Henry Kissinger, nhà ngoại giao đầy ảnh hưởng và gây tranh cãi, qua đời ở tuổi 100 

0
1065

(CaliToday) – Henry A. Kissinger – một học giả chuyển thành nhà ngoại giao, người đã thiết kế việc mở cửa Hoa Kỳ với Trung Quốc, thương lượng việc rút khỏi Việt Nam, và là người sử dụng sự xảo quyệt, tham vọng và trí tuệ để xây dựng lại mối quan hệ cường quốc của Mỹ với liên bang Nga Xô viết trong thời kỳ đỉnh cao Chiến tranh Lạnh, đôi khi chà đạp các giá trị dân chủ để đạt được mục đích này – đã qua đời hôm thứ Tư tại tư gia ở Kent, Connecticut, hưởng thọ 100 tuổi.

Cái chết của Kissinger được công ty tư vấn của ông công bố.

Rất ít nhà ngoại giao vừa được vinh danh, ngưỡng mộ, nồng nhiệt, vừa bị chỉ trích gay gắt như Kissinger. Được xem là Ngoại trưởng quyền lực nhất thời kỳ hậu Đệ nhị Thế chiến, ông được ca ngợi là một người theo chủ nghĩa cực đoan, người đã định hình lại chính sách ngoại giao để phản ánh lợi ích của Mỹ, và cũng bị tố cáo đã từ bỏ các giá trị của Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực nhân quyền, nếu nó phục vụ mục đích của quốc gia.

Kissinger làm cố vấn cho 12 tổng thống, trong đó có hơn ¼ trong nhiệm kỳ, từ John F. Kennedy đến Joseph R. Biden Jr. Là người Do Thái tị nạn, chạy trốn Phát xít Đức, với sự hiểu biết của một học giả về lịch sử ngoại giao, nỗ lực không ngừng, đôi khi thêm một yếu tố không lý giải được đối với các tuyên bố của mình, Kissinger đã biến đổi hầu hết mọi mối quan hệ toàn cầu mà ông chạm tới.

Vào một thời điểm quan trọng trong lịch sử và ngoại giao Hoa Kỳ, ông chỉ đứng thứ hai sau Tổng thống Richard M. Nixon. Kissinger tham gia Toà Bạch Ốc Nixon vào tháng 1 năm 1969 với tư cách cố vấn an ninh quốc gia, sau đó vào năm 1973, ông được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng, trở thành nhân vật rất hiếm cùng một lúc giữ hai chức vụ này. Khi Nixon từ chức, ông vẫn tiếp tục giữ những chức vụ này dưới thời Tổng thống Gerald R. Ford.

Những cuộc thương lượng bí mật của Kissinger với Trung Quốc Đỏ lúc bấy giờ đã dẫn đến thành tựu chính sách đối ngoại nổi tiếng nhất của Nixon. Được dự tính là bước đi mang tính quyết định trong Chiến tranh Lạnh nhằm cô lập Liên xô, nó đã mở đường cho mối quan hệ phức tạp nhất trên toàn cầu, giữa các quốc gia mà khi ông qua đời là nền kinh tế lớn nhất thế giới (Hoa Kỳ) và lớn thứ hai, hoàn toàn đan xen nhưng vẫn thường xuyên mâu thuẫn khi một cuộc Chiến tranh Lạnh mới lấp ló.

Trong nhiều thập niên, Kissinger vẫn là tiếng nói quan trọng nhất của quốc gia trong sự kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, cũng như những thách thức kinh tế, quân sự và công nghệ từ nước này. Ông là người Mỹ duy nhất đối phó với mọi nhà lãnh đạo Trung Quốc, từ Mao Trạch Đông đến Tập Cận Bình. Vào tháng 7, ở tuổi 100, ông gặp ông Tập và các nhà lãnh đạo Trung Quốc khác ở Bắc Kinh, nơi ông được tiếp đón nồng hậu ngay cả khi quan hệ với Washington đã trở nên thù địch.

Kissinger kéo Liên bang Nga Xô viết vào cuộc đối thoại được xem nới lỏng, dẫn đến những hoà ước kiểm soát vũ khí hạt nhân quan trọng đầu tiên giữa hai quốc gia. Với chính sách ngoại giao con thoi, ông đã đẩy Moscow ra khỏi chỗ đứng cường quốc ở Trung Đông, nhưng lại thất bại trong việc đạt được hoà bình rộng lớn trong khu vực.

Trong nhiều năm tại các cuộc họp ở Paris, Kissinger đã đàm phán các hiệp ước hòa bình, chấm dứt sự tham dự của Mỹ vào Chiến tranh Việt Nam, một thành tựu đã giúp ông chia Giải Nobel Hòa bình năm 1973. Ông gọi đó là “hòa bình trong danh dự,” nhưng chiến tranh còn lâu mới kết thúc, và những người chỉ trích cho rằng, lẽ ra ông có thể đạt được thỏa thuận tương tự nhiều năm trước, cứu sống hàng ngàn sinh mạng con người.

Trong vòng 2 năm sau, Việt cộng tràn vào miền Nam Việt Nam được Mỹ hậu thuẫn. Đây là kết cục nhục nhã, chấm dứt cuộc chiến tranh mà ngay từ đầu Kissinger đã nghi ngờ Hoa Kỳ có thể thắng.

Đối với giới chỉ trích, chiến thắng của Cộng sản là kết quả tất yếu của một chính sách đầy hoài nghi nhằm tạo khoảng trống giữa việc Mỹ rút quân khỏi Nam Việt Nam và bất cứ điều gì xảy ra sau đó. Quả thực, những chú thích bên lề về chuyến công du bí mật đến Trung Quốc năm 1971, Kissinger viết nguệch ngoạc, “Chúng tôi muốn có một khoảng thời gian, không gian hợp lý.” Điều này cho thấy, ông chỉ đơn giản tìm cách trì hoãn sự sụp đổ của Sài Gòn.

Nhưng đến lúc khoảng thời gian đó kết thúc, người Mỹ từ bỏ dự án Việt Nam, không còn được thuyết phục rằng, lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ gắn liền với số phận của quốc gia này.

Trong trường hợp Việt Nam, lịch sử đã phán xét một số chủ nghĩa hiện thực Chiến tranh Lạnh của ông dưới góc nhìn khắc nghiệt hơn so với những gì nó được mô tả vào lúc đó. Để mắt đến sự cạnh tranh giữa các cường quốc, Kissinger thường sẵn sàng tỏ ra xảo quyệt, đặc biệt là khi đối phó với các quốc gia nhỏ hơn được ông xem là tốt thí trong trận chiến lớn hơn.

Ông là người kiến tạo nên những nỗ lực của chính quyền Nixon nhằm lật đổ tổng thống Đảng Xã hội được bầu cử dân chủ của Chile, Salvador Allende.

Kissinger là kiến trúc sư của nỗ lực chính phủ Nixon nhằm lật đổ Tổng thống Đảng Xã hội được bầu cử dân chủ ở Chile – Tổng thống Salvador Allende.

Ông bị tố cáo vi phạm luật quốc tế khi cho phép bí mật ném bom rải thảm xuống Cambodia vào năm 1969-1970, tuyên chiến với một quốc gia có vẻ như trung lập.

Mục tiêu của Kissinger lúc đó là nhổ tận gốc các lực lượng ủng hộ Việt Cộng đang hoạt động từ các căn cứ khắp biên giới Cambodia, nhưng dưới mệnh lệnh của ông, bom được thả bừa bãi. Kissinger yêu cầu quân đội “tấn công bất cứ thứ gì bay hoặc nhúc nhích.” Kết cục, 50.000 thường dân bị thiệt mạng.

Vào năm 1975, Kissinger và Tổng thống Ford đã bí mật phê chuẩn việc quân đội Indonesia do Mỹ hậu thuẫn xâm chiếm Đông Timor, thuộc địa trước đây của Bồ Đào Nha. Sau khi mất Việt Nam, có lo ngại rằng chính phủ cánh tả ở Đông Timor cũng có thể trở thành Cộng sản.

Kissinger nói với Tổng thống Indonesia rằng, hoạt động này cần phải thành công nhanh chóng, và “sẽ tốt hơn nếu được thực hiện sau khi chúng tôi trở về” Hoa Kỳ, theo các tài liệu được Thư viện Tổng thống Ford công bố. Hơn 100.000 người dân Đông Timor đã bị giết hoặc chết đói.

Kissinger bác bỏ những lời chỉ trích bước đi này, cho rằng họ không phải đối mặt với thế giới của những lựa chọn tồi tệ như ông đã làm. Nhưng những nỗ lực dập tắt chỉ trích bằng những lời lẽ mỉa mai khiến chỉ trích càng thêm căng thẳng.

Có ít nhất một lập trường mà sau này Kissinger tự thay đổi.

Bắt đầu từ giữa những năm 1950 với tư cách là một giáo sư trẻ Đại học Harvard, ông đã tranh cãi về khái niệm chiến tranh hạt nhân hạn chế – một cuộc trao đổi hạt nhân có thể được kiềm chế ở một khu vực cụ thể. Khi đương chức, ông làm việc rất nhiều về vấn đề răn đe hạt nhân – như thuyết phục đối thủ rằng không có cách nào tấn công hạt nhân mà không phải trả một cái giá quá cao không thể chấp nhận được.

Nhưng sau đó ông thừa nhận, khó có thể ngăn chặn một cuộc chiến tranh hạt nhân hạn chế leo thang. Vào cuối đời, ông chấp nhận mặc dù tương đối dè dặt, một nỗ lực mới nhằm loại bỏ dần dần tất cả vũ khí hạt nhân. Ở tuổi 95, Kissinger bắt đầu cảnh báo về sự bất ổn do sự gia tăng của vũ khí do trí tuệ nhân tạo.

“Tất cả những gì tôi có thể làm trong vài năm còn lại trong cuộc đời là nêu ra những vấn đề này,” Kissinger nói vào năm 2018. “Tôi không giả bộ như có câu trả lời.”

Kissinger vẫn có ảnh hưởng cho đến cuối đời. Những bài viết mới nhất của ông về quản lý một Trung Quốc đang trỗi dậy – bao gồm “Về Trung Quốc” (2011), một cuốn sách dày 600 trang kết hợp lịch sử với những giai thoại tự tôn – có thể được tìm thấy trên giá sách của các phụ tá an ninh quốc gia ở West Wing đã theo ông.

Khi Ford thua Jimmy Carter (Dân chủ) vào năm 1976, những tháng ngày đầy quyền lực của Kissinger đa phần kết thúc. Tổng thống Cộng hoà kế nhiệm, Ronald Reagan, giữ khoảng cách với Kissinger, người được Reagan xem lạc lõng với cử tri bảo thủ của mình.

Sau khi rời chính phủ, Kissinger thành lập một công ty tư vấn có quyền lực cao, giá cao ở New York, tư vấn cho giới thượng lưu doanh nhân trên thế giới. Ông phục vụ trong hội đồng quản trị các công ty, và nhiều diễn đàn an ninh và chính sách đối ngoại, viết sách và trở thành nhà bình luận truyền thông thường xuyên về những vấn đề quốc tế.

Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, Tổng thống George W. Bush đã chọn Kissinger lãnh đạo một ủy ban điều tra. Nhưng Dân chủ phản đối mạnh mẽ, cho rằng có xung đột quyền lợi với nhiều khách hàng của công ty tư vấn của ông đã buộc Kissinger phải từ chức.

Ly hôn với người vợ đầu, Ann Fleischer, vào năm 1964, sau khi có 2 mặt con, Kissinger 10 năm sau tái hôn với Nancy Maginnes – phụ tá Thống đốc New York Nelson Rockefeller.

Hương Giang (Tổng hợp)