với các nền dân chủ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có vẻ sẽ ngày càng sâu sắc hơn. Văn phòng đại diện của NATO tại Đông Á thực ra chỉ là một hình thức mang tính chất ngoại giao.

Việt Linh, 17.07.2023