Lãnh đạo Cộng hoà McConnell và Mike Johnson đối đầu những vấn đề cấp bách 

0
785

(CaliToday) – Lãnh tụ Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell và Chủ tịch Hạ viện mới đắc cử Mike Johnson chuẩn bị bước vào cuộc đối đầu về viện trợ khẩn cấp cho Ukraine và tài trợ ngân sách cho chính phủ – 2 vấn đề quan trọng sẽ kiểm chứng khả năng cùng nhau làm việc của hai lãnh đạo.
McConnell muốn viện trợ quân sự cho Ukraine và Israel gắn liền với nhau vì Thượng nghị sĩ Kentucky xem những xung đột đó là một phần của mối đe dọa toàn cầu lớn hơn. Ông nhiều lần cảnh báo, gây chiến với Dân chủ có thể dẫn đến việc chính phủ đóng cửa, và điều này không tốt vể mặt chính trị cho Cộng hoà.
Trong khi đó, Johnson lại muốn tách riêng biệt các vấn đề Ukraine và Israel, đồng thời ông sớm tỏ dấu hiệu ủng hộ một dự luật chi tiêu tạm thời, trong đó cắt giảm mạnh chi tiêu phi quốc phòng, điều mà Dân chủ cảnh báo sẽ không có cơ hội thông qua tại Thượng viện.
Trong 3 tuần tới, McConnell muốn thông qua các dự luật ngân sách thường lệ trước Giáng sinh để tăng chi tiêu quốc phòng, trong khi Johnson đưa ra ý tưởng đóng băng nguồn tài trợ liên bang với dự luật chi tiêu tạm thời kéo dài đến tháng 1 hoặc tháng Tư sang năm.
Johnson cũng đã đề nghị bù đắp $14 tỷ Mỹ kim viện trợ cho Israel bằng những cắt giảm chi tiêu khác, và dự tính này sẽ gây tranh cãi với cả Cộng hòa và Dân chủ tại Thượng viện.
Ngoài những thách thức trên, rất ít thượng nghị sĩ Cộng hòa biết đến Johnson trước khi ông bất ngờ được bầu làm Chủ tịch Hạ viện vào tuần trước, và McConnell thậm chí vẫn chưa gặp Dân biểu Louisiana, mặc dù có cuộc điện đàm vào ngày Johnson đắc cử.
McConnell nhấn mạnh những thách thức trước mắt, chia sẻ với các đồng nghiệp tại Thượng viện rằng, “chúng tôi còn rất nhiều công việc phía trước,” và kêu gọi thành viên Cộng hòa tại Hạ viện và Thượng viện “cùng nhau hợp tác trong một số ưu tiên cấp bách.”
Lãnh đạo Cộng hoà tại Thượng viện và Hạ viện có mối quan hệ hoàn toàn khác với cựu Tổng thống Donald Trump, và đối ngược nhau trong những gì xảy ra chung quanh ngày 6 tháng 1 năm 2021, khi Johnson đưa ra những lập luận mà nhiều dân biểu Cộng hoà sử dụng để biện minh lá phiếu của họ chống chứng nhận chiến thắng của Tổng thống Joe Biden.
McConnell không nói chuyện với Trump kể từ giữa tháng 12 năm 2020, và không công khai nhắc đến tên cựu Tổng thống trong vài năm qua. Ông thường xuyên bác bỏ những chỉ trích của ông Trump nhắm vào Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Trong khi Johnson được phe cực hữu Hạ viện ca ngợi là nhà lập pháp MAGA -Make America Great Again. Và Johnson lo ngại về khả năng một số trong toán này có thể truất phế ông ta bằng một thỉnh nguyện như họ đã dùng với Kevin McCarthy (Cộng hoà – California) khi đưa dự luật chi tiêu chính phủ ra sàn Hạ viện nhằm tránh đóng cửa chính phủ.
Cho dù bất đồng thế nào đi nữa, McConnell và Johnson bằng cách nào đó phải tìm cách hợp tác để tránh chính phủ đóng cửa, tìm cách để Cộng hoà giành lại quyền kiểm soát Toà Bạch Ốc và Thượng viện vào năm 2024, và đồng thời tăng đa số sít sao tại Hạ viện.
81 tuổi, McConnell năm nay trở thành lãnh đạo Cộng hoà đương chức lâu nhất trong lịch sử Thượng viện, với hơn 16 năm làm lãnh đạo Cộng hòa tại Thượng viện. Johnson, 51 tuổi, lần đầu đắc cử vào Hạ viện năm 2016.

Hương Giang (Theo The Hill)