Gần 3 năm sau vụ đảo chính, Trump vẫn là Trump?

0
1876

Oliver Darcy, SV Date, Margaret Sullivan

Trong 232 năm bầu cử của Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ, Donald Trump, người lãnh đạo một đảng chính trị lớn của đất nước, là Đảng Cộng hòa, ông ta đã trở thành người thua cuộc đầu tiên cố gắng lật đổ nền cộng hòa để duy trì quyền lực.

Điều gì sẽ xảy ra cho đất nước nếu một người cố gắng đảo chính nhưng những người khác không quan tâm đến những gì người đó làm và những hậu quả đi kèm theo sau đó sẽ là gì?

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Tình cảnh đó là, giờ đây sau gần 3 năm của ngày đáng xấu hổ, 6 tháng 1 năm 2021, một tình huống đặc biệt mà Donald Trump đang gặp phải. Thay vì bị còng tay vì kích động nổi dậy chống lại Hoa Kỳ, hoặc thậm chí bị Thượng viện trục xuất khỏi văn phòng liên bang suốt đời, thì cựu tổng thống 45 vẫn tiếp tục là lãnh đạo của một đảng chính trị lớn và đang công khai tranh cử vào Tòa Bạch Ốc năm 2024.

Fiona Hill, một nhà phân tích của Hội đồng An ninh Quốc gia tại Tòa Bạch Ốc của Trump trước đây, là một trong những người đầu tiên gọi những gì Trump đã cố gắng thực hiện là một “cuộc đảo chính”, khoảng ba tháng sau cuộc đảo chính, bà đã viết trong một bài bình luận rằng: “Tôi đã nghiên cứu các chế độ độc tài trên thế giới trong ba thập niên và tôi biết những dấu hiệu chính xác của một cuộc đảo chính khi nhìn thấy chúng.”

Gần ba năm sau, bà cảm thấy kinh hoàng khi thấy hầu hết người Mỹ vẫn không thể hiểu được họ đã suýt mất đi nền dân chủ đến mức nào.

Bà nói về những nỗ lực liên tục của Trump nhằm tìm cách kéo dài thời gian nắm quyền, rằng: “Một sự thất bại hoàn toàn của trí tưởng tượng. Đây thực sự là một cuộc đảo chính. Nó đã diễn ra. Và nhiều người Mỹ không cảm thấy đây là điều đáng sợ cho một nền Cộng hòa. Họ đang cố gắng phủ nhận sự nguy hiểm của một vụ đảo chính ghê tởm.”

Jonathan Weiler, nhà khoa học chính trị của Đại học North Carolina và là đồng tác giả cuốn sách “Chủ nghĩa độc tài và phân cực trong chính trị Mỹ”, cho biết ông có thể đánh giá một cách trung thực về suy nghĩ của nhiều người Mỹ muốn phớt lờ chính trị trong một thời gian, sau 4 năm khủng hoảng tồi tệ của Donald Trump.

Về phần những kẻ làm đảo chính, các đồng minh của Trump mô tả ngày 6/1 chỉ là một cuộc biểu tình vượt quá tầm kiểm soát, chưa bao giờ có kế hoạch chặt chẽ để đảo ngược kết quả bầu cử và không có sự phối hợp với Trump hoặc các nhân viên của ông ta trong Tòa Bạch Ốc. Họ chế nhạo việc sử dụng thuật ngữ “đảo chính” để mô tả đám đông những người ủng hộ Trump đi “lang thang” trong tòa nhà để chụp ảnh, cho rằng một nhóm người hiền lành như vậy không có khả năng để hạ bệ một chính phủ.

Tuy nhiên, trên thực tế, Trump đã tìm cách bám trụ quyền lực bằng cách ra lệnh cho Lực lượng Vệ binh Quốc gia tịch thu thiết bị bỏ phiếu ở các tiểu bang mà ông Biden đã giành chiến thắng và ra lệnh tổ chức các cuộc bầu cử mới, nhưng quyết định của Trump đã gặp phải nhiều sự phản đối khi nhiều nhân viên hàng đầu của ông, bao gồm cả cố vấn Tòa Bạch Ốc đe dọa sẽ từ chức hàng loạt. Các quan chức quân sự hàng đầu nhiều tháng trước đó đã nói rõ rằng họ sẽ không tham gia vào bất kỳ kế hoạch nào liên quan đến bầu cử của ông ta.

Trump chỉ có một nhóm người đi biểu tình vì ủng hộ ông ta, kết hợp với các thành viên dân quân cánh hữu Proud Boys, Oath Keepers nhưng chắc chắn là đám đông ô hợp này đã không đi về điện Capitol nếu ông ta không kích động họ.

Rick Tyler, một nhà tư vấn của Đảng Cộng hòa, người từng làm việc trong nỗ lực tranh cử của Đảng Cộng hòa năm 2016 của Thượng nghị sĩ Texas Ted Cruz, cho biết đất nước này thật may mắn vì Trump đã không thành công trong việc thực hiện điều đó.

Ông nói rằng: “Sau cuộc đảo chính hụt đó, thì tôi đã tin rằng, nếu có một ai đó đủ thông minh, khôn khéo, mị dân và đủ sức lôi cuốn để cố gắng cai trị chuyên quyền thì sẽ có rất nhiều người đi theo ông ta”.

Với câu hỏi, có phải nhiều người Mỹ đang cố gắng bình thường hóa chế độ chuyên chế hay không?

Năm 2016, Trump công khai kêu gọi Nga giúp ông ta lấy được email của ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton – là điều mà các cơ quan tình báo Nga đã nhanh chóng bắt tay vào việc và đã lấy được. Sau đó trong chiến dịch tranh cử, Trump hàng ngày sử dụng những thông tin do cơ quan tình báo Nga đánh cắp gởi cho ông.

Trong hai năm tiếp theo, Trump đã công khai cản trở cuộc điều tra của FBI về hành vi đó – thậm chí còn thừa nhận rằng ông ta đã sa thải giám đốc FBI để dập tắt cuộc điều tra. Báo cáo năm 2019 của cố vấn đặc biệt Robert Mueller đã nêu chi tiết điều này, nhưng Trump không phải chịu hậu quả gì vì nhờ có Bill Barr đã thành công lái câu chuyện dẫn đến một nhận định khác.

Trump đã cố gắng ép tân tổng thống Ukraine công khai bôi nhọ đối thủ Đảng Dân chủ năm 2020 mà ông ta sợ nhất, và sử dụng 391 triệu USD viện trợ quân sự của Mỹ làm đòn bẩy. Khi kế hoạch này bị vạch trần, Trump phủ nhận rằng nó không có gì sai trái. Ông ta thậm chí còn tuyên bố nhiều lần rằng cuộc điện thoại của ông ta với nhà lãnh đạo Ukraine là hợp pháp.

Và rồi, ngày định mệnh của nước Mỹ đã đến, Trump khẳng định rằng “cuộc nổi dậy” thực sự xảy ra vào ngày 6 tháng 1 chỉ là sự phản đối chính đáng về “sự lừa đảo” và cho rằng những người ủng hộ ông ta đang bị “khủng bố” một cách bất công vì tham gia vào cuộc tấn công.

Sheri Berman, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Columbia, và là tác giả cuốn “Dân chủ và Chế độ độc tài ở Châu Âu” cho biết rằng: “Nhiều người trong số họ thực sự tin lời Trump rằng ngày 6 tháng 1 không phải là một nỗ lực nhằm lật đổ kết quả của một cuộc bầu cử tự do, công bằng và họ cũng tin lời Trump nói rằng đảng Dân chủ là mối đe dọa lớn hơn đối với nền dân chủ”.

Khi Trump và các đồng minh của ông ta nỗ lực giảm thiểu hậu quả của ngày 6 tháng 1, họ đã nhận được sự đồng tình của giới truyền thông chính trị quốc gia. Chỉ một năm sau vụ tấn công, các bài báo và chương trình phát sóng về Trump hiếm khi đề cập đến nỗ lực lật đổ nền dân chủ nhằm nỗ lực duy trì quyền lực của ông ta, mà thay vào đó giới truyền thông coi ông ta giống như bất kỳ ứng cử viên tổng thống trong sạch và tiềm năng cho năm 2024.

Margaret Sullivan, người phụ trách chuyên mục truyền thông của The Washington Post, cho biết: “Có hiệu ứng bình thường hóa này mà chúng tôi đã thấy trong suốt quá trình tranh cử tổng thống của Trump. Tôi không biết làm thế nào họ có thể bình thường hóa một nỗ lực nổi dậy, và cố tình vùi lắp nó vào quá khứ và đó là những gì đang xảy ra.”

Ruth Ben-Ghiat, giáo sư lịch sử tại Đại học New York, cho rằng ngay cả việc sử dụng thuật ngữ “nổi dậy” cũng không chính xác. Bà nói rằng: “Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là, rất nhiều cơ quan báo chí và nhà bình luận chỉ gọi đó là một ‘cuộc nổi dậy tự phát’, không thể hiện kế hoạch chính trị nhằm nắm quyền kiểm soát chính phủ và ở lại đó, theo kiểu độc tài.

Những người bảo vệ Trump thường lảng tránh hậu quả, họ cho rằng không có cuộc đảo chính nào xảy ra và người chiến thắng trong cuộc bầu cử là Biden đã tuyên thệ nhậm chức như dự kiến ​​hai tuần sau đó.

Các tổ chức tin tức hàng đầu đã tìm thấy một lý do tốt để biện minh về các hành động chưa từng có của Trump, rằng nó đã không thành công. Không thành công thì tốt nhất hãy quên nó đi.

Trong khi đó, việc hạ thấp hậu quả của ngày 6 tháng 1 đã nhanh chóng trở thành chiến lược đồng thuận của Đảng Cộng hòa trên toàn quốc. Các quan chức được bầu của Đảng Cộng hòa đã bị bắt buộc phải đồng hành và bảo vệ Trump, bất chấp vai trò quan trọng cầm đầu âm mưu đảo chính của ông ta.

Và, quan trọng nhất là câu chuyện về hai nhà lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng hòa tại Quốc hội, sau khi ban đầu chỉ trích Trump vì đã gây ra vụ tấn công Điện Capitol, đều đã bỏ thông điệp ngay sau đó. Mitch McConnell của bang Kentucky, lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Thượng viện, mặc dù đã chỉ trích Trump ngay trên sàn phòng họp, nhưng vẫn bỏ phiếu tha bổng cho ông ta về các cáo buộc luận tội có thể khiến ông bị cấm đảm nhiệm chức vụ liên bang trong suốt quãng đời còn lại. Và lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Hạ viện, Kevin McCarthy, ở California, thậm chí còn đi xa hơn, hoàn toàn phục tùng Trump bằng chuyến hành hương đến Mar-a-Lago, quỳ dưới chân Trump để được rửa tội 22 ngày sau đó.

Một câu hỏi khác, có phải nhiều người Mỹ tò mò, háo hức muốn đến với chế độ chuyên chế hay không?

Rõ ràng, sự cố gắng bình thường hóa cuộc đảo chính hụt của Trump của giới truyền thông đã thành công một phần nhờ vào sự phớt lờ, không quan tâm đến chính trị của nhiều người Mỹ.

Trong khi một số người Mỹ coi cuộc tấn công vào Điện Capitol là thời điểm nguy hiểm cho đất nước trong những ngày biến động, thì những quan điểm đó đã mờ nhạt theo thời gian, đến mức việc bảo vệ nền dân chủ và ngăn chặn một ngày 6 tháng 1 khác hầu như không được coi là vấn đề hàng đầu, chẳng còn ai quan tâm hay muốn nhắc đến nữa.

Đây mới là một kết quả đáng sợ cho nền dân chủ Mỹ, trong cuộc thăm dò của Pew research trong mùa hè, vấn đề được những người trả lời quan tâm hàng đầu là nhập cư, với 13%, nền kinh tế đứng thứ hai, ở mức 11% và nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước như phân biệt chủng tộc, chi tiêu chính phủ và cơ sở hạ tầng, nhưng đặc biệt khi nói đến những hành động đảo chính của Trump vào ngày 6 tháng 1, và ý định đưa đất nước trở thành một nhà nước chuyên quyền, độc tài thì câu trả lời đứng ở vị trí thứ 17, với chỉ 2% người Mỹ cho rằng đây là vấn đề quan trọng nhất mà đất nước phải đối mặt.

Neil Newhouse, một nhà thăm dò lâu năm của Đảng Cộng Hòa, cho biết rằng: “Phần lớn người Mỹ đã đặt ngày 6 tháng 1 vào quá khứ. Có lẽ rất ít khả năng những tin tức ‘mới’ từ các phiên tòa sẽ thay đổi suy nghĩ của họ.”

Tuy nhiên, Norm Eisen, luật sư Tòa Bạch Ốc dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, người từng làm việc trong cuộc luận tội Trump đầu tiên của Hạ viện, cho biết ông đã nghiên cứu từ kết quả của một số cuộc thăm dò và đúc kết lại để lấy con số trung bình thì chỉ có 18% người Mỹ tin rằng nền dân chủ đang gặp nguy hiểm.

Lời kết:

Một cuộc tổng tuyển cử đang đến gần, một con số đáng sợ trên 50% những cử tri Cộng hòa vẫn quyết tâm chọn Trump, một người đang chờ được xét xử bởi 4 vụ án lớn từ tiểu bang đến liên bang, một người có xác suất phải nhận nhiều năm tù nếu bị kết án, một người đã đánh mất nhân cách từ lâu, một người đang ôm tham vọng đưa đất nước này chuyển đổi thành một nhà nước chuyên quyền và một nhà lãnh đạo độc tài. Và người này vẫn đang được nhiều người Mỹ chọn.

Câu hỏi là phải chăng nhiều người Mỹ quyết tâm đến với chủ nghĩa chuyên quyền và một nhà độc tài? Nhưng, nhiều người Mỹ không có nghĩa là tất cả người trên đất nước này, vì vẫn còn những cử tri đảng Dân chủ, đặc biệt là những cử tri độc lập, họ là thành phần đối kháng mạnh mẽ những người muốn đi theo chủ nghĩa chuyên quyền.

Không ai trong chúng ta có thể chọn lịch sử, nhưng lịch sử có thể chọn chúng ta. Số phận của nền dân chủ Mỹ đang nằm trong tay chúng ta hay những người ủng hộ Trump? 13 tháng tới sẽ quyết định tương lai của chúng ta. Điều đáng sợ nhất là những cử tri độc lập, những người trẻ hiện nay còn quá thờ ơ với vận mệnh của nền dân chủ.

Nếu điều đó xảy ra, thì cuộc bầu cử năm 2024 có thể là cuộc bầu cử cuối cùng của nước Mỹ. Vì sau đó sẽ là sự kết thúc của nền dân chủ. Mục tiêu của Trump là loại bỏ nền dân chủ Mỹ và chuyển sang thứ mà không ai trong chúng ta mong muốn.

Translated & Summarized

Việt Linh

https://www.latimes.com/opinion/story/2023-10-08/donald-trump-republican-party-autocratic-movement-dissent

https://www.huffpost.com/entry/trump-coup-attempt_n_61c2733fe4b04b42ab6602a2

https://edition.cnn.com/2023/10/04/media/marty-baron-reliable-sources/index.html

https://www.theguardian.com/commentisfree/2023/oct/04/trump-escalating-violent-rhetoric-autocratic-playbook