Toà D.C  tái ban hành lệnh bịt miệng Donald Trump

0
841

(CaliToday) — Toà liên bang D.C bác bỏ yêu cầu của ông Donald Trump tạm ngưng lệnh bị miệng cấm cựu Tổng thống công khai chỉ trích công tố viên, nhân chứng, và nhân viên toà liên quan đến vụ truy tố nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử 2020.
Phán quyết được Thẩm phán Tanya Chutkan đưa ra vào Chủ nhật có nghĩa, lệnh bịt miệng có hiệu lực trở lại, trừ phi có ý kiến từ toà trên.
Toán luật sư biện hộ được cho sẽ nhanh chóng yêu cầu toà Phúc thẩm liên bang cho can thiệp và ngưng thực thi những hạn chế ngôn luận trong thời gian họ theo đuổi kháng án.
“Chính phủ Biden tham nhũng vừa mới tước Quyền Tự do Ngôn luận theo Tu Chính Án thứ Nhất của tôi,” ông Trump đăng trên Truth Social sau khi có phán quyết. Cựu Tổng thống sau đó tiếp tục lên mạng xã hội chỉ trích phán quyết và Thẩm phán Chutkan “thiên vị.” Lệnh bịt miệng cho phép Trump công kích hay bình phẩm Thẩm phán.
Bà Chutkan tạm ngưng án lệnh bịt miệng trong thời gian cân nhắc liệu có cho chấp nhận yêu cầu của Trump hoãn thi hành lệnh trong thời gian lâu hơn khi họ kháng án lên Toà Phúc thẩm D.C hay không. Trong quyết định vào Chủ nhật, Thẩm phán cho rằng, các quyền Tu Chính Án thứ Nhất của ông Trump phải nhường ở điểm “xét xử tư pháp có trật tự,” và ông không thừa nhận chứng cứ trong hồ sơ về lịch sử chỉ trích của ông gây nguy cơ quấy rối và doạ dẫm nhân chứng như thế nào.
Trong hồi đáp yêu cầu tạm ngưng lệnh bịt miệng trước đó, công tố không chỉ yêu cầu toà tái áp đặt lệnh bịt miệng mà còn thắt chặt hơn nữa. Thỉnh nguyện cho rằng, Trump mới đây lên mạng xã hội đưa ra ý kiến về nhân chứng Mark Meadows là dấu hiệu vi phạm lệnh toà. Ngoài ra, công tố lưu ý, cựu Tổng thống cũng bị toà New York chế tài hàng ngàn Mỹ kim vì vi phạm lệnh bịt miệng ở đó.
Chutkan sau khi lắng nghe lập luận hai bên vào ngày 17 tháng 10 ban hành lệnh “bịt miệng” đối với ông Donald Trump, hạn chế những gì cựu Tổng thống có thể nói về vụ truy tố hình sự của Công tố viên Đặc biệt Jack Smith. Lệnh toà hạn chế ông Trump công khai nhắm vào nhân viên toà, nhân chứng liên quan trong vụ án, hay Công tố viên Đặc biệt và nhân viên của ông. Lệnh không đứng về phía 2 yêu cầu của công tố, không hạn chế đối với những ý kiến chê bai Washington, DC – nơi phiên xét xử bồi thẩm đoàn sẽ diễn ra, hoặc một số chỉ trích cụ thể về Bộ Tư pháp nói chung, và thậm chí khẳng định mình tin rằng vụ truy tố mang động cơ chính trị. Toà cũng rõ ràng cho cựu Tổng thống tự do chỉ trích bà.
“Vấn đề ở đây không phải là việc tôi có thích ngôn từ ông Trump sử dụng hay không,” Thẩm phán Tanya Chutkan nói. “Đây là ngôn ngữ gây nguy hiểm cho xét xử tư pháp.”
Trump ngay lập tức thông báo kháng án lên toà Phúc thẩm DC mặc dù chưa trình bày căn cứ pháp lý, và hối thúc Thẩm phán Chutkan tạm ngưng lệnh bịt miệng trong thời gian toà Phúc thẩm giải quyết yêu cầu của họ.

Thẩm phán Chutkan đồng tình với thỉnh nguyện của toán luật sư biện hộ, tạm ngưng lệnh bịt miệng ông Trump để các bên có thêm thời gian cho toà biết về thỉnh nguyện từ phía cựu Tổng thống.
Tuy nhiên, sau khi Toà tạm ngưng lệnh, Trump công khai đưa ra ý kiến về Mark Meadows sau khi truyền thông loan tin, cựu Đổng lý Toà Bạch Ốc đã ít nhất 3 lần trả lời thẩm vấn với các nhà điều tra của Văn phòng Công tố viên Đặc biệt Jack Smith, trong đó có ít nhất 1 lần trước đại bồi thẩm đoàn. Chutkan cho rằng, những ý kiến của Trump “hầu như chắc chắn” vi phạm lệnh toà nếu lệnh có hiệu lực, vì ông ta đã chỉ trích một nhân chứng đã được biết, và cáo buộc lời khai của nhân chứng “dối trá.”
Toán luật sư của Trump cho rằng, lệnh bịt miệng vi hiến, đặc biệt khi xét đến tư cách của ông là người dẫn đầu tranh cử tổng thống Cộng hoà vòng sơ bộ. Cựu Tổng thống mướn một toán luật sư mới đặc biệt tập trung vào kháng án lệnh bịt miệng. Nếu thua ở DC Circuit, ông Trump có thể yêu cầu Tối cao Pháp viện xét xử.
Hương Giang (Theo Bloomberg)