July 4th Nói Về Phân Biệt Chủng Tộc Và Chiến Tranh Văn Hoá Tại Mỹ

0
2168

Ai cũng biết Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa South Carolina, Tim Scott là một người Mỹ gốc Phi, Da Đen. Ông ta đã từng tuyên bố rằng “Nước Mỹ không phải là một quốc gia phân biệt chủng tộc.” Tôi không biết ông ta nói ra câu nói này vì ông ta muốn bảo vệ đảng chính trị mà ông ta đang theo hay vì từ nhỏ đến lớn ông ta chưa hề phải chịu cảnh bị phân biệt chủng tộc vì màu Da Đen của ông ta bao giờ. Nhưng ít ra thì sau đó ông ta cũng thừa nhận rằng bản thân ông ta đã trải qua “nỗi đau bị phân biệt đối xử”.

Một nhân vật khác, cũng có tiếng tăm như bà Phó Tổng thống Kamala Harris. Khi được hỏi trên chương trình Good Morning America của ABC News bà đã nói rằng: “Tôi không nghĩ nước Mỹ là một quốc gia phân biệt chủng tộc.” Vậy mà ngay sau câu nói này, bà cũng phải cay đắng thừa nhận rằng: “Tôi nghĩ, chúng ta cần phải nói lên sự thật về lịch sử phân biệt chủng tộc ở đất nước chúng ta và sự tồn tại của nó đến ngày nay.”

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Nhưng với Tổng thống Biden, một người Mỹ da trắng thì tuyên bố một câu nghe thích làm sao, rằng: “Chúng ta có cơ hội thực sự để loại bỏ tận gốc nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống đang hoành hành ở Mỹ”.

Nhưng với cả ba con người có màu da khác nhau, họ có cách nhận định rất khôn khéo, chỉ đơn giản nói rằng nước Mỹ không phải là một quốc gia phân biệt chủng tộc, nhưng sau đó lại ngoảnh mặt làm ngơ và nói rằng nước Mỹ phân biệt chủng tộc theo những thuật ngữ tinh vi hơn bằng cách đổ thừa chế độ nô lệ và chủ nghĩa Jim Crow trong quá khứ mới chính là những thủ phạm thực sự, còn nói nước Mỹ thì bao quát chung chung quá. Nó gây nhầm lẫn cho những người Mỹ chân chính, hiểu biết và vị tha cũng như cộng đồng quốc tế.

Đối với những người ủng hộ việc loại bỏ hoàn toàn cách thức phân biệt chủng tộc ra khỏi đời sống, xã hội và nhận thức của tất cả những người sống tại Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ thì những bình luận này của ba nhân vật có chức quyền, có tiếng tăm trong chính trường nước Mỹ đã khiến họ thực sự thất vọng.

Đối với tôi, sự bất đồng về nhận thức về sự phân biệt chủng tộc của một số nhà lãnh đạo của hai đảng chính trị lớn của nước Mỹ là có thật và có thể giải thích được. Đó là bởi vì cả hai thành phần lãnh đạo chính trị đều cố gắng đơn giản hóa sự phân biệt chủng tộc ở Mỹ, bởi vì như nhà xã hội học Eduardo Bonilla-Silva lưu ý rằng: “Một quốc gia có thể có phân biệt chủng tộc có hệ thống nhưng không có những người phân biệt chủng tộc.”

Khi một người sống bên ngoài nước Mỹ lên tiếng chỉ trích nước Mỹ về nạn phân biệt chủng tộc đã ăn sâu vào các thể chế xã hội của người Mỹ thì những người Mỹ khi đón nhận những lời chỉ trích này lại cho là họ đang bị tấn công cá nhân. Ba nhân vật điển hình Tim Scott, Kamala Harris và Joe Biden nhận ra điều này và cố gắng cân bằng những quan điểm khác nhau để làm nhẹ đi sự phân biệt chủng tộc đang tồn tại.

Nhưng đối với một tay Thống đốc của tiểu bang Florida, một nhà phát xít trẻ của đảng Cộng hòa, kẻ đang muốn làm sống lại chủ nghĩa phát xít của Benito Mussolini trên đất Mỹ, người không muốn xóa nhòa ranh giới của người có quyền phân biệt chủng tộc và người bị phân biệt, DeSantis còn ra luật phạt những người muốn biểu tình và cấm giảng dạy lý thuyết phê phán chủng tộc trong trường học.

Nhận xét của Kamala Harris và Tim Scotts đang gây bối rối ở cấp độ rộng hơn cũng như ký ức mà họ đã trải qua với nạn phân biệt chủng tộc nhưng đó là những chuyện xảy ra trong quá khứ, họ nhận định lúc đó là như vậy, rằng nước Mỹ là một quốc gia phân biệt chủng tộc nhưng hiện tại, họ đang là những người có chức quyền, có vị trí trong chính trường, được bảo vệ thì họ lại không dám nhìn nhận sự thật rằng phân biệt chủng tộc là có hệ thống rõ ràng và vẫn còn tồn tại, không thể phủ nhận, họ cố gắng hạ thấp sự tác hại của phân biệt chủng tộc nhưng không cố gắng loại bỏ nó, vì họ đang là những người không bị ảnh hưởng, không thể bị phân biệt.

Những câu chuyện này thừa nhận  rằng cuộc sống sẽ khác nếu bạn là người Da đen, không có vị trí cao trong xã hội, không phải là những chính trị gia, không phải là những người được người khác bảo vệ, quả thật như vậy, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có hệ thống dường như đang len lỏi qua các thể chế xã hội và vào các tương tác xã hội hàng ngày của người Mỹ, cho dù ở trong Quốc hội hay tại một quán cà phê trên đường phố hay trong xe điện ngầm hay trong trường học, trong nhà hàng, bất cứ nơi đâu trên đất Mỹ đều có sự phân biệt chủng tộc nửa ngầm, nửa công khai, và đó là điều có thật.

Một cách khác để nhìn ra chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có hệ thống đang có mặt trong tất cả các khía cạnh của Giấc mơ Mỹ của mọi người. Điều này xảy ra ngay cả đối với những người Da đen có học thức cao, có thu nhập cao và không có tiền án. Nhưng trên thực tế, các tài liệu nghiên cứu cho thấy những người da trắng có tiền án lại có nhiều khả năng được gọi lại cho việc làm hơn những người Da đen không có tiền án.  

Đây là những gì nước Mỹ nói với thế giới, rằng: Nước Mỹ có một nền dân chủ công bằng. Đây là lời nói cửa miệng của các chính trị gia lúc trà dư tửu hậu, lúc được phỏng vấn nhưng thực tế thì ngược lại, một nền dân chủ công bằng chưa hề tồn tại trên đất Mỹ, đó là sự thật.

Phân biệt chủng tộc có hệ thống không chỉ đơn giản là một điều của quá khứ. Nó vẫn đang rất gần gũi với người Mỹ từ trường học, cộng đồng, xã hội và chính trường trong hiện tại.

Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ít có sự tiến bộ mang tính đại diện nhất, đó là tại Thượng viện. Chỉ có 11 thượng nghị sĩ Da đen trong khoảng 232 năm. Rõ ràng, Thượng viện là không gian chính xác mà người Mỹ cần những người có can đảm để nói lên sự thật thẳng thắn, trung thực về quá khứ và hiện tại của đất nước. Chỉ khi đó, người Mỹ mới có thể hiện thực hóa một tương lai không còn tồn tại nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống.

Nhưng có lẽ đây chỉ là một giấc mơ, khi một người đại diện cho tầng lớp này, một Thượng nghị sĩ Da Đen, Tim Scott của South Carolina đang cố gắng phủ nhận sự tồn tại của phân biệt chủng tộc có hệ thống.

Giờ nói một chút về cuộc chiến tranh văn hóa dai dẳng ở Hoa Kỳ. Sự khác biệt lớn về văn hóa đã có một lịch sử lâu đời ở Hoa Kỳ, với xã hội nô lệ ở miền Nam trong thời kỳ trước Nội chiến là một ví dụ điển hình. Căng thẳng xã hội và kinh tế giữa các bang miền Bắc và miền Nam nghiêm trọng đến mức cuối cùng khiến miền Nam tuyên bố trở thành một quốc gia độc lập, đó là Liên Minh Miền Nam Hoa Kỳ, từ tuyên bố này đã dẫn đến cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ.

Theo cách nói của người Mỹ, họ gọi “chiến tranh văn hóa” có thể ám chỉ sự xung đột giữa những giá trị được coi là truyền thống hoặc bảo thủ và những giá trị được coi là tiến bộ hoặc tự do. Cách ám chỉ này bắt nguồn từ những năm 1920 khi các giá trị của thành thị và nông thôn Mỹ xung đột gần hơn.

Nói đơn giản hơn, rằng cuộc chiến văn hóa thực sự là cuộc đấu tranh để xác định nước Mỹ. bởi sự phân cực mạnh mẽ đã làm thay đổi nền chính trị và văn hóa Mỹ.

Ngày càng có nhiều vấn đề liên quan đến chiến tranh văn hóa từ quyền phá thai, chính trị súng đạn, tách biệt nhà thờ và nhà nước, quyền riêng tư, sử dụng ma túy để giải trí, đồng tính luyến ái. Xã hội Mỹ đã chia rẽ về những vấn đề này, từ đó tạo thành hai nhóm người đối đầu nhau nhưng không phải vì sự khác biệt bởi tôn giáo hay sắc tộc, tầng lớp xã hội hay đảng phái chính trị. mà đúng hơn là bởi ý thức hệ thế giới quan.

Cuộc chiến văn hóa đã có tác động đáng kể đến chính trị quốc gia trong những năm 1990. Luận điệu của Liên minh Cơ đốc giáo Hoa Kỳ có thể đã làm suy yếu cơ hội tái đắc cử của Tổng thống George H. W. Bush vào năm 1992 và giúp người kế nhiệm ông, Bill Clinton, tái đắc cử vào năm 1996. Mặt khác, luận điệu của các chiến binh văn hóa bảo thủ đã giúp đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát của Quốc hội năm 1994.

Trong những năm 2000, việc bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa bắt đầu tương quan chặt chẽ với niềm tin tôn giáo truyền thống hoặc chính thống. Việc bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ trở nên tương quan hơn với niềm tin tôn giáo theo chủ nghĩa tự do hoặc chủ nghĩa hiện đại.

Ngay cả niềm tin vào các kết luận khoa học, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, cũng trở nên gắn bó chặt chẽ với đảng chính trị trong thời đại này, biến đổi khí hậu đã mắc kẹt trong cái gọi là cuộc chiến văn hóa của người Mỹ. Nói đơn giản là, những người cánh hữu, bảo thủ không tin biến đổi khí hậu tạo ra những trận lũ lụt, trốt xoáy, bão tố, họ không tin nhiều vào khoa học mà nghiêng về thần thánh, tâm linh nhiều hơn. Nhưng khi nói đến tôn giáo, người Mỹ thực sự đặc biệt.  Không quốc gia giàu có nào cầu nguyện nhiều như Hoa Kỳ, nhiều người Mỹ trở nên mê tín cực đoan và sùng bái lãnh tụ, một người bình thường nhưng được đặt ngang bằng với đấng Tối cao của Cơ đốc giáo.

Trở lại với ngày lễ Độc lập, July 4th. Câu nói: “Tất cả mọi người được Thượng đế tạo ra bình đẳng. Con người được Tạo Hóa ban cho một số quyền bất khả xâm phạm, trong đó có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.”

Câu nói bất hủ này được đưa ra trong Bản Tuyên Ngôn Độc lập của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ năm 1776.  Theo nghĩa rộng hơn, điều này có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên trái đất đều sinh ra bình đẳng, các dân tộc đều có quyền sống và quyền tự do.

Từ ngày Tuyên Ngôn Độc Lập đến nay đất nước Hiệp Chủng Quốc Hoa kỳ bốn phương phẳng lặng, yên bình, không có chiến tranh ngoại trừ vài năm Nội Chiến để rồi hai miền Nam – Bắc và các tiểu bang hòa giải hòa hợp tạo nội lực dân tộc trong liên bang, sống trong xã hội đa sắc tộc, đa văn hóa được gọi là Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, trở thành cường quốc đứng đầu thế giới sau Thế Chiến Thứ Hai, cho đến nay là 247 năm, dân số Hoa Kỳ được 336,670,113 người vào ngày 29 tháng 6, 2023 theo số liệu mới nhất từ Liên Hiệp Quốc.

Ngày Lễ Độc Lập sẽ thiếu ý nghĩa nếu không nói là ngày long trọng nhớ ơn những người có công với đất nước. Nên nhiều người Mỹ thích đeo huy chương chiến công đầy ngực. Đến nỗi có người quyền cao chức trọng nhưng đeo huy chương giả. Khiến gần đây một số nhân vật bị tố giác và lật tẩy, thân bại danh liệt. Cái bệnh này người Việt tỵ nạn cộng sản sang Mỹ đi xe Mỹ, ở nhà Mỹ, uống bia Mỹ cũng có người mắc phải. Bà con cô bác VN khi trà dư, tửu hậu thường cười ra nước mắt, nghe chuyện tiếu lâm, có người khi xưa là “trung sĩ y tá”, qua Mỹ thì nổ thành “trung tá y sĩ.” Hay khi ở VN xếp hàng mua gạo thời cộng sản bao cấp, qua Mỹ thì “không ăn đậu không phải Mễ, không đi trễ không phải VN” để chứng tỏ mình là quan trọng. Hoặc khi ở VN, ăn độn nhưng không đủ no, qua Mỹ lãnh tiền trợ cấp SSI tám, chín trăm đô la, bệnh hoạn Medicare, Medicaid chính phủ lo, tiền bác sĩ, tiền thuốc không phải trả cent nào, mà ra quán cà phê ngồi tán dóc bằng tiếng Việt, cứ chửi thề bảo Mỹ đem con bỏ chợ, sống đời lưu vong vì bị Mỹ bỏ rơi.

Lời kết:

Ngày Lễ Độc Lập là ngày không ít người Mỹ thầm lặng dùng những ngày nghỉ lễ cuối tuần để hoài niệm về lịch sử và suy tưởng tiến bộ của nước Mỹ so với các nước khác trên thế giới. Xét cho cùng thì dân chủ, tự do là điều kiện tiên quyết, điều kiện căn bản, điều kiện cần và đủ cho sự phát triển của một đất nước, một dân tộc làm cho dân giàu nước mạnh bền vững. Có tự do, dân chủ thì mới có bầu cử ra được một chính quyền xứng đáng của dân, do dân và vì dân. Có tự do, dân chủ thì mới tạo được nội lực dân tộc, để phát huy kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội. Có tự do dân chủ thì mới có tự do ngôn luận, tự do phát biểu, giám sát, khuyến cáo chính quyền và thể hiện nguyện vọng của dân chúng.

Nhưng, nói riêng tại nước Mỹ, trong thế kỷ 21 này, có người nào sống tại Mỹ dám khẳng định rằng tất cả người Mỹ thuộc nhiều sắc tộc, màu da, tôn giáo khác nhau được tôn trọng và bình đẳng trong xã hội hay không? Không ai dám khẳng định điều này cả.

Đối với nhiều người Mỹ gốc Việt, cứ mỗi năm đến ngày Lễ Độc Lập của Mỹ thì nhiều người lại nhớ đau đáu về quê hương, về những người còn ở lại, về ngày mất nước và so sánh đủ thứ, suy nghĩ đủ chuyện, buồn vui lẫn lộn.

Việt Linh, 04.07.2023