Biden-Trump và cuộc bầu cử định mệnh năm 2024

0
1977

Stephen Collinson

Khi cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc năm 2024 sôi nổi lên từng ngày, thì người Mỹ càng nhìn ra rõ ràng rằng, năm 2024 với những thách thức lịch sử bất thường đã làm phức tạp thêm nỗ lực tranh cử nhiệm kỳ thứ hai của Biden, vượt lên trên những trách nhiệm thể hiện qua tỷ lệ tín nhiệm tổng thống thấp và nền kinh tế chưa ổn định của ông.

Tuy nhiên, có một điều mà hầu hết người Mỹ đủ thành phần khác nhau đều có chung một nhận định rằng, một loạt các cuộc khủng hoảng đang làm rung chuyển các hệ thống chính trị, dân chủ, tư pháp và kinh tế của Mỹ, đã được thúc đẩy bởi Donald Trump và các đảng viên Cộng hòa cực hữu, có nguy cơ thử thách nghiêm trọng chức vụ tổng thống của Joe Biden trong bối cảnh ngày càng có nhiều nghi ngờ về nỗ lực tái tranh cử của ông.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Ngay cả theo tiêu chuẩn của những năm gần đây, khi nền dân chủ đã chao đảo và sự chỉ trích chính trị khốc liệt ngày càng sâu sắc, đất nước này đang tiến vào một bãi lầy chính trị hỗn loạn chưa từng có trong lịch sử.

Ứng cử viên dẫn đầu cho sự đề cử của Đảng Cộng hòa là cựu tổng thống 45, người từng hai lần bị luận tội – Donald J. Trump – người đang phải đối mặt với bốn phiên tòa hình sự và chưa bao giờ từ bỏ nỗ lực lật đổ hệ thống bầu cử công bằng dân chủ của Mỹ.

Tổng thống Biden hiện phải đối mặt với màn luận tội không bằng chứng của các đảng viên Cộng hòa ủng hộ Trump và tiến hành cuộc điều tra chính thức để luận tội Biden theo lệnh chính thức từ Trump đưa xuống cho những tên tay sai, nhằm ràng buộc ông với cáo buộc buôn bán ảnh hưởng của con trai ông là Hunter ở Trung Quốc và Ukraine. Tổng thống Biden cũng đang khổ tâm sau khi đứa con trai của ông vào tuần trước đã trở thành người con duy nhất của một tổng thống đương nhiệm bị truy tố trong lịch sử Hoa Kỳ.

Có lẽ nước Mỹ trong thời cận đại, chưa bao giờ xảy ra những điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử từ việc một Tổng thống tệ hại, rối loạn nhân cách với hai lần bị luận tội cho đến ngày đáng xấu hổ xảy ra với người Mỹ chứ không phải quân thù đã tràn vào Quốc hội liên bang đề ngăn chặn việc kiểm phiếu cử tri đoàn và tuyên bố người thắng cử Tổng thống, đó là chưa kể hình ảnh một tên tội phạm lãnh cáo trạng liên bang và tiểu bang khi ra tòa thì cứ như Tổng thống đi kinh lý, tiền hô hậu ủng, bảo vệ tận chân răng, đường sá bị chặn, thoáng đường cho đoàn xe chạy hàng chục chiếc, những chuyện lạ của nước Mỹ mà thế giới nhìn vào cũng không ai hiểu được hệ thống Tư pháp, Tòa án của nước Mỹ vận hành như thế nào mà sau gần ba năm, kẻ chủ mưu làm đảo chính hụt vẫn ngang nhiên tự tại ra tái tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ 2 với xác xuất được chọn đại diện cho đảng Cộng hòa là khá cao trong khi những Tòa án lớn nhỏ khắp nơi thì vẫn đang loay hoay với những đòi hỏi, kháng cáo từ nhiều bị cáo với những cáo trạng liên bang và tiểu bang liên quan đến kẻ chủ mưu đảo chính. Vòng xoay thủ tục rườm rà, phức tạp của hệ thống Tư pháp Mỹ khiến các bị cáo có quyền đòi chuyển phiên tòa sang một nơi khác, hay chuyển lên liên bang hay đòi đổi thẩm phán, đúng là trò chơi rượt đuổi của Tư pháp và Tòa án Mỹ và các bị cáo có đặc quyền khiến thế giới nhìn mà ngán ngẫm.

Nhưng riêng đối với tôi, thì điều mà tôi cảm thấy lạ nhất là chuyện Trump dù có bị kết án tù 100 năm, ngồi trong tù vẫn được tranh cử và nếu trúng cử, sẽ ngang nhiên bước ra khỏi tù đi thẳng về Tòa Bạch Ốc. Đây có thể là chuyện lạ nhất trong nhiều chuyện lạ, buồn cười của nước Mỹ.

Đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện, bị bao vây bởi đấu đá nội bộ và cực đoan hóa, đã đe dọa cắt nguồn tài trợ của liên bang và có thể đóng cửa chính phủ vào cuối tháng này sau khi các thành viên cực đoan nhất của đảng này yêu cầu cắt giảm chi tiêu lớn mà họ không có quyền ban hành trước sự phản đối của Thượng viện và Tòa Bạch Ốc.

Cuộc đối đầu ngày càng trở thành mối đe dọa hiện hữu đối với Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa, Kevin McCarthy.

Riêng vị tổng thống 80 tuổi ngày càng bị giám sát chặt chẽ về khả năng phục vụ trọn nhiệm kỳ thứ hai nếu ông thắng cử vào tháng 11 năm 2024. Đó là một câu hỏi chính đáng được nhiều người Mỹ chia sẻ nhưng Tòa Bạch Ốc khó có thể trả lời.

Ý thức về tình trạng bất ổn quốc gia được gói gọn trong hai cuộc đình công đang cản trở hai ngành công nghiệp có ảnh hưởng to lớn đến huyền thoại về sức mạnh văn hóa Hoa Kỳ và sự thống trị toàn cầu trong thế kỷ 20, đó là: kỹ nghệ xe hơi và điện ảnh Hollywood.

Dĩ nhiên, sự hỗn loạn chính trị ngày càng gia tăng của Washington có thể có những tác động quốc tế khi những người theo đường lối Cộng hòa cứng rắn tìm cách ngăn chặn hàng tỷ USD viện trợ của Mỹ cho Ukraine khi nước này đang rất cần để chống lại cuộc xâm lược của Nga. Tổng thống Volodymyr Zelensky dự kiến ​​tới Washington trong tuần này để tìm cách củng cố huyết mạch viện trợ của Mỹ, nhưng Donald Trump, tên phá hoại “bán trời không văn tự” này đã cảnh báo trên chương trình “Gặp gỡ báo chí” của NBC News rằng, nếu ông ta thắng cử vào năm 2024, ông ta dự định sẽ đưa Volodymyr Zelensky và Vladimir Putin đến với một thỏa thuận tồi, một kịch bản có thể sẽ xoay chuyển mạnh mẽ theo yêu cầu của nhà lãnh đạo Nga và tất nhiên sẽ là bất lợi và thua thiệt cho nhà lãnh đạo Ukraine nói riêng và người dân Ukraine nói chung.

Sự gia tăng các cuộc khủng hoảng có vẻ gay gắt hơn ở Washington so với phần còn lại của đất nước – nơi hầu hết mọi người không dành thời gian để lo nghĩ hay bị ám ảnh về chính trị hoặc các mối đe dọa đối với nền dân chủ.

Cuối tuần rồi, hàng triệu người Mỹ đã gạt bỏ những chuyện chính trị sang một bên, dành thời gian cho gia đình; họ theo sát các trận bóng đá ở trường đại học; đánh dấu Rosh Hashanah, ngày lễ Năm Mới của người Do Thái; tận hưởng những ngày cuối cùng của mùa hè sắp hết; hoặc đơn giản là làm việc để kiếm thêm một số trong những ngày nghỉ, chẳng ai còn muốn quan tâm đến chuyện chính trị, bầu cử và nền dân chủ, họ đang chán chường cho chính trị hỗn loạn của quốc gia.

Vì vậy, cuộc khủng hoảng chính trị quốc gia chỉ nổi lên thoáng qua trong bối cảnh cuộc sống bình thường của nhiều người dân. Nhưng chấn thương tâm lý đang bao trùm Washington sẽ sớm xâm chiếm cả đất nước, người Mỹ rồi sẽ phải đối mặt với một cuộc bầu cử khó đoán, hỗn loạn và đầy biến động vào năm 2024.

Và hai câu hỏi quan trọng nhất là: Ai đã đưa Trump quay trở lại và gây ra nhiều hỗn loạn hơn cho xã hội và đất nước? Ai đã dung dưỡng cho những hành động, lời nói kích động, phản kháng trong gần 3 năm qua?

Việc Trump tái xuất hiện trong đời sống công chúng với tư cách là nhà lãnh đạo trong cuộc đua sơ bộ của Đảng Cộng hòa, đi kèm với 91 cáo buộc hình sự và cuộc tấn công không ngừng của ông ta vào nền dân chủ Hoa Kỳ đang gợi lên một thời khắc định mệnh khác của quốc gia.

Trong cuộc họp “Gặp gỡ báo chí” của NBC News, cựu tổng thống 45 đã gợi ý khá thẳng thắn rằng ông ta chỉ thích nền dân chủ nghiêng về quyền lực của mình, đưa ra một viễn cảnh rằng chỉ khi kết quả bầu cử cho thấy ông ta thắng mới được chấp nhận, đây một lập trường thể hiện sự tấn công vào nguyên tắc cốt lõi của Hoa Kỳ là người dân chọn người lãnh đạo cho mình.

Trump nói: “Nếu tôi thắng cử thì đó mới phải là một nền dân chủ công bằng. Còn hiện tại, tôi thấy đất nước này đang không có dân chủ”.

Trump cũng lập luận rằng các cáo trạng của ông ta, bao gồm cả nỗ lực đánh cắp cuộc bầu cử vừa qua và việc tích trữ tài liệu mật, là những ví dụ về cái gọi là nền dân chủ thiếu sót. Bình luận của Trump nhấn mạnh rằng trong nhiệm kỳ thứ hai, Trump sẽ khẳng định lại quan điểm của mình rằng các tổng thống có quyền lực gần như tuyệt đối và không bị ràng buộc bởi công ước hay luật pháp, Quốc hội.

Trong một ví dụ khác về thách thức của Đảng Cộng hòa đối với cách quản trị truyền thống, các đồng minh của Trump tại Hạ viện vào tuần trước đã tiến hành một cuộc điều tra luận tội đối với Biden, mặc dù không đưa ra được bằng chứng rằng ông đã thu lợi từ ảnh hưởng rõ ràng của con trai mình trong việc rao bán ảnh hưởng ở Ukraine và Trung Quốc khi ông còn là phó tổng thống.

Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã khởi động cuộc điều tra như một phần của chiến lược thất bại nhằm xoa dịu những thành viên cực đoan nhất trong đảng của ông, những người đang đe dọa đóng cửa chính phủ trước cuối tháng. Sự điều động theo đường lối cứng rắn của House Freedom Caucus thể hiện sự tấn công vào các nguyên tắc chính trị nền tảng của nước Mỹ giống như lời dối trá trong cuộc bầu cử của Trump, vì các thành viên của tổ chức này bác bỏ ý tưởng thỏa hiệp, mặc dù họ không có quyền được cử tri trao cho để ban hành chương trình nghị sự của họ.

Quyền lực của một chủ tịch Hạ viện của Kevin McCarthy đang bấp bênh và ông ta phải đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn về một cuộc đối đầu về dự luật quốc phòng bị đình trệ ngay trong tuần này.

Dân biểu Cộng hòa, Matt Gaetz đã cảnh báo hôm Chủ nhật rằng McCarthy sẽ thất bại trừ khi ông tôn trọng những nhượng bộ được cho là đã đưa ra để giành được chức vụ của mình trong 15 vòng bỏ phiếu vào tháng 1.

Tuy nhiên, McCarthy cảnh báo rằng những kẻ thù cùng đảng của ông ta đang chơi một trò chơi vô ích khi nói rằng: “Tôi đã từng đóng cửa chính phủ và tôi chưa bao giờ thấy ai thắng được việc đóng cửa, bởi vì khi bạn là người khởi xướng việc đóng cửa, điều đó đồng nghĩa là bạn trao toàn bộ quyền lực và lợi thế của mình cho chính quyền,”.

Đảng Cộng hòa tại Hạ viện hôm Chủ nhật đã đạt được một thỏa thuận tạm thời để tài trợ cho chính phủ, nhưng thỏa thuận này khó có thể được thông qua, có nghĩa là Quốc hội cũng không tiến gần hơn đến việc tránh phải đóng cửa.

Tình trạng hỗn loạn trong Đảng Cộng hòa đang tạo ra tình trạng rối loạn chức năng và chủ nghĩa cực đoan có thể khiến cử tri có thêm nhận định rõ ràng hơn cho việc bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vào năm tới. Tuy nhiên, tâm trạng bực tức của cả nước đối với chính trị hỗn loạn và cảm giác rằng không nhà lãnh đạo nào có thể khai thác các sự kiện đang vượt khỏi tầm kiểm soát, tạo ra kiểu hỗn loạn và hoài nghi chính trị mà qua đó một nhà mị dân mạnh mẽ, tức là Trump, có thể lợi dụng tình thế nhiễu nhương để phát triển mạnh.

Nhưng Trump cũng bị cuốn vào một đầm lầy pháp lý đang gây căng thẳng tột độ cho hệ thống tư pháp. Ví dụ, công tố viên đặc biệt Jack Smith đã yêu cầu lệnh bịt miệng một phần đối với cựu tổng thống để ngăn chặn việc đe dọa các nhân chứng trong phiên tòa xét xử can thiệp bầu cử liên bang của ông ta, dự kiến ​​diễn ra vào ngày 4 tháng 3. Yêu cầu này sẽ buộc Thẩm phán Tanya Chutkan phải vất vả để tìm ra cách đấu tranh với việc quyền tự do ngôn luận của một ứng cử viên tổng thống có thể bị hạn chế đến mức nào vì ông ta là một bị cáo hình sự.

Nhưng, tâm bão đang bị nhiều người Mỹ chỉ trích lại chính là Tổng thống Biden, khi trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020, ông đã hứa hẹn khôi phục đất nước trở lại trạng thái bình thường sau đại dịch và dẹp tan chủ nghĩa cực đoan trong những năm Trump để lại. Nhưng, rõ ràng là Biden chưa làm được những điều này một cách trọn vẹn, hệ thống Tư pháp và Tòa án của đất nước đã làm khó ông, đẩy đưa những vụ án của Trump qua những cáo trạng lớn nhỏ cứ chạy vòng vòng như chơi trò cút bắt, truy tố, thẩm phán đọc cáo trạng, bị cáo không nhận tội, ra về nhưng chưa hề có gì xảy ra, tiếp tục các cuộc vận động tranh cử, gây quỷ, tấn công nhân chứng, bồi thầm đoàn, công tố viên , thẩm phán, lại thêm một cáo trạng mới, và vòng quay tròn lại tiếp tục quay như những cáo trạng trước đó. Tóm lại, bị cáo vẫn tự do theo đúng nghĩa đen, làm gì tùy ý, hăm dọa, miệt thị, tấn công, kích động bạo lực. Thế thì làm sao lòng dân yên cho được và họ đang tìm người để đổ lỗi.

Tổng thống Biden đang phải gánh chịu thử thách chính trị và cá nhân trong bản cáo trạng của con trai ông là Hunter vào tuần trước liên quan đến khẩu súng mà anh ta mua vào năm 2018. Các luật sư của Hunter cho biết bản cáo trạng xuất phát từ áp lực quá mức của Đảng Cộng hòa đối với một cố vấn đặc biệt khác, David Weiss. Chỉ riêng điều này, đã cho thế giới thấy được một điều, rằng nước Mỹ cũng không khác gì phần còn lại của thế giới trong lĩnh vực tòa án, vẫn có áp lực để dẫn đến tội nhẹ hay nặng, từ ít ngày hay tù nhiều ngày, bị kết tội hay tha bỗng vẫn chịu nhiều áp lực bởi quyền lực chính trị và đảng phái.

Nhưng điều đáng nói là, những cáo buộc mà Hunter Biden phải đối mặt không thể so sánh với những cáo buộc mà Trump phải đối mặt – một số phiên tòa sắp tới của Trump sẽ kiểm tra cáo buộc rằng ông ta đã cố gắng phá hủy nền dân chủ Hoa Kỳ để duy trì quyền lực vào năm 2020. Nhưng sự kết hợp giữa một cuộc điều tra luận tội và viễn cảnh tiềm ẩn về con trai tổng thống khi xét xử có thể cho phép đảng Cộng hòa tạo ra một câu chuyện có tính ăn mòn rằng Biden cũng tham nhũng để cân bằng việc Trump bị phơi bày tội phạm.

Các vấn đề ngày càng sâu sắc của Hunter Biden xảy ra khi các cuộc thăm dò cho thấy tổng thống đang ở trong một cuộc đua quá sát sao với Trump nếu ông ta là ứng cử viên của Đảng Cộng hòa vào năm tới.

Các câu hỏi về tuổi của Biden – ông sẽ 82 tuổi vào lễ nhậm chức tiếp theo nếu tái đắc cử – là một vấn đề đang được công chúng Mỹ quan tâm sau khi David Ignatius đưa ra trên tờ Washington Post vào tuần trước đã công khai kêu gọi tổng thống Joe Biden và phó tổng thống Kamala Harris đứng sang một bên, nhường cơ hội cho một nhân vật tiềm năng khác.

Tuy nhiên, Tòa Bạch Ốc đã phản bác với lập luận rằng Biden đã thể hiện sức chịu đựng vượt trội, chẳng hạn như trong chuyến công du vòng quanh thế giới trong tháng này, trong đó ông đã đạt được thành công với những thách thức về chính sách đối ngoại. Nhưng nói một cách công tâm, thì ban tham mưu trong Tòa bạch Ốc phải gánh một phần trách nhiệm vì đã không biết tận dụng truyền thông, truyền hình, đem đến những thông tin tích cực đến với báo chí và người dân để họ biết được những thành công đạt được trong thực tế. Chính sách thụ động, bế quan tỏa cảng của những người thân cận của ông Biden đã vô tình làm hại ông.

Dù vậy, Tổng thống Biden cũng gặp khó khi phải chạy theo sự phục hồi kinh tế theo dữ liệu chính thức mà nhiều người Mỹ chưa hay không cảm nhận được. Giá hàng tạp hóa vẫn ở mức cao ngay cả khi lạm phát đã giảm đáng kể. Lãi suất cao được sử dụng để giảm chi phí sinh hoạt đang gây ra tác động nặng nề ở khu vực trung tâm.

Trong tình hình hiện tại này, giá xăng tăng bất ngờ theo mùa càng trở nên khó chịu hơn và cho thấy khả năng dễ bị tổn thương của Tổng thống Biden trước bất kỳ điều kiện kinh tế rung chuyển nào trong năm tới, bất chấp những nỗ lực của chính quyền cho thấy ông đã cố gắng cải thiện cuộc sống của người Mỹ đang làm việc và hồi sinh ngành sản xuất theo “Bidenomics.”

Cuộc đình công của Công nhân United Auto đặt Biden vào tình thế khó khăn khi ông cân bằng giữa sự ủng hộ truyền thống của mình đối với lao động công đoàn với các khoản đầu tư ưu tiên của chính quyền vào xe điện, điều này sẽ mang lại những thay đổi lớn cho ngành kỹ nghệ xe hơi. Tòa Bạch Ốc đã cam kết “chuyển đổi công bằng” sang năng lượng xanh, mang lại việc làm được trả lương cao cho người lao động, nhưng các công đoàn lo ngại những thay đổi đó sẽ gây tổn hại đến lương và khả năng có việc làm.

Tranh chấp cũng nguy hiểm về mặt chính trị đối với Biden, do tiểu bang Michigan có khả năng trở thành một tiểu bang chiến trường vào năm 2024 và những nỗ lực của Trump nhằm khai thác cuộc đình công với lời thề của ông ta sẽ chấm dứt hỗ trợ của chính phủ đối với các chính sách xanh và xe điện.

Lời kết:

Trong thời điểm hiện nay, các cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị đe dọa áp đảo cả một hệ thống chính trị đang có nguy cơ đổ vỡ, gây rối loạn xã hội và phân cực chính trị qua đó lại tăng cao hơn, và người hưởng lợi nhiều nhất bởi những khủng hoảng nghiêm trọng của quốc gia lại chính là kẻ đã khơi lên ngọn lửa từ đống tro tàn luôn âm ỉ cháy gần ba năm qua.

Có cay đắng lắm hay không khi tôi nói rằng hệ thống Tư pháp, Tòa án của nước Mỹ đã không vượt qua được những cơ chế lỗi thời của các thủ tục tố tụng hình sự, khiến họ phải chơi trò cút bắt, mèo vờn chuột với kẻ nguy hiểm nhất nước Mỹ, càng kéo dài thời gian tại ngoại của tên đầu đảng MAGA, đất nước có nguy cơ chìm vào bất ổn triền miên.

Ai là những người đáng phải bị quy trách nhiệm đây? Bộ Tư pháp? Các Tòa án? Hiến pháp? Quốc Hội? Truyền thông? và người dân Mỹ?

Translated & Summarized

Việt Linh