Tại sao Putin chắc chắn sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine?

0
2992

Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái từ phía Ukraine hay những người ủng hộ phía Ukraine, chống chính quyền Putin, tấn công các khu dân cư giàu có nhất của Moscow đã thể hiện một bước ngoặt nghiệt ngã trong cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Các cuộc tấn công bất ngờ – đã giết chết 8 người và Kiev đã bác bỏ mọi trách nhiệm – đây được xem là lần đầu tiên một cuộc tấn công chống lại thường dân Nga kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Chúng cũng là cuộc xâm nhập quan trọng nhất vào lãnh thổ Nga kể từ Thế chiến thứ hai.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Tất cả các dấu hiệu của cuộc tấn công đã khiến Nga phải đưa ra một quyết định táo bạo và nguy hiểm, đó là sử dụng vũ khí hạt nhân. Liệu dự đoán này có trở thành hiện thực hay không?

Putin đã nhanh chóng coi các cuộc tấn công là hành động “khủng bố”, trong khi Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu lực lượng lính đánh thuê Wagner, đã chỉ trích các chỉ huy chiến tranh phải thất vọng vì không thể ngăn chặn ba trong số tám máy bay không người lái đã trốn tránh hệ thống phòng không của Nga. Tuy nhiên, trong khi tất cả những điều này mang lại sự thúc đẩy tinh thần cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine, thì câu hỏi về sự trả đũa vẫn còn lơ lửng.

Mười lăm tháng trong cuộc chiến, những quả bom của Putin đã không phá hủy được đất nước Ukraine. Một đợt nhập ngũ 300.000 binh sĩ mới trong mùa đông đã giúp cải thiện rất ít khả năng chiến đấu của các đơn vị Nga, và việc khai triển xe tăng cũ, lỗi thời từ những năm 50 cùng với tin đồn rằng đạn dược của Nga đang cạn kiệt. Thật vậy, các chỉ huy quân sự Nga dường như đã cạn kiệt khả năng đối phó hiệu quả với sự leo thang đáp trả của phía Ukraine.

Theo sự nhìn nhận sự việc riêng của tôi, những diễn biến bên ngoài đã dần hội tụ một phương cách ngày càng rõ ràng hơn, đó là cách duy nhất mà Nga có thể đối phó với sự leo thang của chiến tranh. Có thể nhiều người sẽ không đồng tình với tôi về cách nhìn nhận này, nhưng xin hãy nghĩ rằng đây chỉ là dự đoán cho những điều có thể xảy ra hay không thể xảy ra, đó là Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để chấm dứt chiến tranh. Tôi chỉ đúc kết những nhận định từ những chuyên gia quân sự trên nhiều nguồn thông tin khác nhau.

Nhiều chuyên gia phương Tây nói rằng họ coi trọng mối đe dọa về một cuộc tấn công hạt nhân của Nga ở Ukraine, nhưng hầu hết những người họ đều khá tự tin và khẳng định rằng khả năng xảy ra là rất thấp. Ví dụ, vào tháng trước, Avril Haines, Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ, đã phát biểu trước một phiên điều trần của Thượng viện rằng lực lượng thông thường suy yếu của Putin sẽ khiến Tổng thống Nga phụ thuộc nhiều hơn vào “các lựa chọn bất đối xứng” để răn đe và đáp trả cũng như thoát khỏi một cuộc chiến tranh kéo dài, bao gồm cả khả năng hạt nhân – nhưng bà cũng đưa ra dự đoán rằng đó là “trường hợp rất khó xảy ra”. Phát biểu tại phiên điều trần tương tự, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng, Trung tướng Scott Berrier, cũng đánh giá khả năng xảy ra một cuộc tấn công bằng “vũ khí hạt nhân” lên đất Ukraine là tương đối khó xảy ra.

Chưa hết, có bằng chứng rõ ràng rằng Putin đã quyết tâm sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong cuộc chiến của mình ở Ukraine. Trong các bài phát biểu và phỏng vấn gần đây, Putin đã lập luận rằng Nga phải đối mặt với một mối đe dọa hiện hữu — một tình huống khó giải quyết bằng vũ khí thông thường, theo chính sách của Nga, sẽ cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp bất khả kháng hay không thể làm khác được. Putin cũng đã thay đổi ban lãnh đạo quân đội của mình, lựa chọn ra ba vị tướng chịu trách nhiệm sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật cùng tham gia chỉ huy “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Putin ở Ukraine.

Hơn nữa, trong khi NATO đã nói rõ rằng họ sẽ không trừng phạt việc sử dụng vũ khí hạt nhân của các thành viên vì bảo vệ Ukraine, thì Putin đã có những lý do chiến thuật để khai triển chúng, đó là: để cứu mạng sống của binh lính Nga, rút ​​ngắn chiến tranh, tiêu diệt lực lượng Ukraine, củng cố giá trị răn đe của kho vũ khí hạt nhân của mình và để chứng minh rằng ông ta không phải là một kẻ hèn nhát, dám nói dám làm. Do đó, một số quốc gia thành viên của NATO cho rằng Putin dường như đã sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân, rất có thể là để đối phó với việc quân đội Nga đã không thể giành thêm chiến thắng vì nhiều lý do khác nhau. Nói một cách khác, là thanh gươm hạt nhân đã được chuẩn bị rút ra khỏi bao.

Trong phần lớn 80 năm qua, an ninh của Nga đã dựa trên hai trụ cột mà sức mạnh tương đối của chúng lúc lên lúc xuống, đó là – lực lượng quân đội và vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân của nước này.

Các lực lượng thông thường đã được sử dụng để gây ảnh hưởng, bắt nạt và buộc các nước láng giềng và đối thủ của Nga phải phục tùng ý chí của họ. Các lực lượng hạt nhân là nhằm ngăn chặn Hoa Kỳ và phương Tây can thiệp quân sự vào Nga và vùng ảnh hưởng được cho là trong vòng tay của nước này.

Tuy nhiên, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các lực lượng thông thường của Nga đã không theo kịp sự tiến hóa của các quân đội phương Tây, không được thường xuyên huấn luyện. Để bù lại, các nhà lãnh đạo Nga đã phải dựa vào lực lượng hạt nhân của họ để làm cả hai việc: vũ khí hạt nhân chiến lược để răn đe phương Tây và vũ khí hạt nhân chiến thuật để đe dọa các nước láng giềng.

Ngày nay, một cuộc tấn công hạt nhân duy nhất ở Ukraine có thể ngăn chặn một cuộc phản công của Ukraine và ít gây thiệt hại về nhân mạng cho người Nga. Đối với Moscow, sự cân nhắc này vừa thực tế vừa mang tính đạo đức: việc huy động quy mô lớn và tăng cường các đơn vị quân đội vào năm ngoái cho thấy quân đội của Putin quá nhỏ so với nhiệm vụ lớn của vị thế đất nước rộng lớn của nước Nga. Tuy nhiên, Nga chỉ thành lập được một số tiểu đoàn mới vì hầu hết nhân sự và thiết bị mới chỉ đơn giản là thay thế những tổn thất trong các đơn vị hiện có. Putin và các nhà lãnh đạo quân sự của ông ta đang cạn kiệt nhân lực và vật chất cần thiết để đạt được mục tiêu của mình.

Vào đầu năm nay, Putin đã thực hiện một số bước công khai để chứng minh rằng ông ta không đe dọa suông về việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Vào tháng 2, ông đã ký một đạo luật “đình chỉ” sự tham gia của Nga vào New Start, hiệp ước vũ khí hạt nhân chiến lược. Bước này đã chính thức chấm dứt các cuộc kiểm tra chung các địa điểm vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga, đồng thời giải phóng Nga khỏi nghĩa vụ hạn chế số lượng vũ khí hạt nhân chiến lược của mình – mặc dù Nga đã hứa sẽ làm như vậy.

Sau đó, vào tháng 3, Putin tuyên bố rằng ông ta sẽ đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, với một cơ sở lưu trữ sẽ được xây dựng vào đầu tháng 7. Vì Nga đã khai triển các hệ thống tên lửa Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân ở đó – cũng như hàng ngàn quân – điều này sẽ đặt các hệ thống phân phối hạt nhân và đầu đạn gần nhau, giúp giảm đáng kể thời gian cảnh báo khi sử dụng chúng. Putin cũng gợi ý rằng lực lượng của quân đội Belarus sẽ được huấn luyện để sử dụng vũ khí hạt nhân.

Điện Kremlin đã thực hiện các bước ngày càng đe dọa này với niềm tin rằng NATO và phương Tây – đặc biệt là Hoa Kỳ – đã không chú ý đến các yêu cầu của Nga trên trường quốc tế.

Vào năm 2018, khi Putin tiết lộ một loạt vũ khí hạt nhân mới, ông ta đã cảnh báo rằng: “Sẽ đến lúc quý vị sẽ nhận ra giá trị thực sự của chúng tôi.”

Bốn năm sau, cuộc xâm lược Ukraine của ông ta là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai đã phớt lờ ông ta.

Mặc dù vậy, một số người ở Nga chắc chắn lo sợ rằng mối đe dọa về một cuộc tấn công hạt nhân đã bắt đầu vang lên. Và đối với Putin, người có chế độ dễ bị tổn thương, việc đe dọa một cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật có lẽ cũng mang nhiều rủi ro cho chính nước Nga khi tấn công Ukraine.

Kết quả là, bên cạnh việc Nga liên tục cảnh báo người dân của họ rằng phương Tây có thể sử dụng vũ khí hạt nhân, thì Điện Kremlin đã từng bước chuẩn bị cho người dân Nga những lý do tại sao nên sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công phủ đầu chứ không phải chỉ để đáp trả sau khi bị tấn công.

Khi công bố kế hoạch khai triển vũ khí hạt nhân của Nga tới Belarus, Putin đã nói rằng: “Hoa Kỳ đã làm điều này trong nhiều thập niên. Họ từ lâu đã khai triển vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ của các quốc gia đồng minh của họ, trên lãnh thổ của các quốc gia NATO, ở châu Âu, chính xác là ở sáu quốc gia. Chúng tôi cũng sẽ làm điều tương tự”. Putin cũng đã nhiều lần nhắc đến các cuộc tấn công hạt nhân của Mỹ vào Hiroshima và Nagasaki và đánh đồng các mục tiêu của Mỹ khi đó là cứu sống binh lính và rút ngắn chiến tranh – giống như các mục tiêu của Nga ngày nay, đó là giảm thiểu tiêu hao sinh mạng của binh lính Nga, với đa số là tân binh không có kinh nghiệm và rút ngắn hay chấm dứt chiến tranh với Ukraine.

Putin đã nói rõ với người dân Nga rằng các ranh giới đỏ của Moscow về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, được nêu rõ trong các tài liệu chính thức của nước này, đều đã bị vượt qua kể từ cuộc xâm lược. Putin tuyên bố rằng chính sự sống còn của Nga đang bị đe dọa trong cuộc đấu tranh hiện nay, rằng mục tiêu của phương Tây là đạt được sự sụp đổ và hủy diệt của nước Nga. Nhưng mọi người đều dễ dàng nhận ra đây chính ra những lời tuyên bố bịa đặt, được sử dụng để tạo cớ cho Putin sử dụng vũ khí hạt nhân.

Có một chi tiết đáng chú ý, giới tình báo Ukraine cảnh báo cho phía Mỹ biết rằng, Nga đã bắn một “hỏa tiễn hành trình hạt nhân Kh-55” với đầu đạn giả. Các nhà quan sát cho rằng những hỏa tiễn này – được thiết kế chỉ để mang vũ khí hạt nhân – nhưng giờ đây chúng được phóng đi để đánh lừa hệ thống phòng không của Ukraine. Cách giải thích hợp lý là Nga cố ý phóng các hỏa tiễn thời Chiến tranh Lạnh với các đầu đạn giả để kiểm tra độ tin cậy của chúng nhằm sử dụng trong một cuộc tấn công hạt nhân thực sự.

Nhưng lý do chính đáng nào sẽ được Nga biện minh cho quyết định tấn công hạt nhân vào Ukraine của Putin?

Nhiều khả năng, quân đội Nga sẽ không thể đáp ứng yêu cầu của mình bằng các phương tiện thông thường. Ví dụ, nếu một cuộc tấn công của Ukraine vào bán đảo Crimea, Putin sẽ tìm cách leo thang chiến sự để ngăn chặn tổn thất đó, giữ Crimea bằng mọi giá. Nếu các lực lượng thông thường không thể phản ứng thành công, một cuộc tấn công hạt nhân chống lại các lực lượng Ukraine sẽ được khai triển.

Putin đã từng tuyên bố vào tháng 9 năm ngoái, vào đêm mà Putin tuyên bố sáp nhập trái phép 4 tỉnh của Ukraine vào nước Nga rằng: “Nếu sự thống nhất lãnh thổ của đất nước chúng tôi bị đe dọa, để bảo vệ nước Nga của chúng tôi, chắc chắn chúng tôi sẽ sử dụng tất cả vũ khí mà chúng tôi có. Đây không phải là lời đe dọa suông.”

Ở trong nước cũng vậy, có những yếu tố thúc đẩy có thể khuyến khích Putin mạnh tay hơn nữa. Putin đang chịu áp lực từ những người theo chủ nghĩa dân tộc Nga, những người đã ủng hộ ông ta trong quá trình lên nắm quyền, nhưng hiện đang lên tiếng bày tỏ sự không hài lòng của họ. Như cựu sĩ quan FSB Igor Girkin, đã công khai chỉ trích giới lãnh đạo quân sự cấp cao, thậm chí cả Putin. Sự chỉ trích đó có thể biến thành sự phản đối, buộc ông ta phải xem xét việc leo thang chiến tranh trước khi các lực lượng thông thường của ông ta sẵn sàng.

Trong khi đó, những tuyên bố rằng Putin sẽ bị các đồng minh quan trọng, chẳng hạn như Trung Quốc hay Ấn Độ, ngăn cản sử dụng vũ khí hạt nhân, không phải là kết quả của cuộc chiến cho đến nay. Mặc dù Putin đánh giá cao sự hỗ trợ của người khác, nhưng ông ta không ngại mạo hiểm với sự hỗ trợ đó để đạt được điều mình muốn.

Điều này không có nghĩa là chúng ta ở phương Tây nên gây sức ép buộc Ukraine từ bỏ mục tiêu giải phóng toàn bộ lãnh thổ bị chiếm giữ. Nhưng điều đó có nghĩa là các quốc gia phương Tây và Mỹ nên lường trước một cuộc tấn công hạt nhân và chuẩn bị sẵn sàng các phản ứng thích hợp để đối phó khi một vụ tấn công hạt nhân xảy đến.

Ngay khi Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, hậu quả sẽ bắt đầu lan rộng. Hàng chục ngàn người Ukraine sẽ thiệt mạng bởi vụ nổ. Hàng trăm triệu người châu Âu sẽ chuẩn bị cho chiến tranh. Nhưng 7 tỷ người khác trên toàn cầu sẽ vẫn tiếp tục công việc kinh doanh của họ và không bị ảnh hưởng về thể chất, sức khỏe, môi trường.

Cuối cùng, điều này có thể tỏ ra nguy hiểm hơn đối với trật tự quốc tế. Hình ảnh mà nhiều người coi vũ khí hạt nhân là vũ khí hủy diệt nền văn minh sẽ bị xóa bỏ. Thay vào đó, những vũ khí như vậy sẽ được “bình thường hóa” và, mặc dù với hậu quả bi thảm, nhưng vẫn được chấp nhận trong chiến tranh. Trong thế giới thay đổi ngày càng cực đoan này, phương Tây và Mỹ cần phải chuẩn bị phản ứng, bởi vì một cuộc tấn công hạt nhân có thể xảy ra bất cứ lúc nào Putin muốn.

Việt Linh, 09.06.2023