Làm sao giải quyết êm đẹp vụ bê bối tài liệu mật của Trump và Biden?

0
2455

Với việc bổ nhiệm cố vấn đặc biệt vào thứ Năm để điều tra việc Joe Biden sở hữu các tài liệu nhạy cảm trong khoảng thời gian 4 năm sau khi ông ấy là phó tổng thống và trước khi ông ấy là tổng thống, giờ đây nước Mỹ có chính trị gia cao cấp thứ ba vướng vào vụ bê bối về thông tin mật.

Vào năm 2016, Hillary Clinton đã nổi tiếng khi bị FBI điều tra về việc bà sử dụng máy chủ email riêng khi giữ chức ngoại trưởng.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Vào ngày 8 tháng 8 năm 2022, FBI tiến hành một cuộc đột kích vào Mar-A-Lago, ngôi nhà ở Florida của cựu tổng thống Donald Trump, để điều tra cáo buộc ông sở hữu và có thể phá hủy hồ sơ chính phủ. Và một cuộc điều tra đặc biệt đang diễn ra liệu Trump có vi phạm đạo luật Gián điệp hay không.

Và trong những ngày đầu năm 2023, cuộc điều tra về tài liệu mật của Tổng thống Biden là một dịp may cho Đảng Cộng hòa và Trump. Họ có thể dõng dạc tuyên bố rằng, tất cả các chính trị gia đều làm sai như vậy—và nếu Trump bị truy tố, thì chính xác là ông ta chính là nạn nhân của một cuộc săn phù thủy chính trị.

Đại diện Đảng Cộng hòa Jim Jordan, thành viên cấp cao của Ủy ban Tư pháp Hạ viện, đã thực hiện chính xác chiến thuật này. Vào Chủ nhật, Jim Jordan đã tweet rằng: “Hillary Clinton đã giải quyết sai các tài liệu mật. Donald Trump đã giải quyết sai các tài liệu mật. Joe Biden đã giải quyết sai các tài liệu mật. Nhưng người duy nhất bị đột kích vào nhà là cựu Tổng thống Donald Trump—ông ta chỉ làm sai như những người khác nhưng thể chế Tư pháp và Hành pháp của đất nước này đã đối xử tệ với ông ấy, đó chính là một cuộc đàn áp chính trị không hơn không kém!

Các nhà bình luận chính trị tự do đã bác bỏ những nỗ lực sử dụng vụ bê bối của Biden để minh oan cho Trump vì họ cho rằng, từ những gì đang xảy ra hiện nay, các trường hợp giải quyết sai tài liệu mật của Trump và Biden là hoàn toàn khác nhau. Trong khi Trump “đã nhiều lần nhận được thông báo từ Cục Lưu trữ Quốc Gia và Bộ tư pháp để giao trả tài liệu mật nhưng ông ta liên tục không giao nộp nó, thì ngược lại, ông Biden đã tuân thủ các cuộc điều tra về việc giải quyết tài liệu của ông.

Đây là những khác biệt quan trọng, nhưng chúng cũng có nghĩa là bất kỳ việc truy tố nào đối với Trump sẽ chỉ dựa trên một phạm vi hẹp, đó là:Không dựa trên việc sở hữu các tài liệu bí mật mà dựa trên hành động cản trở công lý.

Chính phủ và luật pháp lẽ ra đã có thể tiến hành một vụ truy tố vá xác suất thắng một vụ kiện lớn, chắc chắn với đầy đủ chứng cứ và nhân chứng nếu không xảy ra vụ sơ xuất tài liệu mật của Tổng thống Biden, đó là điều rất đáng tiếc.

Tuyên bố về tiêu chuẩn kép sẽ có một số sức mạnh—đặc biệt là khi nó hoàn toàn phù hợp với việc Trump tự thể hiện mình là kẻ khác biệt dám đứng lên để chống lại chính phủ.

Nhưng khác xa với việc làm tổn thương Trump, như những người theo chủ nghĩa tự do hy vọng, rằng với bất kỳ vụ truy tố nào về tội cản trở công lý vì sở hữu các tài liệu bí mật sẽ chỉ làm sâu sắc thêm niềm đam mê, sùng bái Trump của các tín đồ MAGA.

Thay vì đặt hy vọng vào việc truy tố Trump hợp pháp về vấn đề này, các đảng viên Đảng Dân chủ nên đặt câu hỏi tại sao các vụ bê bối giải quyết tài liệu mật lại xuất hiện quá nhiều trong lịch sử chính trị gần đây.

Câu trả lời hay nhất cho câu hỏi này đã được đưa ra vào năm 1999, trong một cuốn sách tiên tri có tựa đề Bí mật, của Thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ quá cố, Daniel Patrick Moynihan, khi đó đang là thượng nghị sĩ của New York tại Thượng viện Hoa Kỳ từ năm 1977 đến năm 2001, dù là đảng viên Dân Chủ nhưng ông lại là cố vấn chính sách đối Nội cho Tổng thống của đảng Cộng Hòa Richard Nixon. Cuốn sách là một công trình nghiên cứu của Ủy ban Moynihan về Bí mật Chính phủ, mà ông chủ trì từ năm 1995 đến năm 1997.

Moynihan theo dõi sự xuất hiện của văn hóa giữ bí mật trong chính phủ Mỹ từ Chiến tranh thế giới thứ nhất, cho thấy nó đã di căn như thế nào trong Chiến tranh Lạnh. Sau đó, khi Ngũ Giác Đài và các cơ quan gián điệp được cho là đang thu hẹp quy mô, số lượng tài liệu được phân loại là tuyệt mật đã tiếp tục tăng lên.

Khi viết về thập niên sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Moynihan đã lưu ý rằng: “Thật khó để hiểu làm thế nào mà ít sĩ quan quân đội hơn và ít cơ quan phân loại hơn lại có thể dẫn đến sự gia tăng đáng kinh ngạc 62 phần trăm các tài liệu bí mật mới, chúng được coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia nếu bị tiết lộ.”

Văn hóa giữ bí mật ngày càng phát triển và chiếm ưu thế đối với chính phủ Mỹ vì quyền phân loại các tài liệu bí mật là một dạng quyền lực. Nếu giới tinh hoa chính trị có thể quyết định rằng một số thông tin là bí mật hàng đầu và chỉ một số ít người có thể xem được trong những trường hợp đặc biệt, thì họ có khả năng không chỉ định hướng chính sách quốc gia mà còn tránh được sự giám sát của công chúng và có thể âm thầm trừng phạt những người tố giác.

Moynihan đã cung cấp một bức chân dung mạnh mẽ về quá trình biến bí mật thành sức mạnh của các chính trị gia Mỹ như thế nào.

Các cơ quan chính phủ tích trữ thông tin, và thông tin mật đã trở thành một loại thị trường béo bở. Bí mật trở thành tài sản của tổ chức, không bao giờ được chia sẻ ngoại trừ để đổi lấy tài sản của tổ chức khác.

Sự trao đổi bí mật được xem là khá thẳng thắn, như: Tôi trao đổi bí mật của tôi để lấy bí mật của bạn. Hay: Tôi sẵn lòng chia sẻ một số bí mật của mình để lấy sự giúp đỡ của bạn trong việc hoàn thành mục đích của tôi.

Và các giới tinh hoa chính trị Mỹ đã ngầm hiểu bí mật là một tài sản quý giá dù thuộc sở hữu của quốc gia nhưng nếu là lãnh đạo cấp cao, họ có thể dùng nó để thỏa thuận và trao đổi.

Hệ thống tài liệu mật đã trao quyền cho các nhân vật độc tài như giám đốc đầu tiên của FBI John Edgar Hoover đã lạm dụng quyền lực khủng khiếp nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Chỉ đến khi ông này qua đời vào năm 1972 thì những bằng chứng về việc ông ta bí mật lạm dụng quyền lực bắt đầu lộ diện. Ông ta bị phát hiện đã thường xuyên vi phạm cả chính sách của FBI và chính những điều luật mà FBI có trách nhiệm thực thi, sử dụng FBI để quấy rối những người bất đồng chính kiến, thu thập các hồ sơ bí mật nhằm tống tiền các chính trị gia cấp cao. Do đó, Hoover đã tích lũy được rất nhiều quyền lực và có thể đe dọa bất cứ chính trị gia nổi tiếng nào vào thời điểm đó.

Hệ thống tài liệu mật này cũng thúc đẩy sự hoang tưởng của chủ nghĩa McCarthy và chủ nghĩa cực đoan thời Chiến tranh Lạnh. Đó là cơ sở đã dẫn dắt Hoa Kỳ vào cuộc chiến Việt Nam và các cuộc phiêu lưu đế quốc khác. Công chúng đã phản đối Chiến tranh Việt Nam nhưng chính phủ thì viện dẫn có những lý do bí mật không thể công khai được.

Tại sao cộng đồng tình báo Mỹ – được tài trợ hàng tỷ đô la mỗi năm – lại bị bất ngờ trước sự sụp đổ nhanh chóng của Hiệp ước Warsaw và Liên Xô từ năm 1989 đến năm 1991?

Câu trả lời là, vì có quá nhiều thông tin bí mật, không thể công khai để tránh bị công chúng và truyền thông phê bình, chỉ trích.

Và cũng với hệ thống tài liệu mật này, chính phủ Hoa Kỳ cũng đã đánh giá quá cao mối đe dọa của Liên Xô trong nhiều thập niên, chỉ đánh giá Liên Xô khi dựa vào các tài liệu bí mật được cho là có giá trị cao và bỏ qua nhiều bằng chứng công khai về các giới hạn kinh tế nghiêm trọng của quyền lực Liên Xô.

Daniel Patrick Moynihan đã đưa ra một trong những lời phê bình mạnh mẽ nhất về chính phủ Mỹ mà một quan chức được bầu từng đưa ra. Ông kết thúc cuốn sách của mình với lời kêu gọi dỡ bỏ hệ thống bí mật quan liêu xuống mức tối thiểu. Trong khi một số khuyến nghị của ông về việc giải mật nhanh hơn đã được thực hiện, văn hóa phân loại rộng lớn hơn chỉ phát triển sau báo cáo và cuốn sách của ông. Việc FBI và CIA giữ bí mật riêng, không chia sẻ cho nhau có thể đã góp phần vào thất bại tình báo trước vụ tấn công khủng bố 11/9.

Lời kết:

Ngày nay, qua những bê bối tài liệu mật thì thay vì tập trung vào chuyện ai tệ hơn, ai xấu hơn, ai đáng tội hơn, Biden hay Trump, thì có lẽ người Mỹ nên nghĩ đến việc thực hiện ước mơ của Daniel Patrick Moynihan là phá bỏ bộ máy quan liêu phân cấp tài liệu mật của chính phủ. Tước bỏ đặc quyền thủ đắc những tài liệu mật của các chính trị gia cao cấp như một thứ vũ khí chính trị để lũng đoạn nền chính trị Hoa Kỳ.

Thay vì truy tố Biden hoặc Trump, tại sao không tước bỏ quyền lực của bộ máy quan liêu đang giành quyền lực bằng cách tích trữ thông tin bị che giấu khỏi công chúng?

E rằng người Mỹ sẽ không thể thay đổi và học cách làm sao để trở nên mạnh mẽ và minh bạch hơn trước công chúng Mỹ.

Việt Linh 23.01.2023