Điểm nổi bật phiên xử Trump không đủ tư cách tranh cử theo Tu chính Án 14 

0
2152

(CaliToday) – Cho dù ông Donald Trump có xúi giục hay cổ võ bạo loạn ngày 6 tháng 1 năm 2021 hay không, cuộc tấn công vào Điện Capitol vẫn là cốt lõi của vụ kiện ở Colorado nhằm ngăn cản cựu Tổng thống có tên trên lá phiếu bầu cử 2024 của tiểu bang, theo “điều khoản nổi loạn” của Tu chính án thứ 14.
Trong ý kiến mở đầu phiên tòa xét xử vào thứ Hai, luật đại diện nguyên đơn – Tổ chức Công dân vì trách nhiệm và Đạo đức ở Washington D.C (CREW) và 6 cử tri ở Colorado – cho rằng, Trump “kích động đám đông bạo lực” tấn công Điện Capitol vào ngày 6 tháng 1 năm 2021 “để ngăn chặn chuyển giao quyền lực ôn hoà theo Hiến pháp chúng ta.” Những hành động đó, theo luật sư, khiến Donald Trump không hội đủ điều kiện để trở thành tổng thống lần nữa. “Đó là sự lơ là trách nhiệm của Trump, vi phạm lời tuyên thệ gìn giữ, bảo vệ và bênh vực Hiến pháp, gây ra thủ tục hiến pháp bị ngưng lại,” luật sư Eric Olson nói.
Tuy nhiên, biện hộ lại phản biện rằng, “vụ kiện phản dân chủ” cũng giống như “can thiệp bầu cử” trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2024, nơi cựu Tổng thống đang dẫn đầu vòng sơ bộ Cộng hoà. “(Vụ kiện này) dường như dập tắt cơ hội… cho hàng triệu người dân Colorado, cử tri Cộng hòa và cử tri độc lập ở Colorado, có thể lựa chọn và bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thống họ mong muốn,” luật sư Scott Gessler đại diện ông Trump tranh tụng. “Trên thực tế, ứng cử viên tổng thống hàng đầu của Đảng Cộng hòa, và theo nhiều thăm dò, ứng cử viên này có nhiều khả năng đắc cử tổng thống nhất.”
Dưới đây là 5 điểm nổi bật trong ngày xét xử đầu tiên.
Định nghĩa “bạo loạn” nằm ở trung tâm kết quả
Vụ kiện cho rằng, Mục 3 Tu chính Án 14, trong đó nêu rõ, bất cứ ai “tham gia vào bạo động hay phản loạn chống chính phủ Hoa Kỳ” đều không được giữ chức vụ công, tước tư cách ông Trump tái đắc cử tổng thống.
Được phê chuẩn năm 1868, Điều khoản thời nội chiến nhằm ngăn cản các viên chức Liên minh miền Nam giữ chức vụ dân cử. Lập luận pháp lý hiếm khi được sử dụng kể từ thời kỳ Tái thiết sau chiến tranh, và chưa bao giờ được sử dụng để tước tư cách một ứng cử viên tổng thống.
Một viên chức ở tiểu bang New Mexico bị cách chức vào năm ngoái sau khi tham gia vào vụ tấn công Điện Capitol, củng cố lập luận của nguyên đơn rằng những quy định tương tự nên áp dụng đối với cựu Tổng thống. Tuy nhiên, lập luận này đã thất bạit trong vụ kiện tương tự đối với Daq6n biểu theo thuyết âm mưu Marjorie Taylor Greene (Cộng hoà – Georgia) vào năm ngoái.
Luật sư nguyên đơn tranh cãi, vụ ở Colorado có 4 thành phần căn bản: Trump từng tuyên thệ công chức Hoa Kỳ. Vụ tấn công Điện Capitol là vụ bạo loạn. Trump tham gia vào bạo loạn. Và toà có thể ra lệnh cho Chánh thư ký tiểu bang Colorado loại ông ta ra khỏi lá phiếu của tiểu bang.
Nhưng luật sư biện hộ lại cho rằng, vụ kiện của nguyên đơn chỉ dựa vào báo cáo của Uỷ ban Đặc biệt Hạ viện điều tra vụ 6/1, vốn được họ gọi là “chất độc.”
“Lần đầu tiên họ yêu cầu, báo cáo điều tra 6/1 được xem là bằng chứng trước tòa, và điều này làm cho phiên điều trần bị chính trị hóa; đó là những gì họ đang hỏi, liệu tòa án này có dựa vào đó làm bằng chứng hay không,” Gessler lập luận. “Và thành thật mà nói, họ đang yêu cầu tòa án này trở thành tòa án đầu tiên trong quốc gia áp dụng một số lý thuyết pháp lý chưa bao giờ được tòa án tiểu bang chấp nhận.”
Dân biểu liên bang lên bục nhân chứng
Dân biểu Eric Swalwell (Dân chủ – California) đã thực hiện một bước đi hiếm hoi là đứng ra làm nhân chứng với tư cách là một nhà lập pháp đương chức. Ông ra khai về mình đã trải qua những gì tại Điện Capitol vào ngày 6 tháng 1, nhớ lại những diễn biến kinh hoàng trong ngày hôm đó, kết thúc bằng việc các nhà lập pháp phải di tản ra khỏi lưỡng viện.
Luật sư nguyên đơn Martha Tierney hỏi nhà lập pháp, liệu ông có theo dõi những ý kiến trên Twitter của ông Trump trong ngày hôm đó không, và Dân biểu xác nhận việc này. “Chúng tôi kết nối những ý kiến của Tổng thống trên Twitter với an toàn cá nhân ở Hạ viện, và cũng như tính toàn vẹn của thủ tục đang diễn ra,” Swalwell nói.
Trong phần đối chất, luật sư biện hộ đặt câu hỏi về vụ kiện thương tích cá nhân được Swalwell đệ đơn chống ông Trump. Luật sư cho rằng, nhà lập pháp California có thể hưởng lợi từ kết quả trong vụ kiện này, và Dân biểu từ chối trả lời.
Luật sư biện hộ cũng biến một ý kiến của Swalwell chống lại chính ông, cho rằng, phát ngôn nảy lửa của nhà lập pháp không thực sự kích động bạo lực, cũng giống như những ý kiến của thân chủ vậy. “Chúng ta phải chiến đấu một mất một còn,” Swalwell trên Twitter vào tháng 5 năm 2022 nói về quyền phá thai.
“Ông không ủng hộ bạo lực phải không?” – “Không, tôi không,” Dân biểu đáp.
Phiên toà do thẩm phán xét xử
Thẩm phán toà liên bang ở Colorado, bà Sarah Wallace, giám sát phiên xét xử, điều này có nghĩa toà là người ra phán quyết vụ kiện, không phải do bồi thẩm đoàn xét xử. Phiên toà dự tính sẽ kéo dài khoảng 1 tuần, và sẽ giải quyết 9 chủ đề, Wallace cho hay trong hồ sơ toà, bao gồm ý nghĩa của “tham gia” và “bạo loạn” trong Tu chính Án thứ 14, và liệu hành vi của ông Trump dẫn đến vụ bạo động có đủ tiêu chuẩn hay không.
Khi bắt đầu phiên xét xử vào thứ Hai, Wallace bác bỏ thỉnh nguyện từ phía bị cáo, yêu cầu bà rút lui khỏi vai trò giám sát, với lý do Thẩm phán có đóng góp cho Tổ chức hành động chính trị Colorado Turnout Project chuyên tập trung vào hỗ trợ bầu cử cho Dân chủ trên khắp tiểu bang.
“Tôi rõ ràng có đóng góp $100 Mỹ kim cho Colorado Turnout Project. Như được nói trước hôm qua, tôi không biết rõ về tổ chức này cũng như sứ mệnh của nó,” Wallace nói trước khi bác bỏ thỉnh nguyện. “Cho đến nay, tôi không đưa ra quan điểm nào về việc liệu các sự kiện ngày 6 tháng 1 có cấu thành một cuộc bạo loạn hay không, hay liệu người can thiệp Trump có tham gia vào một cuộc bạo loạn đó hay không,” Thẩm phán nói tiếp.
Phát ngôn nhân chiến dịch tranh cử 2024 của Trump, Aaron Harison, gọi quyết định của Thẩm phán Wallace tiếp tục giám sát vụ kiện “chỉ là ví dụ mới nhất về việc Dân chủ của Biden lạm dụng tòa án để can thiệp vào chiến dịch tranh cử tổng thống, và gây thiệt hại cho chiến dịch tranh cử đang dẫn đầu của Trump.”
Nhân viên thực thi công lực, chuyên viên về chủ nghĩa cực đoan ra khai
Nhân viên cảnh sát D.C Daniel Hodges là nhân chứng đầu tiên được nguyên đơn mời lên bục nhân chứng nói về những gì ông đã trải qua khi bảo vệ Điện Capitol khỏi đám đông bạo lực vào ngày 6/1. Nhân chứng mô tả những kẻ bạo động “đông hơn rất nhiều,” họ mang theo cờ “chiến tranh và cánh mạng.” Nhân chứng gọi bạo động là cuộc “tấn công khủng bố” và nền Hoa Kỳ, và là cuộc “hành hung vào nền dân chủ,” và “nỗ lực ngăn cản chuyển giao quyền lực ôn hoà.”
Luật sư Nikhel đại diện CREW đặt câu hỏi về sự tận tâm của đám đông dành cho ông Trump. “Ông có nghe bất cứ điều gì đám đông nói về Tổng thống Trump không?” luật sư hỏi. “Chiến đấu cho Trump,” Hodges nhớ lại. “Đó là những lời hô vang.”
Trong phần đối chất, toán pháp lý của bị đơn cho rằng, viên cảnh sát này không thể biết những kẻ bạo loạn nào đã bị những ý kiến của Trump trên Twitter hoặc bài phát biểu của ông vào đầu ngày hôm đó ảnh hưởng trực tiếp.
Một nhân viên thực thi công lực khác, cảnh sát Capitol Winston Pingeon, trên bục nhân chứng bày tỏ niềm tin rằng, tính mạng của mình vào hôm đó đang gặp “nguy hiểm trước mắt.” Các chuyên gia về chủ nghĩa cực đoan chính trị sẽ ra làm nhân chứng vào cuối tuần này.
Những vụ kiện tương tự ở các tiểu bang khác
Cựu Tổng thống đối mặt với những vụ kiện tương tự ở Michigan và Minnesota, nhưng vụ ở Colorado là vụ đầu tiên được đưa ra xét xử.
Thỉnh nguỵện được đệ lên Tối cao Pháp viện Minnesota cũng có lập luận tương tự rằng, vai trò của Trump trong vụ tấn công Điện Capitol khiến ông không đủ tư cách giữ chức vụ công. Trong số những người đệ đơn có cựu Chánh Thư ký Minnesota Joan Growe (Dân chủ). Tranh tụng vụ này sẽ diễn ra vào thứ 5.
Một vụ kiện ở Michigan cũng đưa ra những luận lý tương tự. Michigan là nơi đặc biệt quan trọng đối với thách thức pháp lý, vì đây vừa là tiểu bang trọng yếu, và Chánh Thư ký tiểu bang Jocelyn Benson (dân chủ) vào đầu tháng có bài xã luận trên tờ Washington Post cho rằng, bà và các viên chức bầu cử hàng đầu khác không có khả năng ngăn cản Trump theo điều khoản đó.
Cả hai vụ kiện đều do Tổ chức Tự do Ngôn luận vì Dân đứng đơn.
Toán biện hộ ông Trump vào thứ Hai đặt câu hỏi về tính hợp lệ của tất cả những thách thức như vậy, gọi vụ kiện ở Colorado là “mới lạ” và “độc đáo.”
“Có lý do khiến những vụ như thế này không bao giờ được đệ lên toà, hoặc nhanh chóng bị bác bỏ,” luật sư Gessler tuyên bố vào thứ Hai.
Rất có thể ít nhất một trong những thách thức này cuối cùng sẽ lên đến Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, nơi chưa bao giờ ra phán quyết về “điều khoản bạo loạn” trong Tu chính Án thứ 14.
Hương Giang (Theo The Hill)