Nếu Trump thắng lần nữa, không ai có thể ngăn cản ông ta

0
1953

Bảy năm trước, cựu Tổng thống 45, Donald Trump đã giơ tay tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Ông ta đã thề sẽ “trung thành thực thi chức vụ tổng thống Hoa Kỳ” và “bảo tồn, và bảo vệ Hiến pháp”. Nhưng cũng từ lúc Trump đọc lời tuyên thệ thì mọi thứ trên đất nước này đã thay đổi theo chiều hướng cực đoan, lao dốc xuống hố tận cùng, đất nước đầy rẫy sự hỗn loạn, bạo lực. Nhiệm kỳ tổng thống của Trump đã kết thúc bằng một cuộc nổi dậy nhằm tìm cách giữ ông ta có thể tiếp tục nắm quyền một cách bất hợp pháp.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Với bất cứ ứng cử viên tổng thống nào khác, tôi không rõ lắm nhưng với một ứng cử viên tổng thống như Donald Trump, nếu ông ta nói với chúng ta rằng ông ta muốn chấm dứt nền cộng hòa, thì tôi tin chắc là ông ta sẽ làm, chắn chắn không sai.

Trong hồ sơ pháp lý trước Tòa án Tối cao Colorado, Trump đã lập luận rằng ông ta chưa bao giờ thực sự tuyên thệ “ủng hộ” Hiến pháp. Trump tuyên bố rằng Mục Ba của Tu chính án thứ mười bốn, trong đó loại bỏ tư cách của các quan chức chính trị tham gia nổi loạn hoặc nổi dậy, không thực sự áp dụng cho chức tổng thống vì tổng thống không phải là “quan chức của Hoa Kỳ”.

Điều khoản đó áp dụng cho bất kỳ ai trước đây đã tuyên thệ “ủng hộ” Hiến pháp. Nhưng Trump và nhóm pháp lý của ông ta đã tuyên bố rằng lời tuyên thệ của tổng thống thay vào đó nói rằng người tuyên thệ sẽ “bảo tồn và bảo vệ” Hiến pháp. Ngoài sự chia rẽ pháp lý thiếu thiện chí, tráo trở mà lập luận này thể hiện, tuyên bố của Trump còn nhấn mạnh mức độ thiệt hại mà ông ta sẽ gây ra đối với trật tự hiến pháp Mỹ nếu ông trở lại nắm quyền vào năm 2024.

Donald Trump, như tôi đã từng viết trong rất nhiều bài bình luận trước đây, tất cả đều hứa hẹn sự cai trị độc tài. Ngôn ngữ của ông ta đối với các đối thủ chính trị của mình chưa bao giờ đồng đều: Trump mở đầu bài phát biểu tranh cử đầu tiên của chu kỳ 2024 bằng cách tuyên bố với những người ủng hộ rằng “Tôi là quả báo của các bạn” tại một cuộc biểu tình ở Waco, Texas. Nhưng những bước hùng biện mới nhất của ông ta đang gây lo ngại theo những tiêu chuẩn đó. Trong bài phát biểu Ngày Cựu chiến binh ở New Hampshire hồi đầu tháng này, Trump đã chấp nhận những gì có thể được coi là ngôn ngữ mang tính loại trừ đối với các đối thủ chính trị của ông ta.

Trump nói với đám đông rằng: “Chúng tôi cam kết với các bạn rằng chúng tôi sẽ tiêu diệt tận gốc những người Cộng sản, những người theo chủ nghĩa Mác, những kẻ phát xít và những tên côn đồ cánh tả cực đoan sống như sâu bọ trong phạm vi đất nước chúng ta, những kẻ nói dối, ăn cắp và gian lận trong bầu cử. Họ sẽ làm bất cứ điều gì, dù hợp pháp hay bất hợp pháp, để tiêu diệt nước Mỹ và phá hủy giấc mơ Mỹ”. Kết hợp với những lời đe dọa rằng ông ta sẽ sử dụng Bộ Tư pháp để vây bắt các đảng viên Đảng Dân chủ hàng đầu, Trump đang truyền đi kế hoạch cai trị của mình như một nhà độc tài. Quá rõ rang và công khai.

Ai có thể ngăn cản Trump nếu ông ta muốn làm như vậy?

Có năm bước kiểm tra thực tế đối với bất kỳ nhiệm kỳ tổng thống nào. Đầu tiên là nhánh hành pháp. Các thành viên nội các và những người được bổ nhiệm chính trị khác có quyền trì hoãn những mong muốn của tổng thống, thực thi chúng một phần hoặc thậm chí bỏ qua chúng hoàn toàn. Về lý thuyết, điều này không nên xảy ra vì Tòa Bạch Ốc và các bộ phận khác có nhiệm vụ phối hợp hành động và bảo đảm mọi người đều có cùng quan điểm. Nhưng với sự đều đặn trong thời kỳ hỗn loạn của chính quyền Trump đầu tiên, điều đó đã xảy ra.

Các quan chức hàng đầu thường xuyên mâu thuẫn với những bình luận công khai của Trump hoặc những thay đổi chính sách có thể xảy ra, chọn cách giải thích những nhận xét thường xuyên thiếu suy nghĩ của ông ấy như bất cứ điều gì ngoại trừ một mệnh lệnh trực tiếp. Người đứng đầu các cơ quan, ban ngành thực hiện chậm các chính sách gây tranh cãi hoặc đặt chúng ở mức độ ưu tiên thấp. Báo cáo của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về cuộc điều tra Nga đã ghi lại nhiều trường hợp cấp dưới của Trump từ chối thực hiện chỉ thị của ông ta vì theo họ, hành động đó sẽ cản trở công lý.

Đối với tất cả những lời chỉ trích chống lại một “nhà nước ngầm” trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Trump dường như đã chấp nhận một mức độ không phục tùng nhất định, có lẽ chấp nhận rằng những chỉ thị của ông ta nên được thực hiện nghiêm túc thay vì theo nghĩa đen. Tuy nhiên, nhiệm kỳ thứ hai của ông ta nếu xảy đến có thể sẽ rất khác. Trump và nhóm tham mưu của ông ta đang dành những nguồn lực to lớn để định hình lại nhánh hành pháp theo ý muốn của Trump. Một khía cạnh của chiến lược này liên quan đến việc sàng lọc trước những người được bổ nhiệm chính trị về mặt ý thức hệ để bảo đảm lòng trung thành với MAGA. Điều này sẽ khiến các nhân viên FBI và Bộ Tư pháp khó có khả năng sẽ duy trì được sự độc lập sau vụ Watergate với Tòa Bạch Ốc.

Trở ngại còn lại liên quan đến việc nhóm tham mưu của Trump muốn sử dụng một lỗ hổng đáng ngờ về mặt pháp lý để tước bỏ quyền bảo vệ theo luật định của hàng ngàn công chức phi đảng phái khỏi bị sa thải. Trump nhận xét tại một cuộc vận động gần đây rằng: “Chúng ta sẽ thông qua những cải cách quan trọng khiến mọi nhân viên ngành hành pháp đều có thể bị tổng thống Hoa Kỳ sa thải”. Ban tham mưu của Trump cũng đưa ra một phiên bản cực đoan của lý thuyết hành pháp đơn nhất mà trong mắt họ sẽ bỏ qua các cải cách dịch vụ dân sự như Đạo luật Pendleton năm 1883. Dịch vụ dân sự dựa trên thành tích sẽ bị loại bỏ.

Một sự kiểm tra tiềm năng khác trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump sẽ là Quốc hội. Về mặt hiến pháp, đây phải là điều quan trọng nhất. Nhưng bản chất hiện đại của việc làm luật có nghĩa là nó có thể sẽ là cơ chế kiểm soát bất lực nhất. Các cuộc điều tra của Hạ viện và Thượng viện cuối cùng sẽ vô nghĩa nếu không ai làm gì với chúng. Và vì đảng Cộng hòa đã hai lần từ chối kết án Trump về các cáo buộc luận tội, kể cả sau khi ông ta cử một đám đông đến gây loạn, lục soát nơi làm việc của họ, nên không còn gì nghi ngờ rằng họ sẽ luôn ủng hộ bất kỳ ý muốn nào của Trump bất kể điều đó có đi ngược lại Hiến pháp.

Kiểm tra thứ ba và quan trọng nhất đối với bất kỳ tổng thống nào là tòa án. Đây cũng là trở ngại quen thuộc đối với Trump. Ông ta đã trải qua nhiệm kỳ đầu tiên của mình để thua trong các cuộc đấu tranh tại nhiều tòa án trên khắp đất nước. Các cuộc tấn công bằng lời nói của Trump nhằm vào các thẩm phán chỉ leo thang trong những năm gần đây, ngay cả khi ông ta đang phải chịu lệnh bịt miệng trên danh nghĩa trong một số vụ truy tố chống lại ông ta. Trump gần đây đã nộp phạt 15.000 USD vì vi phạm lệnh trong một vụ án và tấn công nhân viên thẩm phán bằng lời nói thông qua luật sư của ông ta.

Tuy nhiên, các tòa án đã được thay đổi dưới thời Trump. Ông đã bổ nhiệm tới 1/4 số thẩm phán liên bang đang hoạt động vào thời điểm ông ta rời nhiệm sở. Một đương sự bảo thủ có thể bảo đảm có được một thẩm phán dễ dàng thông cảm bằng cách nộp đơn kiện lên tòa án liên bang ở Texas, nơi một số thẩm phán cực hữu có độc quyền kiểm soát sổ ghi án. Từ đó, họ tiếp tục đến Tòa phúc thẩm khu vực thứ năm, nơi những người bảo thủ chiếm đa số rõ ràng – chỉ riêng Trump đã bổ nhiệm gần một nửa số thành viên của tòa án này. Và điểm dừng cuối cùng là Tòa án Tối cao, nơi một nửa đại đa số bảo thủ cũng là những người được Trump bổ nhiệm.

Trước đây, Tòa án Tối cao không thân thiện với Trump như ông ấy nghĩ trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Các thẩm phán cũng từ chối giải quyết những tuyên bố của ông ta về cuộc bầu cử năm 2020 hoặc cản trở đáng kể bất kỳ cuộc điều tra nào sau nhiệm kỳ tổng thống đối với ông ta cho đến nay. Điều này khiến cho việc tòa án khó có thể ủng hộ những hành động thực sự nghiêm trọng. Tuy nhiên, mối đe dọa luôn tồn tại là Trump có thể đơn giản thách thức tòa án nếu họ ra phán quyết chống lại ông ta.

Sự rạn nứt của Trump với Hiệp hội Liên bang và phong trào pháp lý bảo thủ hiện đã được công khai. Và bởi vì Trump thường xuyên mô tả các thẩm phán là tham nhũng và thiên vị, nên những người ủng hộ ông ta có thể sẵn sàng chấp nhận cuộc khủng hoảng hiến pháp mà ông ta sẽ gây ra. Những người họ đã ở bên ông ta cho đến ngày 6 tháng 1, vì vậy có rất ít lý do để tin rằng họ sẽ bỏ rơi ông ta vào lúc này.

Người Mỹ có thể tránh cho mọi người rất nhiều rắc rối bằng cách đơn giản là không bầu Donald Trump làm tổng thống vào năm 2024. Họ đã từ chối ông ấy hai lần bằng cách ủng hộ áp đảo Hillary Clinton vào năm 2016 và Joe Biden vào năm 2020. Và vì Trump vẫn không được lòng hầu hết người Mỹ nên rất có thể họ sẽ làm lại điều đó vào năm tới.

Một điểm nhấn quan trọng trong năm 2024 mà chúng ta cần lưu ý rằng: Trump đã không còn là tổng thống kể từ 20 tháng 1 năm 2021, điều đó có nghĩa là ông ta không có quyền kiểm soát trên danh nghĩa và thực tế đối với quân đội và cơ quan thực thi pháp luật liên bang. Do đó, nguy cơ xảy ra một cuộc đảo chính khác vào năm 2024 đã thấp hơn đáng kể so với ba năm trước.

Nhưng lần này, ông ta có thể không cần đến bạo lực chính trị như trong cuộc bầu cử năm 2020. Số phiếu thăm dò sụt giảm của Biden – bao gồm cả sự bất mãn của những cử tri trẻ tuổi và một số khu vực bầu cử quan trọng đã giúp ông vào Tòa Bạch Ốc lần trước – có thể lần này sẽ giúp Trump giành được một chiến thắng duy nhất tại Cử tri đoàn bằng cách chọn đủ các tiểu bang quan trọng. Nhưng dù sao đây chỉ là một dự đoán mang đầy ẩn số về những cử tri trẻ.

Cuối cùng là Tu chính án thứ hai mươi hai. Kể từ khi được phê chuẩn vào năm 1951, tất cả các tổng thống đều bị giới hạn trong hai nhiệm kỳ đầy đủ. Lệnh cấm đó là tuyệt đối: Cả Quốc hội lẫn cử tri đều không thể đình chỉ hoặc dỡ bỏ nó. Nó cũng đã ăn sâu vào văn hóa Mỹ. George Washington đã thiết lập nó như một truyền thống bằng cách từ chối tái tranh cử vào năm 1796, và các cử tri đã từ chối các điều khoản thứ ba đối với Ulysses S. Grant và Theodore Roosevelt khi họ đã cố gắng tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba. Chỉ có Franklin D. Roosevelt từng phá vỡ truyền thống của Washington và phục vụ nhiều hơn hai nhiệm kỳ. Nói theo hiến pháp, bất kể điều gì xảy ra, nếu may mắn lại đến với Donald Trump, ông ta sẽ không còn là tổng thống vào lúc trưa ngày 20 tháng 1 năm 2029.

Hay lịch sử sẽ thay đổi, một Quốc hội Cộng hòa sẽ viết lại Hiến pháp để chìu theo ý Trump?

Kể từ khi nhậm chức vào năm 2017, Trump thường xuyên “nói đùa” về việc bất chấp giới hạn. Vụ việc nổi tiếng nhất xảy ra vào năm 2018, trong một cuộc họp với các nhà tài trợ của Đảng Cộng hòa, nơi ông ta thảo luận về Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đã từ bỏ mô hình nhiệm kỳ để chuyển sang cai trị vĩnh viễn. Trump ta thán rằng: “Ông ấy hiện là Chủ tịch trọn đời. Ông ấy thật giỏi và quá sức tuyệt vời. Hãy nhìn xem, ông ấy đã có thể làm được điều đó. Tôi nghĩ nó thật tuyệt. Có lẽ một ngày nào đó chúng ta sẽ phải thử điều đó.” Kể từ lần đó, Trump đã thường xuyên nhắc lại vấn đề này nhiều lần hơn cả trong các cuộc biểu tình chính trị và nơi riêng tư.

Lời kết:

Donald Trump, là người đã hứa hẹn công khai trên truyền thông, trước đám đông và trên các nền tảng mạng xã hội rằng ông ta sẽ cai trị đất nước như một nhà độc tài thay vì một tổng thống được bầu cử dân chủ nếu có cơ hội. Ông ta đã chứng tỏ mình sẵn sàng sử dụng các chiến thuật phi pháp và bạo lực chính trị để duy trì quyền lực của mình. Và, như ông ấy đã thẳng thắn nói với các tòa án Colorado, ông ta không nghĩ rằng mình thực sự bị ràng buộc phải “ủng hộ” Hiến pháp. Nếu một ứng cử viên tổng thống như một kẻ tham quyền lực như Donald Trump, nói với người Mỹ rằng ông ta muốn chấm dứt nền cộng hòa, muốn đạp đổ nền dân chủ, muốn làm Tổng thống trọn đời thì hãy tin ông ta. Ông ta sẽ làm như vậy, không sai. Nếu người Mỹ còn điên rồ bỏ phiếu cho một kẻ bất xứng như vậy.

Translated & Summarized

Việt Linh

https://www.cnn.com/2023/11/30/politics/trump-obamacare-2024/index.html

https://cbs2iowa.com/news/nation-world/do-voters-back-trumps-hard-line-immigration-views-politics-migrants-asylum-seekers-mexico-border-south-central-america-latin-nations-immigrants-election-2024-presidential-campaigns

https://www.ft.com/content/caea3d34-9685-4c71-a0bd-746e1b803e97

https://www.usatoday.com/story/news/politics/elections/2023/11/30/mccarthy-warns-trump-2024-revenge/71752721007/

https://newrepublic.com/article/177149/trump-wins-again-may-no-stopping