THÁNG TƯ NĂM ẤY.

0
387

Lính già Chu Tất Tiến.

Ngày 28 tháng 4 năm 1975, hầu như những gia đình có chức vụ trong chính quyền miền Nam đều đổ xô vào cổng Phi Trường Tân Sơn Nhất với hy vọng le lói là gặp được ai quen biết lớn đi qua, thì xin tháp tùng. Một số khác có tiền của thì mong là nộp một số tiền lớn lên đến bạc triệu cho những người an ninh gác cổng, để được vào trong. Một số không nhỏ có sự quen biết với những người làm lớn trong Sở Mỹ thì năn nỉ cho được ghi tên vào danh sách đi theo, khi người Mỹ mang xe buýt đến đón những người làm việc cho họ đi khỏi Việt Nam. Trong số những người mang theo chút hy vọng mong manh này có người chị kế của tôi. Bà làm kế toán cho sở Mỹ, còn ông anh rể là thương binh nhẹ, làm nhân viên trong Phủ Tổng Thống. Khi tôi đến  nhà ông anh cả của tôi là Kiểm Toán Viên của USAID, thấy bà chị tôi và gia đình đang ngồi trong phòng khách với nước mắt ngắn dài. Ông anh tôi thì đang băn khoăn không biết làm cách nào cho gia đình cô em gồm 4 người đi theo. Suy nghĩ môt lúc, tôi cả quyết nói với chị: “Chị đi theo em, em biết cách vào phi trường Tân Sơn Nhất.”

Tôi chất gia đình bốn người của bà chị lên chiếc xe Renault của tôi, phóng về phía cổng số 10, nơi tôi biết chắc là không có ai dám vào qua cổng đó, vì những hàng rào “concertina” chồng chất và các họng súng đại liên chiếu ra ngoài hầm hừ. Đến đúng trước cổng số 10, tôi tỉnh bơ đậu xe trước hàng rào dây kẽm gai, và bước ra ngoài, đứng dựa lưng vào xe. Anh lính gác cổng thấy thế, liền chĩa súng M.16 về phía tôi và la lớn lên: “Đi ngay! Đi ngay! Không được đứng đây! Bắn chết giờ!”

Tôi vẫn không nao núng, chụm tay vào miệng làm cái loa, nói lớn: “Đừng bắn! Đại úy đây! Ra đây nói chuyện chút!” Anh lính gác thấy thái độ tỉnh queo của tôi trước họng súng M.16, dù lúc đó tôi mặc áo sơ mi trắng, cộc tay, thì không biết là tôi chức vụ gì. Suy nghĩ môt chút, anh bước vòng vèo theo hàng rào kẽm gai, rồi đến trước mặt tôi, cách một dẫy “concertina”, hất hàm hỏi: “Đại úy muốn gì?”

Tôi nói nhỏ: “Anh nói giùm với ông Sĩ quan nào trực đó, cho tôi đưa gia đình bà chị tôi vào trong, tôi hứa sẽ ra ngay, không ở lại. Tôi biếu anh và ông nào đó ít tiền, khoảng 50,000!”

Anh lính ngần ngừ rồi đi vòng vèo vào trong, nói chuyện vài phút rồi lại vòng vèo đi ra, nói nhỏ: “Ông Trung Úy trong nói là 100,000!”

Tôi năn nỉ: “Anh nói giùm tôi là túi tôi chỉ còn 50,000 thôi, mong anh thông cảm. Nói xong, tôi rút tiền trong túi ra đưa cho anh 50,000, nguyên số tiền mang theo hôm đó. Anh Lính cầm tiền tôi, đi vào trong rồi trở lại, từ từ gỡ mấy hàng rào dây kẽm ra đủ cho tôi lái xe vào. Mừng quá, tôi phóng vào ngay, khi ngang qua cổng gác, tôi giơ tay chào ông Trung Úy và anh lính, cám ơn.

Phóng một lúc thì thấy bên tay mặt có bảng đề: “Câu Lạc Bộ …”, tôi ngừng xe lại, vào trong, gặp bà chủ đang ngồi ủ rũ đó. Tôi lại năn nỉ: “Tôi là Đại Úy đây. Xin phép bà cho tôi gửi gia đình anh tôi ngồi lại đây, để tôi chạy vào trong xem sao.” Bà chủ gật đầu: “Ông cứ tự nhiên.”

Tôi bảo ông anh rể thương binh của tôi ngồi lại với hai đứa con, rồi tôi dẫn bà chị đi ra ngoài, kiếm phương tiện đi. Mới đi được mấy bước, nhìn sang bên phải thấy có một văn phòng mở cửa, có một ông Mỹ cao kều đi qua đi lại, nhăn nhó. Tôi nói với ông Mỹ: “Tôi là Đại Úy Tiến, tốt nghiệp Fort Benning đây. Ông có việc gì làm cho chị tôi phụ với ông không?” Ông Mỹ hất hàm: “Bà này có biết đánh máy không? Tôi đang cần người đánh Manifest!” Tôi đẩy bà chị vào liền, và nói: “Chị ngồi xuống, đánh máy đi!” Bà chị tôi xắn áo lên, ngồi xuống đánh chữ ào ạt. Ông Mỹ vui quá, đưa cho bà một chồng hồ sơ. Tôi gật đầu với chị: “Chị ở lại, chúc lên đường may mắn!” Bà chị tôi nước mắt ngắn dài, nói: “Tiến cũng ở lại, đi luôn đi!” Tôi lắc đầu: “Không được, em phải về nhà!”, rồi “bye bye” chị. Lửng thửng, tôi đi lanh quanh, làm sao lại tới chỗ parking của môt chiếc phi cơ, có ông Quân Cảnh Mỹ đứng gác. Ông Quân Cảnh thấy tôi đến gần, vội móc súng Colt ra, chĩa vào tôi, quát lớn: “Fuck off! Go away! Don’t come near, I’ll shoot!”

Tôi giơ tay chào theo kiểu quân sự Mỹ và nói: “I’m Captain Tien, graduated from Fort Benning, Georgia.” Nói xong, tôi móc ví ra, chìa cho anh ta coi cái thẻ căn cước của Sinh Viên Sĩ Quan trường OCS. Nhìn thấy cái thẻ, anh Quân Cảnh đổi thái độ, giơ tay chào và nói: “Sir, go ahead and board the plane.” rồi chỉ tay về phía cái thang lên máy bay. Tôi ôm đầu, suy nghĩ. Thằng con thứ hai của tôi mới sinh được 3 tháng, đứa thứ nhất thì 4 tuổi, vợ tôi vóc người thanh nhã, làm tổng thư ký cho Tập đoàn Công Ty Mekong Ford, Insurance, and Gasoline, không biết có thể xoay sở sống trong xã hội Cộng Sản không. Không lẽ tôi bỏ đi, để lại vợ con cho Cộng Sản? Chúng có thể hành hạ vợ tôi, buộc vợ tôi phải lấy chúng, và các đứa con tôi sẽ phải thành Việt Cộng con! Không dược! Dứt khoát không thể được! Không thể trốn trách nhiệm với gia đình nhỏ bé của tôi, cho dù tôi bị Việt Cộng bắn chết nhưng được ở bên vợ con. Làm người chồng, người cha vô trách nhiệm, mà chạy trốn, để lo cho thân mình, thì hèn lắm.

Suy nghĩ vững vàng rồi, tôi mỉm cười với anh Quân Cảnh và nói: “Thanks! I will come back with my family!” rồi ra xe, phóng thẳng về nhà, hy vọng có thể trở lại cổng số 10 lần thứ hai..

Vừa về đến nhà, chưa kịp nói chuyện với vợ thì nghe tin máy bay Viêt Cộng thả bom phi trường Tân Sơn Nhất! (Tên phi công nằm vùng Nguyễn Thành Trung!) Tôi hốt hoảng lại phóng xe đến cổng số 10, nghe tin tức. Lúc bấy giờ thì thấy thật vô phương trở lại. Quân đội tăng cường nhộn nhịp, súng đạn tua tủa! Thôi, chết rồi, bà chị và gia đình có thể bị trúng bom? Tôi không còn biết làm sao, chỉ biết nhìn lên trời, xin Chúa phù hộ. (Bà chị, vì được chỉ định đánh máy Manifest, nên bà đánh luôn danh sách gia đình của bà, và lên máy bay sang Mỹ thoải mái.)

Sau đó, tôi phóng đến nhà anh bạn là nhân vật thứ hai trong môt Bộ. Anh rủ tôi đi với anh, vì được một nhân viên sứ quán Mỹ hứa là sẽ đón anh và gia đình đi ngay buổi sáng hôm sau. Anh cho tôi địa chỉ Mỹ sẽ đón. Chúng tôi hẹn nhau sẽ gặp tại địa điểm đó, nhưng chỉ đến đểm hôm đó, anh gọi điện thoại cho tôi biết là Mỹ dọt mất rồi.

Tôi lại đến nhà môt người bạn khác, nguyên là Tổng Thư Ký một Hội quốc tế, anh bảo tôi là sẽ có trực thăng đến đón vào 8 giờ sáng ngày 29 tại nhà anh và nói anh sẽ để tôi đi theo, nhưng chỉ mình tôi thôi, vì trực thăng chỉ chứa vừa đủ gia đình anh và tôi. Ra về mà lòng tôi rối bời, cũng như lần trước, có người đề nghị tôi đi môt mình, tôi lại chối từ. Sáng hôm sau, khoảng 9 giờ tôi lại đến nhà anh thì thấy căn nhà nhỏ như cái biệt thự đã bị dân hôi của vào phá tan hoang, sau khi trực thăng đến đón gia đình anh.

Ngày 30 tháng 4 ập đến như cơn lốc. Nghe tin đầu hàng, tôi gói cây súng Colt và cây Carbin M.2 báng xếp vào một bọc và thả xuống một cái giếng gần nhà. Mấy hôm sau, nghe lời  Nhà Nước lừa gạt đi 10 ngày, để rồi thăm thẳm gần 6 năm trời trong đói khát, bệnh tật mấy lần tưởng chết, hai lần bị chĩa súng vào mặt, suýt bắn, nhưng được Chúa cứu lạ lùng. Môt lần bị Tổng Quản Giáo trại Trảng Lớn đập tơi tả vì đòi dự lễ Giáng Sinh năm 1975; môt lần mắng Chính Ủy  Mặt Nám, trại K.4, Suối Máu là “bới bèo ra bọ, chẻ tóc làm tư làm tắm, chụp mũ tù nhân, kiếm cớ để xử; một lần chửị tên trùm ăng-ten Tống Châu. K., Tham sự Hành Chánh, “Đ.M. Mày ăng tên, tao đập chết mẹ mày” để rồi không phải tôi đập tên họ Tống kia mà bị chính tên Tống chỉ đạo một nhóm bẩy tám mang, đập tôi tơi tả. Chúng đá vào đầu, đạp vào mặt, làm vỡ mũi, trẹo quai hàm, một tai bên trái bị điếc, về nhà phải mổ mũi ba lần. Lần khác, cũng tại trại K.4, Suối Máu, tôi chửi tên Công An quản giáo, khi hắn tới định tịch thu cây đàn ghita của tôi, nói là “mượn” để rồi chắc gì trả, tôi chửi văng mạng luôn: “Đ.M. Con c. Đéo cho Công an mượn đàn.”, xong rồi giật đứt giây đàn luôn. Tên Quản giáo đau quá, buổi tối cho họp để kiểm điểm hành động của tôi, hầu mang tôi ra xử. May mà có tên ăng tên Huỳnh Văn Á, Thiếu Úy ban 3, nộp mạng thay cho tôi. Để mở đầu buổi kiểm điểm, tên Á trịnh trọng báo cáo: “Kính thưa cán bộ, chúng tôi là những người lầm đường lạc lối, phản quốc, phản lại dân tộc…” Vừa nói đến đây, tôi chặn ngay, chỉ tay vào mặt tên ăng tên kia và nói từng chữ: “Anh Á, anh phản quốc, anh phản bội dân tộc, anh lầm đường lạc lối thì anh dùng chữ “Tôi”, không được dùng chữ “chúng tôi”. Cá nhân tôi không phản quốc, tôi không phản bội dân tộc, tôi chỉ phục vụ cho tổ quốc. Anh đừng có nhập nhằng.” Thế là tên kia nhẩy đong đỏng lên, chỉ tay vào tôi, báo cáo loạn lên: “Thằng này phản động, chuyên viết nhạc vàng chống đối cách mạng…” linh tinh, lang tang làm tên Quản giáo Công An kia đớ người, xấu hổ, vì có một tên phản động như thế mà mù nên không biết. Vì thế hắn đuổi tên Á ra ngoài và xù phiên họp!

Chúa lại cứu tôi lần nữa. Qua những sự kiện trên, tôi càng tin tưởng là có Đấng Thần Linh phò trợ, nếu như người khác thì tôi đã toi đời từ năm nảo năm nào, không còn sống để làm chứng nhân cho sự tàn bạo, bán nước của đảng Cộng Sản.

Lính già Chu Tất Tiến. Tháng 4, năm 2024.