Chính Sách Affirmative Action: Những Điều Tối Cao Pháp Viện Không Thể Làm Được

0
441

Cali Today News – Mặc dù Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ vừa đưa ra một phán quyết xem như một đòn chí tử đánh vào chính sách Affirmative Action, song phán quyết này không có nghĩa quyết định của Tối Cao Pháp Viện là chung cuộc. Hệ thống pháp lý và thể chế dân chủ của Hoa Kỳ có trách nhiệm phải đặt vấn đề tình trạng bất bình đẳng về chủng tộc, và màu da vẫn còn tiếp tục tồn tại trong hệ thống giáo dục của Hoa Kỳ. Bởi vì cái điều mà Tòa án Tối Cao không có quyền làm là xóa bỏ những luật liên quan đến nhân quyền, và những nguyên tắc nằm trong luật bảo vệ nhân quyền- Civil Right Act.

Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ vừa giới hạn thẩm quyền của các trường đại học trong việc cứu xét yếu tố màu da và sắc tộc của những ứng viên nộp đơn xin vào học. Trong phán quyết của Tối Cao Pháp Viện, Tòa tối cao nhận thấy rằng hai trường Harvard và University of North Carolina khi cứu xét đến yếu tố sắc tộc và màu da trong việc nhận sinh viên vào học, đã vi phạm cả Tu chính Án 14 của Hiến Pháp Hoa Kỳ cũng như Title VI của Luật Bảo Vệ Nhân Quyền năm 1964. 

Trong lúc Chánh Án Trưởng Roberts đại diện cho khuynh hướng đa số của phán quyết, nêu lên những quan ngại cho rằng chương trình Affirmative Action chú trọng đến yếu tố chủng tộc, màu da, để phát huy tính chất đa dạng, nên đã đưa đến hậu quả “nguy hiểm”. Đó là việc chính sách này đã làm ngơ, không để ý đến vấn đề cốt lõi ở đây là tình trạng phân phối không công bằng, không đồng đều những cơ hội tiếp cận nền giáo dục tốt – hay được nhận vào học vào các trường đại học danh giá-  chỉ vì màu da, sắc tộc và giai cấp xã hội. Những cộng đồng Da Đen, Latino, Việt Nam và Phi Luật Tân là những nhóm dân số không được đại diện đầy đủ, hay chỉ có mặt rất ít tại các cơ sở giáo dục cấp cao. Trong đó có những định chế giáo dục danh giá của tiểu bang, nơi những nhóm dân này phải đóng thuế. Tại những trường cao đẳng, hay đại học công lập danh tiếng, việc tuyển chọn sinh viên ở ngoài tiểu bang dựa trên “tài năng” để cấp học bổng  là việc làm bất công, gây thiệt hại cho những sinh viên da màu, cũng như những sinh viên thuộc gia đình có lợi tức thấp.

Với tình trạng bất bình đẳng đang xảy ra ngoài xã hội, các trường học phổ thông và trường đại học có nhiệm vụ pháp lý, và cơ hội nêu lên vấn đề này. Với cùng một lập luận, và quyền giải thích Hiến Pháp giống như của Tối Cao Pháp Viện nêu ra khi giới hạn những quan ngại liên quan đến yếu tố chủng tộc của chính sách do affirmative action đề ra, các định chế giáo dục cũng bắt buộc phải nêu vấn đề bất bình đẳng này ra. Đó là tình trạng không được đại diện đầy đủ trong hệ thống giáo dục. Tu chính án số 14 do những người chủ trương bãi bỏ chế độ nô lệ – abolitionist- ở trong và ngoài Quốc Hội, cho phép người trước đây là nô lệ được hưởng quyền công dân đầy đủ như tất cả các công dân Mỹ. Tu chính án này được thảo ra nhằm loại bỏ hệ thống giai cấp- class-  trong xã hội dựa vào chủng tộc, màu da của nền dân chủ Mỹ. Cụ thể là trong án lệ Brown v. Board of Education năm 1954 tất cả thành viên trong Tòa án Tối cao đã đồng ý cấm sự phân biệt trong hệ thống giáo dục công của tiểu bang dựa trên chủng tộc. Tòa án công nhận tất cả học sinh Da Đen có quyền hưởng nền giáo dục ngang bằng với tất cả các công dân Mỹ khác. Bất chấp phán quyết mới đây của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, án lệ Brown tạo ra nhiệm vụ phải phát triển sự công bằng trong giáo dục và trong xã hội. Vì lý do đó, sự tồn tại của tình trạng bất công trong giáo dục là không phù hợp với án lệ Brown.

Title VI  của đạo luật Bảo Vệ Nhân Quyền- Civil Right Act 1964 cũng đề cập đến vấn đề giống như phán quyết mới đây của Tối Cao Pháp Viện, và dùng lập luận giống y như phán quyết của án lệ Brown. Title VI cấm sự kỳ thị dựa trên chủng tộc, sắc dân ở tất cả những những cơ quan, định chế được nhận ngân khoản của chính phủ liên bang. Quy định này bao gồm những định chế giáo dục công như trường University of North Carolina cũng như những định chế tư nhân như trường Harvard. Title VI được đem ra thi hành để ứng dụng nguyên tắc bình đẳng, và quy chế công dân của tất cả mọi người do án lệ Brown quy định bằng cách cho phép chính phủ liên bang chấm dứt không tài trợ ngân khoản cho những định chế nào không thực hiện đúng nghĩa sự hội nhận chủng tộc. Đạo luật về Nhân Quyền- Civil Right Act-  còn đi xa hơn bằng cách khẳng định rõ ràng rằng các định chế giáo dục có nhiệm vụ là phải tạo những cơ hội đồng đều cho tất cả mọi sắc tộc.

Vụ án đầu tiên ứng dụng Title VI xảy ra vào năm 1974, buộc các viên chức trong học khu San Francisco phải áp dụng chính sách affirmative action bằng cách cung cấp mọi điều kiện dễ dàng, và tài trợ cho chương trình song ngữ cho các học sinh người Mỹ gốc Trung Hoa. Vụ án này là khởi điểm cho một nguyên tắc căn bản là phải tìm cách giảm thiểu tối đa sự kỳ thị, hay phải cung cấp cơ hội đồng đều cho tất cả các trẻ em để đảm bảo rằng các em có cơ hội được nhận sự giáo  dục đồng đều ngang bằng như nhau. Trách nhiệm cung cấp nền giáo dục công bằng cũng được đem ra áp dụng cho các em học sinh bị khuyết tật, được viết lại thành Title IX, tương tự như Title VI.

Để thực hiện những quy định kể trên, các trường đại học sẽ phải xem xét lại những chương trình thu nhận sinh viên vào học, và những việc làm hàng ngày của họ để coi xem họ có tiếp tục làm những việc bất lợi cho các sinh viên da màu, hay những sinh viên không được đại diện đầy đủ. Tuy nhiên, việc áp dụng nguyên tắc dân chủ này không chỉ giới hạn vào việc nhận sinh viên vào học trong trường mà thôi. Điều thiết yếu là các định chế giáo dục phải tìm đủ mọi cách để tạo cơ hội cho các sinh viên không được đại diện đầy đủ, hay không được tài trợ ngân sách đầy đủ. Điều này có nghĩa là phải cung cấp ngân sách giáo dục đầy đủ cho tất cả các trường học từ tiểu học, trung học đến đại học cộng đồng, và có chính sách chuyển trường thuận tiện để các sinh viên có cơ hội tiếp cận với những định chế giáo dục có nhiều phương tiện tài nguyên, và danh giá.

Thực vậy,  cải thiện những cơ hội, và điều kiện tiếp cận với các định chế giáo dục phải là dự án làm việc cho tất cả mọi người trong chúng ta.  Tất cả chúng ta đều phải chú ý đến việc làm sao để con em chúng ta có cơ hội tiếp cận được đồng đều ở những trường các em đang theo học. Ý kiến của tòa án không thể ngăn chặn những cá nhân hay định chế giáo dục không cho để ý đến yếu tố bất công vì lý do sắc tộc, hay màu da vẫn. Những bất công đó vẫn còn hiện hữu trên đất nước này. Hiện bây giờ Tòa Án Tối Cao mới chỉ nói về quan ngại của họ đối với chính sách Affirmative Action liên quan đến chủng tộc, song điều này chưa phải là kết luận chung cuộc của vấn đề được đem ra thảo luận- nó mới chỉ là điểm khởi đầu mà thôi. 

Nguyễn Minh Tâm dịch theo báo TIME ngày 24/7/2023

Ghi chú:  Tác giả bài báo này là Olatunde Johnson hiện đang dạy  Luật ở trường Columbia Law School.