NGUYỄN ĐÌNH TOÀN (1936-2023) – NÉT NGHỆ THUẬT VIỄN MƠ GIỜ U UẨN

0
1915
Nguyễn Đình Toàn và Trần Chí Phúc (2006 )

                          Trần Chí Phúc

Thường một nghệ sĩ được gọi chỉ một danh xưng, nhưng đối với Nguyễn Đình Toàn thì phải gọi là nhà văn nhạc sĩ mới đầy đủ; vì ông có nhiều tài năng về văn nghệ. Bao nhiêu người nhắc đến giọng đọc cùng lời văn của ông trong chương trình giới thiệu nhạc chủ đề trên đài phát thanh Sài Gòn trước năm 1975, đã quyến rũ nhiều thính giả.

Trước năm 1975, bản Tình Khúc Thứ Nhất của Vũ Thành An, phổ thơ Nguyễn Đình Toàn có nét nhạc thanh thoát và lời ca bay bỗng được yêu thích.

 Sau năm 1975, một anh bạn từng là cựu tù cộng sản kể rằng trong lúc cả bọn đang cuốc đất khổ sai, thì một anh dừng cuốc và hát câu “ Đường về quê xa lắc lê thê, trót nghe theo lời u mê” trong bài ca nêu trên mà thấm thía nỗi buồn. Lời ca đó ám chỉ Việt Cộng đã ra lệnh cho các sĩ quan, viên chức chế độ Việt Nam Cộng Hòa thua trận, trình diện học tập chỉ 10 ngày; nhưng đó là lời lừa gạt, vì thực tế ít nhất là 3 năm, có người mười mấy năm, có người bỏ mạng.

Rồi bản Em Đến Thăm Anh Đêm Ba Mươi có lời ca : “Anh nói với người phu quét đường, xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em” thật lãng mạn, làm say đắm giới học sinh sinh viên thời ấy, sau này tôi mới biết đó là ca từ của Nguyễn Đình Toàn.

Nguyễn Đình Toàn là nhà văn nhưng cũng là nhạc sĩ viết ca khúc, và đây là ưu điểm giúp ông thực hiện chương trình nhạc chủ đề trên đài phát thanh Sài Gòn được mọi người nhớ mãi.

Sau khi Miền Nam Tự Do với thủ đô Sài Gòn thất thủ thì Nguyễn Đình Toàn bị tù Cộng sản 10 năm – thật là đau đớn vì thơ văn và ca nhạc của ông chỉ là thuần túy văn nghệ viễn mơ. Thử nghĩ ông sinh năm 1936, lúc sa cơ thất thế thì tuổi là 39 – đang thời sung mãn sáng tác của một nghệ sĩ, và gia đình con cái khổ nạn. Nhớ câu người xưa nói “ nước mất nhà tan “ thật là thấm thía!

Lúc ông còn kẹt ở trong nước thì ca khúc Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên của Nguyễn Đình Toàn được phổ biến rộng rãi ở hải ngoại có câu mở đầu “ Sài Gòn ơi ta mất người như người đã mất tên”, rồi một số ca khúc của ông mang nỗi buồn thân phận quê hương như “ Tôi cố bám lấy đất nước tôi bằng sức người vô hạn…”

Có lẽ sau này, thấy rằng trải tâm sự mình qua ca khúc thì dễ phổ biến hơn là thơ văn, cho nên ông viết nhiều ca khúc – tài văn chương của ông thể hiện qua những ca từ sâu sắc trong các bài hát – đây là nét riêng của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn.

Năm 2006 ông phát hành 2 cuốn sách Bông Hồng Tạ Ơn 1 và 2, ghi vắn tắt tiểu sử và sự nghiệp của mấy trăm ca nhạc sĩ và có ra mắt cuốn này tại thành phố San Jose, California. Là nhà văn nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn từng thực hiện các chương trình nhạc chủ đề, cho nên ông có dịp tìm hiểu và biết nhiều về các ca nhạc sĩ thời đó mà viết cuốn này.

Trong buổi ra mắt sách này năm 2006, thì nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng có đưa ra lời nhận xét rằng, đây là một tác phẩm không được trau chuốt tỉ mỉ bằng các tác phẩm của Nguyễn Đình Toàn trước đây.

Hôm nay suy gẫm lại thì theo năm tháng trôi đi với dòng lịch sử nghiệt ngã, dưới sự cai trị của chế độ Cộng Sản lúc nào cũng muốn xóa bỏ dư hương của văn học nghệ thuật Việt Nam Cộng Hòa, thì 2 cuốn Bông Hồng Tạ Ơn, trở thành tài liệu quí giá đóng góp vào thư viện văn học nghệ thuật Sài Gòn của Miền Nam Tự Do mà Cộng đồng Người Việt Hải Ngoại tiếp tục gìn giữ.

Trong một lần trao đổi câu chuyện văn nghệ thì anh Nguyễn Đình Toàn nói rằng “ nhạc của cậu là nhạc thời sự ”. Những năm sau này rảnh rỗi, tôi muốn thăm anh để hỏi kỹ càng về một thời văn học nghệ thuật Sài Gòn năm xưa nhưng anh sức khỏe kém và tôi không có dịp; thật là tiếc.

Anh là nhà văn với nhiều tác phẩm, cuốn Áo Mơ Phai đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc, nhạc của Nguyễn Đình Toàn được hát trên băng nhạc Thúy Nga; hai đêm nhạc Nguyễn Đình Toàn thực hiện tại Quận Cam đông đảo khách tham dự.

Anh là một nghệ sĩ tài hoa trong sinh hoạt văn học nghệ thuật của Miền Nam Tự Do – nét viễn mơ lãng mạn đó cũng là nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng thủ đô Sài Gòn đã thất thủ, kéo theo bao nhiêu thứ tan nát.

Tôi vẫn nhớ nét mặt suy tư u uẩn của anh; mười năm tù đày, đất nước dân tộc vẫn còn nằm trong chế độ độc tài tham nhũng. Những văn nghệ sĩ một thời hoa mộng lần lượt giã từ nhân thế, còn lại là tác phẩm văn chương âm nhạc, trong đó có nhà văn nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn.

  Đầu tháng 12-2023

 Ghi chú hình :

Nguyễn Đình Toàn và Trần Chí Phúc (2006 )