Giải quyết “HOMELESS”: Phần Lan làm được, tại sao Mỹ thì không?

2
2972

Hôm nay tôi mang đến hầu quý vị thính giả một câu chuyện mới lạ, tôi muốn nói đến thành công đáng hãnh diện của một quốc gia Bắc Âu, đó là Phần Lan nơi tôi đã sống hơn mười năm, đi học đi làm và quốc tịch của tôi hiện nay là của đất nước Phần Lan, trước khi chuyển xuống phía Nam, là nước Đức hiện nay, sống ấm áp hơn.

Tôi muốn nói đến quốc gia Phần Lan là quốc gia EU nhỏ, đất rộng người ít, là quốc gia duy nhất có tỷ lệ người vô gia cư ít nhất và có thể nói gần như sắp chấm dứt hoàn toàn. Trong khi nước Mỹ, là quốc gia giàu có nhất thế giới thì cứ mãi loay hoay không giải quyết được vấn đề nan giải của quốc gia có cái tên “homeless”.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Đây có phải là điều gì bí mật hay không? Chẳng có gì bí mật cả, đó là chính phủ Phần Lan xây lên những ngôi nhà cho những người không có nhà và vô điều kiện. Những người họ không có nhà để ở, nếu chúng ta cho họ những ngôi nhà để ở thì làm sao còn những người vô gia cư nữa. Quá đơn giản, nhưng người Mỹ, tiền nhiều vậy mà vẫn không làm được.

Tatu Ainesmaa bước sang tuổi 32 vào mùa hè này và lần đầu tiên sau hơn một thập niên, người đàn ông này có được một ngôi nhà mà anh ta có thể tự hào nói rằng, đây là ngôi nhà của mình: một căn hộ hai phòng thoáng mát trong một khu nhà nhỏ mới được xây dựng mới ở vùng ngoại ô rợp bóng cây của Helsinki, thủ đô của Phần Lan, một đất nước vùng Bắc Âu.

Tầng dưới của tòa nhà hai tầng là khu vực ăn uống và sinh hoạt chung sáng sủa, nhà bếp sạch sẽ, phòng tập thể dục và phòng xông hơi khô, còn gọi là phòng tắm sauna, ở Phần Lan, phòng xông hơi khô về cơ bản là bắt buộc các chung cư có người sinh sống đều phải có sauna. Tầng trên là nơi sinh sống của 21 người thuê nhà, cả nam và nữ, hầu hết dưới 30 tuổi.

Điều quan trọng giống nhau là họ đều là những người thuê nhà: mỗi người đều có hợp đồng, trả tiền thuê nhà và nếu không đủ, họ có thể nộp đơn xin trợ cấp tiền nhà ở.

Đó là một chính sách nhà ở thông minh, tích cực và đầy tình người đã khiến Phần Lan trở thành quốc gia EU duy nhất có tình trạng vô gia cư ít nhất và sắp chấm dứt.

Khi chính sách này được đưa ra chỉ hơn một thập niên trước, với bốn con người bình thường:  một nhà khoa học xã hội, một bác sĩ, một chính trị gia và một giám mục – họ thành lập một tổ chức với tên gọi Housing First Foundation, phát triển nhà ở giá rẻ và được hỗ trợ.

Giống như nhiều quốc gia, tình trạng vô gia cư ở Phần Lan từ lâu đã được giải quyết bằng những chỗ ở tạm thời, nhưng với tổ chức Housing First Foundation, họ muốn những người vô gia cư phải có một nơi ở cố định, thậm chí đó sẽ là ngôi nhà của riêng họ, và họ quyết tâm thực hiện hoài bão này.

Họ quyết định làm những ngôi nhà ở vô điều kiện. Với sự hỗ trợ của chính phủ, thành phố và các tổ chức phi chính phủ, các căn hộ cũ được mua lại và sửa sang lại như mới, các dãy nhà mới được xây dựng với đầy đủ tiện nghi.

Mục tiêu ban đầu của Housing First là tạo ra 2.500 ngôi nhà mới. Nhưng cho đến nay, họ đã tạo ra được 3.500 căn nhà mới. Kể từ khi ra mắt vào năm 2008, số lượng người vô gia cư dài hạn ở Phần Lan đã giảm hơn 35%. Những người homeless không còn nhìn thấy nhiều dưới những gầm cầu, trong hầm metro, hầm xe điện, nhất là trong mùa Đông khi nhiệt độ đôi lúc có thể giảm xuống -20C (khoảng -4 độ F)

Phó thị trưởng thành phố Sanna Vesikansa nói rằng thời thơ ấu của bà đã từng thấy hàng ngàn người trên khắp đất nước đã ngủ trong những công viên, rừng cây, dưới gầm cầu, nhà gas xe lửa nhưng bây giờ bà không còn nhìn thấy những người họ nữa.

Khi tình trạng vô gia cư gia tăng trên khắp châu Âu, thì con số của Phần Lan đang giảm xuống. Năm 1987, có khoảng 18.000 người vô gia cư. Năm 2017, giảm xuống còn 7.112 người vô gia cư, đến năm 2022 chỉ còn 415 người. Quan điểm của chính phủ Phần Lan là phải giúp đỡ những người đang ở trong hoàn cảnh khó khăn nhất, bất kể lý do khiến họ trở thành vô gia cư là gì. Đó là một quan điểm về phẩm giá con người, họ phải có một nơi để ở.

Trong khi đó, ở Anh, số liệu của chính phủ cho thấy số người vô gia cư – đã tăng từ 1.768 năm 2010 lên 4.677 vào năm ngoái nhưng các tổ chức từ thiện cho biết con số thực cao hơn rất nhiều.

Nhưng vấn đề không chỉ là nhà ở mà còn liên quan đến nhiều vấn đề khác. Thị trưởng Helsinki, Jan Vapaavuori, người từng là bộ trưởng nhà ở khi kế hoạch ban đầu được đưa ra, cho biết: “Các dịch vụ rất quan trọng. Nhiều người vô gia cư lâu năm mắc chứng nghiện ngập, các vấn đề về sức khỏe tâm thần, các tình trạng y tế cần được chăm sóc liên tục. Sự hỗ trợ phải có với họ ngay cả khi họ có được một chỗ ở mới riêng”.

Phần Lan đã chi 250 triệu euro (khoảng 273 triệu đô la) để tạo ra những ngôi nhà mới và thuê thêm 300 nhân viên hỗ trợ để giúp đỡ cho những người vô gia cư đã trót nghiện rượu, ma túy. Và qua một nghiên cứu gần đây cho thấy tổng số tiền chính phủ tiết kiệm được trong chăm sóc sức khỏe khẩn cấp, dịch vụ xã hội và hệ thống tư pháp lên tới 15.000 € (khoảng 16.400 đô la) một năm cho mỗi người vô gia cư.

Sự thành công của chính phủ Phần Lan đã gây tiếng vang đến nhiều quốc gia có nhiều người vô gia cư, từ các quốc gia Đan Mạch, Pháp, Anh, Úc, Canada đều quan tâm đến thành công này của Phần Lan.

Chính phủ Anh đang tài trợ cho các chương trình thí điểm tương tự như của Phần Lan tại nhiều thành phố của Anh. Chính phủ Canada quyết tâm đưa thêm nhiều người vô gia cư vào các khu tạm trú đông đúc ở Toronto, người Canada đang bận rộn nghiên cứu cách nhét thêm giường vào những nơi trú ẩn vốn đã chật chội, trong khi ở Phần Lan, họ đã gần như chấm dứt tình trạng vô gia cư.

Ở Canada, chính phủ Justin Trudeau quyết tâm tuân thủ các giải pháp dựa trên thị trường, bất kể chúng thất bại nặng nề hay tốn kém như thế nào. Tình trạng vô gia cư chỉ là dấu chấm hết cho thị trường nhà ở rối loạn chức năng của Canada, bởi trước đây chính phủ đã để phần lớn đất đai và xây dựng nhà cửa cho thị trường tư nhân, tạo ra sự phân chia lớn giữa những người có đủ khả năng mua nhà và những người không thể.

Điều này đã dẫn đến một lượng lớn người thuê nhà thuộc tầng lớp nghèo — khoảng một phần ba số hộ gia đình ở Canada — nhiều người trong số họ phải bị đuổi khỏi nhà. Trên thực tế, chính phủ Canada có can thiệp vào thị trường nhà ở – đáng chú ý nhất là theo những cách thực sự nâng cao vị thế đặc quyền của chủ sở hữu nhà, chẳng hạn như miễn thuế cho họ đối với khoản lãi vốn mà họ nhận được khi bán nhà.

Sự can thiệp phần lớn được che giấu này của chính phủ Canada vào thị trường nhà ở không chỉ dẫn đến một khoản trợ cấp khổng lồ cho chủ sở hữu nhà – khiến chính phủ liên bang mất gần 10 tỷ đô la một năm doanh thu – mà còn gây bất lợi cho người thuê nhà bằng cách đẩy giá nhà lên cao, khiến một ngôi nhà xa hơn tầm với của những người trung bình.

Cách tốt nhất để mang lại lợi ích cho những người thuê nhà có thu nhập thấp là chính phủ tạo ra nhà ở không dựa trên động cơ lợi nhuận — bằng cách tự xây dựng nhà ở hoặc trợ cấp cho các nhóm phi lợi nhuận để làm như vậy giống như Phần Lan.

Canada đã từng khá giỏi về nhà ở xã hội này, cùng với người châu Âu. Vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 70, khoảng 10% nhà cho thuê mới được xây dựng ở Canada là nhà ở xã hội. Nhưng, trong thế kỷ 21 này, trong khi người châu Âu vẫn phát triển mạnh về nhà ở xã hội, thì Canada gần như đã hoàn toàn rời khỏi lĩnh vực này, với nhà ở xã hội bị giảm xuống chỉ còn 4%.

OK, vậy là người Phần Lan hào phóng hơn và sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để giúp đỡ những người vô gia cư, phải không quý vị? Thật ra là không. Người Phần Lan đơn giản là thông minh hơn và quyết tâm hơn. Đất nước Phần Lan là một nước nhỏ, không giàu như Pháp, Đức, Úc, Canada và đặc biệt là Hoa Kỳ. Thay vì bỏ rơi những người vô gia cư như các quốc gia khác đã và đang đối xử với những người vô gia cư, thì chính phủ Phần Lan đã đem đến những nơi để ở cho những người họ. Và điều đó dẫn đến một nhận thức sâu sắc, đầy tình người với quan điểm cho rằng: “Mọi người dù thuộc sắc tộc nào, màu da như thế nào đều có quyền được sống và quyền có nhà để ở.”

Housing First Foundation đã thành công, họ đem đến những ngôi nhà cho những người không có nhà, quá đơn giản.

Khi được cung cấp một nơi để sinh sống, những người vô gia cư ở Phần Lan có khả năng đối phó với chứng nghiện ngập và các vấn đề tệ nạn xã hội khác tốt hơn. Vì vậy, sau hơn một thập niên với chính sách “Nhà ở là trên hết” được đưa ra, hơn 90% người vô gia cư ở Phần Lan đang sống tốt, họ vẫn đang sống trong những ngôi nhà mà họ được chính phủ cấp — chỉ khác một điều duy nhất, đó là giờ đây họ phải tự trả tiền thuê nhà. Nhưng đây cũng không phải là một vấn đề, vì nếu những người họ bắt đầu đi làm, có tiền lương, họ sẽ tự trả tiền thuê nhà với giá thuê nhà ở của xã hội, rất rẻ, trung bình khoảng 300 EUR (khoảng 329 USD), còn những người vẫn đang thất nghiệp, thì họ vẫn xin được trợ cấp của chính phủ để trả tiền thuê nhà của chính phủ, đây là điểm thú vị nhất ở quốc gia mà tôi từng sống hơn 10 năm, một đất nước với chế độ an sinh xã hội hoàn hảo vào loại tốt nhất thế giới.

Thủ đô Helsinki sở hữu 60.000 căn nhà ở xã hội và có mục tiêu hiện tại là xây thêm 7.000 ngôi nhà mới mỗi năm.

Thủ đô Helsinki khẳng định không có sự khác biệt rõ ràng bên ngoài giữa nguồn cung nhà ở tư nhân và công cộng, đồng thời không đặt ra mức trần thu nhập tối đa đối với những người thuê nhà ở xã hội.

Riikka Karjalainen, quan chức cấp cao về kế hoạch nhà ở của chính phủ cho biết rằng: “Chúng ta chỉ có thể xóa bỏ tình trạng vô gia cư nếu có được một chính sách nhà ở nghiêm túc. Chúng tôi đem đến những gì mà những người vô gia cư cần, đó là họ có một ngôi nhà nhỏ để ở và đó là ngôi nhà của riêng họ.”

Đây chính là bài học đơn giản từ đất nước Phần Lan nhưng không phải quốc gia nào cũng làm được kể cả quốc gia giàu có nhất thế giới là nước Mỹ, chi cho quốc phòng hàng 800 tỷ và các chương trình khác, vài chục tỷ, vài trăm tỷ dễ như lấy đồ từ trong túi ra, nhưng lại không thể chi ra vài tỷ đô la, xây lên những ngôi nhà cho những người vô gia cư, bao nhiêu năm qua, qua nhiều đời Tổng thống, nước Mỹ luôn để những hình ảnh xấu xí với những chiếc lều chấp vá và những người homeless nhếch nhác, không được tắm rửa, không được chăm sóc y tế, sống vật vờ dưới gầm cầu, dọc theo lề đường, trong những khu đất hoang.

Theo tôi, trong khả năng của chính phủ Mỹ, nếu thực tâm muốn làm, họ đã có thể làm được với tiềm lực tài chính dồi dào, không chuyện gì là không thể nếu có quyết tâm, chỉ với vài tỷ đô la, bỏ ra xây dựng những ngôi nhà mới thì sẽ giải quyết được vấn đề nan giải của quốc gia “homeless”. Điều tôi suy nghĩ thật đơn giản, người Mỹ bỏ ra hơn 2.313 tỷ đô la chỉ với cuộc chiến ở Afghanistan, với bao nhiêu lính Mỹ chết, chẳng được gì, rút quân về trong hỗn loạn, trắng tay, mất sạch hơn hai ngàn tỷ đô la và những người vô gia cư tại Mỹ, tính chung cả nước đã lên đến con số tròm trèm 600.000 người vô gia cư.

Tôi hiểu, quy mô của vấn đề ở Mỹ lớn hơn rất nhiều và bối cảnh chính trị cũng khác. Nhưng đó không phải là vấn đề. Vấn đề là người Mỹ sẽ làm được bao nhiêu và quyết tâm của họ lớn đến đâu. Và sự khác biệt lớn khiến người Mỹ hầu như sẽ không thể làm được như Phần Lan, đó là nhờ Phần Lan có một mạng lưới an sinh xã hội hoàn hảo, mọi người dân đều có tiêu chuẩn bảo hiểm và chế độ an sinh xã hội giống nhau, một ví dụ đơn giản, người làm lương 200.000 EUR một năm, có nhà riêng và một người thất nghiệp, đang ở nhà xã hội, khi cần phải mổ tim, họ vào cùng một bệnh viện, nằm chung một phòng, hệ thống chăm sóc từ bác sĩ, y tá, đến phương thức điều trị đều giống nhau và mổ xong đi về, không ai phải trả một đồng nào. Người Mỹ giàu có, chi ra vài chục tỷ, vài trăm tỷ thật dễ dàng nhưng lại rất khó để bỏ ra vài chục tỷ để thực hiện một lần một hệ thống an sinh xã hội cho toàn dân, và đây chính là sự khác biệt.

Lời kết:

Người Phần Lan đã có một Housing First Foundation, được xem là một thành công đã được chứng minh. Không có mô hình nào là hoàn hảo; họ vẫn có những thất bại khi mới bắt đầu. Nhưng họ tự hào rằng họ đã can đảm để thử nó.

Nói tóm lại, hóa ra điều tốt nhất nên làm là cho những người không có nơi ở… một nơi để ở.

Một chính sách thật đơn giản, nhưng tại sao Phần Lan làm được, nhưng Canada, Mỹ và một số nước Châu Âu giàu có thì không làm được?

Ý tưởng và quyết tâm của người Phần Lan thật không thể nào đơn giản hơn. Để giải quyết tình trạng vô gia cư, xây cho họ một ngôi nhà, một ngôi nhà vĩnh viễn không có điều kiện ràng buộc nào. Các dịch vụ hỗ trợ được cung cấp để điều trị chứng nghiện rượu, sức khỏe tâm thần và các vấn đề khác, đồng thời giúp mọi người lấy lại tinh thần, từ việc hỗ trợ các thủ tục giấy tờ phúc lợi đến học nghề, tìm kiếm việc làm. Khi họ có nhà, có đủ tiền mua thức ăn, họ có giường nằm, có truyền hình để xem tin tức, có internet, có tablet và smartphone để sử dụng, thì không ai muốn ra gầm cầu hay xuống hầm metro để sống cả.

Việt Linh 10.05.2023

2 COMMENTS