Tôi Có Nên Dùng Loại Thuốc Để Ngăn Ngừa COVID Trường Kỳ?

0
1038

Một nghiên cứu gần đây tìm thấy rằng có một số thuốc giúp chúng ta giảm nguy cơ bị COVID trường kỳ- long COVID – nếu chúng ta dùng nó ngay sau khi vừa mới chớm bị lây nhiễm COVID. 

Loại thuốc đem lại kết quả hứa hẹn nhiều nhất là Paxlovid, thuốc này thường được dùng để chữa COVID-19 dành cho những người có rủi ro bị bệnh nặng, những người lớn tuổi có sẵn trong cơ thể một số bệnh nền. Vào ngày 23 tháng Ba vừa qua, cuộc nghiên cứu ứng dụng trên 280,000 người, tìm thấy rằng những người thuộc nhóm này nếu dùng thuốc Paxlovid trong vòng năm ngày sau khi bị lây nhiễm sẽ giảm được 26% nguy cơ có những triệu chứng bị COVID trường kỳ sáu tháng sau.

Một loại thuốc hấp dẫn khác chính là thuốc Metformin viên thuốc thường được dùng để chữa bệnh Tiểu Đường Loại 2 kể từ thập niên 1990’s. Nghiên cứu cho thấy thuốc Metformin cũng có công dụng chống lại vi rút. Nghiên cứu mới đây cho thấy những người béo mập phải dùng thuốc Metformin khi bị lây nhiễm COVID-19  giảm được 40% nguy cơ bị COVID trường kỳ so với những người không dùng Metformin.

Liệu công chúng có nên nghĩ đến việc dùng hai loại thuốc kể trên để tránh bị COVID trường kỳ hay không? Các chuyên gia cho rằng vẫn còn quá sớm để đề nghị làm điều này. Mặc dù những kết quả nghiên cứu xem ra rất hứa hẹn, song nó cần được kiểm chứng lại trước khi đưa đến quyết định về y khoa. Bác sĩ Harlan Krumholz dạy ở trường y khoa đại học Yale nói; “Chúng ta thường phải suy nghĩ rất nhiều trước khi quyết định. Nếu khuyên mọi người nên dùng loại thuốc ngăn ngừa COVID trường một cách vội vàng e rằng chúng ta nhiệt tình thái quá.”. Bác sĩ Krumholz là người nghiên cứu về ảnh hưởng của việc dùng thuốc Paxlovid đối với bệnh COVID trường kỳ.

Việc nghiên cứu cũng cho thấy rằng thuốc Paxlovid không đem lại hiệu quả nhiều về mức độ trầm trọng, và sự kéo dài của COVID đối với những người có rủi ro thấp- lower-risk people. Bác sĩ Krumholz nói chúng ta cần theo dõi nhiều hơn về hiệu quả của loại thuốc này. Cho đến nay tài liệu cho thấy chúng ta không nên đề nghị cho người còn trẻ và mạnh khỏe dùng thuốc này để ngăn ngừa trước. 

Vì thuốc Metformin thường được dùng cho những người bị béo mập, nên bác sĩ David Boulware, dạy ở trường y khoa Minnesota  có ý kiến cho rằng tiêu chuẩn này rất tốt để nghiên cứu vì số  người Mỹ béo mập khá đông. Mùa hè vừa qua, bác sĩ Boulware đã dùng thuốc Metformin cho chính bản thân mình sau khi trông thấy kết quả nghiên cứu. Nhưng ông cũng cho rằng không nên lấy trường hợp cá nhân của một y sĩ để đề nghị cho tất cả mọi người dùng. 

Bác sĩ Anand Viswanathan dạy ở trường y khoa Grossman, New York cũng đồng ý rằng  đề nghị để công chúng dùng thuốc Metformin e rằng quá sớm. Ông nói: “Công trình nghiên cứu cho thấy có dấu hiệu tốt, đầy hứa hẹn, nhưng chúng ta cần phải chứng nghiệm thêm bằng số liệu trước khi để cho công chúng sử dụng.” 

Cả hai loại thuốc Paxlovid và Metformin đều khá an toàn khi dùng chúng. Nhưng chúng cũng có những phản ứng phụ như gây ra đầy hơi đường ruột, đau bắp thịt, mùi vị không ngon khi uống nó vào, chưa kể một số vấn đề nghiêm trọng khác thỉnh thoảng xảy ra, song rất hiếm. Ngoài ra, theo bác sĩ Viswanathan, thuốc Paxlovid cũng tối kỵ đối với một số thuốc thông dụng khác, nên bệnh nhân phải tạm ngừng dùng những loại thuốc đó khi dùng Paxlovid.  Chính vì thế, thuốc Paxlovid chỉ được đề nghị dùng cho những người có rủi ro cao, và không được đề nghị dùng cho những người có rủi ro thấp. 

Bác sĩ Viswanathan còn lưu ý chúng ta một điểm khác là tình trạng khan hiếm thuốc sẽ xảy ra nếu chúng ta tuyên bố ồn ào về hiệu quả phòng ngừa COVID trường kỳ bằng hai loại thuốc trên đây. Ông nói: “Những loại thuốc này là nguồn tài nguyên hạn chế, và có những hậu quả phụ, chúng ta chỉ nên ưu tiên dùng nó cho một nhóm bệnh nhân đặc biệt thực sự đem lại lợi lạc tốt cho họ.”. 

Trong tương lai, những lời khuyên trên đây có thể còn thay đổi khi có thêm những công trình nghiên cứu khác. Vào lúc này, chúng ta chỉ nên dùng Paxlovid và Metformin theo đúng những phương thức cá nhà chuyên môn chỉ định cách dùng hai loại thuốc này. 

Nguyễn Minh Tâm  dịch theo báo TIME ngày 10/4/2023