5 điều cần làm nếu bác sĩ không lắng nghe bạn kể về bệnh trạng của mình

0
797

Bà Liz Helms nhớ rất rõ nét mặt của bác sĩ nhìn bà khi bà kể về chứng bệnh của bà: Bà bị đau ở xương hàm. Đau dữ lắm khiến bà khó có thể cử động quai hàm, và thường bị co giật bắp thịt ở gần hàm, giống như bị đánh vào quai hàm. Bà nói: “Tôi thấy rõ nét mặt của ông ta. Hình như ông không thèm nghe tôi nói, hay chẳng tin gì vào những lời kể bệnh của tôi.”.

Bà Helms bị chứng bệnh rối loạn những khúc xương kết nối ở gần thái dương. Bà phải mất hơn một năm rưỡi để tranh đấu mới tìm được phương pháp chữa trị đúng cho căn bệnh của bà. Chính vì là nạn nhân sự lơ là của bác sĩ, bà đứng ra theo đuổi sự nghiệp bênh vực quyền của bệnh nhân. Bà lập ra tổ chức California Chronic Care Coalition, và lập ra một địa chỉ trên mạng lấy tên là My Patient Rights với mục đích giúp đỡ những ai không hài lòng, thỏa mãn với việc chăm sóc sức khỏe của bác sĩ. Bà nói: “Tôi quyết định đứng ra làm việc này bởi vì tôi không phải là người duy nhất…phải chịu hoàn cảnh bất công, vô lý này.”.

Sự truyền đạt, nói chuyện, khó khăn giữa bệnh nhân và y sĩ không phải là điều mới lạ. Nhưng một số chuyên gia cho biết càng ngày càng có nhiều báo cáo cho biết bệnh nhân có cảm tưởng rằng người y sĩ làm ngơ không thèm để ý đến nỗi quan ngại, lo lắng của người bệnh. Ông James Jackson, Giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Thái Độ Của Bệnh Nhân ở bộ phận ICU- Chăm sóc đặc biệt- của bệnh viện Vanderbilt ở Nashville kể:”Nếu như mỗi lần tôi nghe kể về lời than kiểu này tôi sẽ được tặng $1 đô la, hẳn là tôi sẽ trở nên giàu có, bởi vì có vô số lời than phiền.”. Ông Jackson thường làm việc với những bệnh nhân bị bệnh mãn tính, đa số thường cảm thấy như mình bị làm ngơ, hay xem xét qua loa cho xong việc. Đại khái là bác sĩ thường vội vàng kết thúc câu chuyện bằng cách nói: “Trông ông hay bà tốt lắm, cứ tiếp tục dùng thuốc theo liều lượng cũ đi. Tháng tới quay lại gặp tôi.” Thái độ đuổi khéo kiểu đó không những làm cho bệnh nhân bực bội, bất mãn, mà con dẫn đến tình trạng chẩn đoán bệnh sai, hay trì hoãn việc chữa trị.

Nếu bạn nghi ngờ bác sĩ của bạn không lắng nghe lời kể về căn bệnh của bạn, các chuyên gia đề nghị bạn nên sử dụng những chiến lược sau đây: 

  1. Dành riêng một thời gian để chuẩn bị cho cuộc hẹn:

Bác sĩ Ann Maria Hester đề nghị bạn nên tập dượt cách trình bày với bác sĩ về căn bệnh của mình, những triệu chứng của căn bệnh. Tốt nhất là ngắn gọn trong khoảng một phút. Bác sĩ Ann Maria Hester là chuyên gia bệnh nội thương, và là tác giả cuốn sách Patient Empower 101. Bà đề nghị là bệnh nhân nên tập trung kể về hiện tượng củ chứng bệnh, thời gian kéo dài bao lâu, và những yếu tố làm  cho bệnh giảm bới, hay trầm trọng thêm. Chuẩn bị sẵn mức độ đau đớn từ 1 đến 10, nằm ở khoảng nào. Bà Hester nói thêm bệnh nhân cần nói rõ cơn đau rất nặng – sharp- hay chỉ đau nhẹ- dull, càng chính xác bao nhiêu càng khiến cho bác sĩ phải chú ý đến bệnh trạng của bạn.\

  1. Đặt những câu hỏi cụ thể, rõ ràng.

Nếu bạn và bác sĩ không nói chuyện dễ dàng hiểu nhau, bạn nên dành quyền chủ động trong cuộc hẹn, vì bạn hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình, nên đặt những câu hỏi thông minh, đòi hỏi phải có câu trả lời rõ ràng. Ví dụ: Lý do đưa đến vấn đề sức khỏe của tôi là do từ đâu mà ra? Tên của chứng bệnh của tôi theo sự chẩn đoán của bác sĩ là gì? Liệu rằng cách trị liệu sẽ giúp chữa lành bệnh hoàn toàn, hay sẽ còn tiếp tục kéo dài thêm? Những triệu chứng nào sẽ còn thấy trong tương lai? Khi nào có kết quả xét nghiệm, làm sao có được kết quả đó? Nếu bác sĩ giải thích điều gì mà bạn không hiểu, nên hỏi lại ngay: Xin bác sĩ giải thích rõ hơn về điểm này. Hay Bác sĩ có thể cho biết thêm chi tiết về điểm này hay không?

  1. Đem theo người nhà đến gặp bác sĩ.

Khi bà Courtney Quinn bị ung thư vú, mỗi lần đi gặp bác sĩ bà đều đem theo ông chồng đi cùng. Hai vợ chồng xem cuộc hẹn như một buổi họp công vụ nghiêm túc. Họ chuẩn bị rất kỹ cho cuộc hẹn: mục đích của cuộc hẹn, câu nào nào đặt ra, cảm nghĩ bất mãn ra sao?…Hai vợ chồng bổ túc cho nhau khi nói chuyện với bác sĩ 

  1. Nên nói liên tục, không ngập ngừng, e dè gì cả

Nếu bác sĩ không đề cập đến vấn đề chính của bạn, bạn nên nói lại cho rõ, hoặc nói với chữ dùng khác đi một chút, nhưng vẫn giữ ý cũ. Nếu vẫn không có kết quả, bà Hester đề nghị bạn nên đặt thẳng vấn đề bằng cách nói: “Hình như bác sĩ không nhìn thẳng vào mắt tôi khi nói chuyện, tôi nghĩ bác sĩ cần phải quan tâm đến mối lo ngại của tôi. Đó là điều rất quan trọng.”.. Hay bạn có thể nói: “Tôi lo ngại bệnh tình của tôi sẽ trở nên trầm trọng hơn, xin bác sĩ cho biết rõ thêm..”. Hoặc bạn có thể nói: “Tôi hiểu bác sĩ còn nhiều bệnh nhân đang chờ gặp, nhưng tôi không cảm thấy thoải mái với mức độ hiểu biết về bệnh trạng của mình như hiện nay. Ông nghĩ sao khi tôi phải đợi thêm vài tuần nữa với tâm trạng như vậy?”

  1. Trả lời bản thăm dò ý kiến, và nghĩ đến việc đổi bác sĩ khác.

Nếu bạn không hài lòng với bác sĩ của mình sau hai hay ba lần hẹn gặp. Có lẽ đã đến lúc bạn nên đổi chương trình bảo hiểm y tế khác. Bạn cũng nên nói thẳng ra cảm nghĩ của mình về người bác sĩ này. Bà Hester nhớ lại 25 năm trước bà từng bị nghe một bệnh nhân than phiền bà không chú ý đến lời kể bệnh của tôi. Bà Hester nhớ rõ nét mặt của người bệnh nhân đó cho đến hàng chục năm sau. Trông bà ấy rất buồn, và chán nản. Từ đó về sau, bà Hester luôn luôn lắng nghe lời kể về bệnh trạng của các bệnh nhân.

Nguyễn Minh Tâm  dịch theo báo TIME