Ông Biden có chống người Việt tỵ nạn vào Hoa Kỳ hay không?

0
2719

ST

Đây là đề tài có khá nhiều thông tin phản chiều nhưng để rộng đường dư luận, tôi sẵn sàng chấp nhận mọi phản biện đến từ quan điểm riêng của bất cứ ai, chúng ta sẽ không tranh cãi ai đúng ai sai mà là đóng góp ý kiến cho nhau, thảo luận qua những dẫn chứng của lịch sử để đi đến một sự nhìn nhận và hiểu biết chung trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau.

Nếu chúng ta gõ những câu hỏi như sau trên Google search, Yahoo search, Microsoft Bing: “Có phải Thượng Nghị Sĩ Joe Biden Từng phản Đối Việc Nhập Cư Người Việt hay không?” thì những hệ thống tìm kiếm này luôn đem đến cho chúng ta hai kết quả khác nhau.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Với một số tờ báo Mỹ như Washington Times, Washington Examiner, New York Post đều có tiêu đề giống nhau:

Joe Biden phản đối việc giúp người miền Nam Việt Nam được tị nạn tại Mỹ“.

Và một kết quả khác hoàn toàn ngược lại với những chi tiết giải thích và những đường links để chúng ta tra cứu.

Câu hỏi này đã được truyền đạt rất nhanh khởi đầu từ một bài đăng trên trang mạng Facebook mơ hồ, dựa theo cuốn sách “When The Center Held: Gerald Ford and the Rescue of the American Presidency” của Donald Henry Rumsfeld, ông ta từng là một chính trị gia, quan chức chính phủ và doanh nhân người Mỹ, từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng từ năm 1975 đến năm 1977 dưới thời cố tổng thống Gerald Ford, và một lần nữa nắm giữ chức vụ này từ năm 2001 đến năm 2006 dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush. Rumsfeld vừa là bộ trưởng quốc phòng trẻ tuổi nhất vừa là người nhậm chức lớn tuổi nhất.

Trong cuốn sách này, tác giả Donald Rumsfeld nhắc lại thượng nghị sĩ trẻ tuổi Joe Biden đã có ý định ngăn ngừa việc cho phép người tị nạn Việt nam được nhập cư tại Hoa Kỳ.

Cuốn sách “When the Center Held” xuất bản năm 2013, được xếp hạng thuộc loại “second hand” nhằm ca ngợi tổng thống Gerald Ford, người mà Rumsfeld đã tiếp tục phục vụ sau khi Richard Nixon từ chức đã dìu dắt nước Mỹ thoát khỏi âm hưởng tệ hại của vụ Water Gate, Donald Rumsfeld và Gerald Ford từng là bạn thân với nhau suốt 40 năm. Mục đích của cuốn sách “When The Center Held” chủ yếu là ca ngợi tài năng chính trị điều hành chính phủ của Gerald Ford người mà Donald Rumsfeld đang phục vụ với vai trò của một Chánh văn phòng và sau đó được Gerald Ford bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng.

Theo Donald Rumsfeld, thời đại Gerald Ford là thời đại hoàn chỉnh, mọi rắc rối còn lại là do phía đảng Dân chủ và đối với dư âm của cuộc chiến tranh Việt nam vừa chấm dứt không bao lâu, chính Donald Rumsfeld là người đã tạo nên câu chuyện người tị nạn Việt Nam đã trải qua nhiều trắc trở là bởi một thượng nghị sĩ trẻ tuổi Joe Biden.

Và tại sao các hệ thống tìm kiếm trên internet đều cho chúng ta những kết quả tương tự và chỉ có những tờ báo lá cải như Washington Times, Washington Examiner, Financial Times cho đăng những câu hỏi đó. Những tờ báo chợ cực hữu này không tờ nào có số độc giả trên 100,000? Hay câu chuyện này được đăng với ẩn chứa những ý đồ đảng phái?

Trở lại bài đăng trên Facebook, được ghi lại như sau:

Tổng thống Gerald Ford đã tới Quốc hội để yêu cầu một gói cứu trợ cho phép nhân viên Mỹ và các đồng minh của chúng ta sơ tán. Tuy nhiên, có một Thượng nghị sĩ Hoa kỳ phản đối bất kỳ sự hỗ trợ nào như vậy. Thượng nghị sĩ đó là Joe Biden.”

Theo PolitiFact, bài viết đó đã được Facebook đánh dấu xếp vào loại tin thất thiệt và cảnh báo những ai đọc nó cần chú ý.

Bài đăng trên FB đã mượn ý từ trong cuốn sách của Donald Rumsfeld ở phần chiến tranh Việt Nam, trong đó Rumsfeld viết rằng:

“Trong một cuộc hội họp giữa Gerald Ford và các thượng nghị sĩ của Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện đầu tháng 4 năm 1975 có mặt Joe Biden về đề nghị gia hạn viện trợ cho chính quyền Sài Gòn.”

Donald Rumsfeld viết như sau: “Nhiều lần, một số Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ tại Thượng viện bất đồng quan điểm, trong đó có Thượng nghị sĩ trẻ tuổi thẳng thắn Joe Biden (D-DE). Trong lúc thảo luận sôi nổi, tôi nhận thấy có sự khác biệt trong thái độ của một số thành viên Quốc hội đối với người Việt Nam,”

Tuy nhiên, bản thân Donald Rumsfeld đã không có mặt tại cuộc họp này, theo biên bản của Tòa Bạch Ốc cuộc họp không có tên ông Rumfelds trong số những người tham gia. Ông ta chỉ trở thành Bộ trưởng Quốc phòng của Gerald Ford bắt đầu từ ngày 3 tháng 11 năm 1975. Sau khi Gerald Ford bị đánh bại vào năm 1976, Rumsfeld cũng rời nhiệm sở vào ngày 19 tháng 1 năm 1977. Ký ức mơ hồ của Donald Rumsfeld, một người không có mặt trong cuộc họp này thì làm sao nắm rõ được nội dung cuộc họp hay nhìn được mặt của bất cứ ai, thể hiện thái độ như thế nào trong cuộc họp đó, làm sao biết chắc là Thượng nghị sĩ trẻ tuổi Joe Biden có thái độ chống đối.

Trong buổi họp này, ngoài Gerald Ford còn có ngoại trưởng Henry Kissinger, Bộ trưởng quốc phòng James Rodney Schlesinger và một nhóm thượng nghị sĩ bàn thảo về một gói cứu trợ khẩn cấp trong đó có viện trợ quân sự và ngân khoản 150 triệu đô la để di tản người Mỹ và người tị nạn Việt nam, TNS Joe Biden đã đề nghị cuộc di tản sẽ trở thành một vấn đề ưu tiên một khi tình hình Việt nam trở thành quá tệ, không thể cứu vãn.

Theo hồ sơ đã được giải mã từ Ford Library Museum, ghi lại như sau:

Biden phát biểu rằng: “Chúng ta nên tập trung vào việc đưa họ ra ngoài. Việc đưa người Việt Nam ra ngoài và viện trợ quân sự cho Chính phủ miền Nam Việt Nam là hoàn toàn khác nhau. Tôi cảm thấy bị đặt vào tình trạng bắt buộc phải đưa ra một con số hoặc không có gì. Tôi không muốn phải bỏ phiếu để chấp nhận tất cả hoặc không đồng ý gì cả. Tôi không chắc mình có thể bỏ phiếu cho một số tiền để đưa quân đội Mỹ trở lại từ một đến sáu tháng để đưa người Việt Nam ra ngoài. Tôi sẽ bỏ phiếu cho bất kỳ số tiền nào để đưa người Mỹ ra ngoài. Tôi không muốn nó bị lẫn lộn với việc đưa người Việt Nam ra ngoài”.

Hơn một tuần sau, Thượng nghị sĩ Joe Biden đã bỏ phiếu chống lại Đạo luật Dự phòng Việt Nam năm 1975, (The Vietnam Contingency Act of 1975), đạo luật này lẽ ra sẽ cung cấp quỹ khẩn cấp cho việc di tản và viện trợ ở Việt Nam. Cùng với Biden, 16 thượng nghị sĩ khác của cả hai đảng đều phản đối biện pháp này và được Thượng viện thông qua. Đa số Hạ viện đã bỏ phiếu chống lại phiên bản cuối cùng của dự luật, vì vậy nó đã không thể trở thành luật.

Trong bài phát biểu tại Thượng viện trước cuộc bỏ phiếu, Thượng nghị sĩ Joe Biden bày tỏ lo ngại rằng luật này sẽ được sử dụng vào việc viện trợ quân sự, thay vì di tản người tị nạn. Ông nói rằng: “Không còn nghi ngờ gì nữa, rằng phần 2 của dự luật, bao gồm 100 triệu đô la, được coi là ‘quỹ dự phòng’ có thể không được sử dụng, nhưng rõ ràng là có thể sẽ được sử dụng để viện trợ quân sự cho chính phủ miền Nam Việt Nam.”

Thượng nghị sĩ Joe Biden cho rằng quỹ dự phòng không phải là “cách thức ngoại giao” và thậm chí có thể làm trầm trọng thêm tình hình giữa Bắc và Nam Việt Nam.

Đề xuất tài trợ của Gerald Ford đã nhận được sự chỉ trích từ nhiều thành viên Quốc hội, không chỉ riêng Biden. Sự phản đối từ đa số Quốc hội, đặc biệt là Đảng Dân chủ, không phải về việc tài trợ cho việc di tản, mà là mong muốn không nên ném hết đồng tiền này đến đồng tiền khác để ủng hộ chế độ Sài Gòn rõ ràng đang đi xuống trong thất bại. James Willbanks, cố vấn quân sự cho miền Nam Việt Nam năm 1972, người đã viết nhiều cuốn sách lịch sử quân sự về Chiến tranh Việt Nam, đã nói như thế.

Sau khi Sài Gòn rơi vào tay quân đội Bắc Việt vào cuối tháng 4 năm 1975, Biden đã ủng hộ nghị quyết chào đón 130.000 người tị nạn đầu tiên từ Việt Nam, Campuchia và Lào đến Hoa Kỳ. Cùng lúc đó, Quốc hội đã thông qua và Gerald Ford đã ký một dự luật riêng cho phép tài trợ và hỗ trợ cuộc di tản người tị nạn từ Việt Nam và Campuchia. Biden không có mặt để bỏ phiếu về dự luật này, nhưng đã đưa ra “khuyến nghị ủng hộ“.

Trở lại bài đăng trên Facebook tuyên bố rằng vào năm 1975, Thượng nghị sĩ Joe Biden đã phản đối nỗ lực của Gerald Ford nhằm viện trợ cho miền Nam Việt Nam và di tản người tị nạn.

Tuyên bố này dựa trên lời kể cũ rích từ cuốn sách của Donald Rumsfeld, người viết nên câu chuyện về một cuộc họp mà ông ta không có mặt. Không có mặt thì làm sao nghe, thấy được điều gì mà dám đưa ra tuyên bố láo như vậy.

Trong buổi họp, Biden tuyên bố rằng ưu tiên của ông là di tản công dân Hoa Kỳ và người tị nạn Việt Nam ra khỏi miền Nam Việt Nam. Ông bày tỏ lo ngại về nguồn tài trợ 150 triệu đó có thể được sử dụng cho việc cung cấp vũ khí quân sự cho miền Nam Việt Nam, thay vì sử dụng cho việc di tản công dân Hoa Kỳ và người tị nạn Việt Nam.

Lời kết:

Tôi viết bài nhận định này chủ yếu để làm sáng tỏ những thuyết âm mưu, tin giả từ facebook mà nhiều người Việt, từ trong nước đến hải ngoại và đặc biệt là những người cuồng Trump, họ dựa vào thuyết âm mưu từ một bài đăng trên Facebook, được chính Facebook dán nhãn là tin thất thiệt, cần lưu ý.

Còn Donald Rumsfeld, một đảng viên Cộng hòa cơ hội, viết sách để ca ngợi Gerald Ford vừa tự tán dương mình, viết những điều không đúng sự thật, xuyên tạc lịch sử, liệu quý vị có nên tin vào một con người như vậy hay không?

Tác giả bài viết dựa vào một thông tin trong cuốn sách của Donald Rumsfeld kể về một cuộc họp quan trọng mà ông ta không có mặt. Vậy thì những người cuồng Trump có thể đưa ra dẫn chứng hay phản biện nào đáng tin hơn, hay ít nhất thì cũng nên có dẫn chứng đến từ một trong những người có mặt trong cuộc họp đó hay không. Xin vui lòng viết comments dưới video này và kèm theo nguồn thông tin, dẫn chứng nếu có.

Written by ST

Edited by LK