Cuốn Theo Chiều Gió

0
1606

(Gone With The Wind)

Nguyên tác của Margaret Mitchell

Bản dịch của Đào Văn Bình

(Kỷ niệm 123 năm ngày sinh của Magarett Mitchell 8//11/1900-8/11/2023)

Chương một

Scarlett O’hare không đẹp nhưng đàn ông con trai ít nhận ra điều đó khi bị thu hút bởi vẻ quyến rũ của nàng, chẳng hạn như cặp sinh đôi Tarleton. Khuôn mặt nàng là một sự pha trộn quá sắc sảo giữa những nét thanh tú của mẹ – một người đàn bà thuộc giòng dõi quý phái Pháp của xứ Coast và những nét thô của người cha hào nhoáng xứ Ái Nhĩ Lan. Nhưng đó là khuôn mặt lôi cuốn, cắm nhỏ và hơi vuông.  Đôi mắt nàng xanh lạt, không  gợn một chút nâu, mở to với hàng mi cong vút và hơi nheo ở đuôi mắt. Trên đôi mắt ấy là cặp lông mày đen đậm hơi xếch làm thành một nét nghiêng nghiêng khá bất ngờ trên khuôn mặt có làn da trắng màu mộc lan – nước da mà các bà các cô ở Miền Nam thường thèm khát, lại được bảo vệ kỹ lưỡng bởi chiếc mũ, voan và găng tay để chống cái nắng cháy da của Georgia.

Vào buổi chiều rực nắng của Tháng Tư năm 1861, tại đồn điền của cha nàng, Scarlett nổi bật như một bức tranh tuyệt đẹp khi nàng ngồi ở dưới hàng lan can dâm mát cùng với Stuart Tarleton và Brent Tarleton. Chiếc váy màu xanh trang điểm hoa hồi trải dài mười một bộ trên chiếc giá đỡ thật hợp với đôi dép da dê mà cha nàng mới mua cho nàng ở Atlanta (1). Chiếc váy làm tăng thêm vẻ tuyệt mỹ của chiếc eo thon nhỏ và bộ ngực nảy nở của lứa tuổi mười sáu được nâng bởi chiếc nịt bó sát lấy thân hình. Cho dù dưới chiếc váy trải dài nề nếp, mái tóc được búi trong lưới, đôi bàn tay trắng nhỏ để yên trên lòng, nàng vẫn không thể nào dấu được con người thực của nàng. Trên khuôn mặt khả ái, đôi mắt ấy thật hiếu động, phá phách và tràn đầy nhựa sống, hoàn toàn khác hẳn với vóc dáng đoan trang, thùy mị của nàng. Phong thái đó là do mẹ nàng đặt để lên nàng bằng những lời khuyên răn nhẹ nhàng và bằng kỷ luật khắt khe của bà vú – nhưng còn đôi mắt thì kia thì là cái gì riêng tư của nàng.

Bên cạnh, hai anh em sinh đôi ngồi uể oải trên ghế, nheo mắt nhìn ra ngoài nắng, cười, nói. Chân họ dài, đi ủng tới đầu gối và lơ đãng vắt chéo vào nhau. Hai anh em năm nay mười chín tuổi, cao thước bảy, lưng dài, bắp thịt cứng cáp, da mặt sạm nắng, tóc nâu vàng. Mắt họ tinh nghịch, kiêu ngạo. Họ mặc hai chiếc áo khoác màu xanh giống hệt nhau, quần bó chẽn cho nên hai anh em giống nhau như hai giọt nước.

Bên ngoài, ánh nắng chiều chiếu chênh chếch xuống sân, ném những tia sáng yếu ớt qua hàng cây sơn thù du với khối hoa trắng nổi bật trên thảm cỏ xanh mới mọc. Hai con ngựa cao lớn buộc ở trên lối đi, lông chúng đỏ như màu tóc của chủ nhân chúng. Chung quanh hai con ngựa, bày chó săn rất hung hăng đang gấu ó nhau. Đó là bầy chó lúc nào cũng bám sát Stuart và Brent. Xa hơn một chút, một con chó vá đốm đen, như một kiểu cách trưởng giả, chân được bịt lại, đang kiên nhẫn nằm chờ những cậu chủ về nhà ăn cơm tối. Giữa bầy chó săn, hai con ngựa và cặp anh em sinh đôi có một sự tương đồng có lẽ xâu xa hơn là việc thường đi chung với nhau. Đó là sự khỏe mạnh, vô tư lự của những con vật trẻ, láng mướt, phong nhã, sôi nổi của hai cậu con trai và sự hung hăng của hai con ngựa- hung hăng nguy hiểm, nhưng lại tỏ ra ngoan ngoãn đối với những ai biết điểu khiển chúng.

Mặc dù sinh ra trong một đồn điền dễ dàng ngay từ thuở thơ ấu nhưng khuôn mặt của cả ba người không có cái gì gọi là nhu mì. Họ khỏe mạnh, lanh lợi giống như những nông dân suốt đời phải làm việc ngoài mưa nắng, ít đau đầu với những gì tẻ lạt trong sách vở. Đời sống ở Hạt Clayton, bắc Georgia vẫn còn mới mẻ, nếu so với vùng Augusta, Savannah và Charleston thì vẫn còn quê mùa. Những người ở khu vực đã lâu của Miền Nam coi thường những ngươi ở vùng phía bắc. Thế nhưng ở đây không đi học không phải là điều đáng xấu hổ miễn sao thông minh, ứng phó được công việc. Giá trị ở đây là trồng bông nhiều, cưỡi ngựa giỏi, bắn súng tài, khiêu vũ lả lướt, đi hầu bên cạnh những bà sang cả và đem theo rượu như thể đàn ông là cái gì ghê gớm lắm.

Giữa bối cảnh đó, hai chàng thiếu niên lại còn vượt trội hơn. Cả hai đều không biết một chút gì nằm trong sách vở. Gia đình họ nhiều tiền, lắm ngựa, nhiều nô lệ hơn bất cứ ai ở Hạt Clayton nhưng chữ nghĩa họ còn nghèo nàn hơn những người ở vùng Cracker khốn khổ.

Đó là lý do giải thích tại sao chiều nay họ ngồi thừ người ra. Họ mới vừa bị đuổi ra khỏi Đại Học Georgia. Đây là đại học thứ tư trong vòng hai năm đã mời họ ra khỏi trường cùng  hai người anh lớn Tom và Boyd vì hai người này đã không chịu ở lại trường mà hai đứa em đã bị đuổi. Stuart và Brenton coi hai lần đuổi học vừa rồi chỉ là chuyện khôi hài. Còn Scarlett- người chẳng bao giờ chịu ngó ngàng tới sách vở cũng đã rời Trường Nữ Trung Học Fayettville năm ngoái thì nghĩ rằng việc nghỉ học của hai anh em chỉ là trò giải trí. Scarlett nói:

-Mình nghĩ rằng hai anh thì chẳng lo lắng chi đến chuyện bị đuổi học, kể cả Tom nữa, nhưng còn Boyd thì sao? Ảnh cũng có ý định học cho xong nhưng hai anh đã kéo ảnh ra khỏi Đại Học Virginia, Alabama, South Carolina rồi nay tới Georgia. Như vậy làm sao ảnh có thể tốt nghiệp được?

Brent lơ đãng đáp:

-Ồ, ảnh có thể đọc được sách luật tại văn phòng của ông tòa Parmalee ở Fayettville. Ngoài ra cũng chẳng quan trọng lắm. Bọn này cũng phải về nhà trước kỳ học.

-Tại sao vậy?

-Chiến tranh! Chiến tranh có thể bùng nổ bất cứ lúc nào và chắc cô không nghĩ rằng bọn này cứ ở lì trong trường khi chiến tranh nổ ra sao?

Scarlett chán nản nói:

-Không có chiến tranh đâu. Người ta chỉ đồn vậy thôi. Ashlew Wilkes và cha ảnh mới nói với ba tuần trước là những ủy viên ở Washington sẽ đi tới một hòa giải với ông Lincoln vể vấn đề Liên Bang. Bọn Yankees (Miền Bắc) sợ không dám đánh mình đâu. Chẳng có chiến tranh gì hết. Nghe nói tới chiến tranh mình bắt mệt.

-Không chiến tranh hả?

            Cặp anh em sinh đôi tức giận la lên như thể bị Scarlett coi là dối gạt. Stuart nói:

-Dĩ nhiên là phải có chiến tranh cưng ơi. Bọn Miền Bắc có thể sợ bọn mình nhưng sau khi Tướng Beauregard dùng đại bác bứng chúng ra khỏi Đồn Sumter ngày hôm kia thì bọn họ phải đánh lại nếu không thì cả thế giới sẽ coi họ là đồ hèn nhát. Tại sao Liên Bang… 

            Scarlettt chu miệng tỏ vẻ buồn bực và không còn kiên nhẫn được nữa:

-Nếu anh còn nói tới chiến tranh một lần nữa thì mình sẽ bỏ vô nhà, đóng cửa lại. Chưa có chữ nào trên đời làm mình mệt bằng hai chữ chiến tranh. Ba thì tối ngày nói tới chiến tranh. Mấy ông tới gặp ba cũng lại nói về quyền của Tiểu Bang và Đồn Sumter cùng Abe Lincoln làm mình muốn điên lên. Và cả mấy ông con trai nữa. Mấy tiệc mùa xuân này chẳng có gì vui  cả vì mấy ảnh chẳng nói chuyện gì khác. Mình mong sau lễ Noel, Georgia mới rút ra khỏi Liên Bang nếu không thì tiệc đổ vỡ cả. Nếu mấy anh còn nói tới chiến tranh nữa thì mình sẽ bỏ vào trong nhà ngay đó.

            Nàng đã có chủ định khi nói ra những điều đó bởi vì nàng không thể chịu đựng được nếu cứ tiếp tục bàn về những đề tài không thuộc sở trường của nàng. Nhưng nàng mỉm cười khi nói, cố tình làm sâu thêm đôi má lún đồng tiền, chớp chớp cặp lông mi cứng như đôi cánh bướm đang vỗ cánh làm cho hai cậu con trai mê mẩn cả tâm thần, vội vã lên tiếng xin lỗi nàng. Thế nhưng cho dù vậy hai cậu con trai vẫn nghĩ tới chiến tranh. Họ suy nghĩ nhiều hơn nữa. Vì chiến tranh là chuyện của đàn ông, không phải chuyện của đàn bà cho nên hai cậu coi thái độ của nàng chỉ là chuyện nhi nữ thường tình.

            Sau khi đã khéo léo lái câu chuyện ra khỏi đề tài chiến tranh nhàm chán, nàng quay lại hoàn cảnh hiện thời của hai anh em:

-Má có nói gì khi hai anh lại bị đuổi học một lần nữa không?

            Hai cậu ra chiều bực bội khi nhớ lại thái độ của mẹ cách đây ba tháng khi họ bị Đại Học Virginia trả về nhà. Stuart nói:

-À, má chưa nói gì cả. Tom và hai đứa mình rời nhà sáng sớm trước khi mẹ thức dậy.

-Thế má không nói gì khi các anh về nhà tối qua à?

-Hai đứa mình gặp hên tối qua. Khi vừa về tới nhà thì người ta đem tới con ngựa mà má mua tháng trước ở Kentucky. Đó là con ngựa thật bảnh, này Scarlett, cô nói ba xuống coi ngay đi- nó mới cắn người giữ ngựa một miếng- nó đã gặm hai gã da đen là người làm của má khi hai gã này ra đón nó ở ga Jonesboro. Và trước khi bọn này về nhà, tí nữa nó đá người coi chuồng ngựa té nhào và tí nữa thì giết Strawberry là con ngựa già của má. Khi bọn này về nhà thì má đang ở ngoài chuồng ngựa với cái túi đầy đường, đang vuốt ve nó. Còn hai gã đen thui thì trốn ở trên nóc chuồng ngựa, mắt mở thao láo, sợ hết vía trong khi má thì nói chuyện tự nhiên với nó và cho nó ăn. Thật không có ai như má cả. Khi thấy bọn này má nói: Trời đất ơi! Bốn đứa con quay về nhà làm gì đây? Bọn con tệ quá! Rồi thì con ngựa bắt đầu khụt khịt rồi chồm lên. Thấy vậy má la lên. Ra khỏi đây. Bọn con không thấy nó đang bực bội sao? Sáng mai má sẽ nói chuyện với các con. Như thế bọn này đi ngủ và sáng nay thức dậy sởm trước khi má hay biết và đẻ Boyd “nói chuyện” với má.

-Mấy anh có nghĩ là má đánh đòn Boyd không?

            Scarlett, giống như những người khác không quen với cách Bà Tarleton đánh đòn những đứa con đã lớn.

            Bà Beatrice Tarleton là người hết sức bận rộn. Trên tay bà không phải  chỉ là một đồn điền trồng bông rộng lớn, hằng trăm nô lệ da đen, tám đứa con mà còn một trại nuôi ngựa lớn nhất tiểu bang nữa. Tính bà nóng nảy và dễ bị quấy rầy bởi bốn cậu con  trai.Trong khi không ai được phép đánh đập ngựa và nô lệ thì bà cho rằng thỉnh thoảng cho bọn nhỏ một trận đòn cũng chẳng tai hại gì.

-Dĩ nhiên là má không đánh anh Boyd. Má không đánh ảnh nhiều vì ảnh là con trai lớn trong nhà, ngoài ra ảnh nhỏ con nhất trong bốn anh em.

            Stuart vừa nói vừa hãnh diện về chiều cao 6 bộ 2 (1 mét 8) của mình.

-Đó cũng là lý do bọn này để ảnh ở nhà để giải thích cho má rõ. Trời đất ơi! Má không nên đánh bọn này nữa! Bọn này mười chín tuổi rồi, còn Tom thì đã hai mươi mốt mà má còn coi bọn này như còn sáu, bảy tuổi.

-Thế ngày mai má có cưỡi con ngựa mới tới dự bữa ăn thịt nướng tại Wilkes không?

-Má muốn vậy nhưng ba nói con ngựa ấy nguy hiểm lắm. Ngoài ra, bọn con gái lại không muốn má cưỡi ngựa. Họ muốn má ngồi xe đến dự tiệc như một bà mệnh phụ vậy.

Scarlet nói:

-Mình mong ngày mai đừng mưa. Cả tuần rồi ngày nào cũng mưa. Thật không có gì chán hơn ăn thịt nướng ngoài trời lại trở thành bữa picnic ở trong nhà.

            Stuart nói:

-Ồ, sáng mai trời sẽ trong và nóng như Tháng Sáu, nhìn hoàng hôn kìa, mình chưa bao giờ thấy đỏ hơn như vậy. Cô có thể nhìn hoàng hôn để biết thời tiết ra sao.

            Bọn họ nhìn ra ngoài cánh đồng bông Gerald O’Hara mới vừa cày sới dài tới tận chân trời. Giờ thì  khối đỏ rực khổng lồ từ từ rớt xuống sau những ngọn đồi bên kia Sông Flint. Cái ấm áp của ngày Tháng Tư từ từ yếu dần và trời trở lạnh. (hết nửa Chương Một)

Sơ Lược Tiểu Sử Margaret Mitchell

            Margaret Mitchell vừa là ký giả vừa là tiểu thuyết gia sinh ngày 8/11/1900. Cuốn tiểu thuyết duy nhất Gone With The Wind của bà đoạt giải thưởng xuất sắc nhất năm 1936 và giải thưởng Pulitzer năm 1947. Bà sinh ra trong một gia đình giàu có và quyền thế. Cha bà là một luật sư, mẹ bà là nhà hoạt động cho quyền bầu cử của phụ nữ. Tháng Tư năm 1921, bà thường xuyên gặp hai thanh niên Berrien (“Red”) Kinnard Upshaw và  John Robert Marsh (bạn học của Upshaw). Cuối cùng bà kết hôn với Upshaw năm 1922.  Hai người chung sống tại nhà của cha bà. Thế nhưng cuộc hôn nhân đổ vỡ năm 2024 vì Upshaw nghiện rượu và dùng bạo lực trong gia đình. Vào ngày 4/7/1925 bà kết hôn với John Marsh là người phụ rể trong đám cưới của bà và Upshaw cách đó ba năm. Ngày 11/8/1949 bà chết trong một tai nạn xe hơi do một người say rượu lái xe gây ra. Còn chồng bà chị bị thương. Lúc đó bà 48 tuổi. Bà được chôn cất tại Oakland Cemeteraey, Georgia. Chồng bà cũng được chôn cất bên cạnh khi ông mất vào năm 1952./.

Cuốn Theo Chiều Gió (Gone With The Wind) là tác phẩm của nữ văn sĩ Margaret. Mitchell.  Đây là cuốn tiểu thuyết lãng mạn nói về cuộc Nội Chiến Nam-Bắc Mỹ xuất  bản năm 1936 khi mà đất nước Việt Nam còn quê mủa, nghèo nàn và đặt dưới ách thống trị của Thực Dân Pháp. Điều này cho thấy nền văn chương Hoa Kỳ phát triển rất sớm và để lại những tác phẩm lớn cho nhân loại.      

            Có thể người Việt Nam chúng ta đã biết tác phẩm này từ lâu và các vị ngày nay trên 80 hoặc 90 ở Miền Nam đã có dịp thưởng thức cuốn phim chiếu ở Sài Gòn mà vai chính là các tài tử nổi danh Clark Gable, Vivien Leigh và Thomas Mitchell. Thế nhưng có lẽ ít ai bỏ hết thời giờ đọc hết cuốn tiểu thuyết này bằng tiếng Anh.

            Cách đây khoảng mười năm, sau khi về hưu rảnh rồi, tôi nảy ra ý định dịch toàn bộ tác phầm này để cống hiến bà con đọc chơi cho biết. Tôi dịch khá say mê được phân nửa Chương Một, nhưng rồi lại thấy dịch thuật không bằng sáng tác. Sáng tác là của mình, dịch thuật là của người ta cho nên ngưng không dịch nữa. Nay giở lại bài vở cũ thấy cũng tiêng tiếc cho nên phổ biến để bà con đọc chơi và để cho biết văn tài của một nữ văn sĩ Hoa Kỳ cách đây 84 năm dù chỉ là một đoạn ngắn giới thiệu ở đây.     

            Chúng ta khâm phục tiến bộ khoa học kỹ thuật của Hoa Kỳ nhưng cũng khâm phục một nền văn học, tiểu tuyết, thi ca vĩ đại của họ. Minh Trị Thiên Hoàng khâm phục văn minh Tây Phương, chấp nhận cải cách và học theo Tây Phương…giờ đây ngang bằng Tây Phương. Người ta giỏi thì mình ca ngợi và học hỏi, điểu đó không có gì là xấu hổ. Kiêu căng nhưng lạc hậu và thấp kém mới đáng xấu hổ. Dưới đây là phân nửa của Chương Một khá dài trong toàn bộ 18 chương.