Viện trưởng Viện KSND tỉnh Thái Bình thông tin về vụ bắt ông Lưu Bình Nhưỡng

0
727
CaliToday News – Theo Viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân tỉnh Thái Bình, ông Lưu Bình Nhưỡng từng nhận Cường là cháu, Cường từng nói ông Nhưỡng là bố nuôi.

Chiều 7.12, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 7, Hội Đồng Nhân Dân (HĐND) tỉnh Thái Bình khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, Viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân (VKSND) tỉnh Thái Bình Lại Hợp Mạnh báo cáo trước HĐND tỉnh và cử tri, nhân dân tỉnh Thái Bình về vụ việc liên quan đến ông Lưu Bình Nhưỡng.

Ông Lại Hợp Mạnh cho biết, 24 ngày qua, dư luận xã hội, nhân dân và cử tri cả nước, trong đó có tỉnh Thái Bình rất quan tâm đến việc ngày 14.11, Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam bị can, khám xét đối với ông Lưu Bình Nhưỡng.

Ông Lưu Bình Nhưỡng (60 tuổi, quê quán tại xã Hùng Dũng, Huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, trú tại Quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội), là tiến sĩ luật, nguyên là đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bến Tre. Thời điểm bị bắt, ông Lưu Bình Nhưỡng làm Phó trưởng ban Dân nguyện, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.

Việc khởi tố, bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng căn cứ vào kết quả điều tra vụ án Phạm Minh Cường (37 tuổi, trú tại xã Thụy Xuân, Huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình; đối tượng có 3 tiền án) trong băng nhóm xã hội phức tạp, thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2020 – 2022, Cường và đồng phạm đã cưỡng đoạt của một số doanh nghiệp được Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Thái Bình cấp phép khai thác tại mỏ cát ven biển xã Thụy Trường, H.Thái Thụy với gần 5 tỉ đồng.

Theo đó, Cường và đồng phạm tự ý xác lập các quyền sở hữu trái phép như cắm cọc lập vây, lập chòi các bãi triều có diện tích khoảng 180 ha; gây sức ép, buộc các doanh nghiệp phải trả tiền theo khối lượng cát khai thác được, với giá 1.500 đồng/1 m3 cát và nhân với 700 m3/1 tàu, theo phương thức đếm tàu tính tiền (một tàu vào khai thác cát khoảng 700 m3, muốn đi qua bãi của Cường phải nộp 1.500 đồng/1 m3 cát).

Việc cưỡng đoạt tiền của doanh nghiệp, Cường bị một số nhóm đối tượng xã hội cản trở, gây khó khăn dẫn đến việc chiếm đoạt được tiền của doanh nghiệp bị hạn chế. Do có mối quan hệ từ trước (ông Nhưỡng từng nhận Cường là cháu, Cường từng nói ông Nhưỡng là bố nuôi), Cường nhờ ông Lưu Bình Nhưỡng can thiệp, tác động với cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình để các nhóm xã hội này không gây sự, gây khó khăn. Sau đó, Cường tiếp tục thực hiện việc cưỡng đoạt tiền của doanh nghiệp.

Hành vi phạm tội của bị can Lưu Bình Nhưỡng là đồng phạm, với vai trò giúp sức để Cường cưỡng đoạt tài sản, theo khoản 4 điều 170 bộ luật Hình sự.

Viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét đối với người được pháp luật quy định rất chặt chẽ. Tất cả hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng đều thực hiện theo quy trình, quy định, có cơ chế kiểm soát.

Quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan thi hành tố tụng cũng xác định ông Lưu Bình Nhưỡng có những đóng góp tốt, có nhiều kiến nghị về những vấn đề xã hội phải ghi nhận. Tuy nhiên, một người có thể đúng chỗ này, đúng chỗ khác nhưng không giữ gìn thì khi vướng mắc cũng phải xử lý. Ông Nhưỡng có vi phạm, phạm tội cũng phải xử lý. Việc khởi tố, xử lý hình sự này thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là “không có vùng cấm”, không phải là nguyên đại biểu Quốc hội hay người nổi tiếng vi phạm pháp luật thì được miễn trừ; bất cứ ai nếu vi phạm pháp luật sẽ phải chịu trách nhiệm xử lúy theo quy định.

Quá trình thi hành lệnh bắt, khám xét, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu có dấu hiệu vi phạm pháp luật khác, đang được điều tra, xác minh và phục vụ công tác điều tra mở rộng vụ án, bảo đảm toàn diện, triệt để, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Cơ quan CSĐT đã có văn bản gửi tất cả đoàn đại biểu, Uỷ ban Nhân Dân các tỉnh, thành phố, kiến nghị, yêu cầu rà soát, báo cáo những phiếu chuyển đơn của ông Lưu Bình Nhưỡng ký từ năm 2016 đến nay.

Nguồn thanhnien