Trump tiết lộ thông tin tàu ngầm hạt nhân Mỹ cho tỉ phú Úc tại Mar-a-Lago 

0
2350

(CaliToday – Tổng hợp) – Nhiều tháng sau khi rời khỏi Toà Bạch Ốc, cựu Tổng thống Donald Trump được cho đã đem những thông tin nhạy cảm về tàu ngầm hạt nhân của Mỹ bàn với một tỉ phú Úc, một thành viên câu lạc bộ Mar-a-Largo của ông ta. Người này sau đó đã chia sẻ thông tin với hơn chục viên chức nước ngoài, một số nhân viên của ông ta và cả ký giả.
ABC News là cơ quan truyền thông đầu tiên loan tin này vào thứ 5, dựa vào một số nguồn tin thông thạo vấn đề. Thông tin này đã được thông báo cho cuộc điều tra của Công tố viên Đặc biệt Jack Smith về việc cựu Tổng thống cất giữ tài liệu Mật, thông tin quốc phòng, tại Mar-a-Lago. Thông tin này có thể làm sáng tỏ thêm về việc Trump giải quyết những bí mật của chính phủ như thế nào.
Theo một nguồn tin chia sẻ với New York Times, Pratt hiện nằm trong số hơn 80 nhân chứng có thể ra làm chứng chống lại ông Trump tại phiên tòa xét xử tài liệu Mật sẽ diễn ra vào tháng 5 năm 2024 tại toà liên bang ở Fort Pierce, Florida.
Công tố liên bang và FBI trong năm nay ít nhất 2 lần thẩm vấn Anthony Pratt – ông chủ của Pratt Industries ở Mỹ, một trong những công ty đóng gói bao bì lớn nhất thế giới.
Theo lời khai của tỉ phú, khi tìm cách trò chuyện với Donald Trump trong một cuộc gặp gỡ ở Mar-a-Lago vào tháng 4 năm 2021, ông ta đã nhắc đến hạm đội tàu ngầm của Mỹ, chủ đề mà hai người có lần nói chuyện trước đây.
Các nguồn tin cho hay, Pratt cho hay, ông ta chia sẻ với Trump về niềm tin Úc nên bắt đầu mua tàu ngầm từ Hoa Kỳ, và điều này làm cựu Tổng thống phấn khích. Trump nghiêng người về Pratt như thể kín đáo, rồi nói cho tỉ phú nghe 2 thông tin về tàu ngầm Mỹ: chính xác số lượng đầu đạn hạt nhân chúng thường xuyên mang theo, và chính xác khoảng cách mà chúng có thể tiến đến gần tàu ngầm Nga mà không bị phát giác ra.
Trong thư từ điện tử và những trao đổi sau lần gặp gỡ đó, Pratt đã kể lại những ý kiến của Trump cho ít nhất 45 người, trong đó có 6 ký giả, 11 nhân viên trong công ty ông ta, 10 viên chức Úc, và 3 cựu Thủ tướng Úc.
Trong khi Pratt cho các nhà điều tra hay, ông không thể nói liệu những gì cựu Tổng thống Mỹ nói về tàu ngầm Mỹ có thật hay chỉ là những lời “ba hoa chích chòe,” nhưng các nhà điều tra yêu cầu tỉ phú Úc không lặp lại những con số ông ta được Trump chia sẻ. Điều này cho thấy, thông tin có thể rất nhạy cảm, không thể đào sâu thêm .
Các nguồn tin cũng cho hay, một nhân chứng khác là cựu nhân viên của ông Trump tại Mar-a-Lago khai với các nhà điều tra, ông ta nghe Pratt kể lại cho một người khác một số những gì mới nghe từ Trump. Nhân chứng này cũng cho các nhà điều tra biết, ông ta cảm thấy “khó chịu” và “sốc” khi nghe cựu Tổng thống chia sẻ những thông tin nhạy cảm như vậy cho một người không phải công dân Mỹ.
Theo Pratt, Trump không cho ông ta xem bất cứ tài liệu chính phủ nào trong cuộc gặp gỡ vào tháng 4 năm 2021, cũng như những lần khác khi họ gặp nhau tại Mar-a-Lago.
Tỉ phú Úc nhấn mạnh với các nhà điều tra rằng, ông ta chia sẻ với những người khác về cuộc gặp gỡ với ông Trump chỉ để cho họ thấy, ông ta ủng hộ Úc với Hoa Kỳ như thế nào. Một số viên chức Úc được Pratt cho biết thông tin này liên quan đến những cuộc thương lượng đang diễn ra với chính phủ Biden về thoả thuận Úc mua một số tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng nguyên tử từ Hoa Kỳ.
Thỏa thuận cuối cùng đã được bảo đảm vào đầu năm nay, với việc Úc đồng ý mua ít nhất ba tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử lớp Virginia, mặc dù Tổng thống Joe Biden tuyên bố, không có tàu ngầm nào c bán cho Úc được trang bị vũ khí hạt nhân.
Công tố viên Đặc biệt Jack Smith không nêu danh Pratt hay bất cứ thông tin nào cuộc trao đổi diễn ra vào tháng 4 năm 2021 vào bản cáo trạng truy tố cựu Tổng thống cùng hai đồng phạm vào tháng 6, trong đó ông Trump bị cáo buộc 40 tội danh cất giữ trái phép thông tin quốc phòng, và những tội danh cản trở nhà chức trách thu hồi tài liệu Mật của chính phủ.
Nhưng lời khai của Pratt về việc Trump thoải má ichia sẻ với ông ta về một số bí mật hạt nhân nhạy cảm nhất của quốc gia có thể giúp công tố viên xác định, cựu Tổng thống từ lâu có thói quen giải quyết thông tin mật một cách ẩu tả và liều lĩnh.
Không lâu sau khi Trump trở thành Tổng thống Hoa Kỳ vào năm 2017, Pratt tham gia thành viên Mar-a-Lago, và công khai cam kết đầu tư $2 tỉ Mỹ kim vào công việc làm ngành sản xuất Mỹ.
Trong những năm sau đó, Pratt đến Mar-a-Lgao khoảng 10 lần, trò chuyện với cựu Tổng thống trong một số dịp, thậm chí có lần dùng bữa tối với Trump và một Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ tại cơ sở của ông Trump gần Mar-a-Lago. Theo các nguồn tin, Pratt khai, ông ta cũng được mời đến Toà Bạch Ốc vào năm 2018, khi cựu Tổng thống tiếp Thủ tướng Úc.
Vào năm 2019, phát biểu tại lễ khai trương nhà máy Pratt Industries ở Wapakoneta, Ohio, Trump called tỉ phú Úc là “một người bạn,’ và ca ngợi ông đã tài trợ cho nhà máy.
Đứng cạnh Trump, Pratt tuyên bố “sẽ không đầu tư vào nhà máy này nếu không vì cuộc bầu cử của Tổng thống Trump, điều này đã mang lại cho chúng tôi niềm tin đáng kinh ngạc khi đầu tư vào Mỹ.”
Nhưng trong những tháng gần đây, Pratt cho các nhà điều tra hay, ông hậu thuẫn chính phủ Mỹ hiện nay, gọi mình là người có xu hướng “đứng về phía quyền lực.”
Hương Giang (Tổng hợp)