Đề nghị với Ông Nam Lộc giải pháp cho các đồng bào vô tổ quốc bị bỏ rơi ở Thái Lan

0
1426

Ts. Nguyễn Đình Thắng. Ngày 13 tháng 4, 2023

http://machsongmedia.org

Thưa anh Nam Lộc,
Trước hết, tôi xin đề nghị giải pháp cho số đồng bào cựu thuyền nhân (và bộ nhân) bị bỏ rơi lại ở Thái Lan, gồm 3 điểm:
 Anh hãy đốc thúc VOICE Canada trình báo với Sở Di Trú (IRCC) những trường hợp có dấu hiệu gian lận đã lấy mất chỗ của những người xứng đáng.Trên căn cứ đó, anh hãy yêu cầu Liên Hội Người Việt Canada (LHNV-Canada) vận động chính phủ mở lại chương trình định cư cho những người xứng đáng nhưng bị bỏ rơi.Trong chuyến đi Thái Lan sắp đến, anh hãy tiếp xúc trực tiếp với số đồng bào bị bỏ rơi để thu thập thông tin cần thiết cho 2 nỗ lực trên.
Xin lưu ý, chương trình nhân đạo của Canada là chương trình đặc biệt chỉ dành cho các người Việt sống không quy chế lâu năm ở Thái Lan, khác với chương trình tư nhân bảo lãnh người tị nạn vẫn có của Canada:
Chương trình định cư nhân đạo đặc biệt: Đối tượng chỉ cần xác minh là đã từ Việt Nam đến Thái Lan trong các năm 1984 – 1991 và đang không có quy chế tị nạn hoặc bất kỳ quy chế hợp pháp nào (without status), gọi nôm na là “vô tổ quốc”. Cuối năm 2012, LHNV-Canada ký Thoả Thuận Thư (MOU) với chính phủ về chương trình này và giao trách nhiệm thực hiện cho VOICE. Tổng cộng 108 người đã đến Canada nhưng hơn 1/3 không hợp lệ trong khi nhiều người xứng đáng lại bị bỏ rơi. Điều 4.3 của MOU đòi hỏi tổ chức đứng tên ký và tổ chức thực hiện phải ngăn ngừa gian lận, tham nhũng và hành vi phạm pháp, và phải báo cáo khi phát hiện. Theo Điều 8, về nguyên tắc chương trình này chưa thể chấm dứt vì nó chưa hoàn tất mục tiêu khi còn nhiều đối tượng vẫn còn kẹt ở Thái Lan.
Chương trình tư nhân bảo lãnh người tị nạn vẫn có: Chương trình này có từ năm 1978 và đến nay đã định cư hơn 327,000 người tị nạn vào Canada. Đối tượng định cư phải được công nhận tư cách tị nạn bởi Cao Uỷ Tị Nạn LHQ (CUTN/LHQ) và/hoặc bởi Sở Di Trú Canada. Nhiều trăm tổ chức vá các “nhóm 5 người” định cư khoảng 22,500 – 30,000 người tị nạn mỗi năm theo chương trình này. Trong số đó, VOICE Canada được phân bổ 50 chỗ.
Bây giờ, tôi xin trả lời những điểm chính mà anh nêu ra trong email đề ngày 4 tháng 4, 2023.
Trong email, anh xác nhận rằng tại buổi họp ngày 14 tháng 11, 2017 với anh, tôi và cựu đại sứ Joseph Rees, LM Namwong cho biết nhiều cựu thuyền nhân còn kẹt lại và khẩn khoản yêu cầu định cư họ. Câu trả lời của tôi khi ấy gồm 2 phần. Thứ nhất, những người này đều không có quy chế tị nạn nên chỉ có thể định cư theo chương trình nhân đạo đặc biệt kể trên và duy nhất VOICE có thể và có trách nhiệm thực hiện việc ấy. Thứ hai, luật sư của BPSOS sẽ lập hồ sơ xin quy chế tị nạn với CUTN/LHQ cho những ai muốn thế; nếu có quy chế tị nạn, họ có thể đi định cư theo diện tị nạn ở bất cứ quốc gia nào sẵn sàng đón nhận. Như thế, họ không cần VOICE đưa vào chương trình định cư nhân đạo đặc biệt.
Anh than rằng LM Namwong yêu cầu nhưng lại không đưa danh sách các cựu thuyền nhân còn kẹt lại. Lẽ ra anh phải chủ động hỏi xin danh sách ấy; những cựu thuyền nhân này là đối tượng phục vụ của VOICE, và anh, khi ấy đang là thành viên hội đồng quản trị, có tư thế và có trách nhiệm để hỏi xin. LM Namwong chắc chắn sẽ cung cấp.
Anh cũng thắc mắc là sao lúc ấy tôi đã không giới thiệu các thuyền nhân bị bỏ rơi với anh để VOICE giải quyết. Lúc bấy giờ tôi chỉ biết lờ mờ về họ qua lời kể của LM Namwong. Mãi đến cuối năm 2018, tôi mới có thông tin chi tiết hơn khi một vài cựu thuyền nhân chủ động liên lạc với tôi để yêu cầu giúp đỡ. Liền sau đó tôi đã nhiều lần và bằng nhiều cách liên lạc với LHNV-Canada, yêu cầu họ phối hợp với VOICE Canada giải quyết các trường hợp bị bỏ rơi, nhưng không đến đâu. Đầu năm nay, một số nạn nhân bị bỏ rơi đã liên lạc trực tiếp với cả 2 tổ chức này và cũng không được hồi đáp. Tháng 3 vừa rồi, tôi lại nhờ người quen nêu vấn đề với người đứng đầu VOICE Canada; tôi nhận về câu trả lời không thiện lành: những người bị bỏ rơi, đấy là lỗi của họ.
Tôi mừng khi anh bày tỏ thiện chí muốn thúc đẩy VOICE giải quyết các trường hợp bị bỏ rơi. Xin anh cho tôi tên và địa chỉ email của Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị và Giám Đốc Điều Hành của VOICE. Tôi sẽ chuyển ngay đến họ các thông tin mà BPSOS đang có về những hồ sơ không hợp lệ đã đi định cư và về những trường hợp xứng đáng nhưng bị bỏ rơi.
Ở đâu đó trong email, anh đổi đề tài và nhắc nhở tôi 2 khoản nợ. Trước hết, tôi nợ VOICE Canada lời cảm ơn vì đã định cư một số người mà anh có dịp tiếp xúc khi ở Thái Lan, do tôi giới thiệu. Họ không khác gì số còn lại trong danh sách 50 người của VOICE – hầu hết được quy chế tị nạn là do luật sư của chúng tôi can thiệp thành công với CUTN/LHQ. Trong số đó nhiều người còn được chúng tôi cứu gỡ khi bị cảnh sát Thái bắt, hoặc được can thiệp để ra khỏi trại giam của sở di trú (IDC), hoặc được cấp phát khoản trợ cấp khẩn cấp trong tình huống đặc biệt — 8 gia đình đã nhận tổng cộng 18,469 Mỹ kim. Anh có thể phối kiểm các thông tin này một cách dễ dàng. Chúng ta mỗi người một việc, mỗi tổ chức một phận sự, cùng nhau xúm lại để phục vụ đồng bào đang hoạn nạn thì làm gì có chuyện ai nợ ai?
Chưa kể, nhân sự của BPSOS đã giúp thông dịch cho phái đoàn di trú Canada khi họ từ Singapore đến Bangkok phỏng vấn những người trong danh sách định cư nhân đạo — cô Luật Sư Anna Nguyễn của VOICE không đủ rành tiếng Việt cho công việc này. Và như tôi có hứa với LM Nawwong, luật sư của chúng tôi đã can thiệp thành công cho 7 hồ sơ được quy chế tị nạn sau khi họ bị bỏ rơi, nghĩa là VOICE được giảm nhẹ gánh nặng trách nhiệm. Chúng tôi đã làm những điều ấy vì ý thức trách nhiệm, vì tấm lòng đối với đồng bào chứ chẳng phải vì VOICE hay vì VOICE Canada cho nên chẳng hề nghĩ đến chuyện ai nợ ai.
Kế đến, anh đòi BPSOS phải nợ cả cộng đồng người Việt hải ngoại vì không đưa tin khi VOICE định cư một số thuyền nhân ở Indonesia hồi năm ngoái. Tôi biết rất rõ các thuyền nhân này vì chúng tôi đã can thiệp cho họ ngay từ đầu. Cựu đại sứ Joseph Rees, Cố Vấn Thâm Niên cho các Đề Xuất Quốc Tế của BPSOS mà anh đã từng gặp, điều động toán luật sư của chúng tôi ở Thái Lan trong sự phối hợp với một tổ chức pháp lý ở Indonesia để lập hồ sơ với CUTN/LHQ cho các thuyền nhân này. Còn tôi thì vận động Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và văn phòng Cao Uỷ Nhân Quyền LHQ can thiệp. Đầu tháng 5 năm 2017, đại sứ Rees đích thân đến Jakarta để làm việc trực tiếp với các tổ chức và cơ quan hữu trách; nhân thể, ông thăm gặp các thuyền nhân tại trại giam để bảo đảm rằng họ được đối xử tử tế và chăm sóc đầy đủ. Ít lâu sau, khi họ được công nhận tư cách tị nạn, đài VOA chạy tin và đăng tấm hình cựu đại sứ Rees chụp chung với các thuyền nhân này tại trại giam. 
Hình 1 — Cựu Đại Sứ Rees, Cố Vấn Thâm Niên về các Đề Xuất Quốc Tế của BPSOS, cùng với các thuyền nhân ở Indonesia, đầu tháng 5 năm 2017
Có lẽ các thuyền nhân đã cúng cấp cho VOA tấm hình này vì chúng tôi chủ trương tuyệt đối giữ im lặng, không đưa tin. Chúng tôi không muốn nước chủ nhà trở nên khắt khe vì lo rằng tin tức lan rộng sẽ khuyến khích thêm nhiều thuyền nhân kéo đến quốc gia họ. Tháng 11 năm ấy, thêm 41 thuyền nhân lại tấp vào Indonesia. Chính phủ sở tại cưỡng bức hồi hương tất cả, bất chấp sự can thiệp của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và yêu cầu của CUTN/LHQ về tiếp cận các thuyền nhân. Khoa trương bất chấp hệ luỵ cho đồng bào không phải cách làm của chúng tôi. Nếu được giải thích lý do cho sự im lặng, có lẽ cộng đồng người Việt ở hải ngoại không đến nỗi bắt lỗi chúng tôi đâu.
Trong email, anh đặt một câu hỏi lý thú: BPSOS chỉ là một tổ chức NGO thì lấy tư cách gì để “nhắc nhở, trách cứ hay đôn đốc” một tổ chức NGO khác? Và anh đã tự trả lờ khi câu trước câu sau anh quay ra đôn đốc BPSOS hãy bỏ việc đang làm để chuyển sang lo “bảo lãnh tư nhân”. Thật ra, một tổ chức NGO không chỉ có quyền mà còn có nghĩa vụ lên tiếng cho đối tượng họ phục vụ, kể cả lên tiếng với các cơ quan LHQ, với các giới chức chính quyền và với các tổ chức NGO khác. Việc anh đốc thúc BPSOS là không sai và tôi hoan hỉ đón nhận.
Tuy nhiên, làm theo ý của anh sẽ là tắc trách. Ngân sách của BPSOS để tài trợ các hoạt động bảo vệ và giúp đỡ đồng bào tị nạn là hoàn toàn do các mạnh thường quân đóng góp. Chúng tôi có trách nhiệm phân bổ và sử dụng số tiền ấy sao cho đạt hiệu qua cao nhất cho nhiều đồng bào nhất. Chúng tôi chọn công thức 90% – 10%:
Chúng tôi dồn 90% nhân, tài, vật lực để giúp đồng bào vượt qua chặng đường ở tuyến đầu: chứng minh tư cách tị nạn với CUTN/LHQ. Không có quy chế tị nạn thì không có cửa định cư, không được LHQ bảo vệ, không được hưởng các dịch vụ y tế, xã hội, đời sống do LHQ tài trợ. Tiến trình cứu xét quy chế tị nạn thường mất từ 2 đến 4 năm, có người đã mất hơn 20 năm. Suốt thời gian đằng đẵng ấy họ phải đối mặt với biết bao rủi ro, hiểm nguy, thử thách. Đối với tuyệt đại đa số đồng bào xin tị nạn ở Thái Lan, BPSOS là tổ chức của người Việt duy nhất đồng hành với họ trên chặng đường đằng đẵng và gian nan ấy.
Chúng tôi dành 10% còn lại để giúp đồng bào định cư, là chặng đường cuối trước khi đến tự do. Tại các buổi họp hàng tuần với CUTN/LHQ, luật sư của chúng tôi giới thiệu các hồ sơ tị nạn cần ưu tiên định cư. Cá nhân tôi, tại buổi họp mỗi 3 tháng với vị trợ lý ngoại trưởng đứng đầu chương trình tị nạn của Hoa Kỳ, luôn luôn đốc thúc việc định cư nhiều và nhanh người tị nạn từ Thái Lan. Chúng tôi cắt cử người để giúp người tị nạn lập hồ sơ định cư theo diện bảo lãnh tư nhân của Canada. Tháng 9 năm ngoái, chúng tôi tuyển dụng một vị mục sư Tin Lành từ Anh Quốc vào toán nhân sự ở Thái Lan để đẩy mạnh và nhanh hơn nữa việc định cư các đồng bào đã có quy chế tị nạn.
Từ năm 2008 đến nay, công thức này đã đem lại các thành quả bao gồm:
600 hộ gia đình, khoảng 1800 nhân khẩu, được luật sư của chúng tôi lập hồ sơ xin tị nạn;Khoảng 1600 đồng bào đã được quy chế tị nạn;Khoảng 800 người trong số này đã định cư Hoa Kỳ, Canada, Úc, Tân Tây Lan, Na Uy, Thuỵ Điển…65 gia đình tị nạn nhận hỗ trợ khẩn cấp tổng cộng 225,000 Mỹ kim;Gần 100 đồng bào được chúng tôi lập hồ sơ cho chương trình tư nhân bảo lãnh người tị nạn của Canada;63 nhóm người Việt ở Hoa Kỳ sẵn sàng bảo lãnh đồng bào tị nạn và hơn 70 hội thánh Baptist và Presbyterian người Mỹ sẵn sàng bảo lãnh hoặc hỗ trợ các nhóm bảo lãnh.
Những con số này cho phép tôi tin rằng cách phân bổ nhân, tài, vật lực của chúng tôi là đúng đắn, là thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với đồng bào đang lánh nạn ở Thái Lan, và là cách sử dụng tối ưu các đóng góp tình nghĩa của các mạnh thường quân.
Tôi đồng tình với anh rằng chương trình bảo lãnh tư nhân Welcome Corps mở ra triển vọng định cư cho thêm một số đồng bào đã có quy chế tị nạn; tuy không nhiều nhưng được thêm người nào thì tốt cho người đó. BPSOS đã tham gia vận động cho chương trình này từ rất sớm.
Cuối năm 2020, ngay sau khi ứng cử viên tổng thống Joe Biden đắc cử, chúng tôi đã cùng với nhiều tổ chức tranh đấu cho người tị nạn có nhiều buổi họp với các toán chuyển tiếp (transition teams) của Hành Pháp tương lai. Trong số nhiều khuyến nghị của chúng tôi, có khuyến nghị về định cư tị nạn theo diện bảo lãnh tư nhân. Đúng 2 tuần sau khi tuyên thệ nhậm chức, tân Tổng Thống Biden ban hành ngay Sắc Lệnh số 14301 để thiết lập chương trình bảo lãnh tư nhân. Xem ở đây: https://www.whitehouse.gov/briefing-room/presidential-actions/2021/02/04/executive-order-on-rebuilding-and-enhancing-programs-to-resettle-refugees-and-planning-for-the-impact-of-climate-change-on-migration/.
Tháng 9 năm 2021, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thiết lập diện P4, là diện định cư tị nạn theo bảo lãnh tư nhân, nhưng lại giới hạn chương trình bảo lãnh tư nhân chỉ cho người lánh nạn đến từ Afghanistan. Liền sau đó, tổ chức Welcome.US được hình thành dưới sự đỡ đầu của 4 cựu tổng thống và các vị đệ nhất phu nhân: Carter, Clinton, Bush (con), và Obama. Tổ chức này phối hợp liên minh Welcome Coalition gồm hơn 300 tổ chức NGO, công ty và doanh nhiệp, để định cư hơn 70 nghìn người Afghanistan trong vòng 3 tháng (giờ đây đã trên 88 nghìn). Welcome.US hiện là một tổ chức chủ chốt trong việc nới rộng chương trình bảo lãnh tư nhân ra cho mọi thành phần tị nạn toàn cầu. Chương trình mở rộng này được mệnh danh là Welcome Corps. Là thành viên tiên khởi của Welcome Coalition, BPSOS đã góp phần nhỏ bé cho sự hình thành chương trình Welcome Corps. Tôi vui mừng là anh ủng hộ chương trình này.
Hình 2 — Trích xuất từ trang mạng: https://welcome.us/partners#welcome-coalition
Email của anh còn đề cập một số điểm linh tinh như: tôi năn nỉ anh nhờ VOICE Canada định cư một số người tị nạn, BPSOS không có khả năng và hoàn cảnh định cư người tị nạn, tôi muốn anh chỉ thăm gặp những đồng bào Tây Nguyên khi ở Thái Lan, BPSOS có dịch vụ đưa du học sinh từ Việt Nam sang Hoa Kỳ, BPSOS tổ chức gây quỹ để định cư người tị nạn nhưng dùng ngân sách để trả lương cho luật sư chỉ để “cố vấn pháp lý”, vân vân. Đó là sản phẩm của trí tưởng tượng, cho nên tôi không nghĩ là cần bàn đến.
Để kết luận, xin nhắc lại giải pháp mà tôi đề nghị với anh:
Trong chuyến đi Thái Lan sắp đến, bằng mọi giá anh hãy gặp tận mặt số đồng bào đã bị gạt ra khỏi chương trình định cư nhân đạo của chính phủ Canada một cách bất công — tôi sẵn sàng làm nhịp cầu kết nối. Qua tiếp xúc, anh sẽ lấy được những thông tin cần thiết để giúp VOICE Canada trình báo với chính phủ Canada các hồ sơ có dấu hiệu gian lận và các hồ sơ xứng đáng nhưng lại bị bỏ rơi. Lấy đó làm căn cứ, anh có thể và có nghĩa vụ đốc thúc LHNV-Canada vận động mở lại chương trình định cư nhân đạo để giải quyết một lần cho trọn số đồng bào lưu lạc, vô tổ quốc đã bị bỏ rơi lại Thái Lan.
Chúc anh thượng lộ bình an.
Kính thư, Nguyễn Đình Thắng