Tu chính Án 14 và trần nợ, TT Biden nên sử dụng hay không? 

0
1218
President Joe Biden speaks about the debt limit talks in the Roosevelt Room of the White House, May 17, 2023, in Washington. | Evan Vucci/AP Photo
(Politico) – Các nhà lập pháp Dân chủ đang hối thúc Tổng thống Joe Biden sử dụng  thẩm quyền hiến pháp trong Tu chính Án 14 để nâng giới hạn trần nợ mà không cần đến Quốc hội. 
Biden cho biết đang cân nhắc vấn đề này. Vậy Tu chính Án thứ 14 là gì, và Biden có khả năng sử dụng chúng như thế nào? Dưới đây là những điều cần biết. 

Tu chính Án 14 là gì, và liên quan đến trần nợ như thế nào?

Tu chính 14 đụng đến mọi khía cạnh trong quyền công dân, và thường được biết đến là “sự bảo vệ bình đẳng trước pháp luật.” Tu chính xuất hiện trong những vụ như Brown chống Board of Education, Roe chống Wade, Bush chống Gore, …
Nhiều học giả pháp lý cho rằng, một điều khoản trong Tu chính Án 14 nói về “tính hợp lệ của những khoản nợ công, được luật pháp cho phép … sẽ không bị nghi ngờ” có thể áp dụng cho  giới hạn trần nợ. Giới chuyên viên pháp lý lập luận, Điều khoản 4 trong Tu chính 14 cho phép Bộ Ngân khố được vay tiền vượt quá giới hạn nợ, và sẽ vi hiến nếu Hoa Kỳ không chi trả tiền. 

Những nhà lập pháp nào ủng hộ và chống sử dụng Tu chính 14? 

Tại Hạ viện, 66 thành viên cấp tiến của Dân chủ vào thứ 6 kêu gọi Tổng thống Joe Biden “chọn giải pháp sử dụng Tu chính 14 trong Hiến pháp về một thoả thuận xấu,” trong đó có Chủ tịch phe Cấp tiến Quốc hội Pramila Jayapal (Dân chủ – Washington), Dân chủ Ilhan Omar (Dân chủ – Minnesota), và Greg Casar (Dân chủ – Texas).
“Đầu hàng những đòi hỏi cực đoan này cũng đặt ra tiền lệ nguy hiểm, củng cố Cộng hoà theo đuổi việc bắt giữ con tin chống Dân chủ, đặc biệt sau khi họ được thông báo gia tăng trần nợ là vấn đề không thương lượng,” các nhà lập pháp cho biết. 
Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez (Dân chủ – New York) cũng cho biết, bà nghĩ  việc sử dụng Tu chính 14 “nên được tính đến,” và “cơ sở sử dụng Tu chính 14 hoàn toàn hợp pháp.” Dân biểu Jamie Raskin (Dân chủ – Maryland) cho rằng, Biden rõ ràng “có thẩm quyền hiến pháp rõ ràng” để có thể qua mặt Quốc hội nếu ông buộc phải làm như vậy để tránh vỡ nợ những nghĩa vụ quốc gia. Dân biểu Jim Clyburn (Dân chủ – South Carolina) kêu gọi Tổng thống sử dụng Tu chính Án 14, chia sẻ với MSNBC rằng, ông “hy vọng Tổng thống sẽ có hành động hành pháp nếu Hạ viện từ chối làm công việc của họ.”

Ít nhất 11 Thượng nghị sĩ Dân chủ cũng đang hối thúc Biden sử dụng thẩm quyền hiến pháp theo Tu chính 14 để nâng giới hạn nợ quốc gia mà không phải qua Quốc hội, trong đó có Thượng nghị  sĩ Tina Smith (Dân chủ – Minnesota), Bernie Sanders (Độc lập – Vermont), Ed Markey (Dâ n chủ – Massachusetts), Jeff Merkley (Dân chủ – Oregon) và  Elizabeth Warren (Dân chủ – Massachusetts). 

“Sử dụng thẩm quyền này sẽ cho phép Hoa Kỳ tiếp tục trả hoá đơn đúng hạn, không bị trì hoãn, ngăn chặn thảm hoạ kinh tế toàn cầu,” các Thượng nghị sĩ ghi trong thư gởi Biden vào thứ 5. Đương kim Tổng thống vào đầu tháng  cho biết, ông đang “cân nhắc” sử dụng Tu chính 14 làm phương tiện để phá vỡ trần nợ, mặc dù hơi nghi ngờ liệu có hiệu quả hay không. 

“Về mặt pháp lý, liệu đó có phải là một chiến lược khả thi hay không vẫn còn là một vấn đề nan giải,” Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen nói. 

Lãnh tụ Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell chống lại việc sử dụng Tu chính Án 14. “Hành động vi hiến không qua Quốc hội không phải là giải pháp,” McConnell. 

Khả năng Biden sử dụng Tu chính Án 14 như thế nào? 

Có vẻ không khả thi. 

Các viên chức Toà Bạch Ốc không xem Tu chính Án 14  là một giải pháp khả thi để tránh thương lượng trần nợ. Mặc dù nghĩ rằng Biden sẽ có thẩm quyền pháp lý làm như vậy, nhưng họ cho rằng không đáng mạo hiểm làm hư các cuộc đàm phán với Quốc hội, hoặc làm tổn hại niềm tin của thế giới vào uy tín tín dụng của Hoa Kỳ.

“Họ không loại trừ khả năng đó,” một cố vấn Toà Bạch Ốc chia sẻ., “nhưng hiện đây không nằm trong kế hoạch.” Thay vào đó, các nhà thương lượng của Toà Bạch Ốc ủng hộ hiệp ước nâng trần nợ đến năm 2025 và hạn chế chi tiêu trong ít nhất hai năm.

Hương Giang (Theo Politico)