Henry Kissinger thực sự giúp hay hại nước Mỹ?

0
2537

Không một nhà ngoại giao nào còn sống có nhiều kinh nghiệm về các vấn đề quốc tế hơn Henry Kissinger vừa trong tư cách là một nhà ngoại giao kỳ cựu vừa là một học giả về ngoại giao thế kỷ 19, sau đó là cố vấn an ninh quốc gia và ngoại trưởng Mỹ, và trong 46 năm qua với tư cách là nhà tư vấn và sứ giả cho các quốc vương, tổng thống và thủ tướng. Thế nhưng, trong những ngày cuối đời, ông ta vẫn chưa thực sự nghĩ hưu, ông ta vẫn đang lo lắng cho nước Mỹ, cho Trung Quốc và cho cả thế giới.

Thực hư, tốt xấu thế nào, tôi xin mời quý vị cùng tìm hiểu sau đây:

Tờ The Economist đã nói chuyện với Henry Kissinger trong hơn 8 tiếng đồng hồ về cách ngăn chặn cuộc cạnh tranh nguy hiểm giữa Trung Quốc và Mỹ có thể dẫn đến chiến tranh thế giới thứ ba.

Mời xem video bài bình luận qua Youtube

Phải thành thật công nhận rằng, ông ta đã 100 tuổi, lưng khòm, đi lại khó khăn nhưng tâm trí vẫn còn rất nhạy bén.

Henry Kissinger lo lắng cho rằng, cả Mỹ và Trung Quốc phải học cách chung sống với nhau. Họ có ít hơn mười năm để làm được chuyện đó, nếu không thì một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba ắt không tránh khỏi.

Điều tôi chăm chú đến câu chuyện này không vì mong muốn thấy được một thế giới hòa bình hay chiến tranh trong tương lai gần, mà điều tôi muốn tìm hiểu là quan điểm và ý định thực sự của Henry Kissinger trong chủ đề kết nối tình thân Mỹ Trung thực sự là gì.

Phía Hoa Kỳ đã cho thấy là Mỹ sẽ làm bất cứ điều gì để kìm hãm Trung Quốc. Ở Washington, họ quả quyết rằng Trung Quốc đang âm mưu thay thế Hoa Kỳ để trở thành cường quốc hàng đầu thế giới. Phía Trung Quốc cũng thế, họ cho rằng Hoa Kỳ đang đàn áp và không muốn Trung Quốc phát triển. Cả hai bên đều tự thuyết phục rằng bên kia là mối nguy hiểm chiến lược sống còn.

Henry Kissinger từng bị nhiều người chỉ trích là hiếu chiến vì đã tham gia chiến tranh Việt Nam, nhưng ông ta lại biện minh cho việc giàn xếp các thỏa thuận ma quỷ, lén lút sau lưng các quốc gia là vì lợi ích để tránh xung đột giữa các cường quốc.

Sau khi chứng kiến ​​cảnh tàn sát do Đức Quốc xã gây ra và chịu đựng cái chết của 13 người thân trong vụ Holocaust, ông tin rằng cách duy nhất để ngăn chặn xung đột tàn khốc là phải có ngoại giao cứng rắn, được củng cố bằng các giá trị chung.

Theo quan điểm của Kissinger, số phận của nhân loại phụ thuộc vào việc Mỹ và Trung Quốc có thể hòa thuận với nhau hay không. Và trong cuộc chạy đua phát triển nhiều lĩnh vực khác nhau từ trí tuệ thông minh nhân tạo, kỹ thuật điện tử đến vũ khí siêu thanh, chiến đấu cơ hiện đại, tàu chiến lớn và nhanh khiến sự cạnh tranh gay gắt ngày càng nhiều, và nếu diễn biến vẫn tiếp tục đều như vậy thì cả hai quốc gia chỉ còn từ 5 đến 10 năm nữa để tìm ra cách dung hòa và chia sẻ lợi ích thế giới một cách công bằng.

Henry Kissinger lo ngại trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của Trung Quốc và Mỹ để giành ưu thế về công nghệ và kinh tế. Ngay cả khi Nga rơi vào quỹ đạo của Trung Quốc và chiến tranh làm lu mờ sườn phía đông của châu Âu.

Trên khắp thế giới, cán cân quyền lực và cơ sở công nghệ của chiến tranh đang thay đổi quá nhanh khiến các quốc gia thiếu những nguyên tắc tự ổn định để họ có thể thiết lập trật tự. Nếu họ không tìm được tiếng nói chung thì họ có thể dùng đến vũ lực và tiếp theo đó, sẽ là chiến tranh.

Chúng ta đang ở trong một tình huống cổ điển trước chiến tranh thế giới thứ nhất, nơi mà không bên nào có nhiều nhượng bộ về chính trị và trong đó bất kỳ sự xáo trộn nào về trạng thái cân bằng đều có thể dẫn đến những hậu quả thảm khốc. Điều khác biệt giữa xưa và nay đó là các loại vũ khí dùng trong chiến tranh, ngày nay sẽ không còn các cuộc cận chiến, những người lính của cả hai bên sẽ không thấy mặt nhau, sự hủy diệt và chết chóc đều đến từ trên không và con số những người chết vì các loại vũ khí hủy diệt là rất lớn và đến rất nhanh.

Henry Kissinger từng nổi tiếng là người có chủ trương thân thiện, hòa giải, gần gũi với chính phủ ở Bắc Kinh, ông ta thừa nhận rằng nhiều nhà tư tưởng và hoạch định chính sách của Trung Quốc tin rằng nước Mỹ đang trên đà đi xuống và do đó họ cảm thấy tự tin hơn cho một sự vùng dậy và phản kháng, họ cũng tin rằng đây là một quá trình tiến hóa lịch sử theo thứ tự, cuối cùng họ sẽ thay thế người Mỹ để lãnh đạo thế giới này. Niềm tin này của những người Trung Quốc ngày càng vững chắc hơn.

Giới lãnh đạo Trung Quốc không hài lòng với cách nói của các nhà hoạch định chính sách phương Tây về một trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ, trong khi điều họ thực sự muốn nói là luật lệ của Mỹ và trật tự của Mỹ.

Các nhà cai trị Trung Quốc bị xúc phạm bởi những gì họ coi là thỏa thuận trịch thượng do phương Tây đưa ra, đó là trao cho Trung Quốc các đặc quyền nếu nước này hành xử một cách đúng đắn và tôn trọng các quốc gia khác, trong khi những nhà lãnh đạo Trung Quốc thì nghĩ khác, họ cho rằng các đặc quyền đó phải thuộc về họ với tư cách là một cường quốc đang lên.

Tuy nhiên, Kissinger muốn cảnh báo giới diều hâu trong chính trường Mỹ rằng, không nên hiểu sai tham vọng của Trung Quốc. Ở Washington thì họ nghĩ rằng: “Trung Quốc muốn soán ngôi của Mỹ và thống trị thế giới”. Nhưng Kissinger thì lại bênh vực Trung Quốc khi cho rằng: “Họ chỉ muốn trở nên hùng mạnh. Họ không hướng tới sự thống trị thế giới theo nghĩa của Adolf Hitler. Đó không phải là cách họ nghĩ về trật tự thế giới.”

Henry Kissinger biện minh cho nhận định trên và nói rằng: “Ở Đức Quốc xã, chiến tranh là không thể tránh khỏi vì Adolf Hitler cần nó, nhưng Trung Quốc thì khác, ý thức hệ của họ chỉ chú trọng đến lợi ích và khả năng của đất nước họ, không xa hơn khỏi vùng đất của đại lục”.

Ông Kissinger tin rằng, Trung Quốc là một quốc gia theo Nho giáo hơn là Mác-xít. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ muốn được thế giới công nhận là quốc gia mạnh về mọi mặt không thua kém Hoa Kỳ.

Ai tin vào những đánh giá thân thiện, tốt đẹp này về Trung Quốc của Henry Kissinger?

Liệu Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể cùng tồn tại mà không có mối đe dọa chiến tranh toàn diện với nhau không?

Liệu Trung Quốc có thực lực đủ mạnh về mặt quân sự để chống chọi với thất bại một khi xảy ra chiến tranh hay không?

Bài kiểm tra trước mắt cho những câu hỏi này là cách Trung Quốc và Mỹ hành xử như thế nào đối với vấn đề Đài Loan.

Trung Quốc chắc chắn sẽ không chọn con đường chiến tranh trực tiếp với Đài Loan, bởi vì một cuộc chiến kiểu Ukraine ở đó sẽ phá hủy hòn đảo và tàn phá nền kinh tế thế giới. Chiến tranh cũng có thể cản trở Trung Quốc trong nước, và nỗi sợ hãi lớn nhất của các nhà lãnh đạo vẫn là biến động trong nước.

Nếu ai đó nói Hoa Kỳ không sợ chiến tranh là không đúng, mà cả Trung Quốc, họ cũng sợ chiến tranh xảy ra, vì cả hai cường quốc đều hiểu rằng, nếu để chiến tranh xảy ra, họ sẽ khó có thể ngừng lại và có thể bắt buộc phải đi đến những bước cuối cùng. Vấn đề là không bên nào có nhiều cơ hội để nhượng bộ.

Trung Quốc khẳng định quyền sở hữu hòn đảo là điều không thể thương lượng mà buộc Hoa Kỳ từ bỏ Đài Loan mà không làm suy yếu vị thế của mình ở những nơi khác lại là điều không hề dễ dàng chút nào.

Bây giờ quý vị nghe nguyên văn quan điểm của Henry Kissinger, một nhà ngoại giao vừa tròn 100 tuổi nói như thế này: “Tôi muốn rằng, người Mỹ nên chủ động tìm cách thoát khỏi bế tắc bằng cách xây dựng lòng tin và mối quan hệ với Trung Quốc. Tổng thống Mỹ, là lãnh đạo của cường quốc số một thế giới nên mở lời với người lãnh đạo của cường quốc số hai thế giới và hãy nói rằng: “Thưa ngài Chủ tịch Trung Quốc, hai mối nguy hiểm lớn nhất đối với hòa bình thế giới hiện nay là hai quốc gia chúng ta. Một cuộc chiến xảy ra giữa chúng ta cũng đồng nghĩa với sự hủy diệt con người trên trái đất này”. Một khi Hoa Kỳ chịu hạ mình nói ra trước câu nói này, thì tôi tin người Trung Quốc cũng biết điểm dừng và đồng ý ngồi xuống để tiếp tục nói chuyện với Hoa Kỳ thay vì sử dụng nắm đấm với nhau”.

Thưa quý vị, chỉ với nhận định này, ai cũng thấy rõ Henry Kissinger đang cố gắng vuốt ve người Trung Quốc, muốn Hoa Kỳ cần hạ mình để thương lượng, đàm phán với Trung Quốc. Tôi không có ý nghĩ rằng Henry Kissinger là người sinh đẻ ở lục địa hay nguồn gốc tổ tiên là người Trung Quốc, làm gì có chuyện đó, vì ông ta là một người tị nạn Do Thái chạy trốn khỏi Đức Quốc xã cùng gia đình vào năm 1938. Dù là người từng chạy trốn chiến tranh và diệt chủng, nhưng khi đặt chân vào chính trường Hoa Kỳ, có được quyền lực thì ông ta lại đi tiên phong trong chính sách hòa dịu với Liên Xô cũ tức tiền thân của nước Nga ngày nay và dàn dựng, thúc đẩy chính phủ Hoa Kỳ mở rộng quan hệ, hòa hoãn và mở cửa kinh tế với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mà chúng ta ngày nay gọi là Trung Quốc. Ông ta đã hỗ trợ và dung túng các tội ác chiến tranh do Mỹ và các quốc gia Đồng minh gây ra. 

Ngày nay, về cơ bản, không bên nào sẽ dễ dàng nhượng bộ để thay đổi lập trường của mình đối với Đài Loan, nhưng Mỹ sẽ quan tâm đến cách họ khai triển lực lượng của mình và cố gắng không gây nghi ngờ rằng họ ủng hộ nền độc lập của hòn đảo.

Về kinh tế, Henry Kissinger đã chỉ trích Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen vì đã không sẵn lòng cho Trung Quốc bất kỳ cơ hội nào để phát triển. Dường như Henry Kissinger vẫn đang là một thành viên ngoại giao trong chính phủ Trung Quốc khi bước sang tuổi 100 hay chăng?

Một số người Mỹ tin rằng một Trung Quốc bại trận sẽ trở nên gần gũi với dân chủ và hòa bình thì Kissinger lại không tin điều này, ông ta cho rằng, Trung Quốc dù có mở cửa kinh tế và ngoại giao hay thậm chí bại trận trước Hoa Kỳ trong một trận chiến với vũ khí thông thường, không sử dụng vũ khí hạt nhân đi chăng nữa thì họ vẫn sẽ giữ vững ý thức hệ chủ nghĩa cộng sản, là điều đã thấm vào máu của các nhà lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc và các lãnh đạo quân đội.

Một điều khó hiểu nữa, đó là Henry Kissinger muốn Hoa Kỳ cần nhìn nhận Trung Quốc có vị trí và tiếng nói quan trọng trong cuộc chiến ở Ukraine. Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, chỉ mới liên lạc với Volodymyr Zelensky, người đồng cấp Ukraine, lần đầu tiên kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Nhiều nhà quan sát đã coi lời kêu gọi của ông Tập là một cử chỉ trống rỗng nhằm xoa dịu người châu Âu, những người phàn nàn rằng Trung Quốc quá gần gũi với Nga. Ngược lại, đối với Henry Kissinger, thì ông ta bênh vực ông Tập cận Bình, chỉ trích phương Tây đã coi thường uy tín và danh tiếng của Trung Quốc trong chính trị thế giới, ông ta coi cuộc nói chuyện giữa ông Tập cận Bình với Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky là một tuyên bố về ý định nghiêm túc để xây dựng một chính sách ngoại giao xung quanh cuộc chiến, đồng thời cũng là cơ hội để xây dựng lòng tin lẫn nhau của các cường quốc.

Với cuộc chiến Ukraine, thì Henry Kissinger có phải là một nhà ngoại giao ba phải hay không khi lên án một cách nhẹ nhàng Tổng thống Nga, Vladimir Putin, cho rằng Putin đã sai lầm khi khởi động một cuộc xung đột, ông ta dùng thuật ngữ “conflict” (tức xung đột, y như cách dùng chữ trong các chương trình tin tức trong nước Việt Nam) chứ không dùng thuật ngữ “invasion” (tức xâm lược, là thuật ngữ mà hầu như báo chí trong nước Việt Nam tránh dùng đến, họ chỉ cho đó là một cuộc xung đột giữa hai quốc gia mà thôi). Nhưng ông ta cũng cho rằng phương Tây không phải là không có lỗi khi quyết định lấp lững để ngỏ tư cách thành viên của Ukraine trong NATO là rất sai lầm. Điều đó gây bất ổn, bởi vì treo lủng lẳng lời hứa về sự bảo vệ của NATO mà không có kế hoạch thực hiện nó đã khiến Putin tức giận.

Và đưa ra lời khuyên cho Putin thì Henry Kissinger cho rằng bây giờ là lúc để kết thúc chiến tranh và muốn làm được điều đó thì Nga phải chấp nhận từ bỏ càng nhiều càng tốt những lãnh thổ mà họ đã chinh phục vào năm 2014, nhưng trên thực tế, đây cũng không phải là điều bất khả thi nhưng với một điều kiện có xác suất xảy ra, đó là trong bất kỳ lệnh ngừng bắn hay thỏa thuận hòa bình nào, Nga có khả năng sẽ giữ lại Sevastopol là thành phố lớn nhất ở đảo Crimea và là căn cứ hải quân chính của Nga ở Biển Đen, ít nhất là như vậy. Dù một thỏa thuận như vậy có thể khiến cả phía Ukraine và các thành phần diều hâu trong nước Nga khó mà chấp nhận.

Để thiết lập một nền hòa bình lâu dài ở châu Âu, điều này đòi hỏi phương Tây phải có hai kế hoạch thực tiễn có thể thiết lập. Kế hoạch đầu tiên là để Ukraine gia nhập NATO, như một biện pháp vừa kiềm chế vừa bảo vệ Ukraine. Và kế hoạch thứ hai là châu Âu phải thiết kế một mối quan hệ hợp tác với Nga, như một cách để tạo ra một biên giới phía đông ổn định.

Nhưng vấn đề trở ngại là sẽ có rất nhiều quốc gia phương Tây sẽ không đồng ý với kế hoạch đầu tiên hoặc kế hoạch thứ hai. Và với sự tham gia của Trung Quốc, với tư cách là đồng minh của Nga và là đối thủ của NATO, nhiệm vụ sẽ càng trở nên khó khăn hơn. Trung Quốc có lợi ích lớn nhất là sẽ thấy Nga trỗi dậy sau cuộc chiến ở Ukraine. Ông Tập cận Bình không chỉ có mối quan hệ đối tác “không giới hạn” với ông Putin để chống lại Hoa Kỳ và ông ta cũng không muốn thấy một sự sụp đổ của Moscow sẽ gây rắc rối cho Trung Quốc khi tạo ra một khoảng trống quyền lực ở Trung Á có nguy cơ bị lấp đầy bởi một “cuộc nội chiến kiểu Syria”.

Sau cuộc gọi của ông Tập với ông Zelensky, ông Kissinger tin rằng Trung Quốc có thể đang định vị mình để làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine nhưng rất tiếc là chẳng có quốc gia phương tây nào kể cả Hoa Kỳ tin vào điều này.

Henry Kissinger từng là một trong những kiến ​​trúc sư của chính sách đưa Mỹ và Trung Quốc lại gần nhau để chống lại Liên Xô, giờ đây ông ta lại có sách lược mới là muốn thúc đẩy Trung Quốc tiến gần với Nga để hợp tác chống lại nước Mỹ là quê hương thứ hai của ông ta.

Điều này khiến tôi nghi ngờ không biết tiền thân của Henry Kissinger là một người Do Thái hay người Mỹ hay người Trung Quốc?

Nhưng dù sao, phải nhìn nhận rằng, Trung Quốc đã tham gia ngoại giao về Ukraine như một biểu hiện của lợi ích quốc gia của họ. Mặc dù họ từ chối tán thành việc hủy diệt nước Nga, nhưng họ công nhận rằng Ukraine nên tiếp tục là một quốc gia độc lập và họ đã cảnh báo chống lại việc Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Trung Quốc thậm chí có thể chấp nhận mong muốn gia nhập NATO của Ukraine. Nhưng thực ra, chẳng phải Trung Quốc có ý tốt gì mà chỉ vì họ không muốn xung đột trực tiếp với Hoa Kỳ. Trung Quốc đang cố gắng tạo ra một trật tự thế giới của riêng họ, trong chừng mực nào đó.

Lời kết:

Nhưng có lẽ, để tránh được một chiến tranh thế giới thứ ba, cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, mỗi quốc gia đều cần có một nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhưng khôn khéo.

Ngày xưa, Franklin D. Roosevelt đủ tầm nhìn xa để chuẩn bị cho một nước Mỹ theo chủ nghĩa biệt lập. Charles de Gaulle đã cho nước Pháp niềm tin vào tương lai. John F. Kennedy đã truyền cảm hứng cho một thế hệ. Otto von Bismarck đã tạo ra sự thống nhất nước Đức.

Một nhà lãnh đạo giỏi phản ảnh văn hóa chính trị của một quốc gia.

Hoa Kỳ với Tổng thống Biden là một chính trị gia có tầm nhìn chiến lược khôn khéo nhưng nước Mỹ thì đang trong thời điểm chính trị phân cực nặng nề, đất nước đang rơi vào những thời khắc đen tối và chia rẽ nhất. Nhận thức chung về giá trị của nước Mỹ gần như đã bị mất hoàn toàn.

Trung Quốc với Chủ tịch Tập cận Bình thì đầy tham vọng ngang ngược với một quân đội manh động khi vừa mới có được sức mạnh, cộng với một đất nước còn lao đao vì đại dịch và kinh tế bị lệ thuộc nặng nề vào xuất khẩu.

Cả hai cường quốc nhất nhì thế giới đều có những khó khăn riêng, chỉ là lời qua tiếng lại vì sĩ diện với phần còn lại của thế giới thôi, nhưng chẳng nước nào muốn là người chớp mắt trước cả, vì nếu không biết tự kiềm chế, để chiến tranh xảy ra khiến hai quốc gia sẽ không thể tìm được điểm để ngừng lại, và sự hủy diệt lẫn nhau là điều tất nhiên, lúc đó không chỉ là “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết” mà là cả trâu bò, ruồi muỗi đều sẽ tiêu tan.

Việt Linh, 15.06.2023