Điểm Danh Ứng Cử Viên Cộng Hòa Ra Tranh Cử Tổng Thống 

0
1192

Tôi đố bạn biết làm cách nào để thắng được một đối thủ chính trị có nhiều thành tích không ai ngờ được? Tuần trước, khi Bộ Tư Pháp khởi tố ông Donald Trump về những tội danh liên quan đến việc cất dấu hồ sơ mật, ông trở thành vị cựu tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ bị tòa án liên bang khởi tố,  song đồng thời ông cũng là người đang dẫn đầu trong kỳ tranh cử Tổng thống ở vòng sơ bộ. Nên nhớ rằng Ông Trump ra tranh cử chức Tổng thống tức là chức Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ mà theo hồ sơ khởi tố ông đang phải đối mặt với 37 tội danh, kể cả tội từ chối không giao trả văn khố quốc gia hồ sơ mật, đến những hồ sơ liên quan đến vũ khí nguyên tử, có ảnh hưởng đến vận mệnh của Hoa Kỳ cũng như đồng minh, và cả kế hoạch tấn công quân sự đánh một nước  ngoại quốc thù địch với Mỹ. Khi mới ra tranh cử lần trước, ông Trump đã lên án nặng nề đối thủ của ông, bà Hillary Clinton, về việc bà cất giữ những thông tin nhạy cảm. Bây giờ chính ông bị kết tội là đã đòi hỏi luật sư của ông “dấu và tiêu hủy tài liệu”, và để những người không có thẩm quyền được xem những hồ sơ mật. Ví dụ, có một lần tại sân đánh golf, ở New Jersey ông còn cho khách đánh golf biết rằng ông đang có tài liệu mật về kế hoạch quân sự tấn công Iran. Trong cuốn video thu âm, ông khẳng định với vị khách rằng đây là tài liệu mật, chưa có ai biết cả.

Lời cáo buộc của tòa án liên bang được đưa ra hai tháng sau khi ông từng bị tòa án ở Manhattan kết án 34 tội danh liên quan đến việc dùng tiền để bịt miệng cô tài tử phim dâm vì ông đã từng có quan hệ tình ái với cô ta. Những lời kết tội này đều bị ông chối bay,chối biến. Sau đó thì uy tín của ông lại tăng mới lạ. Sau vụ bị tòa án liên bang kết tội dấu hồ sơ mật không chừng kết quả thăm dò dư luận lại cho thấy ông được thêm sự ủng hộ của cử tri. Như vậy, chắc hẳn là ông sẽ thắng lớn trong Đảng Cộng Hòa. Kết quả sẽ ra sao còn tùy thuộc vào chiến lược tranh cử của những đối thủ của ông trong Đảng Cộng Hòa. 

Ông Chris Christie, cựu Thống đốc New Jersey, trong cuốn sách ông viết mang tựa đề “Làm Sao Để Cứu Nguy cho Đảng Cộng Hòa – “Republican Rescue”– Ông phác họa kế hoạch người trong đảng Cộng Hòa có thể dùng để loại trừ được ảnh hưởng chế ngự của ông Trump, và có thể dành lại được Bạch Cung cho đảng Cộng Hòa. Ông viết: “Những xâu xé trong nội bộ đảng cần phải chấm dứt, và tình trạng lún sâu trong vũng bùn cấu xé nhau sẽ phải trở thành chuyện trong quá khứ. Chúng ta phải trở thành một đảng chấp nhận sự thật dù cho sự thật đó hết sức đau lòng.”. Đây là một thông điệp nghe ra hết sức phi lý. Hồi năm 2016, chính ông Christie đã hết lời ca ngợi ông Trump là  “một con người xuất chúng, có lòng nhân hậu, tử tế, và đàng hoàng đầy đủ tư cách.”. Vậy mà bốn năm sau, ông thay đổi lập trường. Trước đó, ông còn làm cố vấn cho ông Trump chuẩn bị tranh luận đề có thể tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ. Nhà xuất bản sách của ông còn đề cao ông Christie là “người bạn thân khá lâu của ông Trump, và biết rất nhiều điều riêng tư của ông Trump.”.

Tuần trước, ông Christie chính thức tham gia vào cuộc tranh cử sơ bộ giữa những ứng cử viên Cộng Hòa. Trong bài diễn văn ở New Hampshire, khai mào cho cuộc vận động tranh cử, ông miệt thị ông Trump là “ một con heo cô đơn, ích kỷ, tự mãn”. Triển vọng hóa thân của ông Christie đang từ một kẻ trung thành với Trump, nay trở thành kẻ miệt thị Trump, coi bộ không mấy tốt đẹp. Kết quả thăm dò của đài CNN hơn 60% cử tri Cộng Hòa nói họ sẽ không bao giờ bầu cho ông Christie. Như vậy liệu ông Christie có đủ miệng lưỡi để thuyết phục được cử tri Cộng Hòa rằng ông Trump không xứng đáng làm Tổng thống hay không? Một nhân vật khác còn ở vị thế rất thấp trong đảng Cộng Hòa cũng ra tranh cử là ông Asa Hutchinson, cựu Thống đốc Arkansas. Ông này khuyên ông Trump nên”tôn trọng chức vụ Tổng thống, và cần phải chấm dứt việc ra tranh cử.”. Nhưng ông Hutchinson chỉ ghi danh ra tranh cử thôi, ông đứng ở vị thế rất yếu. Có lẽ cần phải có một ứng cử viên mạnh hơn?

Phó Tổng thống cho ông Trump ngày xưa là ông Mike Pence cũng ra tranh cử kỳ này. Giống như ông Christie, ông hy vọng với sự thành thật của mình, ông sẽ được cử tri mến chuộng. Đa số cử tri thuộc đảng Cộng Hòa đều né tránh không muốn nói  gì đến vụ gây rối loạn ở trụ sở Quốc Hội Mỹ ngày 6 tháng Giêng, ngoại trừ ông Pence. Trong cuộc nói chuyện với cử tri ở Des Moines tuần trước ông Pence nói rằng dân chúng Mỹ: “có quyền được biết rõ rằng chính ông Trump đã dồn ông Pence vào thế phải chọn lựa giữa ông ta và Hiến Pháp. Rồi ông nói thêm: “Bấy giờ cử tri một lần nữa phải làm sự chọn lựa tương tự. Phải chăng bất cứ kẻ nào cho rằng mình đứng trên cả Hiến Pháp, kẻ đó không bao giờ đáng làm Tổng thống thêm một lần nữa.”.

Nhưng chính ông Pence cũng cho người ta thấy có những giới hạn trong nguyên tắc của ông. Khi ký giả đài CNN hỏi ông trong cuộc phỏng vấn vào buổi tối trước khi ông Trump bị truy tố, ông Pence tuyên bố rằng:  “không ai có thể đứng trên luật pháp” nhưng ông cũng đề nghị Bộ Tư Pháp chớ nên buộc tội xếp cũ của ông. Bởi vì làm như thế sẽ gây chia rẽ trầm trọng, và gửi cho thế giới bên ngoài một thông điệp rất tệ hại. Sau khi bản cáo trạng được công bố, ông Pence than rằng: “Ông cảm thấy rất khó chịu khi thấy việc truy tố ông Trump vẫn được tiến hành tiếp.”. Thái độ bênh ông Trump của ông Pence cũng được tìm thấy ở những người từng xem ông Trump là xếp cũ. Chẳng hạn như bà Nikki Haley, cựu thống đốc South Carolina, và từng là đại sứ của Hoa Kỳ ở Liên Hiệp Quốc. Bà kêu gọi nên có một thế hệ mới đứng ra lãnh đạo. Bà hãnh diện là con của một gia đình di dân từ Ấn Độ di cư sang Mỹ, và bà cố tránh không nói gì đến ông Trump, bà không hoàn toàn dứt bỏ ông Trump, hay lên tiếng chê bai, chỉ trích ông Trump, bà giữ cung cách giống như những tín đồ trung thành với ông Trump. Ông Trump chỉ bị ném bùn vào mặt chút xíu vì ông Ron DeSantis, nhưng cũng không hề gì. Ông DeSantis nổi tiếng do làm Thống đốc tiểu bang Florida, những vấn đề về ứng cử viên này đang có mang tính chất riêng tư, cá nhân. Sau khi bắt đầu cuộc vận động tranh cử hơi lọng cọng một chút trên Twitter, ông dành chủ lực vận động mạnh ở Iowa. Ông DeSantis lại vướng mắc vào vụ tranh cãi rối rắm liên quan đến văn hóa, dụng ngữ bí hiểm (liên quan đến giáo dục, dạy lịch sử, và liên quan đến người đồng tính ở Florida), có lẽ ông nhắm đến việc chinh phục sự ủng hộ của tỷ phú Elon Musk, và những cử tri Cộng Hòa “online” nhiều hơn. 

Cho đến hồi đầu tháng này, thăm dò dư luận cho thấy ông Trump vượt xa tất cả các ứng viên trong đảng Cộng Hòa. Ông là người dẫn đầu, ông được sự ủng hộ ít nhất là hơn 50% cử tri Cộng Hòa. Hơn ông DeSantis gần gấp đôi, và ông này đang ở vị trí hàng nhì, cố bám sát ông Trump, san bằng cách biệt. Mặc dù số ứng cử viên lên đến 12 người, song ngoài hai ông dẫn đầu, phần còn lại chẳng có ai được sự ủng hộ trên 10%, tức là hai hàng số. Có một nhân vật khác rất đáng lưu ý, đó là ông Tim Scott, của tiểu bang South Carolina. Ông là người Cộng Hòa Da Đen đầu tiên ở miền Nam được bầu làm Thượng Nghị Sĩ kể từ thời “Reconstruction” tứ là giai đoạn tái thiết miền Nam sau Nội Chiến. Thái độ nhiệt tình, hăng say, vui tươi, khuynh hướng cấp tiến trong vấn đề chủng tộc của ông bắt chước ông Ronald Reagan khiến ông trở thành nổi tiếng, và được nhiều người thân đảng Cộng Hòa ủng hộ tiền để ra tranh cử. Điều này có thể giúp ông dễ dàng được chọn làm ứng cử viên Phó Tổng thống- hay cũng có thể là ứng viên Số 1, nếu vì lý do nào đó khiến cho ông Trump bị lún sâu vào những rắc rối về pháp lý, và ông DeSantis bỗng dưng bị thiêu cháy vì một chuyện không may nào đó. Nếu điều này xảy ra, ông Tim Scott sẽ khiến cho đảng Dân Chủ gặp nhiều khó khăn trong cuộc tổng tuyển cử, mà sự hơn thua sẽ khít khao. 

Sau vụ truy tố về việc cất giấu tài liệu mật, ông Trump sẽ còn phải đối mặt với hai vụ kiện khác nữa- một ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, và một ở Georgia, hay nơi nào khác. Sẽ có nhiều nhân vật phải bỏ cuộc trong một sân đấu rộng lớn vì họ vốn dĩ là những chính trị gia nói dóc, hay là những kẻ lập dị, muốn ra tranh cử để lấy tiếng thôi. Nhưng bản chất của bầu cử ở Mỹ thường kéo dài lê thê, và lên xuống bất thường như ống thủy ngân đo nhiệt độ. Nếu như ông Trump bị tiêu tùng vì những vụ kiện rối rắm, sẽ có một nhân vật trong số ứng cử viên này lọt vào Bạch Cung. Trước mắt chúng ta thấy sự hiện diện của các ứng cử viên trong cuộc tranh cử đang  vẽ ra hình dạng của cuộc đua. Bởi vì những ứng cử viên này đang bày tỏ lập trường chống lại ông Trump theo nhiều khuynh hướng khác nhau, và sẽ làm thay đổi triển vọng thắng cử của ông Trump. Vì lý do đó, câu hỏi thiết yếu nhất cho cử tri Mỹ lúc này không phải là xem ai có thể tự tin tiếp tục tham dự cuộc đua, mà tìm hiểu xem ai có đủ can đảm để nói thẳng, nói thật về con người ông Trump, và cuối cùng xem ai có ý muốn rút lui ra khỏi cuộc đua. 

Nguyễn Minh Tâm  dịch theo THE NEW YORKER  ngày 19/6/2023