Nạn Cháy Rừng và Ô Nhiễm Không Khí

0
848

Tháng này, dân chúng ở New York lại phải mang “mask”, khẩu trang, để che mũi và miệng khi đi ra ngoài, cất vào túi đi khi bước vào trong nhà. Song lần mang  “mask” kỳ này không giống như thời kỳ còn COVID. Người ta mang mask để chống không khí bị ô nhiễm vì khói do cháy rừng ở canada lan sang. Khi những đám cháy rừng đưa khói vượt biên giới Hoa Kỳ làm cho tất cả những tiểu bang dọc theo bờ biển miền đông bị bao phủ trong làn khói màu cam, không khí ở New York bị ô nhiễm trầm trọng, mức độ xấu nhất thế giới. Máy bay phải nằm ụ dưới đất, không thể cất cánh được, mọi hoạt động ngoài trời đều phải hủy bỏ. Phòng cấp cứu của  bệnh viện đầy ắp những người bị bệnh suyễn, hay bệnh về hô hấp đến xin chữa trị. Thượng Nghị Sĩ Chuck Schumer kêu gọi chính quyền Biden gửi thêm lính chữa lửa sang Canada để chữa cháy giúp. Năm nay ở New York, chúng ta có một “mùa hè đầy khói”.

Không có gì cần thiết cho sự sống bằng hơi thở, khi không khí quanh ta không tốt để hít thở, đó là điều hết sức nguy hiểm cho sự sống. Hiện tượng này bây giờ lại xảy ra khá thường xuyên. Mùa hè vừa mới bắt đầu, song mùa cháy rừng đã xảy ra ở Canada rồi, và năm nay là mùa cháy rừng xấu nhất trong lịch sử. Diện tích bị cháy năm nay rộng gấp 15 lần năm ngoái, rộng bằng cả tiểu bang New Jersey. Lính chữa lửa ở Quebec phải than rằng những trận hỏa hoạn năm nay thuộc loại “không thể ngăn chặn được.”. Những ngày khói bao phủ New York, một màn khói cay mắt bao trùm vùng Upper Midwest, khiến cho không khí vùng Twin Cities nguy hại cho sức khỏe. Toàn thể bầu trời Chicago trở nên mờ tối. Hình ảnh bầu trời dày đặc khói đã từng xảy ra khá thường xuyên bên miền Tây Hoa Kỳ. Những trận cháy rừng làm cho không khí ở đây bị ô nhiễm trầm trọng, chỉ đạt được một nửa tiêu chuẩn không khí trong lành theo Luật Clean Air Act. Ở những vùng này, khói do cháy rừng làm ô nhiễm không khí giống như việc đốt nhiên liệu hóa thạch, nếu không muốn nói là còn tệ hơn nữa. Trên khắp nước Mỹ người nào cũng phải trải qua một ngày hít thở không khí “có rất nhiều khói”. Từ năm 2006 đến nay mức độ khói làm ô nhiễm không khí tăng 27 lần.

Đứng về khía cạnh y tế, liên quan đến sức khỏe của con người, khói do cháy rừng có lẽ là hình thức làm ô nhiễm không khí nguy hại cho sức khỏe nặng nhất. Theo một bài nghiên cứu, loại ô nhiễm do cháy từng gây độc hại gấp 10 lần so với khói từ các loại khí thải  khác chẳng hạn như khói xe hơi. Cháy rừng- wild fires-  thải ra rất nhiều mảnh vụn nhỏ li ti tên là PM2.5- tức là loại mảnh vụn chỉ nhỏ bằng một phần hai mươi của sợi tóc. Khi chúng ta hít phải nó, mảnh vụn này chui rất sâu vào trong cơ thể con người. Những mảnh vụn đó có thể nhập vào máu, chui vào nhiều bộ phận trong cơ thể, thậm chí chui cả vào não của của chúng ta. Những mảnh vụn này đặc biệt gây nguy hiểm trầm trọng cho trẻ em bởi vì cơ thể trẻ em còn đang phát triển, hệ thống miễn nhiễm trong người chưa được hoàn thiện. 

Vẫn còn rất nhiều điều cần phải tìm hiểu thêm về tầm mức nguy hại của khói do cháy rừng gây ra, nhưng những nghiên cứu về ô nhiễm không khí nói chung đều cho thấy cháy rừng gây nên rất nhiều nguy hại. Nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy khi không khí bị ô nhiễm thì tội phạm cũng gia tăng, học sinh làm bài thi kém, trọng tài không theo dõi trận đấu chính xác được, nhà đầu tư thường vấp phải nhiều lỗi lầm. Hít phải không khí ô nhiễm khiến người ta bị bệnh suyễn, và bị bệnh có lỗ trong phổi- emphysema- bệnh Alzheimer- mất trí nhớ- và bệnh Parkinson’s, bệnh ung thư và tai biến mạch máu não, bệnh trầm cảm và tự tử, sảy thai, trẻ em sinh ra quá sớm, và trẻ em bị chết yểu. Mỗi năm, ô nhiễm không khí làm chết khoảng 10 triệu người trên toàn thế giới. Trước tầm mức nguy hiểm của ô nhiễm không khí, chúng ta thấy tình hình hiện nay là một sự thất bại trầm trọng của chúng ta trong việc cải thiện tình trạng ô nhiễm tồi tệ hiện nay. Và nó trở thành hiện tượng xảy ra hàng ngày.

Khi nói về sự ô nhiễm không khí, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy đây là một sát thủ vô hình,thầm lặng, và giết chết chúng ta từ từ. Nhiều công ty lớn vẫn tiếp tục bơm xăng dầu lấy từ hóa thạch lên để mà dùng. Chúng ta cần nhớ lại lý do phải làm ra đạo luật Clean Air Act bởi vì sự ô nhiễm quá đáng trong không khí- làm mờ mắt và nghẹt mũi xảy ra vào những năm 1980’s. Từ đạo luật này chúng ta đã để chừa ra một số ngân khoản khoảng 3.8 trillion đô la để bù đắp thiệt hại về kinh tế, và cứu được khoảng 400 ngàn mạng sống người Mỹ hàng năm. Hiện nay, trên thế giới việc sử dụng năng lượng tái sinh đỡ tốn tiền hơn nguồn năng lượng gây ra ô nhiễm. Nói khác đi, các nước đang phát triển không cần phải lệ thuộc vào loại năng lượng dơ bẩn để phát triển kinh tế. Nhà văn chuyên viết về thay đổi khí hậu, ông David Roberts ghi nhận: “Dù cho hiện tượng địa cầu bị hâm nóng, chúng ta vẫn nên giải phóng mình, không để lệ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Chỉ riêng việc làm cho không khí sạch cũng đủ đem lại lợi lạc để chúng ta đủ trả cho  việc chuyển đổi sang năng lượng khác.”. Việc làm chậm lại sự thay đổi của khí hậu cũng là cách rất tốt để làm giảm bớt những vụ cháy rừng. Cháy rừng làm cho khí quyển nóng thêm, và trái đất thêm khô cằn.

Tình hình hiện nay thì sao? Ở Canada đang có hàng trăm vụ cháy rừng- nhiều đám cháy được coi là không thể kiểm soát được- và hàng chục quốc gia gửi lính chữa lửa đến Canada để phụ giúp chữa cháy. Để bảo vệ sức khỏe, ở trong nhà thôi chưa đủ. Thứ nhất là không phải ai cũng có thể ẩn núp ở trong nhà, thứ hai nữa là không khí ở trong nhà chỉ đỡ hơn không khí ngoài trời một chút thôi. Ngay cả ở những khu xóm khá giả, lúc nào cũng có công trình xây cất mới, không khí bên trong nhà trở nên ít phẩm chất trong mùa có cháy rừng. Nhất là khi không có hệ thống lọc không khí tốt. Hệ thống lọc không khí là dụng cụ tốt để bảo vệ sức khỏe. Sau tai nạn xì hơi gas ở Los Angeles, học khu ở đây gắn hệ thống lọc không khí trong lớp học, người ta thấy rõ điểm làm bài thi của học sinh về môn Toán và Anh Văn tăng vọt lên. Trong lúc đó, nếu phải đi ra ngoài trời chúng ta cần đeo loại mask N95, và phải mang cho đúng cách. Nghiên cứu cho thấy mang mask khi đi ra ngoài trời có khói, chúng ta có thể bảo vệ sức khỏe hiệu nghiệm ở lũy thừa 16. Một số mô hình cho biết nếu việc sử dụng mask N95 được sử dụng rộng rãi, và đúng cách, chúng ta có thể làm giảm 30% số người phải đến bệnh viện xin điều trị vì những bệnh về đường hô hấp. Trong mùa hỏa hoạn gần đây ở tiểu bang Washington, mang mask để tránh khói đem lại lại kết quả rất tốt. 

Nhiều vụ cháy rừng ở Canada xảy ra là do sét đánh. Nhưng ở Hoa Kỳ khoảng 80% những vụ cháy rừng là do sự bất cẩn của con người chứ không phải do hành động của “Chúa”, hay thiên tai. Trong bài tiểu luận đăng trên báo Times, ông Clare Frank, cựu chỉ huy trưởng sở cứu hỏa ở California kể ra một số trường hợp những người cắm trại, ăn tiệc ngoài trời, đốt lửa gây ra hỏa hoạn, cháy rừng. Theo ông Frank, nếu công chúng ý thức được tầm mức nguy hiểm của cháy rừng, người đi cắm trại thận trọng, hay chúng ta áp dụng biện pháp trừng phạt nặng, có lẽ chúng ta đã tránh được nhiều thiệt hại to lớn. Cùng lúc đó, những chuyên gia về môi trường đang thẩm định, xem xét lại những kỹ thuật bảo vệ rừng cây. Giới chức liên quan đến vấn đề cháy rừng thường sử dụng phương pháp cổ truyền bằng cách tận diệt nguy cơ xảy ra cháy rừng, đốt bỏ những vùng có cây nhỏ không cần thiết. Nhưng ngày nay người ta tìm thấy rằng nên giữ lại những đám cháy nhỏ để ngăn ngừa tai họa lớn xảy ra.

Trong một chừng mực nào đó, nỗ lực duy trì sức khỏe tốt luôn luôn được xem như một cuộc chiến đấu của con người chống chọi với thiên nhiên. Trong suốt chiều dài của lịch sử, đó là một cuộc chiến đấu chống lại các loại vi trùng rất nhỏ, sự biến đổi của vi khuẩn, và sự suy thoái, tàn phá của tuổi già. Tuy nhiên, càng ngày chúng ta càng thấy rằng hầu như con người cảm thấy tự mãn nguyện với hành tinh chúng ta đang sống. Nói khác đi, chúng ta chấp nhận hậu quả của những hư hao, thiệt hại mà chúng ta gây ra cho hành tinh trái đất. Đối với nhiều trong chúng ta, mối nguy hiểm xem ra xa vời lắm, mang tính chất lý thuyết, trừu tượng. Bây giờ chỉ riêng việc hít thở thôi cũng đủ khiến cho chúng ta hoảng sợ, không dám làm ngơ được nữa.

Nguyễn Minh Tâm  dịch theo THE NEW YORKER  ngày 3/7/2023