Hoa Kỳ và Trung Quốc Nói Chuyện Thẳng Thắn Với Nhau

0
654

CaliToday News – Năm 1979, Đặng Tiểu Bình là người lãnh đạo nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đầu tiên đi thăm Hoa Kỳ, bầu không khí về quan hệ giữa hai nước mang đầy vẻ ngọt ngào tán tỉnh nhau. Tại buổi biểu diễn rodeo ở Texas, cao bồi quăng dây thừng bắt bò tót, nhà cách mạng lừng danh Trung Hoa, cao chưa tới 5 feet, đội chiếc mũ cao bồi rộng vành, khiến cho khán giả đứng xem vô cùng cảm kích. Theo như người viết tiểu sử Ezra Vogel nói: “Trông ông ta chẳng có vẻ gì là một tay Cộng Sản chút nào. Trái lại ông ấy giống hệt người Mỹ chúng mình.”. Mối quan hệ đằm thắm đó cứ tiếp tục kéo dài trong nhiều thập niên sau. Hai bên cùng tìm cách chôn vùi những bất đồng trong quá khứ. Hai nước bất đồng với nhau về ý thức hệ, về tài sản trí thức, về nhân quyền, bởi vì lúc bấy giờ cả hai nước cùng nhắm đến lợi lạc lâu dài.

Nhưng trong lần gặp gỡ tuần này giữa nhà lãnh đạo hai nước Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden, không còn biểu diễn quăng dây rodeo, hay đội nón cao bồi. Tính từ lần gặp gỡ trước đây, hai cường quốc đã trải qua hơn một năm gầm gừ bất tín nhiệm nhau, hai nước cùng ra sức chỉ trích nhau. Trong thời gian gần đây, ông Tập tố cáo Hoa Kỳ đã tìm cách “bao vây, phong tỏa và đàn áp Trung quốc”. Và ông Biden thì gọi ông Tập là “tên độc tài.”. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có những mối quan hệ chằng chịt với nhau, nhưng hai chính phủ lại có nhiều bất đồng về  nhiều vấn đề  như vụ Đài Loan, và Hoa Kỳ tìm cách hạn chế bán những sản phẩm kỹ thuật cao sang Trung Hoa. Hai nước cũng có lập trường trái ngược nhau về cuộc chiến tranh ở Âu châu và Trung Đông. Quan hệ giữa hai nước xuống thấp đến mức độ băng giá khi mùa đông năm ngoái một trái khinh khí cầu do thám của Trung Cộng bay trên không phận Mỹ bị Không Quân Hoa Kỳ bắn rơi. 

Trước những xung đột, căng thẳng to lớn như trên, ông Biden mời ông Tập Cận Bình đến Hoa Kỳ nhân dịp hội nghị thượng đỉnh về kinh tế giữa các nước Á châu Thái Bình Dương tổ chức ở San Francisco hôm 15 tháng 11. Đây là chuyến công du sang Mỹ đầu tiên của chủ tịch Tập kể từ sáu năm qua. Ở trong nước, ông Tập đã bỏ được việc giới hạn nhiệm kỳ làm Chủ tịch nước, vì thế ông là chủ tịch toàn quyền, không có một đối thủ chính trị nào cả. Nhưng trong chuyến công du sang Hoa Kỳ ông tỏ ra uyển chuyển, mềm mỏng. Sau nhiều thập niên phát triển vững mạnh khiến cả thế giới phải trầm trồ khen ngợi, ngày nay nền kinh tế Trung quốc đang ở tình trạng suy đồi: Đầu tư của nước ngoài vào Trung Hoa bị giảm xuống  mức thấp nhất, hầu như không còn nữa vì các nước sợ chính sách thù nghịch với kinh doanh tư nhân của chính phủ sau khi một số nhà kinh doanh nổi tiếng bị bắt giam. Những doanh nhân nổi tiếng, và những sinh viên ưu tú tìm cách định cư ở nước ngoài. Trong cuộc hội nghị thượng đỉnh kỳ này, hai nhà lãnh đạo, và đoàn tùy tùng đi họp riêng ở một thành phố nằm ở phía nam của San Francisco tại dinh tự Filoli, một dinh cơ đồ sộ xây theo kiểu thời vua George, từng được dùng làm bối cảnh cho bộ phim “Dynasty” nổi tiếng trước đây. Bộ phim này rất được hâm mộ ở Trung Hoa. 

Ngồi đối diện nhau, hai ông Biden và Tập mở đầu cuộc họp bằng những lời lẽ rất lịch sự và lễ phép. Ông Biden nói “điều tối quan trọng đặt ra ở đây là tôi và ông hiểu nhau rõ ràng trong tư thế hai nhà lãnh đạo, không có chuyện hiểu lầm nhau, hay diễn dịch sai ý của nhau.”. Cụm từ “misconception” nghĩa là hiểu nhầm nhau bởi vì ở Hoa Thịnh Đốn người ta cho rằng bao quanh chủ tịch Tập có cả một nhóm cố vấn, chuyên viên trung thành với ông. Vì thế theo giáo sư Victor Shih dạy môn chính trị kinh tế ở UC San Diego: “Mọi tin tức, thông tin trình lên chủ tịch Tập đều bị gạn lọc, diễn giải bởi nhóm phụ tá, cố vấn trước khi đến tai Chủ tịch Tập.”. Ví dụ ông Biden muốn tranh luận về việc người Trung quốc nghi ngờ người Mỹ khuyến khích Đài Loan tuyên bố độc lập, nhưng đồng thời ông cũng muốn giữ lập trường sẽ bảo vệ Đài Loan nếu đảo quốc bị tấn công. Khi ông nói như vậy, ông muốn đảm bảo rằng cả hai nhà lãnh đạo chấp nhận nguyên tắc: “cạnh tranh, tranh đua nhưng không đưa đến đánh nhau, xung đột.”. Chủ tịch Tập hiểu rằng đánh nhau sẽ đưa đến hậu quả không nước nào kham chịu nổi. Nhưng ông cũng nói thêm rằng :”Tôi quan niệm rằng việc cạnh tranh giữa những nước chủ yếu không nên diễn ra giống như tình hình hiện nay. Hành tinh trái đất rất lớn, đủ để cho cả hai chúng ta cùng chia nhau chiếm ngự và dẫn đến thành công.”.

Mặc dù hình ảnh cuộc họp thượng đỉnh trông có vẻ rất êm đẹp, nhưng ông Tập vẫn mong muốn Hoa Kỳ nên rút lui ra khỏi những khu vực đang có tranh chấp bằng cách giảm bớt sự can dự của Mỹ ở những vùng đang có xung đột, chiến tranh như ở Đài Loan, Ukraine, Biển Nam Hải và Trung Đông. Nhưng Hoa Kỳ không có ý định sẽ không can dự vào tình hình ở những nơi trên. Theo Jude Blanchette, chuyên gia về Trung Hoa trong tổ chức Center for Strategic and International Studies: “Nó nói lên tính chất thâm hiểm của hai nhà lãnh đạo. Tôi nghi rằng rồi đây các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ sẽ ít gặp ông Tập mặt đối mặt, và ông Tập cũng sẽ tiếp tục băn khoăn, bực bội với chính sách của Hoa Kỳ.”.

Sau buổi làm việc trong lúc ăn trưa, và đi bộ chung với nhau một quãng ngắn để ký giả chụp hình, ông Tập cáo lui để đến khách sạn Hyatt Regency dự tiệc. Ở đây ông bị một nhóm biểu tình khá đông hét to khẩu hiệu chống đối ông bằng biểu ngữ: “hãy trả tự do cho Tây Tạng” – “Free Tibet”- nhưng ở bên trong khách sạn là một phòng hội lớn có rất nhiều Chủ tịch công ty lớn, và các nhà đầu tư muốn đi tìm đường lối làm ăn với Trung quốc. Khách mời dự bữa này tiệc phải trả tiền với giá $40,000 mỗi người. Ông Tập lại nói về cảm tưởng bất mãn của ông với tình hình cạnh tranh hiện nay. Ông nêu câu hỏi: “Chúng ta đang là hai nước thù nghịch hay là hai nước là đối tác với nhau?” và ông báo tin rằng một con gấu Panda vừa được gửi sang sở thú ở San Diego. Chủ tịch các công ty cùng đứng lên hoan hô ông Tập vì thái độ hòa hoãn cởi mở của ông. Trong lúc đó, ông Biden một mình đứng ra tổ chức cuộc họp báo ở phòng họp khác. Ông tuyên bố đôi bên đã đi đến thỏa thuận là sẽ tái tục đường dây liên lạc về quân sự, và cùng nhau thực hiện kế hoạch bài trừ việc sản xuất loại thuốc giảm đau Fentanyl gây nghiện. Hai nước cùng hứa với nhau rằng hai thỏa thuận trên sẽ không buộc phải kết nối với một cam kết với vấn đề khác, chẳng hạn như trả tự do cho người Mỹ đang bị giam giữ ở Trung Hoa. Hai nước cũng đồng ý trước với nhau về phương cách chống lại sự thay đổi của khí hậu qua việc cắt giảm mức sử dụng năng lượng hóa thạch – dầu hỏa- và tăng gấp ba lần việc sử dụng năng lượng tái chế biến. Cố gắng trên sẽ dẫn đến một thỏa thuận chung. Ông Biden nói nguyên văn như sau: “Ông Tập và tôi cùng đồng ý rằng, một trong hai người có thể nhấc điện thoại gọi cho nhau trực tiếp, và nói chuyện ngay lập tức về bất cử vấn đề gì. Chỉ cần nói thẳng cho nhau biết mình muốn gì. Do đó, sẽ không còn chuyện hiểu lầm, hay ngộ nhận nữa.”. (Trong tinh thần hãy nói thẳng cho nhau biết ý nghĩ trong đầu, một ký giả hỏi ông Biden liệu ông có thay đổi ý nghĩ cho rằng ông Tập Cận Bình là một kẻ độc tài? Ông trả lời rằng ông không thay đổi ý kiến đó.)

Không ai hy vọng rằng quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Trung quốc sẽ trở lại thời kỳ đầm ấm, hai nước cùng khen ngợi nhau như thế hệ trước đây. Một dấu hiệu cho thấy trong tương lai sẽ còn rắc rối, chưa yên đó là: Cơ quan truyền thông nhà nước của Trung quốc cho biết ông Tập đòi hỏi ông Biden phải cho thấy “hành động cụ thể”, không phải chỉ nói suông mà thôi, để giải tỏa mối lo sợ cho rằng Mỹ đang ủng hộ việc Đài Loan đòi được độc lập. Hiện nay, mục tiêu của ông Biden mới chỉ nhằm tránh khỏi sự lặng thinh nguy hiểm hiện nay. Sự yên lặng đó sẽ khiến cho mối ngờ vực và thái độ chống đối tăng lên cao.

Không ai được hài lòng về kết quả của cuộc gặp gỡ nói chuyện giữa hai nhà lãnh đạo kỳ này. Trước khi cuộc gặp gỡ diễn ra, một thành viên thuộc đảng Cộng Hòa trong Ủy Ban Đặc biệt đã công bố một lá thư gọi cuộc gặp gỡ này là “không có mục đích rõ ràng, và chỉ là việc cam kết giả vờ.” với Trung quốc. Nhưng cá nhân ông Biden là một người ưa thích nói chuyện đàm phán dù cho không đạt được kết quả tốt đẹp. Truyền thống đó có từ khi cuộc Chiến Tranh Lạnh mới bắt đầu. Từ năm 1950, khi ông Winston Churchill đang làm Thủ tướng nước Anh, ông đã chế ra từ ngữ “Họp Thượng Đỉnh- Summit- để miêu tả niềm hy vọng rất cao khi ông họp với các nhà lãnh đạo Soviet Trong thực tế, ông Churchill chưa bao giờ đi dự Phiên Họp Thượng Đỉnh với lãnh tụ Soviet. Sau này, nó được dùng thường xuyên trong mối quan hệ giữa phương Tây và Soviet. Trong một bài diễn văn đọc trước Quốc Hội Anh vào năm 1953, ông Churchill trình bày viễn kiến của ông rằng: “Trong bối cảnh của cuộc họp mặt ở một nơi hẻo lánh xa chốn ồn ào đầy thách đố, có lẽ các nhà lãnh đạo sẽ bình tâm nghĩ đến việc làm tốt, thay vì chỉ nghĩ đến việc xé nát sinh mạng con người, và cả bản thân họ, ra từng mảnh.” .

Bài nhận định của Evan Osnos trên THE NEW YORKER 27/11/2023

Nguyễn Minh Tâm dịch