Cao Huyết Áp – Sát Thủ Thầm Lặng

0
3062

Cao huyết áp, tên gọi chính thức trên quốc tế là Hypertension, còn có một tên khác nữa là High Blood Pressure (HBP). Cao huyết áp là một bệnh rất phổ biến, hầu như ai cũng nghe quen thuộc với tên gọi của bệnh, thậm chí nhiều người xem thường nó như thể bệnh không có gì đáng nói.

Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), trên thế giới hiện nay có đến 1 tỷ 300 triệu người lớn mắc bệnh Hypertension (Cao huyết áp). Riêng tại nước Mỹ, hơn 80 triệu người bị mắc bệnh này. Nhưng ít ai biết được là bệnh Hypertension còn có một cái tên đáng sợ khác trong y học, đó là “The Silent Killer” (Sát thủ thầm lặng).

Vì sao Hypertension được mệnh danh là “The Silent Killer” (Sát thủ thầm lặng) như vậy?

Có hai lý do khiến cho Hypertension trở nên nguy hiểm:

• Thứ nhất, nó thầm lặng (silent) bởi vì nó không có triệu chứng gì đặc biệt, rõ ràng cả. Nhiều người mắc bệnh trong nhiều năm mà không hề hay biết, hoặc biết nhưng xem nhẹ nó cho đến khi biến chứng xảy ra. Trong số 1.3 tỷ người lớn mắc bệnh Hypertension, chỉ có 42% là được chẩn đoán và điều trị, số còn lại không biết mình bị bệnh. Và chỉ có 21% số bệnh nhân là kiểm soát được huyết áp dưới sự ổn định. Tôi có một người chị bị bệnh tim mạch rất nặng, phải vô ra bệnh viện nhiều lần để mổ tim và nằm ICU. Rồi một hôm chị đột ngột bị stroke, đưa vào bệnh viện chỉ một ngày sau thì chị mất. Chẩn đoán cuối cùng lúc chết là Cao huyết áp ác tính, cái tên không hề có trong hồ sơ bệnh dầy cộm của chị.

• Thứ hai, Hypertension thật sự là một kẻ giết người. Hypertension là một trong những nguyên nhân chính gây tỉ lệ tử vong cao trên thế giới. HBP âm thầm tàn phá cơ thể người bệnh theo nhiều cách, biến người bệnh thành kẻ tàn phế, thậm chí dẫn đến cái chết.

Vậy Hypertension (Cao huyết áp) là bệnh gì?

Nó không đơn giản chỉ là bệnh về stress như nhiều người lầm tưởng. Bệnh xảy ra khi áp lực máu bên trong của thành động mạch tăng cao.

Khi nào là cao?

Dựa trên máy đo bằng thủy ngân, khi số đo cao hơn 140/90 mmHg thì được chẩn đoán là Hypertension (Cao huyết áp). Số 140 là số đo của huyết áp tâm thu (Systolic blood pressure), và số 90 là số đo của huyết áp tâm trương (Diastolic blood pressure). Đọc là 140 trên 90 milimeter thủy ngân.

Hypertension có khuynh hướng tăng dần theo tuổi tác. Càng lớn tuổi thì huyết áp càng tăng cao. Đôi khi Hypertension xảy ra ở người phụ nữ mang thai.

Những biến chứng nào mà bệnh Hypertension có thể gây ra cho cơ thể người bệnh?

Trước hết, do áp lực máu bên trong thành động mạch tăng cao, hệ quả đầu tiên là dẫn đến bệnh Xơ Cứng động mạch (Atherosclerosis).

Kế đến, vì động mạch bị xơ cứng, nên việc đưa máu từ tim đến cơ thể trở nên khó khăn hơn, tim phải làm việc vất vả hơn để bơm máu đủ cho cơ thể. Thế là dần dần tim bị suy yếu, dẫn đến một loạt những bệnh nghiêm trọng khác như: stroke, heart attack, suy thận, trụy tim mạch, và chết.

Ngoài ra, Hypertension lâu năm cũng có thể đưa đến biến chứng mù mắt.

Những ai dễ bị bệnh Hypertension?

Cao huyết áp có tính cách di truyền. Trong gia đình, chỉ cần một người Cha hoặc Mẹ bị Cao huyết áp, thì rất nhiều khả năng các con cũng sẽ bị bệnh. Ngoài ra, những người có cuộc sống ít vận động, ngồi một chổ, hoặc những người béo phì cũng là những người dễ mắc bệnh. Thêm nữa, những người nghiện rượu lâu năm, những người thường xuyên bị stress, những bệnh nhân tiểu đường, cũng là những thành phần dễ mắc bệnh.

Bệnh nguy hiểm như vậy, nhưng làm sao biết được mình bị bệnh?

Cách duy nhất là đo huyết áp. Đo tại phòng khám của Bác sĩ, các phòng y tế, hoặc mua máy đo huyết áp cho cá nhân để tự đo tại nhà. Máy có bán tại nhiều nơi như CVS, Walgreen, v.v… hiệu nào cũng được, nhưng máy đo hiệu Omron của Nhật là có độ chính xác cao và bền nhất. Chỉ cần một máy đo huyết áp nhỏ, có thể bỏ vào túi xách được, là bạn có thể theo dõi huyết áp của mình thường xuyên.

Trị liệu bệnh như thế nào?

1. Thứ nhất là thuốc men: hiện nay có rất nhiều loại thuốc trị Cao huyết áp trên thị trường. Bác sĩ sẽ cho toa thuốc, bạn không nên tự ý dùng thuốc bởi vì mỗi loại thuốc có sự tương tác với các loại thuốc khác nhau. Nên nhớ: thuốc men là con dao hai lưỡi, không thể dùng tuỳ tiện.

2. Thứ hai là sự ý thức của người bệnh: Người bệnh đóng góp một phần rất lớn vào việc điều trị bệnh cho chính mình:

• Cao huyết áp (HBP) là một bệnh mà người bệnh phải uống thuốc đều đặn mỗi ngày, và uống SUỐT ĐỜI. Có những người hay quên, không thể nhớ để uống thuốc đều đặn mỗi ngày. Cũng có những người đã tự ý ngưng thuốc khi thấy huyết áp của mình “có vẻ như ổn định”. Quên uống thuốc, hay tự ý ngưng thuốc đều rất nguy hiểm cho người bệnh. Nhiều người đã bị stroke khi uống thuốc không đều đặn như vậy.

• Cần phải thay đổi lối sống của mình: cố gắng giảm cân nếu bạn là người dư cân nặng. Thường xuyên tập thể dục (ít nhất 150 phút trong một tuần). Nếu bạn có bệnh Tiểu đường (Diabetes), cố gắng giữ cho lượng đường trong máu đừng lên cao. Ăn uống thích hợp: cắt giảm muối trong chế độ ăn, tránh ăn chất béo, nên ăn nhiều rau cải, trái cây, và những thức ăn có chất xơ. Tránh hút thuốc lá, và giảm uống rượu. Học cách đối phó với stress và làm giảm stress.

Kết Luận:

• Hypertension là một bệnh rất phổ biến, ai cũng có thể mắc phải, nhất là những người cao tuổi.

• Hypertension là một bệnh âm thầm nhưng nguy hiểm, có sức tàn phá rất lớn đối với cơ thể.

• Nếu người bệnh ý thức sự điều trị là quan trọng: uống thuốc đều đặn mỗi ngày, tích cực đóng góp vào việc điều trị bệnh cho chính mình, thì người bệnh có thể đẩy lùi biến chứng, và “sống chung hoà bình” với bệnh trong nhiều năm sau.

• Nếu người bệnh lơ là, thiếu quan tâm đến sự điều trị, thì biến chứng của bệnh sẽ xảy ra và cướp đi cuộc sống bình thường của họ, biến người bệnh thành kẻ tàn phế, thậm chí dẫn đến cái chết.

Ngày 29 tháng 6 năm 2023

Cathy Nguyễn