Emmanuel Macron không còn gì để mất?

0
2197

Những người biểu tình ở Pháp đã xuống đường hôm thứ Bảy để phản đối kế hoạch cải cách lương hưu của Tổng thống Emmanuel Macron, cảnh sát dự kiến ​​có tới một triệu người tham gia các cuộc biểu tình trên toàn quốc.

Các nghiệp đoàn hy vọng họ vẫn có thể buộc Tổng thống Macron phải rút lại đề xuất tăng tuổi hưu từ 62 lên 64 khi quốc hội vẫn đang tranh luận về dự thảo luật.

Tuần này, Tổng thống Macron đã hai lần từ chối các cuộc gọi khẩn cấp của các công đoàn để gặp ông trong một nỗ lực cuối cùng để khiến ông thay đổi quyết định.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Philippe Martinez, thuộc nghiệp đoàn CGT nói rằng: “Khi có hàng triệu người xuống đường, khi các cuộc đình công đang diễn ra và tất cả những gì chúng tôi nhận được từ phía bên kia là sự im lặng, vậy chúng tôi cần làm gì hơn nữa để được lắng nghe đây?”.

Cảnh sát cho biết họ dự đoán sẽ có từ 800.000 đến một triệu người tham gia 230 cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch trên khắp nước Pháp, trong đó có tới 100.000 người có thể sẽ tuần hành ở Paris.

Một số lĩnh vực trong nền kinh tế Pháp đã được kêu gọi đình công vô thời hạn, bao gồm vận tải đường sắt và hàng không, nhà máy điện, nhà ga khí đốt tự nhiên và thu gom rác.

Thượng viện Pháp có thời hạn đến tối Chủ nhật để kết thúc các cuộc thảo luận của họ, và một ủy ban sau đó sẽ xây dựng phiên bản cuối cùng của dự thảo luật sẽ được đệ trình lên cả hai viện của quốc hội để bỏ phiếu lần cuối.

Nếu chính phủ của Macron không tập hợp được đa số trước cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Elisabeth Borne có thể khai triển một công cụ hiến pháp hiếm khi được sử dụng, được gọi là điều 49/3, để thông qua luật mà không cần bỏ phiếu.

Một cuộc thăm dò dư luận do đài truyền hình BFMTV công bố hôm thứ Bảy cho thấy 63% người dân Pháp tán thành các cuộc biểu tình phản đối cải cách và 54% cũng ủng hộ các cuộc đình công và phong tỏa trong một số lĩnh vực.

Tuy nhiên, khoảng 78% cho biết họ tin rằng Tổng thống Macron cuối cùng sẽ thông qua cải cách.

Tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Elisabeth Borne đã thay phiên nhau bảo vệ các kế hoạch cải cách lương hưu trong các cuộc phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông, nói rằng chúng rất cần thiết để cứu vãn một hệ thống đang thất bại.

Nên hôm nay tôi xin mời quý vị cùng nghe những phân tích sâu hơn về đề tài này.

Tổng thống Macron cho rằng, nếu chính phủ không ban hành những cải cách này, hệ thống hiện tại sẽ gặp nguy hiểm. Các biện pháp phải được ban hành để bảo đảm hệ thống lương hưu của Pháp có đủ khả năng tài chính để chi trả cho vài chục năm tới. 

Trọng tâm của luật sẽ là tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên muộn nhất là 64 hoặc phải đối mặt với việc cắt giảm các khoản thanh toán hàng tháng – một đề xuất mà cả phe đối lập chính trị và các công đoàn đều thấy đặc biệt khó chịu, và điều này đã dẫn đến các cuộc biểu tình và đình công lan rộng.

Chúng ta cần biết rằng, đây không phải lần đầu tiên nước Pháp cải cách lương hưu, một lần cải cách lương hưu trước đây đã được thực hiện dưới thời người tiền nhiệm của ông Macron, François Holland, đã khiến người Pháp phải có đóng thuế vào hệ thống lương hưu đủ 43 năm đối với những người sinh sau năm 1973 trước khi họ có thể nghỉ hưu với lương hưu đầy đủ.

Các nhà phê bình thường cho rằng hệ thống lương hưu của Pháp là lạc hậu hoặc phức tạp, một phần vì hệ thống này bao gồm 42 chế độ lương hưu khác nhau do nhà nước hỗ trợ. Toàn bộ hệ thống lương hưu tiêu tốn của chính phủ chỉ dưới 14% GDP vào năm 2021. 

Nhưng một số cơ quan của chính phủ bác bỏ tuyên bố của ông Macron rằng hệ thống hiện tại sẽ suy tàn nếu không có hành động khẩn cấp.

Một báo cáo vào tháng 9 năm 2022 của Hội đồng tư vấn lương hưu (Conseil d’orientation des retraites), là một cơ quan nhà nước, cho thấy hệ thống lương hưu thực sự tạo ra thặng dư vào năm 2021 (900 triệu euro) và 2022 (3,2 tỷ euro), mặc dù nó đã dự đoán hệ thống sẽ bị thâm hụt trung bình trong một phần tư thế kỷ tới.

Theo ước tính của hội đồng, “từ năm 2023 đến năm 2027, tài chính của hệ thống lương hưu sẽ xấu đi đáng kể”, đạt mức thâm hụt từ 0,3 đến 0,4% GDP (hoặc chỉ hơn 10 tỷ euro mỗi năm) cho đến năm 2032. Nhưng hội đồng cho biết điều đó ước tính sẽ dần quay trở lại mức hòa vốn, ngay cả khi không có cải cách, bắt đầu từ giữa những năm 2030.

Mức thâm hụt từ 10 tỷ euro đến 12 tỷ euro mỗi năm không nhất thiết là quá mức đối với một hệ thống hưu trí có tổng chi tiêu hàng năm lên tới khoảng 340 tỷ euro. Báo cáo cũng lưu ý rằng chi tiêu lương hưu theo tỷ lệ GDP dự kiến ​​sẽ duy trì ổn định, ở mức khoảng 14% GDP, trước khi tăng lên tới 14,7% vào năm 2032.

Michaël Zemmour, một nhà kinh tế và chuyên gia về lương hưu tại Đại học Paris cho biết rằng: “Báo cáo về lương hưu cho thấy rõ ràng rằng hệ thống hiện tại không nhất thiết gặp nguy hiểm gì. Đó thực ra chỉ là một hình thức diễn ngôn chính trị để phóng đại và kịch tính hóa vấn đề thâm hụt, để khẳng định hệ thống cần phải được cải cách khẩn cấp, trong khi thực tế thâm hụt chỉ ở mức vừa phải. Chắc chắn có một sự thiếu hụt nào đó, nhưng không phải là loại thâm hụt đòi hỏi phải tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64.

Thông thường, có ba cách để cải cách hệ thống lương hưu: tăng tuổi nghỉ hưu, giảm các khoản thanh toán hoặc bơm thêm nguồn tài trợ mới. Tổng thống Macron đã loại trừ cả việc cắt giảm các khoản thanh toán lương hưu hoặc chi nhiều tiền hơn cho hệ thống – vì vậy điều còn lại sẽ dẫn đến việc tăng tuổi nghỉ hưu.

THế nhưng, tại sao chính phủ Macron lại không nghĩ đến việc thu hút nhiều người lớn tuổi hơn tham gia lực lượng lao động, điều này sẽ bổ sung họ vào cơ sở thuế hoặc yêu cầu những người có thu nhập cao, các đại công ty, những người giàu có cần phải trả thuế nhiều hơn.

Tổng thống Macron đã lập luận rằng Pháp không có tuổi nghỉ hưu cao nhất cũng như thời gian đóng góp bắt buộc dài nhất so với các nước láng giềng EU.

Thực ra, tính trung bình, người Pháp vẫn nghỉ hưu sớm hơn so với nhiều nước láng giềng. Độ tuổi trung bình mà công dân Pháp bắt đầu sử dụng quỹ hưu trí của họ là 62,6 đối với nữ và 62 đối với nam. Còn ở Ý cho cả hai giới nam nữ đều là 63, 64 cho cả hai giới nam và nữ ở Đức và 64 cho nữ và 66 cho nam ở Hòa Lan.

Lời kết:

Đây là bài toán khó cho Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, được ăn cả ngã về không, vì dù sao ông chỉ cần giữ ghế đến hết nhiệm kỳ thứ hai này. Theo Hiến pháp, một người chỉ được giữ chức Tổng thống tối đa hai nhiệm kỳ tổng cộng là 10 năm, và có thể tái tranh cử sau khi mãn nhiệm và qua một nhiệm kỳ của một Tổng thống mới.

Có một điều trớ trêu ở Pháp, đó là việc tăng tuổi nghỉ hưu có thể dẫn đến tình trạng mất an toàn tài chính cho những người sắp đến tuổi về hưu. Vì khi tuổi nghỉ hưu tăng lên, rất nhiều người đã thất nghiệp không thể tìm được việc làm cho đến cuối đời. Hay nói một cách khác, nhiều người sẽ không có việc làm lâu hơn trước khi nghỉ hưu. Và điều đó có nghĩa là số lượng người xin nhận trợ cấp phúc lợi sẽ tăng mạnh. Và chính phủ Pháp sẽ phải chi ra nhiều hơn cho hệ thống phúc lợi xã hội.

Việt Linh 12.03.2023