Cục Diện Thế Giới Trong Cuộc Chiến Tranh Lạnh Mới 

1
757

Cali Today News – Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Biden gần đây phải làm một công tác bí mật là tổ chức an toàn chuyến đi thăm thủ đô Ukraine cho Tổng thống trước ngày kỷ niệm một năm quân Nga xâm lăng Ukraine. Trong lúc đó, họ nhận được tin không hay đang xảy ra ở trong nước: một trái khinh khí cầu gián điệp của Trung quốc đang bay trên không phận Hoa Kỳ. Bộ trưởng ngoại giao Antony Blinken sửa soạn lên đường đi Bắc Kinh, phải hủy bỏ chuyến công du gặp giới lãnh đạo Trung Hoa vào ngày 4 tháng Hai. Cả thế giới chứng kiến phản lực cơ chiến đấu F-22 của Mỹ bắn rơi khinh khí cầu Trung quốc ngoài khơi tiểu bang South Carolina. Trái khinh khí cầu bị bắn tan như biểu tượng báo trước một giai đoạn lịch sử nhiều bất trắc.

Hoa kỳ còn bắn rơi thêm ba vật lạ khác bay trên trời trong những ngày sau đó, và tuyên bố ba vật lạ đó không liên quan gì đến Trung quốc cả. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, thái độ đối đầu giữa hai nước Hoa Kỳ và Trung quốc đã lên đến cao độ. Trong một cuộc phỏng vấn truyền thanh, Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Kirsten Gillibrand, tiểu bang New York, đoán rằng khinh khí cầu Trung quốc bay trên vùng trời nước Mỹ là để “trắc nghiệm xem Hoa Kỳ sẽ làm gì.” và cho rằng “Chủ tịch Tập Cận Bình” đang có vẻ như muốn có một cuộc chiến tranh thế giới xảy ra. Bà Nikki Haley, một ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng Hòa trong kỳ bầu cử 2024 sắp tới ngỏ ý tán đồng ý kiến phải thay đổi chế độ cai trị ở Trung quốc. Bà nói với cử tri ủng hộ bà: “Chế độ Cộng Sản Trung quốc sẽ phải tiêu tan trong đống tro bụi của lịch sử.”. Trung quốc thì lớn tiếng cho rằng việc bắn rơi trái khí cầu là dấu hiệu cho thấy nước Mỹ đang trên đà suy yếu. Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung quốc thì cho rằng việc bắn rơi khinh khí cầu “là một phản ứng nông nổi quá đáng của Hoa Kỳ, họ không nên dùng vũ lực một cách lạm dụng như vậy.”.

Từ ngày bức tường Berlin bị sụp đổ, chưa bao giờ thế giới lâm vào tình trạng chia rẽ nguy  hiểm như hiện nay. Tình trạng chia rẽ sâu xa này được cố Tổng thống John F. Kennedy gọi là “cuộc đấu tranh lâu dài trong bóng tối” để vẽ lại cục diện thế giới trong tương lai. Nói theo ngôn ngữ rộng lớn hơn thì đây là sự ly gián giữa một bên là cảnh giới của thể chế dân chủ và bên kia là cảnh giới thể chế độc tài, chuyên chính. Cụ thể là một bên có Hoa Kỳ và các nước đồng minh, và bên kia là nước Nga và nước đối tác chủ yếu của họ là Trung Hoa Cộng Sản. Mặc dù quan chức của cả hai phía đều không muốn so sánh với sự chia phe tương tự từng xảy ra trong quá khứ. Lý do là vì những người đắc thắng tầm thường trong Cuộc Chiến Tranh Lạnh lần trước cố tình không muốn nhắc lại tình huống trong đó cả hai phe suýt đi đến chiến tranh nguyên tử. Và đó cũng là điều mà Putin vừa nhắc lại hồi tuần trước khi ông ta ngưng không còn giữ cam kết của Nga ký với Hoa Kỳ trong hiệp định kiểm soát vũ khí nguyên tử. Theo sử gia Paul Chamberlin, trong kỳ Chiến Tranh Lạnh trước đây, tuy không có chiến tranh nguyên tử, nhưng lại có chiến tranh ủy nhiệm. Tổng cộng tổn thất do chiến tranh ủy nhiệm gây ra ước tính vào khoảng hơn 20 triệu người bị giết. 

Trong cuộc chiến tranh lạnh mới hiện nay, việc chia phe giữa các khối đối nghịch ngày càng rõ nét. Chỉ vài ngày sau khi Vladimir Putin xâm lăng Ukraine, nước Đức tuyên bố đây là thời điểm chấm dứt mối quan hệ lâu dài giữa Đức và Nga. Nước Đức sẽ thay đổi chính sách về quân sự và năng lượng. Mùa hè năm ngoái, tại hội nghị thượng đỉnh được tổ chức để tăng cường sức mạnh cho Liên Minh Bắc Đại Tây Dương- thường gọi là NATO, các nhà lãnh đạo của Nhật, Nam Hàn, Úc, và Tân Tây Lan cũng được mời tham dự. Họ lên tiếng tỏ ý lo ngại về tham vọng của Trung quốc. Trong lúc đó, chính quyền Biden ra sức củng cố quan hệ quân sự với Úc, Nhật Bản và Ấn độ. Gần đây nhất, Hoa Kỳ vừa tuyên bố phát triển mối quan hệ quân sự với Phi Luật Tân, nhằm tăng cường việc bảo vệ an ninh cho Đài Loan. 

Nhưng cục diện Chiến Tranh Lạnh mới cũng cho thấy những hạn chế mà Hoa Kỳ phải chịu trong khả năng tạo ảnh hưởng của Mỹ đối với những nước khác. Mặc dù Nga có những hành động tàn ác ở Ukraine, song nước này vẫn duy trì, và tăng cường được quan hệ đối với một số nước. Ấn độ đang cộng tác với Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn tham vọng của Trung quốc. Nhưng Ấn độ lại lệ thuộc rất nhiều vào Nga về vũ khí và năng lượng, Ấn độ vừa tăng cường quan hệ mậu dịch với Nga lên đến năm lần. Gần đây, Ngoại trưởng Nga, ông Sergey Lavrov đi thăm chín nước ở Trung đông và Phi châu. Nhưng không có nước nào có mối quan hệ được nói đến nhiều bằng quan hệ giữa Nga và Trung quốc. Mặc dù mối thân tình giữa hai nước là do hoàn cảnh đưa đẩy, chỉ vì cả hai nước có cùng một kẻ thù vì vị thế thống trị của Hoa Thịnh Đốn. Bắc kinh chọn đứng về phe Mạc Tư Khoa bằng cách mua dầu hỏa của Nga, và bán cho Nga máy bay thương mại không người lái, bán chip điện tử cho Nga, và bỏ phiếu trắng khi Liên Hiệp Quốc lên án Nga. Chính quyền của ông Tập Cận Bình nói rằng Trung quốc giữ thái độ trung lập, nhưng hôm thứ Sáu mới đây, Trung quốc đưa ra đề nghị ngừng bắn với nhiều điều khoản đúng như Nga mong muốn. 

Theo sau ngày kỷ niệm một năm Nga xâm lăng Ukraine, chính quyền Biden tố cáo Trung quốc đang cân nhắc việc có nên cung cấp vũ khí để yểm trợ cho cuộc chiến tranh của Nga hay không. Trung quốc chối, không làm việc này. Nếu Trung quốc cung cấp vũ khí, đây sẽ là bước ngoặt quan trọng trong cục diện quốc tế, ngầm biểu lộ rằng chủ tịch Tập Cận Bình không muốn trông thấy Putin bị thảm bại bất chấp vị thế của Trung quốc đối với Âu châu hiện nay rất mong manh. Ngày xưa, đã có một lần Trung quốc lâm vào hoàn cảnh khó xử tương tự. Một thời gian ngắn trước khi liên bang Cộng Sản Xô Viết Nga sụp đổ, lãnh tụ Cộng sản Trung quốc lúc bấy giờ là Đặng Tiểu Bình đưa ra lời nhận xét thâm thúy như sau: “Mối lo của chúng ta bây giờ không phải là ngọn cờ xã hội chủ nghĩa của Liên Bang Xô Viết bị thất bại… mà trong tương lai liệu ngọn cờ Cộng Sản Trung Quốc có sẽ bị thất bại hay không.”.

Vào lúc này, viễn ảnh ngăn chặn chiến tranh lạnh có thể xảy ra tùy thuộc và những chiến lược lớn, hơn là những hành động nhỏ cấp thời. Sau khi bắn rơi khinh khí cầu của Trung quốc, ông Lloy Austin, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ tìm cách gọi điện thoại cho ông Wei Fenghe, Bộ trưởng quốc phòng Trung quốc, nhưng bị từ chối, không nói chuyện. Hồi tháng 12, Hoa Kỳ cho biết một phản lực cơ chiến đấu của Trung quốc bay rất gần chiến đấu cơ của Mỹ trong vùng biển Nam Hải, chỉ cách nhau khoảng 20 feet. Hoa Kỳ đề nghị hai nước nên ngồi xuống nói chuyện với nhau để tránh không xảy ra những “xung đột nhỏ” châm ngòi cho chiến tranh. Nhưng Bắc Kinh từ chối. Trước khi xảy ra vụ khinh khí cầu xâm phạm không phận Mỹ, ông Blinken có ý định đi Bắc Kinh để thảo luận cách xử lý cho những trường hợp đối đầu tương tự. Ông đề nghị lập ra: “hàng rào an ninh”- Guardrail” để ngăn chặn việc biến xung đột nhỏ trở thành thảm kịch to. 

Thường ra người ta thấy rằng khi các siêu cường đối đầu nhau là liên quan đến việc chế tạo và xây dựng thêm vũ khí, hơn là dẫn đến đối thoại, hay thảo luận. Ông George F. Kennan, kiến trúc sư về chính sách “phong tỏa, be b” của Mỹ đối với Xô Viết Nga, từng than thở rằng lý thuyết “ngăn chặn, hay phong tỏa” của ông thường bị sử dụng để minh chứng cho việc xây dựng thêm vũ khí thay vì sử dụng chính sách ngoại giao về chính trị và kinh tế. Trong cuốn sách viết về tiểu sử mới, sử gia Frank Costigliola viết rằng ông Kennan đã phải bỏ ra bốn năm từ năm 1944 đến 1948 để phát triển Chiến Tranh Lạnh. Sau đó, ông sử dụng tiếp 40 năm để tháo gỡ tất cả những gì mà ông và đồng liêu đã phải hun đúc, rèn luyện”. Tuy nhiên, thí dụ về trường hợp Liên Bang Xô Viết chỉ là bài học rất hạn chế, bởi vì tầm vóc về kinh tế của Trung quốc ngày nay rất lớn. Hồi trước, vào lúc gần kết thúc Chiến Tranh Lạnh, quan hệ mậu dịch giữa Hoa Kỳ với Liên bang Xô Viết chỉ ở mức $2 tỷ đô la mỗi năm. Ngày nay quan hệ mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung quốc lên đến $2 tỷ đô la mỗi ngày.

Hoa Thịnh Đốn có thể mạnh miệng chống đối Bắc Kinh một cách gay gắt về vi phạm nhân quyền, về việc Trung cộng quân sự hóa vùng biển Nam Hải, và họ đe dọa xâm lăng Đài Loan. Nếu chúng ta muốn tránh xảy ra Chiến Tranh Lạnh, có lẽ chúng ta phải áp dụng chiến lược mà chính quyền Nixon gọi là “detente- hòa hoãn. Đó là chính sách được áp dụng vào khoảng thập niên 1960’s đối với Soviet. Về sau, Henry Kissinger tóm lược chính sách đó như sau: “cả đôi bên cùng hòa hoãn, sống chung với nhau, cả hai cùng be bờ, và tìm mọi cách để xoa dịu những căng thẳng.”.

Cho đến ngày sắp từ giã cuộc đời, ông Kennan luôn luôn cảnh cáo rằng chiến tranh có sức xúi dục mạnh lắm dù là chiến tranh nóng, hay chiến tranh lạnh. Hồi năm 2002, tuy đã ở tuổi 98, ông vẫn vận động chống lại việc tiến hành chiến tranh ở Iraq. Ông lý luận rằng lịch sử dẫn chứng cho biết; “bạn có thể bắt đầu cuộc chiến tranh với những điều rõ ràng, chắc chắn, nhưng thường ra trong quá trình đánh nhau nó dẫn đến những điều hoàn toàn khác hẳn, mà trước đây bạn chưa hề nghĩ đến.”.

Bài phân tích của Evan Osnos  trên THE NEW YORKER  ngày 6/3/2023 

Nguyễn Minh Tâm  dịch

1 COMMENT