Chung Quanh Lễ Đăng Quang của Vua Charles III Anh Quốc

0
965

Đệ Nhất Phu Nhân Mỹ Thăm London Trước Lễ Đăng Quang Của Vua Charles

-Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Jill Biden đã gặp vợ Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Akshata Murty vào thứ Sáu (5/5/2023) khi bà đến thăm London để đại diện cho Hoa Kỳ dự lễ đăng quang của Vua Charles.

Gặp nhau lần đầu tiên, bà Biden và bà Murty đã ôm hôn và chụp ảnh trước cánh cửa màu đen số 10 Phố Downing, phía sau là dinh thự và văn phòng của Thủ tướng.

Lễ đăng quang diễn ra vào thứ Bảy tại Tu viện Westminster và sẽ có sự tham dự của các nguyên thủ quốc gia và chức sắc nước ngoài.

Bà Biden, 71 tuổi, cũng đã đến thăm một trường học địa phương cùng với bà Murty vào chiều thứ Sáu, sau đó bà dự kiến gặp các nhân viên tại Đại sứ quán Hoa Kỳ và Vua Charles tại một buổi tiệc chiêu đãi ở Cung điện Buckingham.

“Hãy chơi thật vui vào ngày mai, tôi sẽ nghĩ về tất cả các con”, bà nói với các học sinh ở trường, nơi các bé chào đón bà đội những chiếc vương miện bằng giấy màu vàng và cùng chia sẻ bữa tiệc trà nhẹ vào buổi trưa.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã phải đối mặt với một số chỉ trích, đặc biệt là từ người tiền nhiệm và đối thủ tiềm năng trong cuộc bầu cử năm 2024, cựu Tổng thống Donald Trump, vì đã không tham dự lễ đăng quang của Vua Charles.

Tuy nhiên, chưa từng có Tổng thống Mỹ nào tham dự lễ đăng quang của một quốc vương Anh. Trong sự kiện gần đây nhất, khi người mẹ quá cố của Vua Charles, Nữ hoàng Elizabeth lên ngôi vào năm 1953, Tổng thống Hoa Kỳ khi đó là Dwight Eisenhower đã cử một phái đoàn đi đại diện cho ông.

Nhà Trắng cho biết vào tháng trước rằng ông Biden nói với Vua Charles rằng ông muốn gặp ông ở Anh vào một ngày trong tương lai.

Tổng thống Biden đã đến thăm Bắc Ireland và Ireland vào tháng trước để kỷ niệm 25 năm hiệp ước hòa bình thứ Sáu Tuần Thánh.

Người Dân Anh Với Lễ Đăng Quang của Vua Charles III

-Lễ đăng quang của nhà vua Charles III ở Vương Quốc Anh sẽ diễn ra vào ngày hôm nay, 6/5/2023 tại Luân Đôn.

Dự kiến, sẽ có hàng vạn du khách và hàng triệu khán giả theo dõi buổi lễ xa hoa này. Mặc dù vậy, đất nước đang chuẩn bị cho buổi lễ này một cách miễn cưỡng, khi khủng hoảng xã hội hoành hành và có tới gần hai phần ba người dân Anh cho biết không quan tâm đến sự kiện này, theo một cuộc khảo sát được công bố vào giữa tháng 4.

Từ Luân Đôn, đặc phái viên RFI Julien Chavanne tường trình:

“Nhìn từ xa, mọi người có thể nhầm tưởng rằng đó là một cuộc tập hợp mừng nhà vua Charles III. Nhưng không phải vậy. Đỗ xe tại một bùng binh cách sân bay Heathrow 2 cây số, hơn một chục nhân viên kiểm soát không lưu biểu tình đòi tăng lương.

Waine King là đại diện khu vực của công đoàn Unite the Union cho biết: “Chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt nghiêm trọng ảnh hưởng đến tất cả mọi người, ở những mức độ khác nhau. Mọi người đòi tăng lương và nếu không được đáp ứng, họ sẽ đình công. Và các cuộc đình công sẽ tiếp tục, không chỉ riêng chúng tôi, mà tất cả các ngành nghề.”

Giá cả leo thang, giá tăng 10% trên kệ siêu thị. Vì vậy, tổ chức một buổi lễ đăng quang xa hoa giữa một cuộc khủng hoảng xã hội khiến Waine King phẫn nộ.

Waine nói thêm: “Thật là sốc. Số tiền này có thể được đầu tư vào đất nước, cho người lao động, cho cộng đồng. Nhưng giờ đây, một trong những người giàu nhất hành tinh lại để người khác đài thọ cho ngày trọng đại của mình.”

Waine không phải là người duy nhất nghĩ vậy. 51% người dân Anh cho rằng Nhà nước không có nghĩa vụ tài trợ cho lễ đăng quang. Chi phí của buổi lễ vẫn chưa được công khai. Theo báo chí, chi phí dao động từ 60 đến 280 triệu Euro.

Chính quyền muốn quan tâm tới lợi ích du lịch và thương mại, dự kiến lên đến hơn 1,4 tỉ Euro.”

Charles III Chờ 5 Thập Kỷ Mới Được Lên Ngôi, Có Đáng Không?

(Chi Phương)

-Vua Charles Đệ Tam chính thức đăng quang ngày 6/5/2023, kế nhiệm Nữ hoàng Elisabeth đệ nhị sau hơn 70 năm trị vì. Vị tân vương sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó có việc duy trì hoàng gia trong xã hội hiện đại, cũng như giải quyết những bất đồng với các nước thuộc địa cũ.

Theo bà Tina Brown, cựu tổng biên tập của báo Vainity Fair, The New Yorker và cũng là tác giả của cuốn The Palace papers: Inside the House of Windsor, Charles Đệ Tam 74 mới được đăng quang, thì cũng bõ công chờ đợi. Bà Brown giải thích lý do trong một bài đăng trên tạp chí Time ngày 3/5/2023. RFI Tiếng Việt xin giới thiệu.

Chưa có một Thân vương xứ Wales nào trong lịch sử, phải ngồi trong phòng chờ hơn 5 thập kỷ như Charles Philip Arthur George. Vào tháng 5/2022, khi tham dự buổi khai mạc Quốc Hội thay cho người mẹ 96 tuổi ốm yếu, thật khó có thể bỏ qua hình ảnh thái tử Charles nhìn chằm chằm vào chiếc vương miện hoàng gia, đặt ngay cạnh ông, như có suy nghĩ “Mẹ ơi, khi nào (thì mới đến lượt con)?”

Cuối cùng thì ông cũng có thể bước ra khỏi căn phòng chờ đó và đăng quang tại Tu viện Westminster vào ngày 6/5/2023, được đặt lên đầu vương miện St-Edward bằng vàng nguyên khối, nặng hơn 2kg. Charles III trở thành vua của Vương quốc Anh, Bắc Ireland, và những vùng lãnh thổ khác, cũng như là người đứng đầu Khối thịnh vượng chung gồm hơn 50 nước.

Không giống như lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị, kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ khiến người ta nghẹt thở, lễ đăng quang của thế kỷ 21 chỉ kéo dài trong 1 tiếng rưỡi, như một trận bóng đá của giải Ngoại hạng Anh. Ngoài việc giảm ngân sách cho buổi lễ, số khách mời cũng giảm, thay vì 8.000, xuống còn 2.000. Đoàn kỵ binh diễu hành cũng bị cắt giảm. Trong nghi lễ xức hương, dầu cầy hương hoặc long diên hương được lấy từ cá nhà táng sẽ không được thêm vào công thức chế dầu thánh, bởi Charles III là một người ăn chay. Sau lễ xức dầu, Charles III sẽ khoác lên mình chiếc áo choàng lụa lấp lánh vàng ‘Supertunia’, trước khi mặc bộ trang phục Imperial Robe, màu tím đậm. 

Những câu chuyện về hoàng gia vẫn khiến người Anh say mê, như là một câu chuyện không bao giờ có hồi kết. Tháng Năm, kể từ khi Charles lên ngôi, đánh dấu một câu chuyện liền mạch của Vương triều Windsor, một định chế được xây dựng để tồn tại. Theo một nghiên cứu gần đây của YouGov trên BBC cho thấy 58 % người Anh ủng hộ chế độ Quân chủ.  

Đầu tiên là bài phát biểu hoàn hảo của tân vương sau khi Nữ hoàng Elizabeth II tạ thế. 10 ngày sau đó, Charles sải bước ở đầu đoàn tang lễ, cạnh linh cữu của Nữ hoàng, thể hiện cả nỗi đau mất mẹ cũng như sự trút bỏ những gánh nặng nghi ngờ của thời thơ ấu. Phần lớn cuộc đời mình, ông đã bị tra tấn bởi người cha, Vương tế Philip đánh giá thấp tài năng của con trai cả, cũng như bởi sự giáo dưỡng từ xa của người mẹ Nữ hoàng.

Lợi ích của quãng thời gian đợi chờ kéo dài hàng thập kỷ đó Charles trở thành vua vào thời điểm mà những mối quan tâm cá nhân của tân vương được chú ý. Trong nhiều thập kỷ, ông đã bị chế giễu vì những phát ngôn liên quan đến biến đổi khí hậu cũng như việc yêu thích vùng nông thôn nước Anh. Hiện giờ, khi Trái đất nóng lên và băng hà tan chảy, ngay cả những người đã có chỉ trích tàn nhẫn nhất cũng phải thừa nhận khả năng tiên tri của ông. Thần dân của ông biết rõ ông là người như thế nào: Charles The Green (vị vua vì sinh thái), một người ông nội “thức tỉnh” với tư tưởng thay đổi, cùng nước da hồng hào, lái chiếc xe Aston Martin, chạy bằng năng lượng sinh học, được làm từ phô mai và phụ phẩm rượu vang trắng của Anh, là một người tìm cách xoa dịu nỗi đau trong những giờ phút cuối cùng của mẹ mình, bằng cách đi hái nấm trong rừng Balmoral. Vào thời điểm có nhiều chia rẽ và biến động, hình ảnh của tân vương khiến mọi người có cảm giác yên tâm. 

Charles Đệ Tam đã thách thức tất cả những dự đoán về những gì sẽ xảy ra đối với vị tân vương, khi một người được nhiều người yêu quý như Elizabeth Đệ Nhị qua đời. Không (hoặc chưa có) có cuộc khủng hoảng bản sắc dân tộc nào, công chúng chưa muốn chế độ Quân chủ sụp đổ ngay lập tức. Ông cũng không coi thường lằn ranh đỏ của Hiến Pháp, như một số người mong đợi, để che đậy những điều có lợi cho mình.

Khi (cựu) thủ tướng Liz Truss hủy tham dự Hội nghị Khí hậu COP27 của Liên Hiệp Quốc tại Ai Cập, vào tháng 11/2022, trong khi Charles dự định có bài phát biểu tại đây. Charles đã ngay lập tức khẳng định quyền lực của hoàng gia, mở buổi tiệc chiêu đãi các lãnh đạo thế giới tại cung điện Buckingham vào đêm trước khi hội nghị diễn ra. Điều này có hiệu quả hơn vì tách biệt khỏi cuộc tranh luận chính trị nóng bỏng.

Thật dễ dàng để quên đi việc Charles cũng là một trong những nhà ngoại giao giỏi nhất, sau hàng thập kỷ thực hiện các chuyến công du tại các nước thuộc Khối thịnh vượng chung. Vào tháng Ba vừa qua, Charles III đã đến Đức, lần đầu tiên với tư cách tân vương. Tại đây, ông được ca ngợi khi đã khai thác xuất thân từ Vương tộc Hannover, nói thành thạo tiếng Đức.

Tân Vương “Thoải Mái” Từ Bỏ Thuộc Địa Cũ? 

Một số động thái đầu tiên mà Charles thực hiện với tư cách là vua đã mang lại sự tinh tế mới mẻ cho chế độ Quân chủ khắc nghiệt. Trên tem bưu chính, hình ảnh của ông xuất hiện đơn giản, đầu trần, không trang điểm, thay thế hình ảnh của Nữ hoàng Elizabeth II, đầu đội vương miện. Charles cũng quyết định mở kho lưu trữ của Vương triều Windsor để hỗ trợ nghiên cứu độc lập về mối quan hệ của chế độ Quân chủ Anh với chế độ nô lệ. Một số cho rằng hành động của Charles là một bước tiến tuyệt vời trong thời điểm mà làn sóng bất bình ra tăng liên quan đến việc bồi thường thiệt hại cho thuộc địa.

 Người phát ngôn của điện Buckingham vào ngày 6/4 đã lặp lại thông điệp được đưa ra vào năm ngoái với các lãnh đạo thuộc Khối Thịnh Vượng Chung ở Rwanda: “Tôi không thể diễn tả nỗi buồn sâu thẳm của cá nhân mình trước sự đau khổ của nhiều người, khi tôi tiếp tục hiểu sâu hơn về tác động lâu dài của chế độ nô lệ”.  

Nhà vua được cho là chấp nhận, thậm chí là cảm thấy thoải mái về việc bị loại khỏi vị trí nguyên thủ tại 14 quốc gia vẫn công nhận sự lãnh đạo của Hoàng gia Anh trong Khối Thịnh Vượng Chung. Nếu như Elizabeth II là bậc thầy trong những quyết định rút lui đầy duyên dáng của hoàng gia, thì Charles III biết rằng “sự đồng cảm sâu sắc” mà Nữ hoàng bày tỏ trong chuyến đi tới Ireland vào năm 2011 sẽ không bao giờ là đủ để chuộc lại một số tội lỗi khủng khiếp nhất của chủ nghĩa thực dân.  

Tân vương sẽ phải đối mặt với việc xử lý di sản thuộc địa. Theo AFP, 2 ngày trước lễ đăng quang, 4/5, Belize theo chế độ dân chủ nghị viện và Jamaica theo chế độ Quân chủ Lập hiến, cả hai là thành viên Commonwealth, bày tỏ mong muốn trở thành các nước Cộng hòa. Thêm vào đó, vua Charles còn phải đối mặt, giải quyết những vụ “vạch áo cho người xem lưng” của con trai ông, Hoàng tử Harry. Cho đến  nay, hoàng gia Anh đã khéo léo giới hạn phạm vi tác động của những vụ này theo cách mà Nữ hoàng Elizabeth đã thử nghiệm. 

Bê Bối Nội Bộ Hoàng Gia

Khi phải đối mặt với cuốn hồi ký Spare, làm rúng động hoàng gia và tác động từ bộ phim tài liệu của gia đình công tước xứ Sussex trên Netflix, Hoàng gia xuất hiện trước công chúng và làm những gì mà họ luôn làm, đó là không nói gì, cười và chỉ cười thôi. Với một chút vui đùa ở hậu trường, cung điện đã đưa ra một tuyên bố bày bỏ sự thất vọng của nhà vua khi Meghan, vợ của Harry sẽ ở lại California, Hoa Kỳ, với cháu của ông. Tuy nhiên, Harry đã cố gắng thu hút sự chú ý một lần nữa khi xuất hiện tại một phòng xử án ở Luân Đôn vào cuối tháng 3 trong một phiên tòa về vụ theo dõi điện thoại từ các báo lá cải. Những tiết lộ về sự đồng lõa được che đậy giữa gia đình hoàng gia và các tờ báo này cho thấy, anh em hoàng tộc vẫn sẵn sàng gây dựng lực lượng để người này chống lại người kia.  

Về Nữ hoàng Camilla thì sao? Những người trong hoàng gia tin rằng thành công của bà còn vang dội hơn cả nhà vua? Trong 18 năm kết hôn với Charles, bà nhiều lần bị những tờ báo lá cải chỉ trích. Vào những năm 1990, bà bị coi là “chiếc túi cũ”, “cá hồi già”, “mặt rìu”, khi chiếm giữ vị trí của công nương Diana, vốn được công chúng yêu mến. Thì giờ đây, bà đang trên đường trở thành Nữ hoàng, một Maggie Smith của chế độ Quân chủ. Lòng trung thành, sự hài hước và tính nhân văn của Camilla cũng như những cam kết nghiêm khắc của bà giống như người mẹ chồng quá cố, và chứng tỏ việc bà hiểu nguyên lý cốt lõi của chế độ Quân chủ, làm sao để duy trì.

 

Người Nam Phi Đòi Vương Quốc Anh Trả Kim Cương Gắn Trên Vương Miện, Vương Trượng

-Một số người Nam Phi đang đề nghị Vương quốc Anh trả lại viên kim cương lớn nhất thế giới, có tên Ngôi sao Phi Châu, được gắn trên vương trượng hoàng gia mà Vua Charles III sẽ cầm trong lễ đăng quang vào thứ Bảy (6/5/2023).

Viên kim cương nặng 530 carat, được phát giác ở Nam Phi vào năm 1905 và được chính quyền thuộc địa tại quốc gia này, lúc bấy giờ nằm dưới sự cai trị của Anh, tặng cho chế độ Quân chủ Anh.

Giờ đây, giữa lúc có những cuộc thảo luận trên toàn cầu về việc trả lại các tác phẩm nghệ thuật và đồ tạo tác đã bị cướp bóc trong thời thuộc địa, một số người Nam Phi đang kêu gọi hãy trả lại viên kim cương đó.

Mothusi Kamanga, một Luật sư và cũng là nhà hoạt động ở Johannesburg, người đã thúc đẩy một bản kiến nghị trực tuyến về việc trả lại viên kim cương đã thu thập được khoảng 8.000 chữ ký, nói: “Viên kim cương cần quay về Nam Phi. Lẽ ra nó phải là biểu tượng thể hiện niềm tự hào, di sản và văn hóa của chúng tôi”.

“Tôi nghĩ rằng nhìn chung người dân Phi Châu đang bắt đầu nhận ra rằng phi thực dân hóa không chỉ là để cho mọi người có một số quyền tự do nhất định, mà còn là để lấy lại những gì đã bị tước đoạt khỏi chúng tôi”.

Có tên chính thức là Cullinan I, viên kim cương trên vương trượng được cắt từ viên kim cương Cullinan, nặng 3.100 carat được khai thác gần Pretoria.

Một viên kim cương nhỏ hơn được cắt từ cùng một viên đá quý đó, có tên là Cullinan II, được đặt gắn vào Vương miện Nhà nước Đế chế, được các vị quân vương Anh đội trong các dịp nghi lễ. Cùng với vương trượng, nó được cất giữ bên cạnh những viên ngọc quý khác trong Tháp Luân Đôn.

Một bản sao viên kim cương Cullinan, có kích thước bằng nắm tay của một người đàn ông, được trưng bày tại Bảo tàng Kim cương Cape Town.

“Tôi tin rằng nó cần được hồi hương vì rốt cuộc là họ đã tước nó khỏi tay chúng tôi trong khi đang đàn áp chúng tôi”, Mohamed Abdulahi, cư dân Johannesburg, nói.

Những người khác nói rằng họ không cảm thấy đây là vấn đề lớn.

“Tôi không nghĩ chuyện này còn quan trọng nữa. Mọi thứ đã thay đổi, chúng ta vẫn đang thay đổi, tiến bộ”, cư dân địa phương Dieketseng Nzhadzhaba nói.

“Điều từng là quan trọng đối với họ trong những ngày xa xưa để chứng tỏ họ ở vị thế cao hơn… thì nay nó không còn quan trọng với chúng tôi nữa”.