Tân Thủ Tướng Trung Quốc Công Du Đức và Pháp Vào Lúc Tâm Lý Nghi Kỵ Bắc Kinh Gia Tăng

0
429

-Trong chuyến công du ngoại quốc đầu tiên kể từ ngày nhậm chức vào tháng Ba vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc, ông Lý Cường đã có mặt tại Đức vào hôm 19/6/2023, khởi sự một chuyến thăm Âu Châu bao gồm 2 chặng Đức và Pháp. Vòng công du của ông Lý Cường diễn ra trong bối cảnh Liên Hiệp Âu Châu (EU) ngày càng quan ngại trước nguy cơ phụ thuộc Trung Quốc về kinh tế và trước lập trường của Bắc Kinh trong vấn đề Ukraine và Đài Loan.

Tại Bá Linh, đối tác kinh tế quan trọng của Trung Quốc, ông Lý Cường đã được Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier tiếp vào sáng 19/6, nhưng phần lớn các cuộc hội đàm cấp chính phủ với Thủ tướng Đức Olaf Scholz và các Bộ trưởng của ông sẽ diễn ra vào ngày 20/6.

Sau chặng Đức, Thủ tướng Trung Quốc chính thức thăm Pháp và tham dự một hội nghị thượng đỉnh về tài chánh do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì.

Theo giới quan sát, nếu chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Lý Cường sẽ diễn ra một cách êm ả, thì chặng ghé Đức của ông có thể sẽ căng thẳng hơn, đặc biệt trong bối cảnh Bá Linh ngày 14/6 đã công bố một tài liệu mô tả Trung Quốc là một thế lực thù địch.

Bản “Chiến lược An ninh Quốc gia” mới của Đức xác định rằng Trung Quốc, mặc dù là “đối tác” của Bá Linh, nhưng vẫn có hành động “đi ngược lại lợi ích và giá trị” của Đức. Bá Linh đã cho rằng các hành động của Bắc Kinh đã khiến cho “ổn định khu vực và an ninh quốc tế ngày càng chịu nhiều áp lực” và “nhân quyền không được tôn trọng”.

Thế những, theo hãng tin Pháp AFP, cường quốc kinh tế số một tại Âu Châu cũng nhận thức được rằng không thể giải quyết một số thách thức, đặc biệt là trong cuộc chiến chống lại đà hâm nóng toàn cầu nếu không có sự tham gia của Bắc Kinh.

Trung Quốc dĩ nhiên đã có phản ứng phẫn nộ trước chiến lược an ninh mới của Đức đã mô tả trên giấy trắng mực đen Bắc Kinh như là “đối tác, đối thủ cạnh tranh và đối thủ hệ thống”. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, “việc coi nước khác là đối thủ cạnh tranh, hoặc thậm chí là địch thủ và biến sự hợp tác bình thường thành các vấn đề an ninh hoặc chính trị sẽ chỉ đẩy thế giới của chúng ta vào vòng xoáy chia rẽ và đối đầu”.

Tuy nhiên, những khó khăn mà nền kinh tế Trung Quốc đang gặp phải để vượt qua thời kỳ hậu Covid, có thể buộc Thủ tướng Lý Cường dịu giọng đối với Đức. Theo thông tấn xã AFP, chuyên gia Thorsten Brenner thuộc viên nghiên cứu Global Public Policy GPPI cho rằng: “Đối với Trung Quốc, Đức là tác nhân quan trọng nhất ở Âu Châu và trong bối cảnh quan hệ với Hoa Kỳ xấu đi, Bắc Kinh sẽ có lợi khi cho thấy rằng họ có mối quan hệ mang tính xây dựng với tác nhân lớn nhất ở Âu Châu”.

Thế nhưng, cũng theo chuyên gia Brenner: “Câu hỏi đặt ra là liệu Đức có sẽ tiếp tục giả vờ rằng có một thỏa thuận rộng rãi với Bắc Kinh” hay là Bá Linh sẽ “chọn một đường đi mới bằng cách nói chuyện thẳng thắn và giới hạn tuyên bố chung trong các lĩnh vực mà hai bên có một con đường hợp tác thực sự”.