Tại sao cử tri gốc Việt lại thiên Cộng hoà nhiều nhất trong cộng đồng gốc Á? 

0
1272

(CaliToday) – Trong nhiều thập niên qua, quy ước chính trị cho rằng cộng đồng người Mỹ gốc Á đang ngày một gia tăng có xu hướng bỏ phiếu cho Dân chủ. Tuy nhiên, luôn luôn có một ngoại lệ đối với cử tri Mỹ gốc Việt – những người nghiêng về tả, vốn được định hình bởi những xung đột trải qua trong và sau Chiến tranh Việt Nam.
Theo số liệu từ Khảo sát Cử tri Mỹ gốc Á vào năm 2022, và năm 2020, người Mỹ gốc Việt là sắc dân gốc Á duy nhất có đa số xác nhận hoặc nghiêng về Cộng hoà hơn Dân chủ, với 39% vào năm 2022. Đa số trong mọi sắc dân gốc Á khác được khảo sát, gồm cử tri Mỹ gốc Trung Quốc, Ấn Độ, Phi Luật Tân và Nam Hàn, xác nhận hoặc nghiêng về Dân chủ.
Thăm dò lớn hơn do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện và công bố vào tháng 5 cho thấy, 51% cử tri gốc Việt ghi danh xác nhận hoặc nghiêng về phía Cộng hoà, trong khi đa số cử tri gốc Trung Quốc, Ấn Độ, Phi Luật Tân và Nam Hàn xác nhận hoặc nghiêng về Dân chủ.
Theo các nhà hoạt động, Dân chủ có thể thâm nhập vào cộng đồng Việt Nam bằng cách lôi kéo những người trẻ tuổi hơn. Trong khi 68% cử tri Mỹ gốc Việt ở độ tuổi từ 50 trở lên xác nhận hoặc thiên Cộng hoà, thì 58% cử tri trẻ hơn nhận hoặc nghiêng về phía Dân chủ, theo dữ liệu Pew cung cấp cho Washington Post.
Nhiều người trong thế hệ cao tuổi hơn chia sẻ lịch sử nhập cư đặc biệt mà các chuyên viên cho rằng đã có tác động mạnh mẽ đến khuynh hướng chính trị của họ.
Sau khi Mỹ rút khỏi Việt Nam vào năm 1973, hàng trăm ngàn người di dân cảm thấy bị chế độ Cộng sản đe doạ nên đã tìm đường sang Mỹ. Lịch sử này cho thấy sự khác biệt giữa kinh nghiệm đã trải qua của người Mỹ gốc Việt với các cộng đồng người Mỹ gốc Á khác. “Đó chỉ là kinh nghiệm của chúng tôi về chủ nghĩa xã hội, và kinh nghiệm về Chủ nghĩa Cộng sản vẫn còn lưu lại trong tâm thức chúng tôi, vì vậy chúng tôi chuộng chính quyền nhỏ hơn,” cựu Dân biểu Cộng hoà Anh Joseph Cao 56 tuổi – người Mỹ gốc Việt đầu tiên đắc cử vào Quốc hội.
Sinh ra và trưởng thành trong một cộng đồng người Mỹ gốc Việt đông đúc ở Houston, An Lưu nhớ lại những lần cùng bố tham gia biểu tình ở trường trung học, phản đối Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa – vùng lãnh thổ trên Biển Đông cũng được Việt Nam và Đài Loan tranh chấp chủ quyền.
Hai mươi ba tuổi, Lưu cho biết, sự phản đối mạnh mẽ chủ nghĩa cộng sản của gia đình anh đối đã lôi kéo họ và những người Mỹ gốc Việt khác đến với Đảng Cộng hòa, mà anh theo anh, đã thúc đẩy luận điệu chống cộng chung quanh Trung Quốc.
Cộng đồng người Mỹ gốc Việt chiếm 10% dân số Mỹ gốc Á ở Hoa Kỳ – nhóm sắc dân phát triển nhanh nhất trên quốc gia và khối bỏ phiếu ngày càng quan trọng. Người gốc Việt là cộng đồng gốc Á lớn thứ tư ở Mỹ, sau người gốc Trung Quốc, Ấn Độ, và Phi Luật Tân. Theo số liệu thăm dò dân số, đây là cộng đồng có dân số khoảng 2,3 triệu người vào năm 2021.
Trong những năm gần đây, Đảng Cộng hoà đã nỗ lực hơn để thắng cử tri Mỹ gốc Á, bằng cách thu hút những lo ngại về tội phạm, giáo dục, chống kỳ thị tuyển sinh đại học và chủ nghĩa xã hội, những vấn đề mà một số người Mỹ gốc Việt tin đó là bước đệm tiến tới chủ nghĩa cộng sản. Một tổ chức bảo thủ lồng một đoạn băng đồ hoạ về những vụ tấn công vào người Mỹ gốc Á vào một quảng cáo tranh cử vào mùa Thu năm ngoái. Mẩu quảng cáo đổ lỗi cho chính phủ Tổng thống Joe Biden làm gia tăng bạo lực chống người gốc Á, cáo buộc Dân chủ không đủ cứng rắn về vấn đề tội phạm. Và dường như bước đi này có hiệu quả. Cử tri Mỹ gốc Á chuyển sang Cộng hoà nhiều hơn trong những kỳ bầu cử gần đây, kể cả vào năm 2020 và 2022, theo thăm dò của Washington Post tại phòng bỏ phiếu.
“Uỷ ban Quốc gia Cộng hoà đã đưa ra cam kết trị giá hàng triệu Mỹ kim nhằm thúc đẩy thâm nhập vào những cộng đồng người Mỹ gốc Á Thái Bình Dương tại những tiểu bang trọng yếu trên khắp quốc gia,” Phát ngôn nhân RNC Nainoa Johsens cho hay.
Trong khi đó, Uỷ ban Quốc gia Dân chủ cho hay, họ đã tiếp xúc với cử tri Mỹ gốc Á trong nhiều năm. Dân chủ “sẽ tiếp tục làm việc để thu hút và huy động cử tri Mỹ gốc Á Thái Bình Dương, trong đó có người Mỹ gốc Việt,” Giám đốc truyền thông của DNC, bà Tracy Falon King nói. “Khi bước vào chu kỳ bầu cử tổng thống, chúng tôi dự tính nhấn mạnh đến cam kết cộng đồng và tiếp tục chia sẻ việc Dân chủ đã đạt những kết quả chưa từng có đối với Cộng đồng Mỹ gốc Á Thái Bình Dương như thế nào.
Khuynh hướng chính trị của người Mỹ gốc Việt tương tự như người Mỹ gốc Cuba – những người đã chạy trốn khỏi sự cai trị của Cộng sản, theo Karthick Ramakrishnan – nhà sáng lập và đồng giám đốc AAPI Data, một trong những tổ chức bảo trợ Khảo sát Cử tri Mỹ gốc Á 2 năm một lần. “Ở đây có sự kết hợp giữa chống chủ nghĩa cộng sản, và tập trung chính quyền địa phương là lý do tại sao người Mỹ gốc Việt trong thế hệ tị nạn lại ủng hộ Cộng hoà mạnh mẽ.”
Trong cuộc tranh đua vào ghế quốc hội ở quận Cam được theo dõi sít sao vào mùa Thu năm ngoái, Dân biểu Michelle Steel (Cộng hoà) và đối thủ Dân chủ Jay Chen đều vận động tranh cử mạnh mẽ để dành phiếu cử tri gốc Việt. Cả hai đều không phải người gốc Việt. Là người Mỹ gốc Nam Hàn, Steel gọi Chen – người gốc Đài Loan – là người cảm tình Cộng sản, điều mà Chen phủ nhận, nhắc lại lập trường chống chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc. Steel tái đắc cử.
California có số lượng người Mỹ gốc Việt đông nhất trên toàn quốc gia. Tại Quận Cam, cộng đồng người gốc Việt là khu vực bầu cử chính trị quan trọng đại diện cho tỷ lệ các nhà lãnh đạo địa phương đang gia tăng. Tất cả, trừ một nghị viên thành phố Westminster, đều theo Cộng hòa, kể cả thị trưởng Chi Charlie Nguyễn. Phó chủ tịch Hội đồng giám sát quận Cam và hai dân biểu tiểu bang đều là người gốc Việt theo Cộng hoà.
Cựu Tổng thống Donald Trump cũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cử tri gốc Việt. Gần nửa số người Mỹ gốc Việt vào năm 2022 đã “rất ưa chuộng” ông Trump hoặc “ưa chuộng ở mức nào đó” (47%) so với 29% người Mỹ gốc Á nói chung, theo Khảo sát Cử tri người Mỹ gốc Á.
Sự nổi tiếng của Trump trong nhóm cử tri gốc Á một phần là do lập trường chống chính phủ Trung Quốc mạnh mẽ của cựu Tổng thống, bất chấp các kế hoạch trục xuất những người tị nạn Việt Nam, theo ông Long Bùi – Giáo sư nghiên cứu quốc tế và toàn cầu tại trường Đại học California Irvine.
Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi đi bỏ phiếu thì xu hướng chính trị của cộng đồng có thể thay đổi.

Lưu cho biết, vào năm 2016 khi anh chia sẻ chủ nghĩa bảo thủ của gia đình và sẽ ủng hộ Trump nếu đủ tuổi bỏ phiếu. Nhưng sau khi vào đại học và “gặp gỡ nhiều người khác nhau,” kể cả những người đồng tính, và những đứa trẻ con cái di dân lậu dành hầu như cả đời mình sinh sống ở Mỹ, anh bây giờ xem mình là người cấp tiến về mặt chính trị. “Tôi rất ủng hộ việc tạo ra nhiều mạng lưới an sinh xã hội hơn,” Lưu nói, và cho biết thêm mình là người theo chủ nghĩa xã hội, mặc dù cụm từ này sẽ “gây sợ hãi” cho những người nhập cư gốc Việt, những người “không hiểu nó có ý nghĩa gì.”
Tracy La 28 tuổi cho biết, cô được những người tị nạn chiến tranh Việt Nam nuôi nấng, họ làm thẩm mỹ móng và nhà hàng, và tận mắt chứng kiến tác động của những chính sách đối với tầng lớp lao động gốc Việt. Là nhà tổ chức chính trị, La thường xuyên nghe cử tri Việt than phiền về nhu cầu thay đổi. “Tôi nghe nhiều những điều như, ‘Hey, tôi tiếp tục bỏ phiếu cho Nguyễn và Tas, và cuộc sống của tôi vẫn không dễ chịu hơn,” La chia sẻ. Cô lãnh đạo VietRise – tổ chức ủng hộ xã hội tiến bộ có trụ sở ở Quận Cam. Theo La, những cử tri đó có thể sẽ bị các ứng cử viên Dân chủ thu hút trong tương lai.
Đó là hy vọng của những ngôi sao chính trị mới nổi, những người đang theo nền tảng Dân chủ truyền thống, kể cả tập trung vào mở rộng chăm sóc sức khỏe.
Hoàn Huỳnh (Dân chủ) vào năm 2022 trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên đắc cử văn phòng ở Illinois, dành ghế trong Hạ viện tiểu bang. Huỳnh cho biết, anh phân phát tài liệu vận động tranh cử bằng Việt ngữ, và tập trung vào những vấn đề kinh tế đang ảnh hưởng đến cử tri tầng lớp lao động, trong đó có tài trợ cho các cơ sở tiểu thương.
33 tuổi, Huỳnh cùng gia đình sang Mỹ tị nạn vào năm 1993. Anh cho hay, chiến dịch tranh cử của mình thu hút cử tri gốc Việt thế hệ đầu tiên – những người ủng hộ ông Trump vào năm 2016 và 2020, nhưng lại bỏ phiếu cho Dân chủ lần đầu tiên vào năm 2022. Huỳnh hy vọng, trong chu kỳ bầu cử tới, anh sẽ thu hút hơn nữa thành viên cộng đồng Mỹ gốc Việt, đặc biệt là cử tri trẻ.
Hương Giang (Theo Washington Post)