Chip Bán Dẫn Sẽ Làm Thay Đổi Trật Tự Thế Giới

0
663
  • Việc Hoa Kỳ kiểm soát chặt chẽ xuất cảng “chip” sang Trung cộng khiến sự tranh chấp giữa hai nước ngày càng căng thẳng thêm.
  • Phó chủ tịch tổ chức  “Center for New American Security” ông Paul Scharre cho rằng: “những con “chip” tối tân là lĩnh vực quan trọng trong sự cạnh tranh về địa dư chính trị thế giới.

Rõ ràng là thời đại Toàn Cầu Hóa, tức là tự do mậu dịch trên thế giới, chủ nghĩa tư bản, với sự giúp đỡ của chính phủ Hoa Kỳ, đã giúp hàng tỷ người thoát khỏi sự nghèo đói, đồng thời cũng giúp Trung quốc nhận thức được giá trị của chế độ dân chủ. Hai nước Hoa Kỳ và Trung quốc từng có mối quan hệ thù nghịch trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, sau đó Tây phương đã thắng trong cuộc chiến tranh này.

Nhưng Trung quốc lại muốn tung ra một cuộc thi đua, đối đầu mới. Họ muốn cổ vũ cho một hệ thống cai trị độc tài, trong đó hệ thống này cung cấp sự thịnh vượng, sự giàu có của chế độ tư bản trong lúc khai thác, tận dụng những yếu tố có sẵn trong hệ thống (như theo dõi, kiểm soát người dân,và tập trung quyền lực trong tay nhà nước, đảng cộng sản). Yếu tố chính đem lại rất nhiều tài sản, thịnh vượng cho đất nước là kỹ thuật số- digital tech.

Vì vậy, hôm 17 tháng Mười qua, chính quyền Biden tuyên bố sẽ siết chặt việc kiểm soát xuất cảng con chip bán dẫn -semi-conductor chips- dùng cho trí tuệ nhân tạo- AI- và máy móc dụng cụ dùng để chế tạo AI.  AI, hay Trí Tuệ Nhân Tạo hiện nay đang được xem là chìa khóa đem lại hiệu quả có tiềm năng cung cấp rất nhiều lợi điểm, và ưu thế lớn trong kinh doanh, thương mại,chưa kể là nó còn đem đến những ưu thế vô cùng thiết yếu cho quốc gia về mặt quân sự và quốc phòng. Để đảm bảo tương lai sẽ có rất nhiều chip bán dẫn làm ở Mỹ, năm ngoái chính quyền Biden đã khen ngợi việc thông qua đạo luật sản xuất Chips và Khoa Học- CHIPS and Science Act.  Để ngăn ngừa việc Trung quốc có thể thủ đắc kỷ thuật hay sản xuất được những con chips tối tân, Bộ Thương Mại Hoa Kỳ đưa ra một số quy tắc mới nhằm loại trừ được những kẽ hở của luật pháp từng được công bố cách đây một năm, và được sử dụng để phát minh những kỹ thuật mới.

Tuy nhiên, việc đưa ra những kiểm soát mới này cũng làm gia tăng cuộc tranh đua gắt gao về ưu thế kỹ thuật giữa hai nước Hoa Kỳ và Trung quốc, mặc dù chính quyền Biden đang tìm cách hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước trong các lĩnh vực khác. Con Chips bán dẫn ngày càng trở thành những vật thiết yếu trong việc phát minh ra hệ thống AI tuyệt hảo. Mặc dù có một số nhà phân tích nêu ra nghi vấn, song nếu việc kiểm soát xuất cảng con chip hữu hiệu, Trung quốc sẽ là nước bị tụt hậu, bỏ lại phía sau. 

Cố vấn An Ninh Quốc Gia ở Bạch Cung, ông Jake Sullivan nói: “Bảo vệ kỹ thuật nền tảng của đất nước bằng một mảnh sân nhỏ, và hàng rào cao là chính sách Hoa Kỳ đang theo đuổi.”. Giải thích câu nói của ông Jake Sullivan, người ta nhận thấy rõ là những hạn chế mới này nhằm mục đích lập ra những quy tắc dành riêng cho các loại kỹ thuật cao liên quan đến an ninh quốc gia.

Nhưng một số người khác cho rằng những hạn chế này còn đi xa hơn, lấn sang lĩnh vực thương mại và mậu dịch. Một phúc trình do ông Gregory Allen, Giám đốc Trung Tâm Wadhwani nghiên cứu về AI và Kỹ Thuật tân tiến lý luận rằng những hạn chế mới này sẽ khiến Trung quốc mất hẳn khả năng cạnh tranh với Hoa Kỳ. Do đó, nó dẫn đến một thời đại mới trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung quốc.

Sự kiện này khiến cho một số công ty kỹ thuật Hoa Kỳ lâm vào tình trạng khó xử. Trung quốc là thị trường khổng lồ cho các hãng sản xuất chip. Chẳng hạn như nó chiếm từ 20% đến 25% lợi tức của công ty Nvidia’s Data Center. Cổ phiếu của nhiều công ty sản xuất chip, trong đó có cả công ty Nvidia, xuống thê thảm sau khi chính phủ công bố lệnh kiểm soát xuất cảng chip bán dẫn. Hiệp hội kỹ nghệ sản xuất chip bán dẫn đưa ra lời cảnh báo rằng nếu lệnh cấm xuất cảng được áp dụng gắt gao sẽ ảnh hưởng tai hại đến hệ thống làm việc, môi sinh của các công ty bán dẫn Hoa Kỳ, và chưa chắc sẽ đảm bảo an ninh cho nước Mỹ, bởi vì việc cấm đoán này sẽ khiến các công ty ngoại quốc đi tìm nơi khác để mua.

Thái độ e ngại của kỹ nghệ sản xuất chip là sự đo lường thái độ nghiêm chỉnh của chính phủ. Các nhà phân tích và những nhà hoạch định chính sách lý luận rằng những biện pháp hạn chế áp dụng  từ năm 2022 cho phép bán  những dụng cụ chế tạo chip bán dẫn  cho những công ty như công ty Semiconductor Manufacturing International Corporation, một công ty sản xuất chip do Trung quốc làm chủ, và những quy tắc hạn chế đã không được thi hành đúng. Còn có những tố cáo nói rằng nhiều công ty phát minh chip để làm AI của Trung quốc đã tìm được cách lén nhập cảng hàng lậu vào nước họ. Các nhà phân tích khẳng định rằng những nhà phát minh chip của Trung quốc có khả năng bắt kịp những phát minh của Mỹ dù họ vẫn tiếp tục làm việc ở trong nước họ. 

Theo ông Dylan Patel, chuyên gia phân tích hàng đầu của công ty Semi Analysis, chuyên sản xuất chip cho biết có nhiều “kẽ hở” trong việc hạn chế cấm đoán: “Có thể nói là ngành kinh doanh chip bán dẫn không hề bị ảnh hưởng gì do những hạn chế, cấm đoán này.”. Cũng theo ông Patel, những cấm đoán mới tuy có đặt ra những hạn chế về việc bán những chip tối tân, nhưng họ vẫn để ngỏ cách mua được những dụng cụ để làm ra chip. Ông Patel tiên đoán rằng tuy có những cấm đoán, hạn chế mới, song quy tắc mới sẽ khuyến khích việc phát triển kỹ nghệ sản xuất chip ngay trong nội địa Trung quốc. 

Bộ trưởng Thương Mại Hoa Kỳ, bà Gina Raimondo nói rằng việc kiểm soát hàng xuất cảng có lẽ sẽ được duyệt xét lại ít nhất là mỗi năm một lần trong lúc kỹ thuật phát minh ra chip ngày càng tiến bộ thêm. 

Ông Paul Scharre, Phó chủ tịch, kiêm Giám đốc Nghiên Cứu ở Trung Tâm New American Security, một chiến lược gia quan trọng về quân sự nhận định như sau: “Ở một mức độ nào đó, việc cấm xuất cảng chip bán dẫn chỉ là một đề tài mang tính chất kỹ thuật, và hành chính rất nhàm chán- chẳng qua chỉ là khả năng hoàn thiện của chip bán dẫn trong việc kết nối các bộ phận khác nhau- Nhưng thực ra đây là cuộc cạnh tranh vô cùng lớn lao trong lĩnh vực địa chính trị. Tôi nghĩ rồi đây Trung quốc, và những công ty toàn cầu khác, kể cả công ty Hoa Kỳ sẽ thay đổi thái độ để đáp ứng với những hạn chế mới. Xong rồi họ cũng sẽ tìm cách tiếp tục kiếm tiền, và phát minh những điều họ muốn làm bất kể những hạn chế, hay cấm đoán.”

Nguyễn Minh Tâm  dịch theo báo TIME ngày 6/11/2023