Quan điểm của một phụ nữ Mỹ gốc Việt về “Luật Cấm Phá Thai” và “Quyền Phụ Nữ”

0
2607

Từ ngày luật cấm phá thai được bắt đầu tại tiểu bang Texas, rồi lan dần đến những tiểu bang khác của nước Mỹ như một bệnh dịch, đã có nhiều tranh cãi nổ ra chung quanh vấn đề này.

Bất chấp sự phản đối của đa số, các nhà làm luật vẫn cứ khăng khăng áp dụng những luật cấm.

Là một phụ nữ đã từng trải qua việc thai nghén và sinh đẻ, tôi xin được phép góp tiếng nói thảo luận về hai khía cạnh của vấn đề: “Luật Cấm Phá Thai” và “Quyền của Phụ Nữ”.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

A. Luật Cấm Phá Thai:

Luật Cấm Phá Thai được áp dụng không đồng đều tại các tiểu bang của nước Mỹ. Có nơi cấm phá thai sau 12 tuần, hoặc 15 tuần. Riêng tại Florida, Ron DeSantis đã ký sắc luật mới nhất cấm phá thai 6 tuần. Hiếm có người phụ nữ nào biết mình có thai khi thai chưa đến 6 tuần.

Đã có nhiều tranh cải rằng sự phá thai trước khi thai đạt tới thời điểm “sinh tồn của thai nhi” thì vẫn được xem là hợp lệ. Thời điểm “sinh tồn của thai nhi” thông thường là khi thai khoảng 20 tuần tuổi, khi mà phổi và hệ hô hấp của thai đã phát triển tương đối đủ để thai có thể sinh tồn được nếu ra khỏi tổ ấm trong tử cung của cơ thể người mẹ.

Vậy tuổi thai được tính như thế nào? Theo định nghĩa của y học, khi trứng của người mẹ được thụ tinh bởi tinh trùng của người cha, rồi trứng đó di chuyển đến tử cung của người mẹ, và ổn định tại nơi đó thì sự thụ thai mới được cho là bắt đầu. Định nghĩa sự bắt đầu thụ thai là như vậy, nhưng cách tính tuổi thai thì khác.

Vì chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ khác nhau tuỳ theo cơ thể mỗi người (dao động từ 22 ngày cho đến 35 ngày), nên rất khó xác định được thời gian chính xác của sự thụ thai. Vì vậy, các chuyên gia y học đã thống nhất một cách tính tuổi thai bắt đầu vào ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối. Lấy thí dụ ở một người phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn là 28 ngày. Ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối là ngày 1, khoảng hai tuần sau là ngày trứng rụng, rồi trứng di chuyển về tử cung và đậu lại tại đó vào ngày thứ 28 (tức khoảng 4 tuần). Nếu sự thụ tinh xảy ra, thì theo định nghĩa của y học, sự thụ thai chỉ mới được bắt đầu, nhưng tuổi thai đã được tính là 4 tuần, và người phụ nữ vẫn hoàn toàn chưa biết mình có thai cho đến vài tuần sau. Với người phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều đặn, thì sự nhận biết mình có thai lại càng trễ nãi hơn.

Sự khác biệt về định nghĩa khi nào sự thụ thai được bắt đầu, và cách tính tuổi thai đã cho thấy là tuổi thai được tính từ khi người phụ nữ chưa thực sự mang thai. Nhưng trong những luật Cấm Phá Thai của các tiểu bang, tôi không tìm thấy một sự xác định rõ ràng về điều này.

Tiểu bang Florida với luật mới nhất, cấm phá thai sau 6 tuần. Nếu dựa theo định nghĩa của y học (tuổi thai là 4 tuần vào thời điểm mà sự thụ thai chỉ mới bắt đầu), thì tuổi thai theo luật cấm là 6 tuần – 4 tuần (2 tuần) hay 6 tuần + 4 tuần (10 tuần)? Hay là các nhà làm luật cũng không hiểu rõ, nhưng lại không thảo luận để thống nhất ý kiến với các chuyên gia trong ngành y?

Luật Cấm Phá Thai” khởi đầu đã có nhiều điểm không đồng hành cùng với khoa học và y học.

Bên cạnh sự mơ hồ trong cách xác định tuổi thai, “Luật Cấm Phá Thai” còn có nhiều thiếu sót và sai lầm, có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ và tính mạng của người phụ nữ mang thai.

Cái thiếu sót thứ nhất: Luật cấm phá thai đã cấm một cách toàn diện nhưng khái quát, mà không phân biệt được những sự khác nhau của từ ngữ “Phá thai” trong y học, bao gồm hai khái niệm:

Một là phá thai do ý muốn của người mang thai không muốn tiếp tục thai kỳ vì những lý do riêng tư cá nhân.

Hai là chỉ định y khoa buộc người mang thai phải chấm dứt thai kỳ để trị liệu, cho dù người thai phụ muốn hay không muốn. Đó là những trường hợp thai nhi phát triển không bình thường trong cơ thể người mẹ. Đây là những trường hợp cấp cứu trong y khoa, không chấm dứt thai kỳ là đồng nghĩa với việc giết chết luôn cả người mẹ.

Luật không thể cấm những trường hợp phải phá thai để trị liệu, nhưng họ đã cấm, và họ vẫn cứ cấm.

Kể từ khi luật cấm phá thai được bắt đầu, đã có trường hợp một thai nhi chết trong bụng mẹ, cần phải được lấy ra để bảo đảm tính mạng của người mẹ, nhưng “Luật Cấm Phá Thai” nơi bà mẹ cư ngụ đã không cho phép bác sĩ làm điều đó. Họ đã trả lời sự thỉnh cầu của người phụ nữ đau khổ này rằng “bà phải sinh nó ra, rồi đem chôn nó”. Hệ quả là người mẹ bất hạnh đó phải tiếp tục mang thai và sinh đứa con gái đã chết của mình ra ở tháng thứ 6 của thai kỳ. Với những tai biến trong lúc mang thai và sinh nở như sa tử cung, nước ối bị khô cạn, nhiễm trùng toàn thân, bà ấy đã suýt chết. May mắn là bà không chết nhưng đây là trường hợp hiếm thấy. Sau khi xuất viện về bà đâm đơn kiện cái “luật nhân đạo, nhưng phản khoa học” đó. Nhờ vậy, “Luật Cấm Phá Thai” đã bổ sung thêm sự miễn trừ cho trường hợp thai nhi chết trong thai kỳ.

Một trường hợp khác vừa mới xảy ra tại tiểu bang Florida, ngay sau khi Thống Đốc Ron DeSantis ký sắc lệnh cấm phá thai trên 6 tuần. Người phụ nữ mang thai được 24 tuần thì kết quả rọi siêu âm cho thấy thai nhi của bà không có quả thận. Bác sĩ cho bà biết là bà có giữ thai cũng vô ích, bởi vì đứa trẻ sẽ chết ngay sau khi được sinh ra. Vì luật của tiểu bang Florida, Bác sĩ khuyên bà đi sang tiểu bang khác để chấm dứt thai kỳ, nhưng vợ chồng bà không có đủ điều kiện để đi. Vài tháng sau, đến ngày sinh nở, ngay giây phút đầu tiên khi bà ôm con trong tay, đứa bé đã thở một hơi thở đầu tiên, cũng là hơi thở cuối cùng của nó trên tay người mẹ.

Cái thiếu sót thứ hai: “Luật Cấm Phá Thai” không có sự miễn trừ nào dành cho những trường hợp mang thai ở các bé gái tuổi từ 10 đến 16. Tại sao cần phải miễn trừ cho những trường hợp này?

Bởi vì những bé gái 10-16 tuổi mà mang thai, sẽ có những vấn đề như sau:

Trước hết về khía cạnh sinh lý và y học:

Đây là những cơ thể chưa sẳn sàng cho hoạt động mang thai và sinh đẻ. Ở độ tuổi dậy thì, sự phát triển những nội tiết tố sinh dục nữ chưa hoàn toàn đầy đủ và ổn định. Sự mang thai trong thời kỳ này sẽ không tốt cho sức khoẻ của người thai phụ trẻ, và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Hầu hết những đứa bé được sinh ra bởi người mẹ quá trẻ sẽ là những đứa bé èo uột và nhiều nguy cơ mang những bệnh tật bẩm sinh. Cấm phá thai ở độ tuổi này là một sự phản khoa học.

Về khía cạnh tâm lý:

Các bé gái chưa chuẩn bị tinh thần để làm mẹ, thậm chí nhiều bé gái còn chưa hiểu rõ về chu kỳ kinh nguyệt, và những thay đổi sinh lý đang xảy ra trong cơ thể mình. Nếu những thiếu niên ở độ tuổi này mà phạm tội hiếp dâm hay giết người, đa phần chúng được hưởng sự miễn tố của pháp luật dành cho tuổi vị thành niên. Vậy tại sao các bé gái ở độ tuổi này lại không được hưởng sự miễn trừ tương tự?

Buộc các cô gái quá trẻ này phải gánh chịu cái thai ngoài ý muốn có phải là vì mục đích nhân đạo? Hay chỉ là một sự trừng phạt tàn nhẫn và không công bằng?

Về mặt xã hội:

Các em ở độ tuổi này còn đi học, chắc chắn chưa thể sống tự lập, còn phải lệ thuộc sự nuôi dưỡng của cha mẹ. Việc sinh con quá sớm sẽ khiến các em không thể tiếp tục việc học. Tương lai của các em sẽ là cái vòng lẩn quẩn của sự nghèo đói và dốt nát. Vậy luật cấm phá thai ở độ tuổi này có giúp cho sự phát triển xã hội không?

Cái thiếu sót thứ ba: hầu hết luật cấm phá thai ở nhiều tiểu bang không có sự miễn trừ dành cho những trường hợp mang thai do bị hiếp dâm, hay loạn luân.

Buộc người phụ nữ phải sinh ra và nuôi dưỡng đứa con kết quả của sự hiếp dâm là một sự đày đọa về mặt tâm lý, một sự tra tấn tinh thần khiến cho người phụ nữ đó lúc nào cũng sống với nỗi ám ảnh và mặc cảm.

Ở một đất nước tiến bộ như nước Mỹ, luật pháp có cần phải hành hạ nhân phẩm của người phụ nữ như vậy không? Việc mang thai và sinh con loạn luân còn tệ hại về đạo lý con người hơn nữa. Tưởng tượng một đứa trẻ gọi ông nội, ông ngoại, hay cậu ruột của nó là “cha”? Khoa học đã chứng minh những đứa con loạn luân cùng huyết thống sẽ có một đời sống không khoẻ mạnh và thường chết rất sớm, vậy thì luật bắt buộc người phụ nữ phải sinh chúng nó ra để làm gì?

Trong cả hai trường hợp hiếp dâm, và loạn luân vừa kể trên, người phụ nữ chỉ là nạn nhân. Nhưng luật cấm phá thai buộc họ “phải đẻ”, và dư luận của những kẻ chống phá thai thì bôi nhọ phẩm giá của họ, xem họ như những người mê đắm ái dục nhưng không có trách nhiệm với thai nhi.

Thậm chí, để tăng thêm sức mạnh của luật cấm phá thai, có những kẻ quá khích đã đề nghị cấm luôn cả những biện pháp tránh thai như đặt vòng tránh thai cho phụ nữ, hoặc cấm bán cả condom cho đàn ông nhưng không cấm bán viagria.

Tôi không ủng hộ chuyện phá thai, nhưng tôi tự hỏi họ chống phá thai, hay họ chống phụ nữ?

Người phụ nữ không thể tự mình đơn phương có thai, mà còn phải có sự đóng góp đồng tình hay cưỡng bức của người đàn ông. Đối với những kẻ dùng sự cưỡng bức để làm cho người phụ nữ phải mang thai chống lại ý muốn của họ, thử hỏi có bao nhiêu nỗ lực từ phía luật pháp để tìm kiếm, ngăn cản và trừng phạt những đối tượng này, như họ đang ra sức điều tra những phụ nữ rời khỏi tiểu bang nơi ở của mình để tìm cách phá thai ở nơi khác?

Cần phải lưu ý thêm rằng: trong khi luật cấm phá thai bao gồm luôn việc cấm các trường hợp ngừa thai, thì y khoa không coi việc ngừa thai là phá thai, bởi vì không có cái thai nào ở đây để bị phá hết cả.

B. Quyền của Phụ Nữ:

Tôi không nhớ rõ ai đó đã nói một câu rất hay:

Trong tất cả các kỳ quan của vũ trụ, thì kỳ quan đẹp nhất là trái tim của người mẹ”.

Khi tôi còn ở Việt Nam, nơi tôi làm việc có một chị bạn đồng nghiệp vừa thuyên chuyển từ Huế vào Sài Gòn. Chị ấy có 3 đứa con, hai đứa lớn bình thường, nhưng thằng con trai út của chị ấy bị bệnh bại não bẩm sinh. Khi chị đến cùng làm việc với chúng tôi, thằng con trai út của chị đã 21 tuổi, nhưng trí tuệ vẫn như một đứa trẻ còn đang học nói, và chưa thể nói trọn câu, cũng như chưa từng đi học một ngày. Vì xương sống của cậu ấy không thẳng, cổ nghẹo một bên, tay quẹo, chân quẹo vòng kiềng nên cậu ấy không đứng lên được, và cũng không cầm nắm được cái gì hết. Chị bạn đồng nghiệp của tôi phải bồng ẳm, đút ăn, tắm rửa, và lau vệ sinh cho con mỗi khi cậu ta cần bài tiết. Chị kể cho chúng tôi nghe rằng hồi mang thai thằng con trai út bị bệnh bại não này, ở tại Huế chưa có kỹ thuật siêu âm thai, đến khi sinh nó ra mới biết nó bị bệnh như vậy. Bà con hàng xóm nhiều người còn rủa thêm vợ chồng chị “Tại mang nghiệp ác nên mới sinh con tật nguyền như vậy”. Họ rủa riết rồi vợ chồng chị không chịu nổi, phải bán nhà mà dắt díu nhau vào SG sinh sống. Những năm tháng làm việc chung với chị, tôi chứng kiến cậu con trai út của chị đổ bệnh ngày càng nhiều hơn, khiến chị càng vất vả hơn. Người mẹ ấy đã còm cỏi dần theo năm tháng cơ cực, mà vẫn ngày ngày bồng bế, chăm sóc một thanh niên 21 tuổi với thân hình cao lớn của một người đàn ông trẻ, nhưng trí tuệ vẫn sẽ mãi mãi không phát triển bình thường được.

Đã lâu lắm rồi kể từ khi tôi rời VN, tôi không biết chị bạn đồng nghiệp của tôi khi xưa đã được giải thoát khỏi “cái nghiệp” của chị chưa?

Với nền y học hiện đại ở nước Mỹ, những trường hợp dị tật bẩm sinh  tương tự có thể được chẩn đoán sớm hơn. Việc sinh ra một đứa con với những bệnh bẩm sinh nặng nề đến mức độ như con trai chị bạn đồng nghiệp của tôi, thì không những đó là nỗi đau và sự nhọc nhằn quá sức của gia đình theo ngày tháng, mà còn là gánh nặng về tài chính cho cả gia đình lẫn xã hội. Hãy nhìn xem đứa trẻ đó sống như thế nào, kể từ khi được sinh ra cho đến khi lớn lên. Và hãy thử nghĩ xem giữa việc quyết định bỏ thai để giải thoát cho cha mẹ, với việc “phải đẻ” theo “Luật Cấm Phá Thai” hiện nay, điều nào là nhân đạo hơn?

Câu chuyện thứ hai mà tôi sẽ kể ra đây là câu chuyện đầy nước mắt của chính bản thân tôi. Tôi đã đắn đo rất nhiều khi kể ra câu chuyện của mình, bởi vì tôi biết mình sẽ không kềm được sự xúc động mỗi khi nhắc đến.

Nhưng tôi nghĩ tôi nên nói ra để làm sáng tỏ thêm quan điểm của mình.

Cách đây hơn 30 năm, tôi đã mang thai đứa con đầu lòng của mình. Bao nhiêu yêu thương, bao nhiêu hy vọng ấp ủ, tôi đã không ngờ đến những gì đang chờ đợi tôi. Khi thai được hơn 6 tháng thì mẹ tôi mất.

Tang mẹ tôi là một nỗi đau rất lớn cho tôi, đến mức độ sau đám tang thì tôi bắt đầu bị tai biến. Tôi đã bị phù toàn thân, phải nghĩ làm ở nhà và nằm nghĩ tại giường theo chỉ định của bác sĩ. Cuối cùng, tôi phải vào bệnh viện trong tình trạng cấp cứu khi huyết áp tăng lên đến hơn 220 mmHg. Tại bệnh viện, các bác sĩ đã nói với vợ chồng tôi là cần phải bỏ đứa con, để cứu mẹ. Họ giải thích rằng có giữ lại đứa con cũng không chắc là nó sống được, trong khi chắc chắn là tôi sẽ không được an toàn. Nếu không chết, thì tôi cũng sẽ sống như cây cỏ, thực vật, không còn giao tiếp gì với thế giới này nữa.

Bỏ con ư?” Cái thai đã gần 8 tháng! Tôi đã bắt đầu cảm nhận được sự cử động và những cái chồi đạp của đứa bé trong tôi. Không! Nước mắt đầm đìa, tôi nài nỉ bác sĩ xin hãy cứu lấy con tôi.

Các bác sĩ đã yêu cầu vợ chồng tôi phải ký giấy xác nhận là muốn giữ thai lại, và cam đoan sẽ không thưa kiện gì nếu bất cứ trường hợp nào xảy ra cho tôi. Ký giấy xin giữ thai lại, điều đó có nghĩa là tôi ký vào bản án tử hình của chính mình. Nhưng tôi còn biết sự chọn lựa nào khác hơn? Chồng tôi đã quyết định thay tôi.

Anh đã xác nhận với bác sĩ là chỉ cần cứu được tôi. Còn đứa con? Đành phải chấp nhận số phận của nó.

Bác sĩ bắt đầu tiến hành thủ thuật. Tôi đã sinh con trong trạng thái hôn mê không biết gì, và huyết áp tăng lên rất cao.

Sau khi sanh, tôi phải nằm ở phòng ICU. Còn con tôi thì được đưa vào nằm lồng kiếng ở khoa Nhi để thở oxy, vì cháu quá yếu ớt. Khi tỉnh lại, biết con mình cũng còn sống, tôi cứ nằng nặc đòi ra khỏi phòng ICU để gặp con. Thấy tôi bứt rứt không yên, và huyết áp vẫn tăng lên, nên bác sĩ phải cho tôi thuốc ngủ liên tục.

Cuối cùng, sau 10 ngày nằm trong ICU, tôi được cho xuất viện. Người đến đón tôi về là chị tôi. Không thấy chồng tôi đâu, tôi hỏi, chị tôi trả lời ngắn ngủn: “Nó bận”. Tôi đòi lên phòng Dưỡng Nhi để thăm con, chị tôi gạt ngang, bảo tôi còn yếu, mai mốt rồi đón nó về nhà. Tôi cảm thấy tủi thân.

Tôi đã không biết rằng, ngày tôi được xuất viện về, cũng là ngày chồng tôi phải lên khoa Nhi để nhận lấy cái xác bé bỏng của con mà đem đi mai táng. Tôi đã khóc hết nước mắt khi biết chuyện. Tôi vẫn chưa một lần được nhìn thấy mặt con. Tám tháng mang thai, rồi khi sinh con phải vật lộn với tử thần. Tất cả những gì tôi còn lại, chỉ là một tờ giấy chứng tử của con tôi, do bệnh viện cấp.

Nhưng giờ đây, tôi lại cảm thấy mình may mắn hơn những người phụ nữ đang bị ảnh hưởng bởi Luật Cấm Phá Thai tại nước Mỹ. Nền y học hiện đại ở nước Mỹ chắc chắn sẽ cứu được nhiều người phụ nữ bị tai biến khi mang thai, giống như tôi. Nhưng bất hạnh thay, “Luật Cấm Phá Thai nghiệt ngã tại Mỹ đã trói tay các bác sĩ, khiến họ không thể thực hiện được việc cứu người.

Người Việt Nam có câu “Đàn ông đi biển có đôi, Đàn bà đi biển, mồ côi một mình”.

Một lần thai nghén, sinh nở là một lần sức khoẻ hao mòn, tuổi thọ suy giảm, và đôi khi nguy hiểm đến tính mạng của bản thân. Nhưng không có người phụ nữ nào muốn bỏ con, nếu không có lý do buộc phải chọn lựa. Hãy để người phụ nữ mang thai, sinh con và nuôi con như một thiên chức cao quý của họ.

Người phụ nữ chỉ mong được chăm sóc thích đáng khi thai nghén, sinh nở, và đòi hỏi có cái quyền được sống nếu sự sống của họ bị đe dọa bởi việc thai nghén, sinh nở đó.

Luật Cấm Phá Thai”, theo tôi, đã hạ phẩm giá của người phụ nữ, biến người phụ nữ thành cái máy đẻ, thành những nô lệ “phải đẻ” dưới sức mạnh quyền lực của những người đàn ông làm luật. Nhục cũng “phải đẻ”, con chết rồi cũng “phải đẻ”, mẹ bị nguy hiểm có thể chết thì cũng “phải đẻ”.

Hỡi các nhà làm luật, những người cho rằng “Phá thai là giết người”, Tôi muốn thưa với quý vị rằng: Y học là một khoa học liên quan đến sự sống chết của con người. Đó không phải là lãnh vực để quý vị chứng tỏ quyền lực của mình. Nếu như có bất kỳ người phụ nữ nào gặp nguy hiểm, hoặc thiệt mạng vì Luật Cấm Phá Thai triệt để của quý vị, thì quý vị có nhận lấy trách nhiệm rằng mình cũng là kẻ giết người hay không?

Nếu như “Luật Cấm Phá Thai” là vì tôn giáo, thì tôi xin thưa với quý vị rằng “Tôn giáo đã không đi đồng hành cùng khoa học”. Trong lúc khoa học thay đổi và tiến bộ hơn từng ngày, thì những giáo điều trong Kinh Thánh ngàn năm sau cũng vẫn như ngàn năm trước.

Tôi muốn có đôi lời nhắn nhủ đến những người đang nhiệt tình ủng hộ “Luật Cấm Phá Thai” và cho rằng đó là vì “lòng nhân đạo”: Quý vị đang tưởng tượng rằng quý vị yêu thương những đứa trẻ vô tội, hơn cả tấm lòng của những người mẹ thương con ư? Nếu vậy thì xin quý vị hãy mở rộng “lòng nhân đạo” của quý vị ra thêm nửa, để có thể thấu hiểu là đằng sau những quyết định phải bỏ con của những người mẹ mang thai, là những câu chuyện thương tâm, đau lòng.

Và cuối cùng, tôi muốn có một lời khuyên cho những ai cuồng nhiệt chống Phá Thai: khuyên quý vị đừng can thiệp vào những lĩnh vực chuyên môn mà quý vị không đủ trình độ để hiểu một cách thấu đáo, cặn kẽ.

Hãy để cho các bác sĩ và nhân viên y tế làm nhiệm vụ của họ. Họ có sự đào tạo chuyên môn, và họ cũng có giấy phép để hành nghề, là thứ mà quý vị không có. Ngay cả người phụ nữ mang thai đôi khi cũng không tự quyết định được số phận của mình. Vậy thì quý vị là ai mà quyết định số phận của họ?

Cathy Nguyễn 12.05.2023