Những Bài Học Rút Ra Từ Đại Dịch COVID-19

0
773

Hơn ba năm sau khi bị đại dịch COVID-19 hoành hành, tình trạng khẩn cấp trong ngành y tế công cộng Mỹ vừa được chính thức công bố đã chấm dứt vào ngày 11 tháng Năm năm 2023. Đây là thời điểm cho chúng ta cơ hội suy ngẫm lại về những thành công, và những bước thụt lùi, những cạm bẫy, và những khó khăn, thất bại trong lúc chúng ta đối phó với bệnh dịch. Trong tương lai khi xảy ra những khủng hoảng về y tế, chúng ta có trách nhiệm phải cải tiến cách đối phó với những cuộc khủng hoảng bằng việc sửa những thất bại từng gặp phải khi đối phó với đại dịch COVID-19.

Tôi là một giáo sư nghiên cứu cao cấp tại Viện Y Tế Quốc Gia, tôi đứng đầu một nhóm chuyên gia có trách nhiệm phát minh ra thuốc chủng ngừa COVID-19. Trong lúc duyệt xét lại cuộc chiến đấu của chúng tôi đối với con vi rút ác độc này, từ giai đoạn tiên phong ở tuyến đầu cho đến giai đoạn sau cùng, tôi phát hiện ra ba điều nổi bật:

Trước hết là chính phủ cần phải thay đổi mô thức quyết định trọng điểm nào cần nghiên cứu ở cấp chính phủ liên bang. Chúng ta cần phải có thái độ, khảo hướng tích cực – proactive- thay vì thái độ tiêu cực, chỉ phản ứng khi xảy ra biến cố- reactive. Có tất cả 23 dòng họ, gia đình, hay nhóm vi rút đưa đến sự lây nhiễm vào con người, và tình trạng nghiên cứu mỗi loại vi rút khác nhau rất nhiều. Tôi được giao trách nhiệm chỉ đặc biệt nghiên cứu về loại coronaviruses, và chúng tôi đã đạt được nhiều thành quả trước khi đại dịch xảy ra. Thành công mà chúng tôi đạt được không phải là do chúng tôi nhận được ngân khoản đặc biệt ngoại lệ từ chính phủ, mà chẳng qua vì chúng tôi muốn kết thúc sự hiểu biết về khoa học của coronavirus, đặc biệt về những đe dọa có thể trở thành bệnh dịch lớn trong trường hợp bệnh dịch SARS-1 và MERS. 

Người ta thường xem việc phát minh ra thuốc chủng ngừa trong Phase 1- Giai đoạn đầu hay giai đoạn thử nghiệm- chỉ mất có 66 ngày là một “phép màu”, nhưng lẽ ra chúng ta có thể đạt được kết quả này nhanh hơn, với hiệu quả tốt hơn, nếu như chúng ta có được nhiều ngân khoản từ trước khi xảy ra đại dịch. Khi khen ngợi rằng chúng ta đã thành công nhanh chóng, thực ra là nhờ may mắn mà thôi, suýt nữa thì bệnh dịch đã đi vào tình trạng vô cùng tệ hại. Sự hiểu biết của chúng ta về các họ vi rút khác, ngoài coronaviruses, ở mức rất yếu kém. Nếu như một mầm bệnh của những loại vi rút này bộc phát, thời gian đợi chờ để tìm ra thuốc chủng thử nghiệm có lẽ sẽ phải mất đến 600 ngày, không phải 66 ngày. 

Tôi mong muốn chúng ta nên đầu tư thêm nhiều tiền vào việc nghiên cứu mỗi loại vi rút trong số 23 dòng họ vi rút có thể lây nhiễm gây thương vong cho con người. Viện Y Tế Quốc Gia nên phác thảo kế hoạch, ghi dấu các giai đoạn nghiên cứu dành cho từng nhóm vi rút để chúng ta có thể sẵn sàng đối phó nhanh chóng khi con vi rút bùng phát, tấn công chúng ta, hay bắt đầu lây lan. Việc đầu tư nghiên cứu các loại vi rút này sẽ tốn kém khá nhiều, nhưng vẫn còn rất nhỏ so với sự tốn kém do bệnh dịch COVID-19 gây ra. Theo ước tính đại dịch COVID-19 gây thiệt hại khoảng $16 trillion đô la cho nền kinh tế nước Mỹ, và vô số người bị thiệt mạng. 

Điều thứ hai là những viên chức làm việc trong ngành y tế công cộng cần phải ý thức rằng công tác nghiên cứu tìm ra thuốc chủng ngừa là quan trọng, song việc thông tin truyền đạt tin tức cũng quan trọng không kém. Ngay cả trường hợp nhóm nghiên cứu của chúng tôi tìm ra được những điều quan trọng, có bằng cớ rõ ràng cũng không thể đạt được hiệu quả trọn vẹn nếu chúng ta không làm được việc truyền đạt thông tin chính xác, đầy đủ cho công chúng. Những người phụ trách thông tri, truyền đạt tin tức trong ngành y tế công cộng phải dự phòng trước phản ứng của con người, và tầm mức hiểu biết của họ đến đâu, đây là việc làm rất khó, giống như đu dây trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất là khi có bối cảnh chia rẽ cực kỳ đối chọi về chính trị. Rõ ràng, có lương tâm, trung thực và có sự đồng cảm là những nỗ lực rất khó, song phải làm cho được đối với công chúng, nhất là khi công chúng đang ở trạng thái lo âu, tinh thần bất an. 

Quan chức lãnh đạo ngành y tế công cộng cần phải ý thức rằng đôi khi người đi nhắn tin cũng quan trọng không kém gì nội dung của tin tức. Thay vì chỉ trông cậy nhiều vào giới chức lãnh đạo ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, chúng ta nên nhờ những tiếng nói trung thực, đáng tin cậy ở các cộng đồng rải rác trên khắp đất nước, từ các y sĩ đến những nhân viên y tế trong cộng đồng hay các dược sĩ.

Một khi được tin tưởng giao phó trách nhiệm truyền đạt tin tức, giới lãnh đạo cộng đồng sẽ giữ vai trò hết sức quan trọng và làm được nhiều điều tốt trong lúc đại dịch diễn ra. Tôi muốn trông thấy chúng ta xây dựng được một mạng lưới mạnh cho phép giới chức lãnh đạo ở Bạch Cung và ở Trung tâm Ngăn Ngừa và Kiểm Soát Bệnh Dịch – CDC-  chia sẻ thông tin liên quan đến tình hình y tế công cộng với những giới lãnh đạo ở địa phương- trên căn bản thường xuyên, hàng tuần hàng tháng, chứ không phải chỉ khi nào xảy ra khủng hoảng. 

Cuối cùng, chúng ta phải hiểu rằng giới chức y tế không thể một mình họ có thể giải quyết được những khủng hoảng xảy ra, chúng ta phải cộng tác chặt chẽ với công chúng. Do đó, chúng ta phải tăng cường nỗ lực giáo dục cách suy nghĩ sâu sắc, suy nghĩ phản biện, suy nghĩ đến tận cùng tại các trường học cũng như nơi làm việc. Làm như vậy để khi người nào muốn nghiên cứu, tự tìm hiểu vấn đề, họ sẽ có thể đạt được những kết luận hợp lý. 

Vấn đề vừa nói ở trên trở nên khó khăn trong ít năm gần đây vì có rất nhiều nội dung sai trái, nhảm nhí, xuất hiện trên các trang mạng xã hội. Phần lớn những tin tức họ đưa ra đều sai lầm, có khi mang ý đồ xấu, và rõ ràng là tin tức dối trá, tin tức đểu. Chúng ta cần phải giúp mọi người phân biệt được đâu là sự thực, và đâu là giả tưởng. Điều này sẽ giúp chúng ta thắng được bọn buôn bán thuốc lang băm. Bọn lừa đảo này cố tình gây hiểu lầm, để cho chúng dễ bề loan truyền những điều dối trá.

Muốn làm được những thay đổi trên đây không phải là điều dễ. Thay đổi nào cũng tốn tiền, mất thời gian và khó áp dụng. Nhưng chúng ta đã chứng kiến hậu quả như thế nào khi đại dịch xảy ra nếu chúng ta cứ giữ nguyên trạng, không chịu thay đổi. Chúng ta không cho phép mình được an nhiên tự tại rơi vào khảo hướng trước đây với nhiều khuyết điểm.

Bài phân tích của Giáo sư Corbett  trên báo TIME ngày 22/5/23

Nguyễn Minh Tâm dịch

Ghi chú:  Giáo sư Kizzmekia S. Corbett dạy về Y Tế Công Cộng ở trường T.H. Chan School of Public Health thuộc Đại học Harvard. Ông được báo TIME vinh danh là một trong số 100 người có uy tín nhất trên thế giới.