Trung Quốc Chuẩn Bị Chiến Tranh Trên Biển ‘Z-Day’ Với Mỹ

0
2526

South China Morning Post (SCMP) đưa tin rằng, các nhà nghiên cứu thuộc Đơn vị 91404 của quân đội Trung Quốc (PLA) là đơn vị chịu trách nhiệm về các cuộc thử nghiệm trên biển đối với một số vũ khí hải quân mới nhất và mạnh nhất của Trung Quốc gần đây đã bổ sung kịch bản “chiến tranh tổng lực” khi thử nghiệm và đánh giá hiệu suất của những loại vũ khí mới.

Mô phỏng của PLA làm nổi bật các khả năng vũ khí mới trong khi theo dõi kết quả tàn phá của các cuộc thử nghiệm trước đó về chiến tranh Đài Loan.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Trung Quốc vừa mô phỏng một kịch bản chiến tranh tổng lực trên biển với Hoa Kỳ, một cuộc tập trận nêu bật những thách thức đáng gờm của Hải quân-Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trong một cuộc xung đột cường độ cao tiềm ẩn với một đối thủ tiên tiến, kiên quyết và có năng lực cao, đó chính là Hải quân Hoa Kỳ.

Trong mô phỏng, PLA có khoảng 50 tàu khu trục, mỗi tàu bị tấn công bằng 11 tên lửa và hơn 3 quả ngư lôi đến từ nhiều hướng.

Báo cáo cũng đề cập đến liên minh màu xanh tức phía Mỹ và các quốc gia Đồng Minh như Nam Hàn, Nhật Bản tạo ra tiếng ồn gây nhiễu mạnh hơn 30 lần so với tín hiệu mà tàu chiến PLA-N sử dụng để liên lạc và phạm vi phát hiện của radar Trung Quốc đã giảm xuống 60% dưới mức bình thường.

Những điều kiện đó đã phá hủy gần một phần ba khả năng phòng không của tàu khu trục Trung Quốc, với chỉ một nửa số tên lửa đất đối không (SAM) của chúng bắn trúng mục tiêu. Các chuyên gia hải quân Trung Quốc đánh giá độc lập các kết quả mô phỏng được trích dẫn nói rằng các số liệu là “khá thực tế”.

Các nhà nghiên cứu trong báo cáo của SCMP cho biết rằng, bằng cách nêu bật khả năng của vũ khí trong các kịch bản ngày tận thế, các lực lượng quân sự Trung Quốc có thể thể hiện sự sẵn sàng và ngăn chặn các đối thủ tiềm tàng tham gia vào các cuộc xung đột.

Vào tháng 5 năm 2023, Asia Times đưa tin rằng các nhà nghiên cứu từ Đại học Bắc Trung Quốc đã chạy một trò chơi chiến tranh mô phỏng cuộc tấn công bằng hỏa tiễn siêu thanh của Trung Quốc vào một nhóm tác chiến Hàng không Mẫu hạm của Hoa Kỳ, đánh dấu lần mô phỏng công khai đầu tiên thuộc loại này.

Trò chơi chiến tranh được cho là mô phỏng tình huống trong đó Hàng không Mẫu hạm USS Gerald Ford và các tàu hộ tống tiếp tục áp sát một hòn đảo do Trung Quốc chiếm giữ ở Biển Đông, được cho là đảo Đài Loan bất chấp nhiều lần cảnh báo từ phía Trung Quốc buộc các tàu chiến của Hoa Kỳ phải quay đầu.

Trong mô phỏng đó, Trung Quốc đã sử dụng 24 hỏa tiễn siêu thanh trong một cuộc tấn công ba đợt để đánh chìm Hàng Không Mẫu hạm ​​USS Gerald Ford, một tàu tuần dương và bốn tàu khu trục có hỏa tiễn dẫn đường.

Đợt hỏa tiễn đầu tiên được phóng đi từ các tàu chiến của Trung Quốc đã làm cạn kiệt 264 hỏa tiễn đánh chặn của hạm đội Mỹ, đánh chìm các tàu hộ tống và đợt phóng hỏa tiễn lần 2 đã đánh chìm Hàng không Mẫu hạm ​​USS Gerald Ford.

Mô phỏng của Đại học Bắc Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của các nhiệm vụ giám sát, tuần tra trên biển và chiến thuật thu hút để xác định mục tiêu, phóng hỏa tiễn hạn chế và số lượng hỏa tiễn đánh chặn.

Phía Mỹ cũng đã tiến hành các mô phỏng về một cuộc chiến tranh ở eo biển Đài Loan với Trung Quốc, và điều không ngạc nhiên khi kết thúc có lợi cho Mỹ trong khi dự đoán những chi phí khổng lồ có thể xảy ra cho cả hai phía trong một cuộc xung đột như vậy.

Vào tháng 1 năm 2023, Asia Times đưa tin rằng nhóm chuyên gia cố vấn của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington DC đã tiến hành mô phỏng cảnh Hoa Kỳ và các đồng minh đẩy lùi cuộc xâm lược Đài Loan của Trung Quốc, cho thấy rằng mặc dù Hoa Kỳ có khả năng đẩy lùi Trung Quốc nhưng chiến thắng sẽ phải trả với một cái giá cho phía Mỹ và các Đồng Minh là khá cao, Trung Quốc thì bị suy tàn với lực lượng Hải quân không còn được mấy chiếc tàu và phải mất vài chục năm nữa mới có thể tạo lại được sức mạnh như trước khi bắt đầu cuộc chiến với Hoa Kỳ.

Ngay cả trong một kịch bản lạc quan nhất, Mỹ và Nhật Bản sẽ mất tổng cộng 449 máy bay chiến đấu và 43 tàu chiến, trong đó có hai tàu Hàng không Mẫu hạm, về nhân mạng, phía Mỹ có thể mất 6.960 nhân viên và 3.200 người thiệt mạng trong chiến đấu. Đài Loan có thể mất một nửa lực lượng không quân, 22 tàu chiến và khoảng 3.500 lính.

Trung Quốc chịu thiệt hại nặng nề nhất trong mô phỏng, mất 138 tàu, 155 máy bay chiến đấu và 52.000 bộ binh. Tổn thất của lực lượng bộ binh Trung Quốc bao gồm 7.000 thương vong trong trận chiến với một phần ba thiệt mạng trong hành động, 15.000 binh sĩ mất tích trên biển với một nửa giả định là đã thiệt mạng và 30.000 tù binh chiến tranh từ những người sống sót của lực lượng đổ bộ Đài Loan.

Mô phỏng đề cập đến bốn giả định quan trọng cho chiến thắng của Hoa Kỳ tại Đài Loan. Đầu tiên, khi hệ thống hậu cần của Trung Quốc suy yếu, Đài Loan phải giữ phòng tuyến để ngăn chặn sự đổ bộ của Trung Quốc và phản công bằng vũ lực.

Thứ hai, Mỹ và các đồng minh của họ phải chấp nhận rằng không có “mô hình Ukraine” nào cho Đài Loan vì Trung Quốc có thể phong tỏa hòn đảo tự trị này trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng để ngăn chặn việc tiếp tế.

Thứ ba, Hoa Kỳ phải có khả năng sử dụng các căn cứ của mình ở Nhật Bản, đây sẽ là mấu chốt quan trọng cho các hoạt động của Hoa Kỳ xung quanh Đài Loan. Thứ tư, Mỹ phải có khả năng tấn công các tàu chiến của Trung Quốc từ bên ngoài khu vực chống tiếp cận.

Các công nghệ mới có thể sẽ đóng một vai trò quyết định trong việc bảo vệ Đài Loan, mặc dù chúng có thể không đủ để ngăn chặn kết cuộc sớm cho cả hai bên.

Vào tháng 5 năm 2022, Asia Times đưa tin rằng văn phòng Khả năng Tích hợp Chiến tranh (AFWIC) của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ và tổ chức tư vấn RAND đã tiến hành một mô phỏng xung đột ở Đài Loan để chứng minh tác động ảnh hưởng của các bầy đàn máy bay không người lái trong tình huống chiến tranh xảy ra.

Bằng cách sử dụng mạng “lưới” laser tầm nhìn trực tiếp để truyền và nhận dữ liệu, các bầy máy bay không người lái của phía Trung Quốc có khả năng chia sẻ dữ liệu về chuyến bay và mục tiêu ngay lập tức và liên tục giữa các máy bay không người lái với nhau. Chúng có thể tạo thành một màn hình mồi nhử cho các máy bay có người lái của Hoa Kỳ như F-22 và F-35, mở rộng phạm vi cảm biến, làm tràn ngập phạm vi radar của đối phương, một số máy bay không người lái bay có thể bay sát vào nhau để tạo nên một kích thước của một máy bay thật để làm hao tốn hỏa tiễn không đối không trên máy bay đối thủ, buộc kẻ thù phải lãng phí hỏa tiễn và đạn dược trong khi máy bay có người lái phía sau sẽ tiến đến để tiêu diệt kẻ địch vì vũ khí đã cạn kiệt.

Các công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ cho phép bầy đàn máy bay không người lái quan sát mục tiêu từ nhiều góc độ, kiểm tra chéo các luồng dữ liệu nhắm mục tiêu khác nhau và đề xuất cách tốt nhất để tấn công mục tiêu.

Lời kết:

Điều quan trọng không kém cũng khá thú vị, khi không chỉ là phía Trung Quốc nghĩ đến chiến lược này mà phía Hoa Kỳ và các nước Đồng Minh cũng có lực lượng máy bay không người lái hùng hậu với những chiến thuật khá giống nhau, nên nếu một trận chiến thật xảy ra, trước hết sẽ là trận chiến giữa hàng đàn máy bay không người lái của hai phía, đấu với nhau qua sự điều khiển bởi những kỹ thuật viên từ đất liền xa xôi, sau đó mới đến phiên các máy bay có người lái.

Một cuộc chiến trên biển trong thế kỷ 21 sẽ rất hào hứng, sôi nổi giữa những kỹ thuật công nghệ tiên tiến nhưng đồng thời cũng sẽ lấy đi mạng sống của hàng chục ngàn con người của cả hai bên.

Liệu ai sẽ là người ra tay tấn công trước? Đài Loan, Hoa Kỳ và các nước Đồng Minh đã sẵn sàng cho cuộc chiến trong thế kỷ 21 với chú gấu Panda khổng lồ.

Việt Linh, 07.07.2023