Tại sao Putin tấn công Ukraine?

0
2960

Trong nhiều tháng qua, các lực lượng Nga đã dồn dập tấn công các vị trí của Ukraine ở thành phố nhỏ Bakhmut, đẩy quân phòng thủ vào thế bị thu hẹp. Nhưng bây giờ, thế trận dường như đang thay đổi. Quân đội Ukraine đang tấn công các vị trí của Nga ở Bakhmut bên sườn của họ, đẩy lùi họ. Những người lính Nga phải rút lui, trong một đội quân gồm những người lính nghĩa vụ và tù nhân nghèo đói và được trang bị kém, đang bị chính các sĩ quan của họ hành quyết. Chiếm giữ Bakhmut là mục tiêu chính của Nga. Nó được cho là cũng là một điểm mạnh của Nga và cho đến ngày nay, Nga vẫn kiểm soát 90% thành phố. Nhưng khi nó bắt đầu sụp đổ, thì tinh thần của những người lính Nga vốn đã ở mức thấp trong quân đội sẽ tiếp tục sụp đổ cùng với thành phố Bakhmut.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Làm thế nào mà Nga lại rơi vào tình trạng chẳng đặng đừng này?

Tại sao người đàn ông mạnh mẽ như Nga Vladimir Putin lại phát động một cuộc chiến mà ông ta biết là không thể thắng và điều đó đã tàn phá quân đội Nga, khiến hàng trăm ngàn quân lính bị thiệt mạng và phần lớn lực lượng thiết giáp của họ bị tiêu diệt?

Câu chuyện được kể trong cuốn sách “Overreach” (xin tạm dịch là “Vượt quá giới hạn) , một sự kết hợp hấp dẫn giữa phân tích và phóng sự của nhà báo-nhà sử học người Anh Owen Matthews. Ngoài sự nghiệp lâu dài với tư cách là phóng viên, Matthews còn có mối liên hệ cá nhân mật thiết với nước Nga: Mẹ của ông sinh năm 1934 tại Kharkiv trong một gia đình đã phục vụ cả Sa hoàng và Cộng sản Liên Xô trong hai thế kỷ, và chịu nhiều đau khổ vì nỗi đau của họ.

Matthews đưa ra những phân tích của mình với một cái nhìn dài hạn, kể lại lịch sử của Ukraine từ những ngày đầu tiên vào cuối thế kỷ thứ chín cho đến khi Nga chiếm Crimea và các phần của miền đông Ukraine vào năm 2014.

Nhà độc tài Nga Vladimir Putin đã đào sâu vào quá khứ xa xưa này để biện minh cho hành động sai lầm quân sự của mình.

Vào năm 2021, Putin đã xuất bản một bài tiểu luận lịch sử dài 7.000 từ, được đánh giá là  “bản thiết kế tư tưởng cho chiến tranh”. Putin đã viết trong đó về “thảm kịch và bất hạnh chung lớn” rằng một “bức tường” đã được dựng lên giữa Nga và Ukraine, chia cắt “những gì về cơ bản là cùng một địa điểm lịch sử và tinh thần”.

Putin đặc biệt nhấn mạnh đến hoàn cảnh khó khăn của những người gốc Nga ở Ukraine, những người mà theo ông, “không chỉ bị buộc phải phủ nhận nguồn gốc của mình . . . mà còn phải tin rằng Nga là kẻ thù của họ.” Ông Putin viết rằng: “Sự đồng hóa bắt buộc của Ukraine và “sự hình thành một nhà nước Ukraine thuần túy về mặt dân tộc, hung hăng đối với Nga, có thể so sánh hậu quả của nó với việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt chống lại chúng tôi“.

Tôi xin nhắc lại câu khẳng định của Putin: “Có thể so sánh với việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt chống lại chúng ta?

Sự thật là gì nếu không muốn nói là sự hoang tưởng của chủ nghĩa dân tộc Nga cực đoan. Thực chất là Putin muốn định hình dư luận Nga đồng thời đưa ra quan điểm cực đoan của Putin về Ukraine và phương Tây.

Nổi bật trong số những nhà tư tưởng cực đoan này là Aleksander Dugin, một cái loa của chủ nghĩa dân tộc Nga từng nói rằng: “Chúng tôi là những người bảo thủ. Chúng tôi muốn một nhà nước mạnh mẽ, vững chắc, muốn trật tự và gia đình lành mạnh, các giá trị tích cực, củng cố tầm quan trọng của tôn giáo và Giáo hội trong xã hội. Chúng tôi ủng hộ một “chủ nghĩa phát xít chân chính, thực sự, cách mạng triệt để và nhất quán”. Phát biểu này của Dugin có nét tương đồng đáng kinh ngạc với chủ nghĩa bảo thủ của Mỹ hiện nay.

Những quan điểm cực đoan như vậy đã lan truyền ở Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ, kèm theo những lo ngại thái quá về việc NATO mở rộng về phía đông, sự trỗi dậy của những kẻ được cho là “Đức quốc xã” lên nắm quyền ở Ukraine, cảnh ngộ của hàng triệu người dân tộc Nga bị cáo buộc là đối tượng bị đàn áp ở Ukraine và hối tiếc về sự sụp đổ của đế chế Xô Viết, mà Putin đã mô tả nổi tiếng vào năm 2005 là “thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ”.

Mọi yếu tố góp phần đằng sau quyết định xâm lược Ukraine vào năm 2022 của Putin đã tồn tại trong nhiều năm thậm chí nhiều thập niên trước đó”. Do đó, một câu hỏi thú vị được đặt ra là “Tại sao Putin lại phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 4 năm 2022, mà không làm điều đó sớm hơn?

Owen Matthews đã đưa ra một số câu trả lời như thế này:

  • Vào đầu thập niên này, những nỗ lực của Nga nhằm can thiệp vào các vấn đề của Ukraine và hạn chế sự ảnh hưởng chính trị của nước này về phía tây đã kết thúc trong thất bại với quyết định của Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensksy để Ukraine tham gia cuộc tập trận quân sự của NATO vào tháng 3 năm 2021 là một bước ngoặt quyết định. Vào cuối năm 2021, Putin nhìn thấy nguy cơ từ ảnh hưởng của phương Tây ở Ukraine và cảm thấy bị đe dọa và không thể phớt lờ.
  • Đồng thời, vị thế kinh tế của Nga có vẻ đặc biệt thuận lợi. Châu Âu đã bị phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu năng lượng của Nga mà quốc gia này còn tích lũy được một khoản dự trữ chiến lược trị giá 650 tỷ USD. Putin đã tin rằng vị thế kinh tế của Nga sẽ đóng vai trò như một lực cản đối với sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine, trong khi số tiền dự trữ 650 tỷ là đủ để cầm cự và vượt qua trước những lệnh trừng phạt thậm chí hà khắc của phương Tây.

Tuy nhiên, đó không phải là tất cả, mà còn phải tính đến những biến động khác đã kết hợp lại với nhau trong thời điểm khá thích hợp cho Putin khi sự đoàn kết của phương Tây bị yếu kém, rời rạc sau hậu quả của việc rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan, việc Thủ tướng Đức, nhà chính trị gia tài giỏi và uy tín của Đức, Angela Merkel nghỉ hưu, sự yếu kém trong bầu cử của Zelensky và quân đội Nga được tân trang lại dường như mang đến cơ hội ngàn năm có một đã dẫn đến quyết định xâm lược Ukraine của Putin.

Nhưng tất cả chỉ là ảo ảnh.

Sai lầm thứ nhất của Putin là đã tưởng tượng rằng những người Ukraine nói tiếng Nga đương nhiên sẽ coi họ là người Nga về mặt dân tộc và chính trị. Điều này đã được chứng minh là sai vì đã có hàng triệu người Ukraine nói tiếng Nga đã chạy trốn khỏi lực lượng của Moscow, và hàng chục ngàn người ở lại tình nguyện chiến đấu chống lại quân lính Nga lại chính là những người Ukraine nói tiếng Nga. Nói đơn giản hơn, những người Ukraine nói tiếng Nga sống trên đất Ukraine đã không mặc nhiên coi họ là người Nga hay nói một cách thẳng thắn hơn, là họ đã chối bỏ nguồn gốc Nga của họ. Putin đã từng tưởng tượng cảnh những người Ukraine nói tiếng Nga sẽ tràn ra cả hai bên đường để chào đón. vẫy cờ, đưa thức ăn nước uống với những nụ cười ấm tình quân dân cá nước, chào đón những người đến để giải phóng họ, những cảnh tượng này đã không hề xảy ra.

Sai lầm thứ hai của Putin là về tình hình thực sự ở Ukraine, Putin đã đánh giá thấp quân đội Ukraine. Đến năm 2022, các sĩ quan và binh sĩ Ukraine đã được đào tạo một thời gian tại các trường huấn luyện cao cấp ở Hoa Kỳ và các quốc gia NATO khác và tham gia các cuộc tập trận của NATO. Trong hơn nửa thập niên chiến đấu kể từ cuộc xâm lược của Nga năm 2014, quân đội Ukraine đang trong quá trình chuyển đổi từ một lực lượng kiểu Liên Xô thành một quân đội phương Tây hiện đại với đầy đủ sự táo bạo và chủ động mạnh mẽ.

Sai lầm thứ ba của Putin cũng đánh giá thấp phản ứng của phương Tây. Vào năm 2022, chỉ riêng Hoa Kỳ đã cung cấp 55 tỷ đô la viện trợ quân sự cho Ukraine, một số tiền gần như tương đương với toàn bộ ngân sách quân sự hàng năm của Nga. Vũ khí sát thương cao, như tên lửa chống tăng Javelin, có tác dụng quyết định trong việc đẩy lùi cuộc xâm lược ban đầu của Nga. Các hệ thống tầm xa hơn, đáng chú ý nhất là hệ thống tên lửa HIMARS, đã và đang làm giảm khả năng tập trung lực lượng và huy động lực lượng cho các hành động tấn công của Nga. Những đóng góp của châu Âu đối với sức mạnh quân sự của Ukraine cũng rất đáng kể.

Nhưng có lẽ sai lầm nghiêm trọng nhất của Putin là đã đánh giá quá cao quân đội Nga vì ông ta nghĩ quân đội Nga đã được đổ rất nhiều tiền vào trong thập niên trước. Nhưng Putin không biết rằng, phần lớn trong số đó đã bị cắt xén, ăn chặn bởi các tướng lãnh cấp cao trong quân đội.

Chỉ cần nghe qua lời kể của một quân nhân chuyên nghiệp, Pavel Filatyev. Khi gia nhập Trung đoàn tấn công 56, anh đã tìm thấy, người lính mới nhận ra anh ta đã không có giường để nằm ngủ trong doanh trại, và thường không có điện hoặc nước đầy đủ. Một đàn chó hoang lang thang khắp các tòa nhà. Cũng không có đủ thức ăn, chỉ có bánh mì cũ và món được gọi là “súp” chính là khoai tây sống ngâm trong nước. Trên giấy tờ, đơn vị của anh có 500 binh sĩ, nhưng thực tế chỉ có 300. Anh phải tự mua đồng phục mùa đông cho riêng mình sau khi được phát quần áo mùa hè và giày không đúng kích cỡ. Khẩu súng trường của anh ta bị rỉ sét và kẹt đạn sau một vài phát bắn, và anh ta được gửi đến Ukraine mà không có áo khoác chống đạn, là thứ mà anh ta cho rằng đã bị các sĩ quan chỉ huy của mình đánh cắp và bán đi.

Dù đơn vị Trung đoàn tấn công 56 của anh được đánh giá là một đơn vị tinh nhuệ. Filatyev viết rằng quân đội Nga “là một nhà thương điên và mọi thứ chỉ để trưng bày.” Filatyev đào ngũ và tìm đường đến Pháp. Quân đội Nga dù đông đảo về số lượng người và trang thiết bị, nhưng tiềm lực của quân đội Nga chỉ là một cái thùng rỗng.

Qua cái nhìn của Putin và đa số người Nga với chủ nghĩa dân tộc Nga đi kèm đã cho thấy mối liên hệ không thể tách rời giữa chủ nghĩa dân tộc với sự không khoan dung và hiếu chiến.

Ở đây có những bài học dành cho Hoa Kỳ khi người Mỹ muốn giải quyết các biến chứng của căn bệnh dân túy cực đoan của Hoa Kỳ. Đối với thương hiệu chủ nghĩa bảo thủ quốc gia cây nhà lá vườn của chính người Mỹ đã ngày càng biến thành chủ nghĩa cực đoan theo cách tương tự như chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Nga.

Một trường hợp điển hình là sự phân biệt chủng tộc công khai, và cố tình ủng hộ Nga chống lại Ukraine, của Tucker Carlson, người dẫn chương trình nổi tiếng thuộc cánh hữu trong nền tảng Fox News trước đây đã phát biểu trong hội nghị quốc gia về chủ nghĩa bảo thủ đầu tiên của Hazony.

Một điều thú vị nữa là về vị trí của NATO trong suy nghĩ của Putin trong hai thập niên trước khi chiến tranh bùng nổ. Với câu hỏi là: “Liệu có phải sự mở rộng của NATO, và đặc biệt là sự can dự ngày càng tăng của NATO với Ukraine, đã kích động cuộc xâm lược của Nga hay không?

Câu trả lời là không hẳn hoàn toàn như vậy, nếu chúng ta nhớ lại những hành động gây hấn của Putin – ở Georgia năm 2008, ở Crimea năm 2014, ở Syria năm 2015 – đã tạo thành những lời cảnh báo đến các thành viên NATO, thúc đẩy họ về sự cần thiết phải củng cố liên minh vững chắc và đoàn kết hơn. Và mọi hành động gây hấn như vậy của Nga chỉ làm tăng mong muốn tham gia khối NATO của các nước láng giềng bị đe dọa của Nga.

NATO thì tin rằng việc thể hiện sự đoàn kết quân sự sẽ ngăn chặn sự xâm lược của Nga. Nhưng đối với Nga, chính những màn trình diễn mang tính biểu tượng về sự can dự quân sự đã bị xem là những mối đe dọa. Cả hai bên đã bị đẩy vào thế mất niềm tin và phải tìm cách để chống trả và tìm lấy sự an toàn.

Đây là một kết luận trung thực.

NATO không thể đổ lỗi hoàn toàn cho cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Chính quyền Biden và các đồng minh của Mỹ đã cung cấp cho Ukraine khá nhiều loại vũ khí—đủ để không thua, nhưng không đủ để thắng. Đây là một chiến lược quen thuộc của Hoa Kỳ. Trong 50 năm qua, Washington đã hứa với các đồng minh rất nhiều, nhưng sau đó đã thay đổi những con số bởi chính trị thay đổi trong nước. Người Mỹ chưa bao giờ đánh giá đầy đủ mức độ cam kết của quân đội Mỹ trong Chiến tranh vùng Vịnh, và các tướng lĩnh, đô đốc và chính trị gia đã nhiều lần chứng minh rằng họ không được chuẩn bị để tiến hành các cuộc chiến tranh lâu dài đòi hỏi cam kết chính trị và kinh tế một cách chắc chắn và bảo đảm sự ổn định.

Ở cả Afghanistan và Iraq, kẻ thù của người Mỹ có mọi lý do để nghĩ rằng họ có thể sẽ giành được chiến thắng. Taliban được cho là đã châm biếm rằng “Người Mỹ có tất cả đồng hồ, nhưng chúng tôi có tất cả thời gian.” Vladimir Putin, người đã định hình cuộc chiến mà ông ta lựa chọn ở Ukraine là một cuộc đấu tranh sinh tồn với phương Tây, cũng đang đặt cược như vậy.

Chiến tranh vẫn tiếp tục và cái giá phải trả bằng máu và sự hủy diệt đang tăng lên từng ngày. Nếu Ukraine không bị buộc phải chờ đợi hàng tuần và hàng tháng quý giá để có được pháo binh, HIMARS, xe bọc thép, hỏa tiễn tầm xa, máy bay không người lái, đạn pháo thì cuộc chiến có thể đã rất khác. Nếu quân đội Nga không sụp đổ, cuộc phản công của Ukraine có thể tạo điều kiện cho một chiến thắng toàn diện trong chiến tranh mà không đạt được nó một cách trực tiếp—ví dụ, bằng cách cắt đứt cầu nối đất liền từ Nga đến bán đảo Crimea. Việc Putin quyết định xâm lược Ukraine, không vì điều gì khác hơn là một ảo tưởng dân tộc chủ nghĩa, muốn chứng minh cho sự cần thiết của một liên minh và mong muốn của các nước láng giềng đang khiếp sợ của Nga phải tham gia vào liên minh.

Sẽ rất quan trọng để cho người Nga thấy được tính tất yếu của một lực lượng Ukraine được trang bị mạnh và hiện đại hóa trên bộ – với xe tăng chiến đấu chủ lực và phương tiện chiến đấu bộ binh hiện đại cũng như pháo binh và máy bay – vào mùa xuân năm tới. Chính quyền Biden cần chứng minh giá trị của một chiến thắng hiển nhiên của Ukraine. Cụ thể hơn, trong một năm bầu cử, Biden cần phải chứng tỏ sự mạnh mẽ, phải trông giống như một người chiến thắng bởi vì Người Mỹ thường không dễ dàng từ bỏ các tổng thống giữa những cuộc chiến.

Ở Ukraine, phương Tây không thể lùi mà phải tiến lên. Khi Ukraine chiến thắng, Mỹ và các đồng minh châu Âu sẽ chiến thắng. Hơn nữa, chúng sẽ hữu ích cho việc bảo vệ Đài Loan và các quốc gia Đông Âu khác.

Việt Linh 18.05.2023