SAIGON ET MOI

0
413

Tác phẩm SAIGON  ET  MOI  là hồi ký của Đại Sứ Francois  Jean Marie Mérillon của Tòa Đại Sứ Pháp tại Sài  Gòn ( Đại Sứ Mérillon bị Lê Đức Thọ bắt buộc phải rời Sài Gòn ngay lập tức vào ngày 2 tháng 5 năm 1975 và Tòa Đại Sứ Pháp trên đường Hồng Thập Tự @ đường Hai Bà Trưng bị đóng cửa, sau đó trở thành Tòa Tổng Lãnh Sự Pháp vì chính quyền Hà Nội chỉ công nhận duy nhất Tòa Đại Sứ PHÁP tại Hà Nội mà thôi.)

Quyển SAIGON ET MOI ra mắt tại Paris ngày 23 May năm 1985, nhưng sau đó, Bộ Ngoại Giao Pháp ra lệnh thu hồi nên độc giả khó tìm được sách này để mua. Ông Vũ Hải Hồ đã mua được quyển sách này ngay trong ngày ra mắt sách 23 May năm 1985 và sau đó được ông Đặng Kim Thu Khóa 19 VBQG Dalat dịch ra Việt Ngữ và giới thiệu. Tôi vượt biên năm 1987 và đến Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 1989, mãi cho đến khoảng 1993 – 1994 mới được đọc bản dịch của quyển sách này trên các báo Việt ngữ (thời điểm đó internet chưa thông dụng như bây giờ). Vài năm sau (khoảng 1998-1999) tôi lại được đọc trên net bản dịch quyển sách này do Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa phiên dịch. Được biết Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa là sĩ quan binh chủng Thiết Giáp/QLVCH, tốt nghiệp Khóa 5 Trường VBQG/Dalat, nguyên  Tỉnh Trưởng tỉnh Vĩnh Long và  sau năm 1973, ông là thành viên cao cấp của Ban Liên Hợp Quân Sự 2 Bên dưới quyền của Chuẩn Tướng Phan Hòa Hiệp.

Bài viết SAIGON ET MOI  này không phải là bài viết mang tính “điểm sách” mà là những điểm bổ sung thêm vào những sự kiện lịch sử trong khoảng thời gian đầu thập niên 1970 mà Đại Sứ Mérillon vì nhiều lý do khác nhau đã không nêu ra trong quyển sách này.

Những điểm bổ sung này xuất xứ từ những nhân vật có liên quan trực tiếp đến lịch sử của VNCH, tôi xin liệt kê tên tuổi các quý vị đó như sau :

1/ Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình năm sinh 1930, nguyên Tư Lệnh CSQG, nguyên Đặc Ủy Trưởng Phủ Đặc Ủy Trung Ương của VNCH, hiện vẫn còn minh mẫn và cư ngụ tại San José tuy sức khỏe có phần giảm sút khi ông phải di chuyển bằng xe lăn khi đi ra ngoài.

2/ Trung Tá Nguyễn Mâu sinh năm 1932, tốt nghiệp khóa 11 trường VBQG Dalat, nguyên Phụ Tá Đặc Biệt của Tổng Giám Đốc CSQG dưới thời Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan. Trung Tá Nguyễn Mâu nhỏ tuổi hơn Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình nhưng yếu hơn nhiều, ông bị điếc nặng và phải ngồi xe lăn ngay ở trong nhà, cá nhân tôi chỉ liên lạc được với ông qua email mà thôi.

3/ Trung Tá Hồ Văn Thống, sinh năm 1927, tốt nghiệp khóa 10 trường VBQG Dalat, chức vụ sau cùng là Chủ Sự Phòng An Ninh Quân Đội Quân Khu I, Trung Tá Hồ Văn Thống đã cùng Trung Tướng Ngô Quang Trưởng và toàn Ban Tham Mưu của QĐ I lên tàu HQ tại bãi biển Sơn Chà vào cuối tháng 3/1975. Tướng Trưởng cũng đã khuyến cáo Trung Tá Thống không nên ở lại VN, nhưng Trung Tá Thống vì lý do gia đình không thể theo Trung Tướng Trưởng lên máy bay đi Mỹ vào tháng 4/1975 và sau này 1981 khi tôi bị giam chung tại trại Bình Điền, Trung Tá Thống đã bày tỏ sự hối tiếc vì đã không theo lời khuyến cáo của Trung Tướng Trưởng. Hiện nay, Trung Tá Hồ Văn Thống vẫn còn sống và cư ngụ tại San José, ông đã gần 100 tuổi và tôi chỉ biết tình trạng sức khỏe của ông qua người con gái út đang chăm sóc nuôi dưỡng cho ông tại gia (không vào nursing home)

4/ Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu sinh năm 1939, đã qua đời vào năm 2008 vì bị bệnh ung thư bao tử tại Santa Ana miền Nam Cali, đã từng là Luật Sư Cố Vấn Pháp Luật cho Tổng Liên Đoàn Lao Công của ông Trần Quốc Bửu, năm 1967, ông đắc cử Dân Biểu của Quốc Hội Lập Hiến và tới năm 1971, ông đắc cử Dân Biểu của QH Lập Pháp đại diện cho đơn vị 5 của tỉnh An Giang. Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban Tư Pháp Định Chế của Hạ Nghị Viện VNCH, ông là dân biểu duy nhất chống đối lại việc QH ủy quyền cho ông DV Minh lên làm Tổng Thống VNCH thay thế cho Tổng Thống Trần Văn Hương vì không có điều khoản nào trong Hiến Pháp qui định việc trao quyền Tổng Thống cho một người bá vơ như ông DV Minh.Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu nói nếu ông DV Minh đảo chính để cướp quyền thì dù không hợp hiến nhưng cũng còn “hợp lý”, còn như QH biểu quyết trao quyền TT cho ông Minh thì không hợp hiến đã đành mà cũng chẳng hợp lý tý nào cả.

5/ Trung Tá Nguyễn Hữu Hải, năm sinh 1932, anh trai của Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu, tốt nghiệp Khóa 4 Thủ Đức, từ Nha An Ninh Quân Đội chuyển qua Tổng Nha Cảnh Sát dưới thời Đại Tá Phạm Văn Liễu làm Tổng Giám Đốc. Chức vụ sau cùng vào năm 1975, ông là Phụ Tá Đặc Biệt của Chỉ Huy Trưởng CSQG vùng 2 Chiến Thuật, khi di chuyển từ Nha Trang về SG, ông là sĩ quan cao cấp nhất của Cảnh Sát Đặc Biệt tại Bộ Tư Lệnh tiếp nhận cấp cao nhất của VC đến “tiếp thu” Bộ Tư Lệnh CSQG . Chính ông là người ra lệnh thiêu hủy “hồ sơ mật” của Cảnh Sát Đặc Biệt nên bọn VC giam giữ ông ở các trại tù miền Bắc rất lâu, năm 1993 ông được thả ra sau cả Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, và từ trại giam ra thẳng phi trường bay qua Mỹ (không được ghé nhà). Ông qua đời vào năm 2012 tại Santa Ana – nam Cali, thọ 80 tuổi.

Trung Tá Nguyễn Hữu Hải cho biết là VC “láo lếu” khoe khoang biện lý Triệu Quốc Mạnh là “VC nằm vùng” từ lâu, nhưng ông DVMinh bổ nhiệm Triệu Quốc Mạnh làm Giám Đốc Nha Đô Thành thay thế Chuẩn Tướng Trang Sĩ Tấn, do đó Triệu Quốc Mạnh đến nhận nhiệm sở tại Nha Cảnh Sát Đô Thành trên Đường Trần Hưng Đạo và ký giấy tha vài tên VC ra khỏi khám Chí Hòa chớ ngay tại Bộ Tư Lệnh CSQG trên đường Võ Tánh và nhất là Khối Đặc Biệt không có VC nằm vùng nào cả !

Sau đây là 8 sự kiện lịch sử rất quan trọng mà Đại Sứ MÉRILLON không nêu ra trong quyển sách SAIGON  ET  MOI (Cá nhân người viết bài không có tin tức gì thêm về thân nhân của Đại Sứ MÉRILLON nhưng với thời gian gần 50 năm trôi qua, có lẽ Đại Sứ MÉRILLON đã qua đời từ lâu nên quý độc giả không thể chất vấn ông Đại Sứ để “verify” những điều mà ông MÉRILLON đã viết cũng như những điều ông không viết trong quyển sách này)

SỰ KIỆN THỨ NHẤT : Cả chính quyền Pháp và chính quyền BV đều không biết đến việc chính quyền Nixon quyết định lật đổ Vua Sihanouk và đem 2 quân đoàn III và quân đoàn IV sang Cambodia tấn công quân BV. Nhớ lại năm 1970, chúng ta thử xét xem dư luận trong nước ta sẽ có nhiều người phản đối khi chiến tranh lan rộng qua Cambodia, nhưng khi quân đội VNCH vượt biên giới sang Cambodia để cứu đồng bào VN khỏi nạn “cáp duồn” thì không hề có ý kiến ý cò gì cả vì không ai bảo rằng những xác chết người Việt bị thả trôi trên sông Mekong là giả mạo cả. Đành rằng sự thù hận giữa 2 dân tộc Miên – Việt đã có từ thời Minh Mạng, nhưng ai là thủ phạm đích thực đàng sau sự việc “cáp duồn” này, không thấy 2 chính phủ Cambodia và VNCH lập Ủy Ban Điều Tra và do dó không có kết luận ai là phía chịu trách nhiệm : phía chính quyền LON NOL , phía VC hay phía CIA ? Xin dành sự góp ý của quý vị độc giả.

Điểm thắc mắc của tôi là những tay sừng sỏ chống VNCH và chống MỸ như Trương Bá Cần, Nguyễn Ngọc Lan, Phan Khắc Từ, Chân Tín, ni sư Huỳnh Liên, bà Ngô Bá Thành, Đạo trưởng Pháp Môn thứ 84,001 là Nhất Hạnh (pháp môn này còn có tên không chính thức là Pháp Môn SỤP LỖ), Thích Trí Quang, Thích Đôn Hậu, kể cả GHPGVNTN doThích Trí Thủ lãnh đạo cũng không một ai lên tiếng chê trách hay phản đối QL/VNCH xâm phạm vào chủ quyền một quốc gia trung lập như Cambodia, ngay cả Nguyễn Hữu Thọ và Huỳnh Tấn Phát cũng như Nguyễn Thị Bình cũng giữ thái độ “nín thở qua sông”( 3 người sau cùng này được nhiều người hiểu chuyện thông cảm không phiền trách vì nếu họ lên tiếng thì sẽ bị Trung Tướng Đỗ Cao Trí xử giảo ngay lập tức)

SỰ KIỆN THỨ HAI : Đại Sứ MÉRILLON không có nêu ra biến cố lớn là Tổng Thống HK vừa mới đắc cử là ông Richard Nixon đã đích thân đến Sài Gòn vào tháng 7/1969. Nixon là tay sừng sỏ về chính trị nên khi nắm được chính quyền ông ta đã có sẵn CHÍNH SÁCH RÚT QUÂN và BIỆN PHÁP THI HÀNH. Tướng Nguyễn Khắc Bình cho hay là cả 2 vị Tổng Thống đã nói chuyện riêng với nhau khoảng một giờ đồng hồ mà không có thông dịch viên, ngay cả ông Hoàng Đức Nhã cũng phải đứng ngoài không được tham dự. Bây giờ 2024, cả 2 vị Tổng Thống đã qua đời từ lâu nên cũng không ai biết được 2 vị đã nói với nhau những gì. Có điều sau khi trở về Washington D.C., Tổng Thống Nixon ra lệnh cho ông Melvin Laird soạn thảo và công bố kế hoạch VIỆT NAM HÓA CHIẾN TRANH cũng như Lịch Trình quân đội Hoa Kỳ bắt đầu rút quân ra khỏi Việt Nam từ giữa năm 1969 đến cuối năm 1971 là lục quân sẽ hoàn toàn về nước, quân đội HK chỉ còn lại một số đơn vị của KQ và HQ mà thôi.

SỰ KIỆN THỨ BA : Đại Sứ MÉRILLON có nhắc trong hồi ký là ông thất bại khi thuyết phục Liên Sô ủng hộ và yểm trợ nước Pháp trong việc lập chính phủ liên hiệp 3 thành phần tại miền Nam VN trong khi chính Mao Trạch Đông và  Chu Ân Lai không những tán thành lời đề nghị của Chính Phủ Pháp mà còn hứa hẹn viện trợ tiền bạc và uy thế chính trị của Trung Hoa cho chính phủ này được bền vững. Ông Chu Ân Lai chỉ nhắc khéo chính phủ Pháp là Chính phủ Liên Hiệp 3 thành phần phải có  MTGPMNVN tham dự. Cũng có thể Đại Sứ MÉRILLON không được biết những điều khoản mà Nixon- Kissinger cam kết với Mao – Chu ở Thượng Hải năm 1972, đó là 2 phía Mỹ – Hoa để cho chiến tranh VN “tàn lụi” bằng cách Mỹ sẽ giảm dần rồi ngưng hoàn toàn viện trợ cho phía VNCH. Còn về phía TC cũng hoàn toàn chấm dứt viện trợ cho BV, Trung Cộng còn lưu ý HK là BV còn lưu trữ rất nhiều vũ khí của TC nên BV sẽ không gặp trở ngại nếu TC không cung cấp thêm vũ khí cho BV sau hiệp định Paris 1973. Nixon là cao thủ chơi poker, nên đã dùng gần 600 phi xuất B-52 trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 oanh tạc miền Bắc phá hủy toàn bộ kho vũ khí của BV tích dấu từ bấy lâu nay. Tôi tin chắc là toàn ban lãnh đạo của CSBV và cả chính phủ của Liên Sô không thể ngờ rằng chính phủ Nixon đã dám sử dụng vũ khí tối thượng của HK là B-52 vào mục đích buộc BV phải ký vào Hiệp Định Paris, ông Nixon “chịu chơi” ở điểm chấp nhận tổn thất 15 chiếc B-52 bị bắn rơi nhưng đạt được mục đích là có bản Hiệp Định trong tay, ông Nixon đã đem được hơn 500 tù binh về nước (Và 15 chiếc B-52 bị bắn rơi cũng chỉ là phương tiện của cuộc chiến chứ không bao giờ là mục đích của chiến tranh)

SỰ KIỆN THỨ TƯ : Đại Sứ MÉRILLON chỉ cho chúng ta biết có một số tướng lãnh Liên Sô có mặt ngay cạnh Đại Tướng Văn Tiến Dũng không phải để uống trà ngâm thơ mà để chỉ đạo trận chiến “tiến về SG” bắt sống Đại Sứ Graham Martin. Nhưng tin tình báo của Pháp không mạnh bằng tin tình báo của Mỹ : người Mỹ biết rằng chính phủ Liên Sô cực lực chống lại Hiệp Định Paris 1973 vì đây là thỏa ước chỉ có lợi cho Mỹ và Trung Cộng chứ Liên Sô bị cho ra rìa không được chia phần gì cả, nên sau khi Hiệp Định Paris , phái đoàn quân sự cao cấp của Liên Sô do Đại Tướng Konstantin Kurilov – đương kim Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Liên Sô- cầm đầu bay sang Hà Nội thúc ép Lê Duẩn tiếp tục cuộc chiến xâm lăng miền Nam. Ngay sau thời hạn 60 ngày tháo gỡ mìn và thủy lôi gắn ở hải cảng Hải Phòng, rất nhiều tàu vận tải của Liên Sô đã chở vũ khí đạn dược nhập cảng Hải Phòng.( Xin xem lại bảng chiến lợi phẩm của Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi báo cáo cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, khi ông chỉ huy Lực Lượng Xung Kích của Quân Đoàn III vượt biên giới sang Chipu để đánh tan 2 sư đoàn CSBV đã bao vây tiểu đoàn 93 (?) BĐQ/BP suốt mấy tháng trời tại Đức Hòa – Đức Huệ. Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi còn ghi rõ một số vũ khí mới chưa bao giờ được sử dụng tại chiến trường VN trước đó).

SỰ KIỆN THỨ NĂM : Đại Sứ MÉRILLON không nói cho chúng ta biết quân đội VNCH đã phá vỡ kế hoạch tiến mau chóng về SG để bắt sống Đại Sứ Martin như thế nào, nhưng người miền Nam của VNCH thì biết rõ : Sư Đoàn 18BB của Thiếu Tướng Lê Minh Đảo và những lực lượng phụ trợ có quân số và hỏa lực thua kém 3 sư đoàn quân BV đang bao vây Xuân Lộc làm thế nào để thoát vòng vây? Tôi tin chắc là Lê Đức Thọ và Văn Tiến Dũng chưa bao giờ nghĩ rằng quân đội VNCH có bom CBU (không phải là loại  Cluster Bomb như đã sử dụng trước đó). Trước khi thả bom CBU, tất cả cư dân Xuân Lộc được khuyến cáo rời bỏ Xuân Lộc và Bộ Tư Lệnh Không Quân cung cấp CH-47 để đồng bào mau chóng ra khỏi vùng lửa đạn vào ban ngày (hiện nay tôi vẫn còn lưu giữ một vài hình ảnh của CH-47 chuyển đồng bào ở Xuân Lộc vào tháng 4 / 1975). Tới ban đêm tất cả binh sĩ của tất cả các đơn vị được lệnh rời bỏ Xuân Lộc (xin xem hồi ký của Đại Úy Thiết Giáp Vũ Đình Lưu mô tả cuộc “rút quân” ra khỏi thị trấn Xuân Lộc vào cuối tháng 4/1975). Quân BV tràn vào Xuân Lộc liền bị ăn bom CBU và chết tất cả, CBU này là loại bom “đốt hết dưỡng khí trong vòng 15 phút nên bảo đảm không ai còn sống sót- bộ óc con người nếu không được cung cấp dưỡng khí trong vòng 6 phút là bộ óc đã chết). Cho tới giờ này, CSVN vẫn chưa bao giờ công bố con số lính BV bị chết vì quả bom CBU này, nên nhớ là xác chết của bom CBU vẫn còn nguyên chứ không phải trở thành tro bụi như trúng mưa bom của B-52 trước đó. Đài phát thanh Hà Nội thì la ó om xòm là Mỹ- Ngụy dùng bom nguyên tử cỡ nhỏ, nhưng mở miệng ra thì người ta biết là những thằng ngu nói bậy, vì nếu là bom nguyên tử thì bắt buộc người ta phải tìm được dấu vết của phóng xạ Plutonium hay của Uranium 235, trong khi không ai có thể tìm thấy dấu vết phóng xạ trong vùng Xuân Lộc.

SỰ KIỆN THỨ SÁU: Đại sứ MÉRILLON có nhắc lại lời than phiền của Đại Tướng Vanuxem về Tổng Thống Thiệu (năm 1951, khi Đại Tá Vanuxem là tiểu khu trưởng secteur Vĩnh Yên thì Trung Úy Nguyễn Văn Thiệu là thuộc cấp của ông) : “Lui” không nghe lời khuyến cáo của “moi”, đánh trận kiểu Mỹ thì không còn giữ được mảnh đất nào để mà thương thuyết sau này.

Nhưng Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu sau khi đọc quyển SAIGON ET MOI, có cho tôi biết một sự kiện quan trọng như sau : sau khi biết chắc là không thể trông cậy và nhờ vả chính phủ HK,Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho ngoại trưởng Vương Văn Bắc liên lạc với nhà vua Faisal của xứ Arab Seoud để mua lại vũ khí của Mỹ mà Arab Seoud là khách hàng lớn nhất và thường xuyên nhất. Luật Sư Vương Văn Bắc cho Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu biết là các hãng thăm dò và khai thác dầu hỏa quốc tế cho biết là VN có tiềm năng dầu hỏa rất to lớn cho nên các tin tức này dùng để “deal ” với nhà vua của Arab Seoud. Ngoại trưởng Vương Văn Bắc cho biết là VNCH không may vào thời điểm 1975 là nhà vua Faisal bị hàng con cháu sát hại để đoạt ngôi vua nên nhà vua mới không biết đến ước hẹn của vua Faisal. Do đó Tổng Thống Thiệu bắt buộc phải rút bỏ Vùng 2 rồi sau đó bỏ Vùng 1 vì VNCH không có vũ khí để theo đuổi cuộc chiến.

SỰ KIỆN THỨ 7 : Khi BV đem 14 sư đoàn vào Nam (BV có tổng cộng 16 sư đoàn) , Tướng Nguyễn Khắc Bình báo cáo cho Tổng Thống Thiệu biết là BV đã vét sạch nhân lực tới gần 16% nghĩa là không thể vét thêm phần trăm nào nữa, trong khi Thiếu Tướng Bùi Đình Đạm báo cáo là nhân lực quân đội của VNCH chỉ mới chiếm 5.5%. Tổng Thống Thiệu nhận định rằng chỉ cần có vũ khí, VNCH sẽ giữ vững các nơi thì BV sẽ không còn nhân lực nữa thì chiến tranh sẽ tàn lụi mà không cần phải ký thêm bất cứ Hiệp Định nào nữa. Vũ khí đã không đến vì những sự kiện khách quan mà tôi đã trình bày trong phần vừa nói trên nên cái khí khái của ông mà tôi rất kính trọng là ông đã cam chịu nhận tất cả phần lỗi về phía mình.

Và tôi hoàn toàn tin rằng thời gian sau này LỊCH SỬ SẼ ĐƯỢC SOI SÁNG KỸ CÀNG HƠN và SỰ ĐÁNH GIÁ NHÂN CÁCH VÀ VAI TRÒ CỦA TỔNG THỐNG THIỆU SẼ ĐƯỢC CHÍNH XÁC HƠN.( Không như bây giờ người ta hay đánh giá lịch sử theo chiều hướng Thắng- Thua cũng như đánh giá “Anh Hùng ” theo chiều hướng được nhiều người biết đến chứ không đánh giá theo chiếu hướng “phẩm hạnh” của cá nhân đó.

SỰ KIỆN THỨ 8 : Đại Sứ MÉRILLON đã mô tả công việc khó khăn của ông khi thay thế Đại Sứ Martin đảm nhận vai trò tìm hòa bình cho Việt Nam theo chủ thuyết của Pháp. Ông cũng nêu những nhận xét của cụ Trần Văn Hương về ông DV Minh như là cụ Hương chê ông MÉRILLON khi chọn ông DV Minh như là nước Pháp đã luôn luôn thu hoạch nho trái mùa…Nhưng người Việt Nam chúng ta biết chắc chắn rằng đại sứ Martin phải năn nỉ Đại Sứ Mérillon vì 3 lẽ :

8.1 Cụ Trần Văn Hương cương quyết không nhường chức Tổng Thống cho ông DVM, chả thế mà cụ Hương lên Đài Phát Thanh Sài Gòn tuyên bố : “Đại Tướng nghĩ rằng quyền Tổng Thống như cái khăn mouchoir hay sao mà muốn trao thì trao hay sao?”

8.2 Cụ Hương rất cứng đầu cụ nói cả với Đại Sứ Martin và sau này với Đại Sứ Mérillon là cụ không sợ Cộng Sản nếu Cộng Sản muốn đánh nhau thì cụ sẽ chiến đấu tới cùng…Nhưng đó không phải là ý định của chính phủ Hoa Kỳ, HK sẽ rút lui khỏi VN nhưng không muốn binh lính và dân chúng của VNCH chết thêm vô ích cũng như thành phố Sài Gòn phải được còn nguyên vẹn.

8.3 Chính sách của chính phủ Mỹ là “ra đi không để lại bằng chứng” nên chỉ có Đại Sứ Pháp nói chuyện phải quấy với cụ Hương được mà thôi, vì cụ Hương không biết nói tiếng Mỹ trong khi Đại Sứ Martin thì không biết nói tiếng Pháp (nhất là nói chuyện phải quấy không thể sử dụng thông dịch viên)

Quyển sách SAIGON  ET  MOI còn rất nhiều điều cần mổ xẻ, giá trị của nó rất đáng giá cho con dân của VNCH nghiên cứu vì tác giả của quyển sách này là chứng nhân của thời đại, tác giả của nó khi viết sách không tự đánh bóng cá nhân hay biện minh cho chính sách ngoại giao của nước Pháp. Một trong những khiếm khuyết của những người nghiên cứu SỬ LIỆU và NGHIÊN CỨU CHIẾN TRANH VIETNAM hiện nay là quá chú trọng đến những tài liệu của người Mỹ mà ít thấy ai đọc những quyển sách của các tác giả người Pháp, các tác giả của Liên Sô, của Trung Cộng…cho nên chính tôi nghĩ rằng những nhận xét của những “học giả” kiểu như vậy cũng tương tự như 5 thầy bói mù sờ 5 bộ phận của con voi rồi đưa ra những nhận định “lệch lạc” khiến cho người đọc mất thời giờ mà không “learn” được những điều hay ho của người viết.

Viết xong ngày 22 tháng tư năm 2024 tại San José

Trần Trung Chính