Các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ có tác dụng đến hội chợ Canton Fair

0
2149

Các nhà sản xuất Trung Quốc đã thất vọng khi thấy số lượng người đến xem và mua từ châu Âu và Hoa Kỳ giảm khá nhiều trong Hội chợ Canton Fair trong tuần này, Canton Fair là cuộc triển lãm thương mại lớn nhất ở Trung Quốc.

Một số nhà xuất khẩu phàn nàn rằng họ trả phí gian hàng cao hơn nhưng ít người mua châu Âu tiếp cận hơn và hầu như không có khách hàng mới nào ở Mỹ. Họ cho biết họ thấy nhiều người mua hơn từ Châu Mỹ Latin, Châu Phi, Đông Nam Á và Nga nhưng những khách hàng này có thể mang lại lợi nhuận thấp hơn.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Một phân tích được các nhà bình luận Trung Quốc đưa ra là một số công ty phương Tây cố gắng đặt hàng với các nhà máy ở các quốc gia mới nổi khác trên thế giới như Ấn Độ và Việt Nam, thay vì Trung Quốc, vì họ không muốn bị ảnh hưởng bởi sự tách rời Trung-Mỹ ngày càng gia tăng.

Kể từ năm 1957, chính sách của Bộ Thương mại Trung Quốc và chính quyền Quảng Đông là tổ chức hai phiên họp mỗi năm của Hội chợ Canton (hay chính thức hơn là Hội chợ Xuất nhập khẩu Trung Quốc), tại Quảng Châu. Phiên mùa xuân năm nay, từ ngày 15 tháng 4 đến ngày 5 tháng 5, có diện tích triển lãm là 1,5 triệu mét vuông, so với 1,19 triệu mét vuông của phiên mùa thu trước đại dịch năm 2019.

Vì tất cả sáu phiên triển lãm trong năm 2020-2022 đều được tổ chức trực tuyến, nhiều nhà sản xuất Trung Quốc rất kỳ vọng rằng năm nay, khi đại dịch gần như không còn, họ sẽ gặp lại các khách hàng nước ngoài lâu năm của mình tại Hội chợ Canton này. Nhưng nhiều người phương Tây đã không xuất hiện vì những lý do không chỉ bao gồm những lo ngại về chính trị mà còn do chi phí đi lại, ăn ở và thị thực khó khăn.

Li Mingyang, tổng giám đốc của Letu Electrical Appliance, một nhà sản xuất có trụ sở tại Trung Sơn, nói rằng: “Trong vài năm qua, các đơn đặt hàng nước ngoài cho các sản phẩm của chúng tôi đã giảm đáng kể do đại dịch. Khoảng 85% đơn đặt hàng của chúng tôi đến từ khách hàng Mỹ nhưng một số trong số họ đã chuyển sang đặt hàng tại Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Mexico vì lo ngại chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi trong quan hệ quốc tế,”.

Chen Haibin, giám đốc bán hàng của Quảng Đông Galanz Enterprises cho biết rằng: “Xuất khẩu thiết bị gia dụng của Trung Quốc vẫn yếu kể từ nửa cuối năm ngoái, đặc biệt là sang châu Âu và Mỹ.”

Bà Chen cho biết có nhiều khách hàng đến từ Đông Nam Á, Trung Đông và Nam Mỹ, cũng như Nga, nhưng ít hơn từ châu Âu và Mỹ, tại Hội chợ Canton tuần này.

Wu Xiaobo, một nhà báo ở Chiết Giang, cho biết một số nhà triển lãm phàn nàn rằng ban tổ chức hạ phí vào cửa để tăng số lượng khách tham quan nhưng lại không quản lý được dòng người ở lối vào. Wu cho biết một số người mua phương Tây không thể xuất hiện vì họ gặp khó khăn trong việc xin thị thực và vé máy bay đến thăm Trung Quốc.

Ông cho biết những người mua ở châu Âu và Mỹ ít tích cực hơn so với những người từ các khu vực khác do nhu cầu từ các nước phát triển bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao trong khi một số khách hàng lo ngại về sự tách rời Trung-Mỹ.

Vào cuối tháng 2, Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của bộ thương mại Hoa Kỳ đã trừng phạt 5 công ty Trung Quốc và cáo buộc họ cung cấp dịch vụ và sản phẩm cho quân đội Nga. Trong số đó, AOOK Technology có trụ sở tại Hồng Kông bán các bộ phận điện tử như mạch tích hợp, bóng bán dẫn, diod và tụ điện.

Miớ đây nhất, vào ngày 12 tháng 4, Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của bộ thương mại Hoa Kỳ đã xử phạt thêm 12 công ty Trung Quốc vì các chuyến hàng đến Nga. Hầu hết trong số họ là các công ty có trụ sở tại Thâm Quyến bán mạch tích hợp, tụ điện và chip nhớ. Một số công ty phương Tây cố gắng đặt hàng ở nơi khác vì họ không biết liệu một ngày nào đó các nhà cung cấp Trung Quốc của họ có bị trừng phạt hay không.

Trên thực tế, hiện tượng được thấy tại Hội chợ Canton hiện tại phản ảnh những gì chúng ta có thể thấy từ các số liệu thương mại tổng quát của Trung Quốc. Trong quý đầu tiên, xuất khẩu của Trung Quốc sang Liên hiệp châu Âu đã giảm 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi xuất khẩu sang Mỹ giảm 17%, theo số liệu tính bằng đô la do Tổng cục Hải quan công bố vào ngày 13 tháng 4 .

Sự sụt giảm phần lớn được bù đắp bởi sự gia tăng xuất khẩu sang các nước ASEAN (+18,6%), Châu Phi (+19,3%) và Nga (+47,1%).

Tổng xuất khẩu của Trung Quốc tăng 0,5% lên 821 tỷ USD trong quý đầu tiên so với một năm trước. Nếu tính bằng đồng Nhân dân tệ, tốc độ tăng trưởng là 8,4% trong giai đoạn do đồng tiền Trung Quốc mất giá.

Zhu Chaoping, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JP Morgan Asset Management, cho biết rằng: “Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc đã hồi phục lên 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 3, đánh bại kỳ vọng của thị trường là giảm 5%. Tuy nhiên, khi nhu cầu từ các nền kinh tế phát triển vừa phải, tăng trưởng xuất khẩu có thể giảm trở lại.”

Việt Linh 21.04.2023