Giã biệt nhạc sĩ Đan Thọ tác giả nhạc phẩm Chiều Tím 

0
1309

 Trần Chí Phúc

Tin nhạc sĩ Đan Thọ tác giả nhạc phẩm Chiều Tím qua đời ngày 4-9-2023, tại Texas, Hoa Kỳ, hưởng thọ 99 tuổi, gợi nhớ kỷ niệm ca nhạc thời niên thiếu của tôi ở quê nhà.

Thời học sinh tôi đàn và hát bản Tình Quê Hương của Đan Thọ phổ thơ Phan Lạc Tuyên. “ Anh về qua xóm nhỏ, em chờ dưới bóng dừa, nắng chiều lên mái tóc, tình quê hương đơn sơ...”

Lời thơ tả cảnh quê hương, có mẹ hiền, có người em gái, rất thi vị. Tài phổ nhạc của Đan Thọ rất khéo, vẫn giữ nguyên lời thơ năm chữ, nhưng câu nhạc có biến đổi nhịp điệu để bài hát không bị đơn điệu. Sự khác biệt giữa phổ nhạc bài thơ và hát bài thơ nằm ở chỗ này. Vì khi nhạc sĩ phổ nhạc bài thơ, hoặc là lấy nguyên bài thơ, hoặc là lấy một đoạn thơ, hoặc là lấy ý thơ, hoặc là sửa vài chữ của thi sĩ cho hợp với nốt nhạc trầm bỗng, hoặc là đặt thêm lời ca vào. Trong các trường hợp nêu trên, thì thi sĩ hài lòng nhất là nhạc sĩ giữ nguyên bài thơ.

Nhưng cho dù có khéo léo đến mấy và tài năng của nhạc sĩ tuyệt diệu cỡ nào thì khi đưa nhạc vào bài thơ thì nét nhạc cũng phải bị gò bó theo lời thơ, nhất là các dấu sắc huyền hỏi ngã nặng của ngôn ngữ Việt Nam. Do đó bài hát mà Đan Thọ phổ thơ Phan Lạc Tuyên mang tên Tình Quê Hương, dù kỹ thuật phổ nhạc tinh tế nhưng giai điệu vẫn bị vướng vào bài thơ.

Cho đến khi nhạc phẩm Chiều Tím ra đời thì khác hẳn. Trong ấn phẩm thì ghi là nhạc Đan Thọ , thơ Đinh Hùng; nhưng ở đây Đan Thọ cảm hứng viết nên một nhạc khúc không lời, sau đó nhờ thi sĩ Đinh Hùng đặt lời ca vào. Ở bản Tình Quê Hương thì thơ có trước rồi nhạc có sau, ở bản Chiều Tím thì nhạc có trước rồi lời thơ theo sau.

Tôi không gọi lời ca mà gọi là lời thơ trong bản Chiều Tím, vì thi sĩ Đinh Hùng đã thổi hồn thơ bay bỗng vào nhạc khúc. Vì chữ nghĩa thì phong phú với hàng trăm, hàng ngàn chữ; trong khi đó nhạc thì chỉ có 7 nốt cộng thêm thăng giảm thì tổng cộng là 12 nốt, cộng thêm nốt thấp nốt cao lập lại 3 lần thì tối đa là 36 nốt. Do đó khi đặt lời ca sau khi có nhạc thì nguồn chữ đa dạng hơn là đặt nhạc sau khi có lời thơ.

Nét nhạc của Đan Thọ bay bướm, có lẽ ông dùng vĩ cầm để sáng tác bản Chiều Tím cho nên khi nghe giai điệu bản này, tôi tưởng tượng ra cái đầu của ông nghiêng về cây đàn đặt trên vai, những ngón tay trái rung trên dây đàn và tay phải cầm “cây vĩ ” kéo nhịp nhàng để “dây vĩ “ cạ vào dây đàn mà tạo nên những âm thanh dịu dàng.

Thi sĩ Đinh Hùng cũng biết nhạc và ông đã làm thơ trên những nốt nhạc của Đan Thọ. Khi nghe lời ca của bản Chiều Tím đã thấy hay, nhưng khi tôi ngồi chép lại những lời ca đó, tôi gọi là lời thơ, và làm cho người chép rung động, tưởng như chính mình sáng tạo ra những chữ đó.

Xin chép lại lời ca  bản Chiều Tím:

Lời 1 :“Chiều tím chiều nhớ thương ai, người em tóc dài, sầu trên phím đàn, tình vương không gian, mây bay quan san có hay. Đàn nhớ từng cánh hoa bay, vầng trăng viễn hoài, màu xanh ước thề, dòng sông trôi đi, lúc chia tay còn nhớ chăng. Ai nhớ mắt xanh năm nào, chiều thu soi bóng, nắng chưa phai màu, kề hai mái đầu nhìn mây tím nhớ nhau. Chiều tím chiều nhớ thương ai, còn thương nhớ hoài, đàn ơi nhắn giùm người đi phương nao, nếp chinh bào biếc ánh sao.

Lời 2 :Từ đấy đàn nhớ thanh âm chùng dây vĩ cầm, người xa vắng rồi chiều sang em ơi, thương ai hoa rơi lá rơi. Người ấy lòng hướng trăng sao, hồn say chiến bào, tình trong phiến đàn mùi hương chưa phai, ý giao hoan người nhớ chăng. Mây gió bốn phương giăng hàng, mùa thu thêu áo nét hoa mơ màng, và em với chàng kề vai áo vấn vương. Chiều hỡi đàn nhớ mong nhau, tình thương bắc cầu, người đi hướng nào, tìm trong chiêm bao, tóc bay dài gió viễn khơi.

Cần nên nói rằng lời ca của thi sĩ Đinh Hùng đặt cho giai điệu của nhạc sĩ Đan Thọ, để nhạc và lời trở thành ca khúc Chiều Tím – là một kiểu mẫu tuyệt diệu để cho người sau học hỏi, bắt chước khi muốn đặt lời ca cho một nhạc phẩm sao cho hay.

Với nét nhạc hay, lời ca ( lời thơ ) hay làm cho bản Chiều Tím trở thành bất tử trong vườn hoa ca nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ Đan Thọ dù ra đi, dù sáng tác không nhiều nhưng chỉ riêng một bản Chiều Tím cũng đủ cho giới thưởng ngoạn nhớ tới ông nhiều. Và thi sĩ Đinh Hùng cũng là một người đặt lời ca hoa mộng để hậu thế ngưỡng mộ.

Thời tôi còn ở Sài Gòn, khoảng năm 1976, bạn tôi Phạm Kiên Hoàng thường ôm cây ghi ta độc tấu bản Chiều Tím. Bạn soạn đơn giản với các hợp âm Mi trưởng, La trưởng, Đô thăng thứ, Si bảy với các thế bấm không cầu kỳ trên cần đàn. Nhưng đây cũng là điểm đặc biệt vì những người biết đàn Tây Ban Cầm đều có thể tập được bản Chiều Tím khi nghe và xem người chơi bản này.

Tôi bắt chước tập bản Chiều Tím và mang nó theo khi vượt biển sang Canada năm 1979, rồi qua Hoa Kỳ. Thỉnh thoảng có những đêm buồn, ngồi ôm ghi ta độc tấu bản này làm cho bằng hữu thích thú. Tôi không nhớ hết những chi tiết cầu kỳ, nhưng vẫn giữ được cái hồn của bản độc tấu. Điều cần nhất là tiếng đàn phải ngọt ngào.

Các bạn đã từng nghe nhiều ca sĩ hát bản Chiều Tím, nhiều ban nhạc hòa tấu bản này. Nhưng tôi tin rằng đây là lần đầu bạn nghe độc tấu Tây Ban Cầm bản Chiều Tím.

Nghe tin nhạc sĩ Đan Thọ qua đời, lòng tôi bồi hồi, đem đàn ra tập lại bản Chiều Tím và thu hình đưa lên Youtube để bằng hữu thưởng thức; để ghi lại rằng một thời mình đã yêu nhạc Classic Guitar- Tây ban cầm cổ điển- một thời tuổi trẻ yêu đàn, yêu ca nhạc thơ văn. Hôm nay tuổi đã bảy mươi, ngón tay đã cứng và mau mỏi nhưng cũng ráng. Cảm hứng từ bản Chiều Tím mà viết câu ca : “Người đi vỡ Tây Ban Cầm. Từ đây đời thiếu thanh âm.”

Mời nghe và xem độc tấu Tây Ban Cầm bản Chiều Tím để tưởng nhớ nhạc sĩ Đan Thọ: 

https://www.youtube.com/watch?v=ss_RR-C_Gwo