“Yếu Tố Trung Quốc!” Làm Hà Nội Vẫn Chần Chừ, E Ngại Trong Quan Hệ Bang Giao Mỹ-Việt

0
385

-Trong chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Antony Blinken với tư cách Ngoại trưởng Mỹ từ ngày 14 đến 16/4/2023, Hà Nội và Hoa Thịnh Ðốn đã bày tỏ hy vọng sớm nâng quan hệ song phương “lên một tầm cao mới”. Hiện giờ, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ chỉ mới ở mức “đối tác toàn diện”. Từ thời chính quyền Donald Trump, Mỹ đã liên tục hối thúc Việt Nam nâng cấp quan hệ lên thành “đối tác chiến lược”, nhưng Hà Nội vẫn chần chừ vì e ngại phản ứng của Trung Quốc.

Có thể nói là trong quan hệ Mỹ-Việt nói riêng và trong chính sách ngoại giao “đa phương” của Việt Nam nói chung, “yếu tố Trung Quốc” vẫn còn hạn chế khuôn khổ hành động của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong những năm qua, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ ngoại giao với rất nhiều nước. Riêng đối với Hoa Kỳ, Việt Nam chỉ mới có quan hệ “đối tác toàn diện” kể từ năm 2013. Tuy vậy, từ đó đến nay, hai nước đã tăng cường quan hệ cả về chính trị, quốc phòng và kinh tế, vì cả Hà Nội và Hoa Thịnh Ðốn đều quan ngại về những tham vọng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nhằm thúc đẩy việc nâng cấp quan hệ song phương, trong cuộc điện đàm với Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ngày 29/03, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tái khẳng định là Hoa Thịnh Ðốn “tôn trọng thể chế chính trị” của Việt Nam, một cách gián tiếp trấn an Hà Nội là Mỹ không bao giờ thúc đẩy việc thay đổi chế độ ở Việt Nam. Đây cũng là điều mà Ngoại trưởng Blinken nhắc lại trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua.

Như vậy, sau chuyến đi này của Ngoại trưởng Mỹ, liệu Hà Nội có sẽ nâng quan hệ song phương lên thành “đối tác chiến lược”? Trả lời Ban Việt ngữ của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) ngày 21/4/2023, nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang, trường Đại học Boston (Boston College), Hoa Kỳ, dự đoán:

“Trong quan hệ ngoại giao của Việt Nam, “đối tác chiến lược toàn diện” là mức cao nhất, bao gồm Nga và Trung Quốc. Tiếp đến là “đối tác chiến lược”, bao gồm các quốc gia tầm trung, như Nam Hàn, Nhật Bản hay Ấn Độ. Còn “đối tác toàn diện” như với Mỹ là nấc cuối cùng trong thang ngoại giao của Việt Nam.

Việc Việt Nam đề cập đến nâng cấp quan hệ với Mỹ có thể được hiểu là hai bên muốn thể hiện vị thế, tầm quan trọng của mỗi bên, cũng như Mỹ xem Việt Nam là một đối tác đang lên ở Á Châu-Thái Bình Dương và Việt Nam cũng đang coi Mỹ như là đối tác an ninh ngày càng quan trọng hơn. Nhưng sẽ rất khó để hai bên tăng cường quan hệ lên tầm đối tác chiến lược, vì Việt Nam cũng phải nghe ngóng phản ứng, thái độ của Trung Quốc”.

Trên trang mạng của nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 15/4, chuyên gia về an ninh Đông Nam Á Zachary Abuza nhắc lại Việt Nam cho tới nay vẫn ngại là xích lại quá gần Hoa Kỳ thì sẽ gặp phản ứng mạnh từ Trung Quốc. Ông ghi nhận là hiện giờ Việt Nam đã nhận tất cả những gì mà Việt Nam muốn từ quan hệ với Mỹ và Hoa Kỳ nay đã trở thành một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam.

Theo chuyên gia Abuza, cái giá mà Việt Nam phải trả cho việc xích lại quá gần với Mỹ sẽ rất lớn, vì Trung Quốc có nhiều cách để trả đũa và gây áp lực lên Hà Nội. Đối với ông Abuza, việc “nâng cấp” quan hệ Mỹ-Việt có thể sẽ chỉ mang tính “biểu tượng ngoại giao”, mà nếu như thế thì Trung Quốc chắc cũng sẽ không nói gì.

Nhưng nếu thật sự hai nước nâng quan hệ lên thành “đối tác chiến lược toàn diện”, Việt Nam có thể hứng chịu những đòn trả đũa nào của Trung Quốc về kinh tế, an ninh, chính trị…? Vẫn nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang giải thích:

“Quan hệ Việt-Mỹ chưa bao giờ chỉ liên quan đến Việt Nam và Mỹ, mà về bản chất, quan hệ đó cuối cùng vẫn chỉ là nhằm làm đối trọng với Trung Quốc. Nhưng nếu Việt Nam bảo đảm được với Trung Quốc rằng việc nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ không ảnh hưởng đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, đó là duy trì một Việt Nam trung lập trong quan hệ quốc tế và không làm ảnh hưởng đến đại cục quan hệ Việt-Trung, thì Trung Quốc sẽ không trừng phạt Việt Nam. Trung Quốc hiểu rằng nếu trừng phạt Việt Nam thái quá thì cũng chỉ làm cho Việt Nam càng có thêm lý do để nâng cấp quan hệ với Mỹ.

Nhưng Trung Quốc vẫn có thể trừng phạt Việt Nam nếu Trung Quốc tin rằng Việt Nam bắt tay với Mỹ sau lưng Trung Quốc để kềm chế Trung Quốc. Trung Quốc sẽ cho Việt Nam thấy có rất nhiều hình thức trừng phạt, như là đưa đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế, hay tiếp tục bắt nạt các tàu đánh cá hay tàu hải cảnh Việt Nam trên Biển Đông, như vào những năm 2014, 2017, 2018 hay là 2019.

Trung Quốc luôn luôn cho Việt Nam thấy rằng không một quốc gia nào có thể bảo vệ được Việt Nam, nên Việt Nam cần phải thận trọng ở Biển Đông. Trung Quốc vẫn muốn cho thấy rằng bất chấp Việt Nam là một nước cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông, thì Việt Nam cũng không thể nào một mình đối trọng với Trung Quốc”.

Nói chung, cho tới nay, “yếu tố Trung Quốc” tác động thế nào đối với quan hệ Việt-Mỹ và đối với chính sách ngoại giao của Việt Nam nói chung? Nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang nhắc lại lịch sử chính sách ngoại giao của Việt Nam:

“Việt Nam đã có chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ ngoại giao, đặc biệt là một chính sách ngoại giao độc lập và tự cường kể từ sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975. Lúc đó, Việt Nam đã muốn giữ khoảng cách an toàn và cân bằng giữa hai cường quốc Liên Xô và Trung Quốc. Tuy nhiên, khả năng Việt Nam có thể duy trì một chính sách ngoại giao độc lập và tự cường phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc, đặc biệt là quan hệ Việt-Trung.

Nghiên cứu của tôi cho thấy, khi quan hệ Việt-Trung xấu đi thì Việt Nam không thể thi hành chính sách đa phương, bởi vì Trung Quốc cho rằng, bất kể quan hệ ngoại giao của Việt Nam với một cường quốc khác cũng đều là mối lo ngại an ninh đối với Trung Quốc. Trung Quốc sẽ làm rất nhiều cách để trừng phạt Việt Nam, cũng như là giảm thiểu các lựa chọn ngoại giao của Việt Nam, như vào giao đoạn cuối những năm 1970, khi quan hệ Việt-Trung dần xấu đi do Trung Quốc ủng hộ Khờme Đỏ và không chấp nhận các lời kêu gọi viện trợ kinh tế của Việt Nam.

Đầu tiên Trung Quốc không cho Việt Nam bình thường hóa bang giao với Mỹ, bằng cách ép Mỹ phải chọn giữa Trung Quốc và Việt Nam. Trung Quốc cho Mỹ thấy rằng việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc sẽ có lợi hơn là bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, bởi vì Mỹ đang cần Trung Quốc để kềm chế Liên Xô.

Sau đó, Trung Quốc tiếp tục tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á, ngăn chận các nỗ lực của Việt Nam gia nhập khối ASEAN (Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á) hay bình thường hóa quan hệ với Tân Gia Ba, Mã Lai Á, Thái Lan. Tiếp đến, khi Việt Nam không còn lựa chọn nào khác, bắt buộc phải ngả về phe Liên Xô bằng Hiệp định đồng minh quân sự vào năm 1978, thì Trung Quốc tiếp tục cô lập Việt Nam trên trường quốc tế, cho cả thế giới thấy rằng Việt Nam cũng chỉ là con cờ của Liên Xô và Việt Nam không phải là một nước độc lập. Những điều đó khiến Việt Nam không còn lựa chọn nào khác là phải liên minh quân sự với Liên Xô.

Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, quan hệ Việt-Trung đã được cải thiện rất nhiều, nên Trung Quốc không còn bất kỳ áp lực nào lên Việt Nam, tạo điều kiện cho Việt Nam mở cửa và cải thiện quan hệ với các nước thù địch như Mỹ. Chính vì thế mà từ những năm 1990 cho đến nay, Việt Nam liên tục bình thường hóa quan hệ và nâng cấp quan hệ với Mỹ thành “đối tác toàn diện”. Nhưng chính sách nhất quán của Trung Quốc là sẽ chỉ đồng thuận cho Việt Nam nâng cấp quan hệ với một cường quốc khác khi quan hệ Việt-Trung đang ổn định, tốt đẹp. Nếu quan hệ Việt-Trung xấu đi thì chắc chắn Trung Quốc sẽ không cho Việt Nam có cơ hội duy trì một chính sách ngoại giao độc lập, tự chủ, mà Trung Quốc sẽ ép buộc Việt Nam chọn phe.

Tuy nhiên, chính sách đối ngoại của Việt Nam luôn là duy trì ổn định để phát triển kinh tế, tránh những cuộc chiến tranh không cần thiết”.

Việc Hoa Kỳ vào năm 2016 bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đã mở đường cho việc chuyển giao kỹ thuật quân sự của Mỹ cho Việt Nam. Việt Nam đã được cung cấp các tàu thuyền, máy bay và các thiết bị quân sự khác do Mỹ chế tạo. Trong chuyến đi Việt Nam vừa qua, Ngoại trưởng Blinken đã thông báo là Hoa Kỳ sắp chuyển giao cho Việt Nam tàu tuần duyên thứ ba.

Trong bối cảnh chiến tranh Ukraine dẫn đến việc phương Tây ban hành các trừng phạt đối với Nga, nguồn cung cấp vũ khí chủ yếu của Việt Nam cho tới, Hà Nội đang buộc phải tìm các nguồn cung cấp khác để tăng cường khả năng phòng thủ trước mối đe dọa của Trung Quốc. Việt Nam có thể trông chờ vào sự hỗ trợ của Mỹ về thiết bị quân sự? Theo nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang, dù có thêm nguồn cung cấp vũ khí từ Mỹ, Việt Nam cũng không đủ tài lực để chạy đua vũ trang với Trung Quốc:

“Vấn đề cốt lõi ở đây không phải là Việt Nam mua vũ khí từ nước nào, mà là thực sự Việt Nam có khả năng phòng thủ trước Trung Quốc với vũ khí đó hay không. Trung Quốc trong những năm gần đây hoàn toàn không tỏ ra lo lắng khi thấy Việt Nam hiện đại hóa quân đội, vì Trung Quốc hiểu rằng Việt Nam không có đủ khả năng chống trả trên biển.

Trái lại, Trung Quốc hoàn toàn lo lắng khi Việt Nam tăng cường quan hệ quân sự với các nước đối trọng với Trung Quốc như Mỹ, vì Trung Quốc hiểu rằng chính Mỹ mới là nước có khả năng giúp Việt Nam để kềm chế Trung Quốc”.

Thanh Phương